Thứ Ba tuần XXX thường niên
(Rm 8,18-25; Lc 13,18-21)
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng hai dụ ngôn “hạt cải” và “nắm men” để diễn tả Nước Thiên Chúa. Cả hai dụ ngôn làm nổi bật khởi điểm khiêm tốn nhỏ bé so với sự hoàn thành viên mãn của Nước Thiên Chúa. Dụ ngôn “hạt cải” nhấn mạnh đến sự phát triển theo chiều rộng: từ hạt cải nhỏ bé được gieo xuống lòng đất, nhưng khi nó mọc lên, biến thành cây lớn hơn mọi thứ rau cỏ, đến nỗi chim trời tới nương náu trên được. Điều đó ám chỉ rằng hạt giống Nước Trời mà Chúa gieo vào giữa thế gian xem ra bé nhỏ và khiêm tốn, nhưng rồi sẽ vững mạnh và lan rộng khắp thế giới. Nhiều dân tộc và quốc gia sẽ nhờ ảnh hưởng của Hội Thánhđể xây dựng một xã hội công bằng và bác ái.
Dụ ngôn “nắm men” nhấn mạnh đến chiều sâu, tức phẩm chất của Nước Thiên Chúa: từ một nắm men người đàn bà lấy trộn vào ba đấu bột cho đến khi cả khối bột dậy men. Chúa ám chỉ Nước Trời ở giữa thế gian như một sức mạnh biến đổi, thăng tiến, thì mỗi người chúng ta cũng là men trong bột để cho nước Chúa trị đến.
Cả hai dụ ngôn đều cho thấy sức mạnh nội tại của Nước Thiên Chúa, một sức mạnh chỉ được nhìn thấy bằng đức tin mà thôi. Thật thế, khi kể hai dụ ngôn này, không phải Chúa không quan tâm đến sự thăng trầm của những hoàn cảnh, biến cố xẩy ra trong dòng lịch sử, mà chỉ nhằm nhấn mạnh đến tình trạng hoàn tất chung cuộc vào lúc cuối cùng của lịch sử: mặc cho những thử thách, khó khăn ngăn cản, Nước Thiên Chúa dù được bắt đầu một cách khiêm tốn nhỏ bé, nhưng chắc chắn sẽ phát triển đến mức viên mãn trong ngày cánh chung.
Ngày nay Hội Thánh vẫn tiếp tục thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng trong thế giới. Người tín hữu cần nhận ra rằng nếu như hạt cải không một sớm một chiều trở thành cây to lớn mà phải trải qua thời gian đôi khi khắc nghiệt, thì đời sống thiêng liêng cũng đòi kiên trì mới đạt được tầm vóc trưởng thành. Bao lâu còn tại thế, người ta vẫn phải sống trong niềm hy vọng và Hội Thánh có một vai trò làm men trong thế gian. Men sẽ có hiệu năng nếu nó không bị biến chất hoặc suy giảm. Nó phải tan hòa trong bột, để làm cho bột “dậy men” chứ không để bột bị hư hoại. Người Kitô hữu trong thế gian sẽ là những chất men nếu họ hoạt động trong môi trường mà không để bị biến chất vì môi trường.
Hiểu như thế nên Thánh Phaolô đã chiêm ngắm toàn thể tạo thành với niềm hi vọng sự kết thúc vinh quang của lịch sử. Được gieo trong lòng chúng ta, chính sức năng động của Nước Thiên Chúa phát triển hướng tới sự hoàn thành này. Được hòa vào với nhân tính của chúng ta, chính men của Lời Chúa làm chúng ta hành động như một tạo thành mới. Thần Khí giúp chúng ta ước muốn, tích cực dấn thân loan báo Tin Mừng, và kiên trì chờ đợi sự tỏ lộ vinh quang mà Thiên Chúa đã hứa cho con cái Người.
Trong Laudato Si’ (số 2), Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết rằng: Chị Trái Đất đang kêu gào vì sự hủy hoại do chúng ta, vì việc sử dụng vô trách nhiệm và bóc lột các tài nguyên. Vì cứ đinh ninh rằng, chúng ta chính là chủ nhân và chủ sở hữu, nên được quyền tận dụng. Bạo lực nằm trong trái tim bị tội lỗi gây thương tích của con người, xuất hiện rõ ràng qua các hiện tượng bệnh lý, mà chúng ta có thể ghi nhận trong đất đai, trong không khí và nơi các sinh vật. Vì thế, giữa những người nghèo bị bỏ rơi và bị đối xử tàn tệ nhất, chúng ta sẽ thấy trái đất của chúng ta bị bóc lột và bị tàn phá, “đang rên siết và quằn quại trong cơn sinh nở” (Rm 8, 22).
Vậy đâu là sứ mạng của người kitô hữu trong toàn bộ công trình tạo thành của Thiên Chúa? Thưa, đó là chúng ta thực hiện lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Các con hãy đi khắp tứ phương thiện hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15). Chúng ta hãy làm cho mạc khải của Thiên Chúa được nhiều người biết đến để họ cũng được trở nên con cái của Thiên Chúa. Như thế, chúng ta làm cho toàn thể tạo thành mau đến ngày được giải thoát hoàn toàn, được sống hiệp thông trọn vẹn trong Thiên Chúa và với mọi loài thụ tạo.