Tháng cầu nguyện cho các linh hồn đã đến. Đây không chỉ là cơ hội để các tín hữu sống mầu nhiệm hiệp thông; nghĩ về nguồn cội; sống giới răn thảo hiếu đối với ông bà tổ tiên, khi các gia đình cùng nhau quây quần tại đất thánh để cầu nguyện cho các bậc tiền nhân mà còn là cách giáo dục con cái cháu chắt, về lòng hiếu thảo. Hơn thế nữa, tháng 11 còn là lời nhắc nhở chúng ta suy gẫm về sự chết hầu xác định cách sống trong hiện tại để chuẩn bị cho mình cái chết tốt lành, chết thánh với niềm hy vọng Phục Sinh mãnh liệt trong tương lai.
Những lá cờ tím được treo kín các nghĩa trang Công giáo trong những ngày này, như muốn nhắc nhở chúng ta rằng mình sẽ chết. Mặc dầu không biết sẽ chết ngày giờ nào, nơi nào, cách nào nhưng chắc chắn mình sẽ chết. Ðó là một chân lý rõ ràng và chắc chắn nhất, nằm ngay trong chính mỗi người. Đó cũng là vấn đề rất quan trọng vì nó đặt ra câu hỏi: Ðâu là ý nghĩa cuộc sống? Cuộc đời đi về đâu? Bên kia sự chết có gì không?
Theo kinh nghiệm, những người sắp chết có rất nhiều tâm trạng khác nhau. Có người lo âu sợ hãi, những khắc khoải đợi chờ, bâng khuâng, những ngóng trông mệt mỏi; người lại bất bình tức giận, chán nản muộn phiền, những buông xuôi tiếc nuối, những chiến đấu tuyệt vọng; người lại ăn năn thống hối với lòng tin tưởng mãnh liệt khi hướng lên Thiên Chúa giầu lòng xót thương và nhân hậu.
Những hiện tượng trên phản ánh những trực cảm nội tâm: Ðã tới lúc vĩnh biệt. Ðã tới lúc ra đi. Ðã tới lúc phải bỏ lại tất cả. Ðã tới lúc phải trực diện với lương tâm về trách nhiệm làm người, làm con Thiên Chúa. Đã tới lúc phải trả lẽ trước mặt Chúa về những nén bạc Chúa trao là thời giờ, sức khỏe, tài năng, và muôn vàn ân huệ khác. Trước đây, có nhiều người lẩn trốn lương tâm, nhưng lúc sắp chết, những điều ấy sẽ trở về trình diện rất nghiêm túc. Lúc ấy người ta mới thực sự nghiệm ra rằng sự sống là một quà tặng Chúa ban. Ơn gọi được làm con Chúa càng là một ân huệ Chúa ban nhưng không để phát triển bản thân và những người xung quanh theo Thánh ý Chúa. Sự phát triển tuỳ ở ơn Chúa và tự do cộng tác của mỗi người. Nếu ta đã hết lòng cộng tác với ơn Chúa thì giờ chết đến người ta sẽ cảm thấy bình an, như đã hoàn thành nhiệm vụ. Trái lại, nếu đã thờ ơ lãnh đạm hoặc cố tình chối bỏ ơn Chúa, người ta sẽ hoang mang sợ hãi vì chưa chu tất nhiệm vụ được trao. Quả như Leo Buscaglia đã nói: «những người đã chết hạnh phúc là những người đã nỗ lực sống hết mình». Tâm trạng và lối sống của chúng ta trong giây phút hiện tại sẽ quyết định tâm trạng và thái độ của chúng ta trong giờ chết.
Do đó, suy gẫm về sự chết là điều thực sự cần thiết, giúp chúng ta phân định và lựa chọn sống thế nào để yêu thương hơn, tha thứ hơn, cảm thông và chấp nhận nhau hơn; sống sao để tránh tội lỗi và vấp phạm; làm thế nào để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân tốt hơn; làm thế nào để sống hiền hòa và khiêm tốn hơn; làm thế nào để sống chính trực hơn. Sống gắn bó và hiệp nhất với Đức Kitô Đấng là Đường, là Sự Thật và sà Sự Sống, chúng ta sẽ có sức mạnh và sự khôn ngoan để vượt thắng tất cả. Đón nhận Người, lắng nghe Người, đi theo Người, bắt chước Người để sống khiêm tốn, vâng phục đến nỗi bằng lòng chịu chết trên thập giá, ta sẽ được sống trong ân sủng, trong tình yêu, trong sự sống vĩnh cửu của Đức Kitô. Khi ấy giờ chết không còn là giờ của sợ hãi, lo âu nhưng là giờ của hân hoan, hạnh phúc, giờ ta chính thức được bước vào cõi sống đời đời.
Lạy Chúa, dù biết con sẽ phải chết, nhưng chết trong sự nhận biết, tin tưởng và yêu mến Chúa, thì cái chết lại là niềm hạnh phúc, là cơ hội để con bước vào cõi sống đời đời với Chúa là Đấng con hằng khao khát. Xin Mẹ Maria giúp con luôn biết đón nhận cái chết từng ngày qua những hy sinh từ bỏ ý riêng, lòng tự ái, ích kỷ để học biết sống trong Đức Kitô, là Đấng đã chết và sống lại vì con. Như thánh Bênađô xưa, con xin thành tâm hối hận vì mọi tội lỗi, yếu đuối của con, xin Chúa tha thứ và ban ơn nâng đỡ giúp con cải thiện đời sống để mỗi ngày con sống đẹp lòng Chúa hơn. Amen.