Buổi hội ngộ gia đình thánh hiến miền Nghĩa Hưng được tổ chức tại giáo xứ Đồng Quỹ hôm 28/6 với sự tham dự đông đủ của mọi thành viên gồm các linh mục, nam nữ tu sĩ thuộc nhiều thế hệ khác nhau đã để lại bao ấn tượng tốt đẹp trong lòng quý khách cũng như giáo dân chủ nhà. Các tham dự viên không chỉ được sống trong bầu khí chan hòa tình huynh đệ mà còn nhận được sự chia sẻ của các thế hệ đi trước mà điển hình là Đức Cha Phụ tá Hà Nội Laurensô Chu Văn Minh về hành trình ơn gọi trong niềm phó thác và đặt dưới sự chở che của Mẹ Maria, nhất là còn nhận được niềm khích lệ lớn lao từ phía giáo dân.
So với nhiều nơi trên thế giới, tín hữu Việt Nam nói chung rất tôn trọng và có cái nhìn thiện cảm đối với bậc tu trì. Bản thân người viết cũng nhiều lần nhận thấy sự quan tâm yêu mến của họ. Những lúc ấy gợi lên trong tôi suy nghĩ : mình là ai, có là gì đối với họ, sao lại nhận được sự ưu ái lớn đến như vậy ? Khi có dịp tiếp xúc với giáo dân, tôi có nêu ra câu hỏi này thì nhận được câu trả lời : “Vì các cha, thầy, sơ là người của Chúa!”. Câu đáp đơn giản mà sâu sắc, thật đáng để người sống đời thánh hiến phải suy nghĩ lắm ! Thông thường ngoài đời những người nhận được sự vị nể của người khác thường phải có những tiêu chuẩn như: giàu có, tài giỏi, xinh đẹp, có địa vị…
Trái lại, các tín hữu tôn trọng giới tu trì chỉ vì nơi họ có được nhân cách cao đẹp. Cái đẹp được thể hiện qua lời ăn, tiếng nói, cung cách ứng xử, sự thánh thiện toát ra từ nội tâm. Sức mạnh nội tâm người tu trì có được nhờ ơn Chúa. Quả thực, khi có Chúa đầy tràn trong mình, người thánh hiến như được bao bọc bởi ân sủng và có Thánh Thần điểm trang cho tâm hồn. Cùng với vẻ đẹp bên trong, điều quý giá nữa nơi những người đi tu là họ yêu Chúa bằng việc làm. Tình yêu được đánh giá bằng hy sinh. Điều này đã thu hút và khơi dậy thiện cảm của tín hữu, nên họ gọi người đi tu là cha, thầy, sơ và xưng mình là con ngay cả khi những người đi tu này chỉ bằng tuổi của con cháu họ. Như vậy, có thể thấy các tín hữu yêu mến, tôn trọng và đánh giá cao sự hy sinh của những người thánh hiến.
Linh mục hy sinh thời gian ngồi tòa giải tội, sớm tối dâng lễ, cầu nguyện thăm hỏi ủi an con chiên khi gặp phải những nghịch cảnh hay những thử thách trong cuộc sống. Cũng vậy, các tu sĩ nam nữ thuộc dòng hoạt động dâng trọn vẹn cuộc đời mình để sống trong đời thánh hiến qua việc dấn thân phục Giáo hội và tha nhân. Tại môi trường giáo xứ, các tu sĩ thường đảm nhiệm những công việc dậy kinh văn giáo lý, hoặc hướng dẫn ca đoàn… Đặc biệt, trong khi đồng hành với các thiếu nhi, họ khơi gợi tâm tình thảo hiếu ông bà, cha mẹ, tình tương thân tương ái đối với đồng loại. Dù không nói ra, những việc làm ấy lại có sức mạnh lan truyền nhanh và mạnh mẽ hơn ngàn vạn câu nói.
“Tôi chỉ thực sự là người khi sống với anh em tôi…”. Người tu trì càng cần hơn ai hết sự tương trợ không chỉ nơi những người có cùng chí hướng, mà cả nơi các tín hữu. Do đó, mỗi lần hội ngộ ơn gọi thánh hiến là một lần những “người của Chúa” được mời gọi hun đúc lòng đạo đức, tình liên đới, trợ giúp nhau trong đời sống, trong lời cầu nguyện không chỉ cho các thành viên còn sống mà cả cho những ai đã qua đời. Sự nâng đỡ ấy rất đẹp và cần thiết hỗ trợ mỗi người giữ được lòng trung thành với lời cam kết dấn thân phụng sự Chúa thông qua sứ vụ được trao phó. Đặc biệt, trong dịp này mọi thành viên trong gia đình thánh hiến không thể quên những tín hữu đạo hạnh đã vì Chúa mà dành cho giới tu trì những tình cảm tốt đẹp trong cách lập luận đơn giản và ngắn gọn, vì đây là những người của Chúa.
Nt. Scholastica, Đaminh Bùi Chu