Thứ 5 tuần 28: Hạt lúa mì chết đi thì sinh nhiều hoa trái

Thứ tư - 16/10/2019 11:27  1285
Thứ 5 CN 28 TN
Ga 12,24-26

Có quan niệm chết là hết, nhưng cũng có quan niệm chết chưa hết và họ cho rằng: Đời sống con người gồm hai giai đoạn liên tục. Giai đoạn thứ nhất được kết thúc bằng sự chết, chấm dứt đời sống thân xác và mở sang giai đoạn thứ hai là cuộc sống thần thiêng không phụ thuộc vào vật chất. Quả thực, niềm tin Công giáo cho thấy cái chết mở ra cho con người niềm hy vọng trở về quê trời là quê hương đích thật của mình. Đây là mạc khải mà Đức Giê-su từ trời xuống chỉ cho nhân loại ý nghĩa của sự chết, một cách cụ thể cái chết của chính Ngài nhằm “qui tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11,52) bởi vì Đức Giê-su xuống thế làm người để cứu độ nhân loại. Ngài đã đi con đường thập giá, đau khổ, sự chết và phục sinh để đem ơn cứu độ cho con người.

Đức Giê-su đã dùng hạt lúa mì để minh họa cho cái chết của Ngài: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”. Theo lẽ tự nhiên, hạt lúa mì phải chết đi trong lòng đất mới sinh ra nhiều hoa trái. Tương tự như thế, Đức Giê-su cũng chấp nhận cuộc khổ nạn để mang lại nhiều hoa trái. Cái chết của Ngài dẫn đến sự sống mới, sự sống thần linh và quy tụ mọi dân nước thành một cộng đoàn đông đảo. Hoa trái ban đầu chỉ là một nhóm nhỏ các môn đệ, nhưng trải dài trong lịch sử cho đến hôm nay, hoa trái ấy tăng lên hàng tỷ người trên thế giới.

Để có hoa trái tốt và chất lượng, Đức Giê-su đưa ra một nguyên tắc xem ra rất nghịch lý yêu và ghét: “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời”. Theo ngôn ngữ Do Thái thời đó, “ghét” không có nghĩa là khinh chê, ghét bỏ hay loại đi, nhưng chỉ có nghĩa là yêu không bằng. Vì thế, chúng ta dễ hiểu khi nghe “ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất”, hàm ý những người sống ở đời chỉ chú trọng đến tiền tài, danh vọng và lạc thú sẽ cướp mất hạnh phúc Nước Trời. Nỗ lực sống tốt giây phút hiện tại và làm mọi việc hướng về quê hương đích thật sẽ bảo đảm cho sự sống đời đời: “Người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? (Lc 9,25).

Như vậy, Đức Giê-su dùng hình ảnh hạt lúa mì gieo vào lòng đất để nói về cái chết đem ơn cứu độ đến cho nhân loại và quy tụ muôn dân nước thành một mối của Ngài. Sự chết là điều tất yếu để biến đổi và làm nảy sinh sự sống mới. Niềm tin Ki-tô hữu chỉ ra rằng chính nhờ sự chết mà mỗi người được mời gọi sống xứng đáng theo giáo huấn của Đức Giê-su đề tiến về quê trời “Ai không vác thập gái mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,27). Đó là điều kiện để người môn đệ bước theo Đức Giê-su, được ở với Ngài và tìm được sự sống đời đời. Ngoài ra, sự chết vẫn còn là một mầu nhiềm và câu hỏi cho con người thời đại.

Hôm nay Giáo hội cho chúng ta mừng lễ nhớ thánh Ignatiô Antiôchia, giám mục, tử đạo khoảng năm 110 tại Rôma. Ngài đã bị quăng làm mồi cho thú dữ. Cả cuộc đời ngài nói về Chúa Ki-tô và sống triệt để lời dạy của Tin Mừng. Vì thế, ngài tự nhận mình là hạt lúa mì của Thiên Chúa và sẽ được nanh thú dữ nghiền tán để thành tấm bánh tinh tuyền của Đức Ki-tô. Có thể nói đời sống của thánh nhân như một bằng chứng “bước theo” và “sống theo” lời giáo huấn của Đức Giê-su. Ngài trở nên mẫu gương cho mọi tín hữu noi theo. Ước mong cuộc đời của mỗi tín hữu cũng là hạt lúa mì của Thiên Chúa, chết đi để trổ sinh hoa trái Tin Mừng cho người xung quanh. Amen!

Tác giả: Nhóm suy niệm BC

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập417
  • Máy chủ tìm kiếm21
  • Khách viếng thăm396
  • Hôm nay44,061
  • Tháng hiện tại904,422
  • Tổng lượt truy cập78,907,873
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây