Con tim có lý lẽ riêng
Thứ ba - 26/09/2017 03:45
2250
Đứng trước hoàn cảnh éo le, một người với khuôn mặt buồn đầy tâm sự, một đứa trẻ đang ngơ ngác giữa đám đông, một cụ già với những bước đi khó nhọc…, bạn sẽ làm gì ? Bỏ đi hay chỉ nhìn với ánh mắt thương cảm rồi cũng quay bước, hoặc sẽ dừng lại lắng nghe và hành động theo “tiếng nói” của con tim? Câu chuyện sau đây là một ví dụ.
Ngày xưa, có một bà cụ ngồi thiền bên bờ sông Hằng. Một buổi sáng, sau khi ngồi thiền xong, bà nhìn thấy một con bọ cạp đang trôi bập bềnh vô vọng trên dòng nước. Khi con bọ cạp bị sóng đánh lại gần hơn. Nó bị mắc kẹt vào chiếc rễ cây tỏa rộng trên mặt nước. Con bọ cạp vật lộn điên cuồng để thoát thân nhưng càng cố gắng nó càng bị mắc kẹt sâu vào bẫy. Ngay lập tức, bà lão đi tới chỗ con bọ cạp đang gần chết đuối nhưng khi vừa chạm vào người nó, bà đã bị nó cắn. Bà cụ rụt tay lại, nhưng sau khi bình tĩnh, bà cố gắng cứu sống con bọ cạp một lần nữa. Nhưng mỗi lần cố gắng, thêm một lần bà bị bọ cạp cắn đến nỗi bàn tay ứa máu và khuôn mặt méo xệch vì đau. Một người đi đường nhìn thấy bà cụ đang vật lộn với con bọ cạp đã hét lên: “Bà có làm sao không thế, bà cụ ngốc nghếch kia ? Bà có muốn chết vì cứu con vật xấu xí kia không?” Nhìn vào đôi mắt của người lạ, bà đáp : “Vì bản tính của con bọ cạp là cắn, vậy tại sao tôi lại chối bỏ bản tính của mình là cứu lấy nó ?” (trích Ngôn ngữ của Chúa – tiến sĩ Francis S. Collins)
Người ta nói : “Con tim có lý lẽ riêng của nó” mà nhiều khi con người không thể lý giải. Nếu không phải người trong cuộc, chúng ta sẽ rất dễ như người đi đường ở câu truyện trên, sẽ thấy hành động của bà cụ thật ngớ ngẩn. Nhưng bà cụ đã hành động theo sự thúc đẩy của trái tim, chỉ vì “không muốn từ bỏ bản tính của mình là giúp đỡ người khác”.
Trên thực tế, không phải ai cũng dễ dàng đón nhận sự giúp đỡ của người khác ngay đâu như con bọ cạp không chấp nhận sự giúp đỡ của bà cụ, bởi vì nó đâu hiểu ý tốt của bà cụ cho nên nó đã cắn bà cụ, người đang cố gắng cứu nó. Trong cuộc sống, chúng ta cũng gặp rất nhiều trường hợp như thế. Tự vệ, phòng thân là điều con người hay làm. Tin người không phải là chuyện dễ dàng với xã hội thật giả lẫn lộn này, nhưng như vậy không có nghĩa trên mặt đất này không còn người tốt có trái tim chân thành.
Cũng có những người hiểu câu truyện trên theo cách “Bà cụ thật cố chấp đã biết bản tính của bọ cạp như thế rồi mà còn cứu nó”. Trong trường hợp ấy, việc giúp đỡ không những không mang lại kết quả, nhưng lại để lại hậu quả tệ hại.
Chắc hẳn chúng ta đã từng giúp người khác trong cơn nguy khốn, nhưng không phải lúc nào cũng thành công. Trong câu chuyện trên, bà cụ phải chịu hậu quả, bị con bọ cạp cắn đến đau điếng người, chảy máu và có thể còn nguy hiểm đến cả tính mạng. Mặc dù không được sự đón nhận nhưng bà vẫn vui vì bà cho rằng mình đã hành động đúng, đã làm những gì trái tim mách bảo. Nhiều khi chúng ta cũng như bà cụ bị “cắn” khi làm việc tốt, để sau đó nhiều người cay đắng thốt lên : “sẽ chẳng giúp ai nữa, chỉ tổ rước họa vào thân, cực chẳng đã…”, lòng tốt của họ không được nhìn nhận.
Yêu và được yêu là nhu cầu tự nhiên của con người bắt đầu từ những người gần gũi mình nhất. Tuy nhiên trong thực tế, tôi có thể xúc động, thương cảm cho những số phận gặp trên mặt báo, hay nghe kể ở đâu đó, nhưng tôi lại có thể ngoảnh mặt làm ngơ với lý do không có thời gian hay giúp đỡ cho xong. Những lúc như thế, tôi đang chối bỏ bản tính giúp đỡ Chúa đã đặt để trong lương tâm con người. Chủ nghĩa vô cảm không những tồn tại trong xã hội mà còn đang len lỏi vào các cộng đoàn tu trì làm cho cuộc sống của các tu sĩ ngày một thiếu lửa.
Lạy Chúa ! Cộng đoàn yêu thương, phục vụ luôn là lý tưởng của mỗi chúng con. Xin cho chúng con sẵn sàng ra khỏi chính mình và can đảm bước đến với những chị em đang cần sự giúp đỡ. Xin cho chúng con biết làm tất cả chỉ vì Tình yêu Đức Ki-tô thúc bách tôi.