Phản tỉnh với triết học của Socrates

Thứ sáu - 24/11/2017 09:50  4842
imagesSocrates “là một trong số những khuôn mặt nổi bật nhất nhưng cũng bí ẩn nhất trong lịch sử triết học”[1]. Ông đặc biệt ở thành phần xuất thân, trong lối sống, trong phương thức sinh hoạt, và nhất là trong phong cách suy tư triết học. Giữa rất nhiều đóng góp của Socrate cho triết học, người ta không thể không nhắc đến phương pháp hộ sản trí tuệ của ông. Phạm vi bài viết này, tác giả tìm hiểu đôi nét về phương pháp suy tư của ông, khám phá những điểm tích cực, những mặt hạn chế, nhằm đưa đến những áp dụng thực tiễn trong cuộc sống.

Mục đích của phương pháp hộ sản trí tuệ

Phương pháp hộ sản trí tuệ của Socrates còn được gọi bằng các tên khác như phương pháp biện chứng Socrate (Socrates dialectics), phương pháp Socrates “Socratic method”, phương pháp bà đỡ, phương pháp trợ sản về mặt tinh thần… Socrates dùng phương pháp đối thoại vì ông tin đây là cách đảm bảo nhất để đạt được tri thức chắc chắn[2]. Ông cho rằng mọi người ai cũng biết lẽ phải, họ sẵn sàng làm theo lẽ phải nếu được thức tỉnh. Do đó, ông không rao giảng, nhưng thuyết phục người khác bằng kỹ thuật đặt câu hỏi. Qua đối thoại, Socrates muốn giúp ông cũng như người đối thoại tìm ra chân lý, nhận thức chính mình, đi từ hiểu biết mơ hồ đến nhận thức rõ ràng về các khái niệm đạo đức như: công bằng, bất công, thiện và ác, cái đẹp và dũng cảm... Ông không bao giờ chấp nhận những câu trả lời mập mờ, nhưng luôn tìm kiếm bản chất vấn đề, giúp họ tìm ra chân lý vốn bị che phủ bởi sự mê muội, theo phương pháp hộ sinh của mẹ.

Cách thức tiến hành phương pháp hộ sản trí tuệ

Trước tiên, Socrates giả vờ không biết, rồi nhờ những câu hỏi trúng đích tùy từng học trò và tùy hoàn cảnh, rồi chứng minh người đối thoại với mình thật ra chẳng biết gì, buộc họ phải làm sáng tỏ các ý niệm, cố gắng tranh luận, phát biểu những gì muốn nói.

Tiếp theo, ông dùng phương pháp quy nạp để xây dựng từng bước cái biết vững chắc, phân tích chính xác những ví dụ cụ thể, từ đó rút ra những kết luận và định nghĩa tạm thời.

Sau nữa, bằng phương pháp định nghĩa, ông làm cho những khẳng định tạm thời ấy ngày càng tinh vi và chính xác hơn.

Cuối cùng, ông đưa ra những định nghĩa rõ ràng hơn và tìm đến chân lý.

Mặt tích cực

Trước hết, Socrate được xem là bậc thầy về truy vấn. Sự quan tâm của ông đến con người thôi thúc ông không ngừng tìm kiếm con đường nhận thức mới, đánh dấu bước chuyển của ông từ triết học tự nhiên sang triết học con người. Để rồi từ đây, con người và vị trí của nó trong thế giới trở thành vấn đề trung tâm triết học Socrates, là đề tài chủ yếu trong mọi cuộc đối thoại của ông.

Thứ đến, Socrates chính là người đặt nền móng cho thuật hùng biện dựa trên hệ thống những câu hỏi đối thoại[3]. Ông thành công trong phương pháp này khi luôn đặt câu hỏi, luôn thắc mắc không biết mệt mỏi. Ông không bao giờ chấp nhận những câu trả lời mập mờ nhưng luôn tìm kiếm bản chất vấn đề. Kỹ thuật tra vấn của ông có điểm tích cực là cho thấy những mâu thuẫn trong câu trả lời, qua đó phô bày sự ngu dốt của kẻ trả lời, và thúc đẩy họ phải tra vấn thêm nữa các khái niệm, điều khiển có hiệu quả hoạt động tư duy của học trò, kích thích tính tích cực hoạt động nhận thức của họ. Đồng thời bồi dưỡng cho họ năng lực diễn đạt bằng lời những vấn đề khoa học một cách chính xác, đầy đủ, xúc tích.

Ngoài ra, phương pháp này giúp chính ông thu được tín hiệu ngược từ học trò một cách nhanh gọn, kịp thời điều chỉnh hoạt động của cả thầy lẫn trò, và ngược lại, trò cũng thu được tín hiệu từ thầy, để kịp thời điều chỉnh hoạt động nhận thức của mình. Thông qua cách tra vấn này, Socrates có khả năng chỉ đạo hoạt động nhận thức của từng học trò.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng của phương pháp truy vấn có thể thấy rõ nhất ở việc sử dụng phương pháp khoa học, mà bước đầu tiên là đặt ra giả thuyết. Sự phát triển và sử dụng phương pháp này là một trong những đóng góp bền vững nhất của Socrates, đó là thành tố chính trong việc đánh giá ông là cha đẻ của triết học chính trị, luân lý học, và là người khởi đầu của các xu hướng chính trong triết học phương Tây.

