Con muốn giống Cha phải thế nào?
Thứ ba - 19/09/2017 11:46
2102
Ông cha ta đã từng nói: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, ý nói đã là cha con thì thế nào cũng có nét giống nhau về dáng vóc, tính nết, sở thích, sở trường. Các kitô hữu có chung một người Cha. Nét đặc biệt mà mọi tín hữu cần học những đức tính: Hiền lành và Khiêm nhường. Đó là niềm tự hào cho chúng ta mỗi khi nghĩ đến Người.
Trong thời buổi nhiễu nhương, vàng thau lẫn lộn, tính hiền lành và khiêm nhường của con người vì thế cũng bị mai một vì người ta sợ bị đàn áp, bóc lột, bị đè đầu cưỡi cổ. Thế nhưng người hiền từ khiêm tốn vẫn luôn được kính nể ở mọi nơi, mọi thời vì hiền lành và khiêm nhường không chỉ là những thuộc tính bên ngoài nhưng được coi là những giá trị thiêng liêng luôn được đề cao trong xã hội nhất là tôn giáo. Nơi Chúa Cha sự khiêm nhường là đức tính tiên phong trong tư tưởng, lời nói cũng như hành động.
Thiên Chúa khiêm nhường ra sao? Từ thuở tạo thiên lập địa, Thiên Chúa luôn là Đấng khởi phát mọi kế hoạch tốt đẹp. Thế nhưng khác với nhân loại tính, thích chọn người thông minh, cơ trí để hợp tác hoặc bàn luận kế hoạch. Thiên Chúa không như thế ! Ngài không hé lộ kế hoạch của mình cho người ‘hiền triết và khôn ngoan’ nhưng lại chọn ‘những kẻ bé mọn’ (x. Mt 11, 25-26). Những người bé mọn ấy là những cô nhi quả phụ, những người tội lỗi, bần hàn bị xã hội hắt hủi, xa lánh. Sự hiền lành và khiêm nhường của Thiên Chúa xuất phát từ trái tim rộng mở, khoan dung nên luôn ôm ấp, đón nhận cả người tội lỗi.
Chúa Giêsu cũng là Thiên Chúa nên hiền lành và khiêm nhường như bản chất của Ngài. Vì thế, trong suốt quá trình đào tạo các môn đệ, Ngài không dạy họ cách đấu tranh bằng gươm đao, võ khí nhưng chỉ khuyến dụ họ học với Ngài hiền từ khiêm tốn ở mức độ cao nhất: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29). Chúa không chỉ dạy các môn đệ sống hiền lành mà còn sống như vậy: Không lên án người phụ nữ phạm tội ngoại tình (x. Ga 8,11), vâng phục ý Chúa Cha (x. Ga 4, 34) và khi cúi xuống rửa chân cho các tông đồ (x. Ga 13, 12-15).
Chỉ với hai đức tính quý giá nói trên đã là một đề tài lớn cho chúng ta suy tư cũng như nhọc công học hỏi. Thiên Chúa vốn là Đấng cao cả mà còn hạ mình phục vụ, hiền lành không lên án, không xa lánh ai. Đức Giêsu trước cái chết cũng vẫn cầu nguyện xin ơn tha thứ cho kẻ tội lỗi: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34). Đức Giêsu cũng sống như thế, nên chúng ta không có quyền nhục mạ, ghen ghét, kết án người khác ?
Sự hiền lành và khiêm nhường của Thiên Chúa như suối thiêng khơi nguồn tình yêu, đến độ chỉ muốn trở nên không trước mọi người. Đồng thời gương của Ngài cũng là lời chất vấn trong tim mỗi người với những câu hỏi được đặt ra. Mang danh là Kitô hữu, là Con Thiên Chúa, tôi có hiền lành, khiêm tốn đủ để xứng đáng được gọi là con Chúa? Nếu chưa, tôi còn phải học, phải làm gì nữa cho đủ đây? Suy ngẫm về sự hiền lành và khiêm nhường đồng thời nhắc cho ta, dù có thành công, hiểu biết, tài năng, giàu có bao nhiêu đi nữa, trước mặt Thiên Chúa cũng chẳng đáng kể gì. Nhưng chỉ khi nào tôi biết cúi xuống trước anh em đồng loại và thưa lên cách khiêm nhường rằng. Cha ơi, trước mặt Cha, con chỉ là kẻ bé mọn, nghèo nhân đức, tội lỗi và đáng thương mà thôi.
Tác giả: Nt. Scholastica, Đaminh Bùi Chu