Cái tôi thành kiến!
Thứ sáu - 15/12/2017 09:53
1219
Truyện kể rằng: “Một người ngoại đạo đến gặp Chúa Giêsu để hỏi về điều ông Ta đã thao thức bấy lâu nay: ‘Thưa ngài, làm sao để được sinh vào vương quốc của Ngài?’ Chúa Giêsu nghiêm nghị đáp: ‘Chỉ khi nào ông chết đi!’ Thấy người kia hốt hoảng, Chúa Giêsu liền giải thích thêm: ‘Một ý niệm cũ chết đi để một ý niệm mới được sinh ra, đó chính là vương quốc của Ta.”
Từ điển tiếng việt có rất nhiều từ ngữ đề cập đến từ “kiến” như : kiến hiệu, kiến lập, kiến nghị, kiến tạo, kiến thiết, kiến thức… Ở đây người viết chỉ xin nói về danh từ “thành kiến”, là ý kiến có sẵn, khó thay đổi. Thành kiến nhiều khi trở thành thói quen cố hữu của con người, thích nhìn sự vật, sự việc bằng kinh nghiệm từ quá khứ. Có thể, những kinh nghiệm ấy phần nào vẫn phù hợp với thực tại khiến ta tin tưởng và tự hào về sự thông minh, nhạy bén của mình mà không chịu suy xét lại, dù cũng không ít lần tiên đoán sai và có những bước trượt rất đáng tiếc khi hành động.
Có thể nói, thành kiến thì ở đâu cũng có, ở mỗi thời và mỗi người. Vậy tại sao tôi thích xét đoán người khác? Câu trả lời có vẻ ngụy biện “Vì tôi yêu thích sự thiện, nên khi thấy người khác không thiện thì tôi lên án’, v.v… Bên cạnh lý do đó, còn có một nguyên nhân được các nhà tâm lý chỉ ra, đó là cái tính ác nằm sẵn trong người tôi, làm cho tôi thích “hạ” kẻ khác và cảm thấy sung sướng một cách vô ý thức khi người khác bị hạ. Về điều này Chúa Giêsu khuyên : “Anh em đừng xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán” (Mt 7,1). Đức Giám Mục Fulton Sheen cũng đưa ra nhận định: “Tôi thường xét đoán người khác về khuyết điểm gì, thì đó là dấu chỉ tôi cũng có những khuyết điểm đó”. Bị ảnh hưởng nhiều bởi kỹ thuật, công nghệ điện tử con người ngày nay dễ rơi vào lối sống hời hợt, cứng nhắc, cái gì đã lưu trữ vào não bộ thì không dễ gì lấy ra. Đó là dấu của lối sống nhút nhát, tụt hậu, không dám mở lòng để cập nhật thông tin mới từ đối phương, vì lẽ đó chẳng có gì lạ khi “càng ngày ta càng không thể hiểu nhau”.
Lại nữa, khi ta quý và thương mến ai, ta sẽ rất thiện cảm và hết lòng với họ. Nói dễ hiểu hơn là ta thường đeo mắt kính màu hồng và mắt kính màu đen khi nhìn người, nhìn đời. Nếu có người mà ta thương mến được thì đó là lúc ta đang đeo mắt kính màu hồng, nên thấy họ nói cái gì cũng hay, làm cái gì cũng tuyệt. Ngược lại, trường hợp biết được một người xấu, dù thông tin ấy chưa có gì đảm bảo chính xác, ta vẫn có khuynh hướng yên trí đeo mắt kính màu đen trước cho chắc ăn. Dù rằng, người đó có cố gắng bao nhiêu ta cũng không để mắt tới, hoặc cứ phòng thủ, không chấp nhận. Đến khi không còn khả năng lấy chiếc mắt kính đen ấy ra, ta nhìn đâu cũng thấy một màu tăm tối, không còn thấy ai dễ thương và tốt bụng. Đó chính là lúc ta đã mất đi con mắt trong trẻo Thiên Chúa trao tặng và không gian của ta cũng bị thu hẹp lại, ta sẽ thành một kẻ sống u uất, lạnh lùng và bế tắc.
Lẽ dĩ nhiên là có những kinh nghiệm rất hữu dụng khi áp dụng đúng người, đúng lúc. Nhất là xã hội hiện nay có quá nhiều chiêu thức tinh xảo khiến ta khó nhận ra thật giả. Nhưng dù cảnh giác cao tới đâu thì mỗi cái nhìn sẽ chỉ cho phép ta chạm tới một mặt của chân lý, kinh nghiệm cũ dù có hay cỡ nào cũng không bao giờ đúng hết trong thực tại. Người xưa đã nhắc nhở chúng ta “thấy sao để vậy” hãy nhìn đúng sự vật, sự việc như chính nó đang biểu hiện, chứ đừng nhìn bằng tâm trạng hay kinh nghiệm chủ quan. Đó chính là cái nhìn của con mắt trong sáng, con mắt của thật thà, hồn nhiên. Nếu chúng ta dùng con mắt đó nhìn nhau, sẽ thấy cuộc sống dễ chịu, gần gũi hơn, luôn thấy tình yêu thương chân thành nơi nhau. Mẹ Têrêsa đã cho ta lời khuyên rất chí lý : “Chúa Giêsu khuyến khích ta đừng xét đoán ai. Cố đừng xét đoán người khác. Nếu bạn xét đoán người khác thì bạn không thể nào yêu họ được.”
Tác giả: Mr. Trần Thị Kim Liên, Đaminh BC