Hơn nữa, Socrates đã để lại những đóng góp lớn lao trong ngành giáo dục về thứ hiểu biết được đem ra bàn luận là hiểu biết đạo lý, về tinh thần tự học, tự suy nghĩ xem xét, tự trải nghiệm khám phá bản thân mình.

Cuối cùng, phương pháp tiếp cận chân lý do Socrates xây dựng chứa đựng yếu tố biện chứng, theo cả nghĩa cũ lẫn nghĩa mới. Theo nghĩa cũ, đó là nghệ thuật tranh luận để đạt đến chân lý bằng khả năng luận chứng, thuyết phục của người tham gia tranh luận; nghĩa hiện đại, đó là mầm mống của biện chứng chủ quan, biện chứng của các khái niệm. 

Do đó, phương pháp truy vấn biện chứng được xem là đóng góp quan trọng nhất của Socrates cho nền triết học phương Tây cách riêng và của cả nhân loại nói chung. Ông không ngừng tìm kiếm chân lý với niềm tin tưởng vào lý trí và suy nghĩ của con người, rằng họ có thể hạnh phúc hơn nhờ tra vấn một cách hợp lý. Đây là một suy tư mang tính nhân văn sâu sắc.

Mặt hạn chế

Thứ nhất, phương pháp hộ sản trí tuệ của Socrates chỉ đẩy học trò tới những câu hỏi căn bản mà không tìm được những giải đáp tận căn. Phương pháp của ông đôi khi tiêu cực, bởi thái độ tra vấn nhiều khi châm biếm, khinh thường, chọc tức, gây bối rối, tự ti và yêu sách khắt khe đến mức khơi nguồn cho sự bực tức và căm giận nơi các học trò. Ông không bao giờ cho ai là có lý, và chỉ muốn xâu xé người khác bằng những câu hỏi hóoc búa, để rồi đẩy các học trò vào chân tường.

Thứ đến, Socrates dùng phương pháp vấn đáp, nhưng kết quả học trò không thật sự hiểu biết đến nơi đến chốn. Chúng làm cho nhiều người khó chịu, thậm chí căm ghét, vì không ai chịu nhận là mình dốt. Đó chính là nguyên nhân đưa đến việc kết án tử hình Socrates vào năm 339 TCN, vì tội đầu độc tư tưởng thanh niên.
Sau cùng, phương pháp này tiêu tốn khá nhiều thời gian, biến vấn đáp thành cuộc đối thoại riêng tư giữa thầy và trò, không thu hút đông đảo mọi người cùng tham gia vào hoạt động chung trong cùng một khoảng thời gian.

Ứng dụng thực tiễn

Điểm thứ nhất, tôi thiết nghĩ, triết lý và phương pháp Socrates không mang tính hàn lâm, tư biện mà gần gũi với cuộc sống hàng ngày. Chúng không quá cao siêu, học thuật mà có thể áp dụng mọi nơi, mọi lúc, trên đường phố, trong hội trường, trên các giảng đường... Phương pháp vấn đáp đang là cách học hấp dẫn, thu hút nhiều thành phần tham gia và phù hợp với nhiều đối tượng.

Điểm thứ hai, phương pháp hộ sản trí tuệ của Socrates kích thích mạnh mẽ khả năng tư duy, phát huy tính sáng tạo của người học. Thông qua nghệ thuật hỏi – đáp, người học sẽ tìm ra được lời giải đáp cho nhiều vấn đề gặp phải trong cuộc sống hàng ngày.

Socrates xứng đáng là một vĩ nhân khi mang đến những quy chuẩn hoàn toàn mới cho nền triết học Tây phương và nhân loại. Triết học Socrates không có mục đích nào khác ngoài việc hướng tới con người với những suy tư, trăn trở đời thường . Là món quà thượng đế ban tặng cho đất nước Hy Lạp, Socrates là “bà đỡ” cho sự ra đời của các triết gia hậu thế. Ông “đã tạo ra một truyền thống đạo đức và trí tuệ nuôi dưỡng châu Âu cho đến tận ngày nay”[4].
 
[1] Ted Honderich, Hành trình cùng triết học, NXB Văn hóa thông tin, 2002, tr. 1062.
[2] Cf. Samuel Enonch Stumpf, Philosophy History & Problems, Fifth Edition, tr.38.
[3] Lê Tôn Nghiêm, Lịch sử triết học Tây Phương, Tập II: Thời kỳ thượng cổ, NXB. TPHCM 2000, tr.17.
[4] Forrest E. Baird, Tuyển tập danh tác triết họctừ Plato đến Drrida, NXN Văn hóa thông tin, 2006, tr. 95.

Tác giả: Tâm Thành

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập262
  • Máy chủ tìm kiếm22
  • Khách viếng thăm240
  • Hôm nay62,572
  • Tháng hiện tại924,107
  • Tổng lượt truy cập69,983,981
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây