Đồ cũ tích xưa

Thứ năm - 17/08/2017 08:24  1963
imagesĐêm đã khuya, trong góc khuất của một nhà kho bỗng có tiếng thở dài phát ra từ đống bát đĩa cũ. Tiếng thở dài ảo não ấy là của bát Chiết Yêu. Nghe tiếng thở dài, đĩa Vạn Ninh ở kề đó, ghé mắt sang hỏi: “Khuya rồi! Chị chưa ngủ hay sao mà còn thở dài?” Bát buồn rầu trả lời: Ngủ làm sao được. Cậu có biết sáng mai người ta sẽ chôn chúng ta xuống móng nền nhà mới không?

À..! Ra là vì chuyện ấy mà chị không ngủ được. Chiết Yêu nói bằng tâm trạng hồi tưởng. Nhớ lại lúc mình vừa ra khỏi lò gốm, người ta thi nhau ngắm nghía, nâng niu, chọn mua, chỉ khi nhà có đám cỗ to mới đưa ra dùng, xong việc là rửa sạch, phơi khô rồi xếp cất trong tủ chạn. Còn bây giờ thì…

Vạn Ninh cắt ngang. Đó là chuyện của mấy mươi năm về trước rồi chị ơi! Hồi ấy, thời buổi đói kém, mọi thứ thiếu thốn... đến vật dụng tầm thường như chúng ta cũng được người thợ gốm kín đáo gửi gắm bao tâm tư khi tạo mẫu, đặt tên, mà chị có biết tên của mình có nghĩa gì không ? Vẻ chân chất, Chiết Yêu trả lời. Thì họ đặt tên là để phân biệt bát tàu với bát con thôi chứ gì.

Vạn Ninh ngạc nhiên kêu lên. Trời ơi cái chị này… đến mình còn chẳng biết về mình thì làm sao mong người khác hiểu mình kia chứ ! Rồi ra vẻ hiểu chuyện, Vạn Ninh cắt nghĩa : Chị được gọi là bát Chiết Yêu vì hình dáng chị nhỏ hơn bát ô tô, miệng bát thì loe to, dưới đáy thì thắt nhỏ lại. Khác hoàn toàn với những kiểu bát thời nay, đó là do những thập niên trước, nước ta nghèo lắm, đến cái ăn còn chẳng đủ, nên các cụ nghĩ ra kiểu bát với cái miệng loe to mà đáy thì nhỏ, khi múc đỡ tốn thức ăn mà nhìn vẫn đẹp mắt. Còn nơi làm ra tôi ở tận Móng Cái. Người làng Vạn Ninh đến mua, rồi đem chúng tôi đi bán khắp nơi, nên mới có tên ấy. Chiết Yêu ngạc nhiên vì sự hiểu biết của Vạn Ninh.

Muốn thử xem nó có hiểu biết thật không. Bát chỉ một mảnh sứ vỡ bên cạnh hỏi. Cậu có biết mảnh vỡ hơi cong cong kia là cái gì không? Vạn Ninh nhìn mảnh sứ vỡ thật kỹ, rồi im lặng… ra chiều suy nghĩ lắm. Thấy đĩa đang sôi nổi bỗng trầm tư hẳn. Bát lại hối thúc…

Đĩa mới thủng thỉnh trả lời : Đó là mảnh vỡ của chiếc ống bút có hình Ông Tô Vũ chăn dê, đây là một tích chuyện rất hay đó chị. Cái gì… Chiết Yêu không nhịn được cười, hỏi vặn lại. Ống đựng bút mà cũng có tích chuyện. Chú mày nghĩ nhiều quá hóa lẩn thẩn thật rồi. Câu nói mỉa mai không làm Vạn Ninh giận. Nó kiên nhẫn giải thích. Cái ống bút bình thường thật, nhưng hình vẽ trên nó là câu chuyện cảm động về một con người có nhân cách rất đẹp đó chị ah.

Không biết vì cái vẻ nghiêm túc hay vì giọng trầm ấm của Đĩa cuốn hút, Chiết Yêu ngập ngừng hỏi: Vậy ông Tô Vũ ấy là người thế nào mà cậu khen nức lòng thế?

Để tôi kể chị nghe: ông Tô Vũ là một tôi trung của vua Hán Vũ Đế. Thời đó, nhà Hán bị giặc Hung Nô quấy nhiễu, dòm ngó… muốn cầu hòa, nên Hán Vũ Đế sai Tô Vũ đi sứ Hung Nô. Sang đó vì làm phật ý vua Thiền Vu, Tô Vũ bị ông ta bỏ đói nhiều ngày trong hang mà không chết. Thấy lạ, vua Hung Nô kinh sợ, cho Tô Vũ là thần, không dám hại nữa mà đày đến vùng đất Bắc, giá lạnh không người ở, cho chăn dê và giao hạn, khi nào dê đực đẻ con mới được trở về Hán. Tô Vũ ở nơi đày, ngày chăn dê, tối ngủ hang đá, thiếu thốn, cực khổ. Gặp mùa chim nhạn thiên di về phương Nam, Tô Vũ viết một lá thư nhờ chim nhạn mang về nhà cho đỡ nỗi nhớ nhung. Hán Vũ Đế tình cờ nhặt được thư mới biết Tô Vũ đang phải chăn dê khổ cực ở phương Bắc đã 19 năm… Chuyện còn nữa, nhưng sắp sáng rồi tôi phải ngủ đây.

Chiết Yêu chưng hửng, cằn nhằn, mai người ta chôn xuống đất tha hồ để ngủ. Đĩa ôn tồn. Tôi nghĩ thế lại hóa hay. Biết đâu trăm năm nữa ngôi nhà mới lại bị phá bỏ để xây cái khác, may mắn mà chúng ta được đào lên, thì giá trị lịch sử sẽ tăng gấp trăm gấp ngàn lần bây giờ ấy chứ.

Tôi chỉ sợ người ta đập nát mình ra, thì mới đau khổ kìa! Nhưng mà thôi lo gì nhiều cho mau già, việc bây giờ là ngủ thôi chị. Mới dứt câu, đã thấy hơi thở Vạn Ninh đều đều, nhẹ nhàng đi vào giấc ngủ. Chiết Yêu vẫn còn tiếc nuối câu chuyện dang dở. Nó chép miệng, liếc nhìn đĩa nghĩ bụng. Cái thằng… nhỏ tuổi mà có vẻ lý sự, lý tổng ra trò. Mà nó nói cũng phải. Biết đâu trăm năm nữa có người tìm được mình. Khi ấy người thời sau, muốn tìm hiểu về tiền nhân, sẽ phải nghiên cứu hình dáng, hoa văn của những đồ vật cũ hay chỉ là mảnh vỡ còn sót lại như cái ống bút kia để biết về nếp sống, văn hóa, tinh thần cao đẹp của con người một thời đã qua.

Vì chính những đồ vật vô tri như mình đã gắn bó chí thiết với quá khứ hào hùng hay cơ khổ mà tổ tiên con người đã từng trải. Họ sẽ lại thích thú và mình không còn là chiếc bát vô tri nhưng là lời xưa tích cũ đáng hậu nhân phải trân trọng. Nghĩ tới đây, xa xa văng vẳng tiếng gà báo trời sắp sáng. Đĩa cố nhắm mắt như để giữ lại chút thời gian của đêm an bình sắp qua.

Tác giả: Nt. Scholastica, Đaminh Bùi Chu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập168
  • Máy chủ tìm kiếm83
  • Khách viếng thăm85
  • Hôm nay32,528
  • Tháng hiện tại89,372
  • Tổng lượt truy cập79,321,210
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây