"Ông đã thấy và đã tin"

Chủ nhật - 04/04/2021 04:55  1592
CHÚA NHẬT PHỤC SINH
Cv 10,34a.37-43; Cl 3,1-4; Ga 20,1-9

easter jesus christ rose from the dead sunday morning dawn the empty tomb in the background of the crucifixion happy easter christian symbol of f 2b1y85dKết thúc của đoạn Tin Mừng hôm nay đã khẳng định rằng Người môn đệ Chúa Giê-su yêu mến đã tin. Tin cái gì? Thưa tin rằng Chúa Giê-su đã sống lại. Câu cuối cùng của bài Tin Mừng có ý nói lên điều đó, “Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết” (20,9), nhưng bây giờ thì đã hiểu rồi.

Vấn đề: Liệu người môn đệ Chúa Giê-su thương mến kia có kết luận quá sớm về việc Chúa Giê-su đã thật sự sống lại không? Một xác chết không còn nằm yên nơi đã an táng, không có nghĩa là đã sống lại, có thể là một sự đánh cắp thì sao? Và, nếu thực sự bị đánh cắp thì vấn đề là ai ăn cắp và ăn cắp để làm gì.

- Nếu nói các môn đệ ăn cắp xác thì nghe có vẻ có lý, để phao tin cho giới chức Do Thái rằng Người đã sống lại. Mục đích để minh chứng rằng lời của Chúa Giê-su đã nói là sự thật “ngày thứ ba sẽ sống lại”. Nhưng nếu ăn cắp thì phải là ai ăn cắp? Phải là chính các môn đệ, trong khi những người thân tín nhất là: Phê-rô, môn đệ Chúa Giê-su thương mến và Ma-ri-a Mác-đa-la lại không biết gì.

- Nếu nói người Do Thái hoặc giới chức tôn giáo Do Thái ăn cắp xác thì càng không đúng. Họ là người gây ra cái chết của Chúa Giê-su. Họ muốn Chúa Giê-su chết một cách trần trụi, tận mắt nhìn thấy xác chết ấy bị thối nát đi, chứ không muốn thân xác ấy phục sinh, để minh chứng rằng Chúa Giê-su không phải là Đấng Thiên Sai. Thế thì họ lấy xác làm gì để sẽ bị hiểu lầm là Chúa Giê-su đã phục sinh.

- Ăn cắp là một hành vi vụng trộm, làm nhanh, làm liều và không muốn bị phát giác,... Trong khi nhìn vào ngôi mộ, các môn đệ thấy những tấm khăn vải liệm được cuốn gọn gàng, xếp riêng ra với nhau. Làm gì có tên ăn trộm nào rảnh thế?

Những lý lẽ trên đây, đã hoàn toàn chống lại giả thiết rằng thân xác Chúa Giê-su đã bị đánh cắp. Dựa trên đức tin của người môn đệ Đức Giê-su thương mến, và trên hết là khi còn sống Chúa Giê-su đã tiên báo, thì sự kiện ngôi mộ trống là một bằng chứng khẳng định Chúa Giê-su đã phục sinh. Chính trình thuật tiếp theo của Tin Mừng Gioan đã nói đến việc Chúa Giê-su phục sinh hiện ra với bà Ma-ri-a Mác-đa-la.

- Dựa trên sự kiện, và những lời tiếp theo của Tin Mừng này, chúng ta biết chắc chắn rằng Chúa Giê-su đã phục sinh. Tuy nhiên, nếu Tin Mừng Gioan không nói cách rõ ràng rằng Chúa Giê-su đã hiện ra với bà Ma-ri-a Mác-đa-la sau khi sống lại thì liệu chúng ta có tin rằng Chúa Giê-su đã sống lại hay không? Có lẽ, chúng ta sẽ khó có thể thể tin, nếu không biết đặt sự kiện ngôi mộ trống này vào trong một tiến trình mạc khải tiệm tiến về lịch sử cứu độ của Thiên Chúa. Sở dĩ người môn đệ Đức Giê-su thương mến đã tin, vì ông đã đặt sự kiện ngôi mộ trống vào trong tiến trình của đức tin. Ông đã phải lắng nghe tất cả những lời rao giảng của Chúa Giê-su khi còn sống, nghiền ngẫm và đã chờ đợi trong đức tin; nên khi nhìn vào ngôi mộ trống, ông không hoảng sợ, không vồ vập, chạy đến trước mà không vào mộ,... nhưng ông đã tin. Đức tin của mỗi người tín hữu cũng vậy, tự nhiên bảo chúng ta tin vào sự kiện Chúa Giê-su sống lại, chỉ qua việc nghe đoạn Tin Mừng hôm nay, thì thật là khó. Đức tin của chúng ta sẽ đơm bông kết trái khi chúng ta nỗ lực và thiện chí lắng nghe, thấu hiểu và sống những mạc khải của Chúa.

- Tin Mừng Gioan dùng cm từ “người môn đệ Chúa Giê-su thương mến” để nói về một người trong số mười hai môn đệ của Chúa Giê-su. Thế thì ông này là ai trong mười hai môn đệ mà lại không được nhắc tên rõ ràng, trong khi mười hai môn đệ đều có tên? Không lẽ có người thứ mười ba, có người bí ẩn? Truyền thống Giáo Hội vẫn gán cho nhân vật này là ông Gioan. Tuy nhiên, đọc cả Tin Mừng, không có một bằng chứng rõ ràng nào để xác định là ông. Các nhà nghiên cứu Kinh Thánh cho rằng, đây là một hình ảnh biểu tượng để nói về Giáo Hội của Chúa. Chúa Giê-su đã muốn một Giáo Hội mang hình ảnh ấy. Nghĩa là, một Giáo Hội phải bước đi trong chiều dài lịch sử, một Giáo Hội phải thấm đậm những chân lý đức tin, và một Giáo Hội phải được bám rễ sâu vào mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Ki-tô. Giáo Hội chỉ có thể làm được điều đó khi chính các tín hữu sống được điều đó, nghĩa là đời sống đức tin phải được bám rễ sâu vào mầu nhiệm Chúa Ki-tô Phục Sinh.

- Một chi tiết làm cho chúng ta phải suy nghĩ là trong ngôi mộ trống, những tấm vải liệm được cuốn lại, khăn che đầu xếp riêng ra một chỗ. Có vẻ Chúa Giê-su Phục Sinh sống rất gọn gàng ngăn lắp!!! Thực ra, đây là một hình ảnh biểu tượng rất ý nghĩa mà Đấng Phục Sinh muốn gửi đến cho nhân loại. Đứng trước những mầu nhiệm cao siêu, đặc biệt là mầu nhiệm phục sinh, các tín hữu hãy dùng đức tin và chỉ có thể đón nhận bằng đức tin. Mọi suy luận của lý trí đều vô ích, hãy gạt lý trí sang một bên nếu muốn hiểu thấu mầu nhiệm Phục Sinh. Hình ảnh tấm khăn che đầu được xếp riêng ra một nơi đã nói lên điều đó.

- Cuối cùng, ngôi mộ trống sẽ chỉ là một sự kiện mà thôi, chứ không đem lại cho người tín hữu bất kỳ một sự trợ giúp hay niềm hy vọng nào, nếu con người không tin. Nhưng nếu con người dám đánh đổi cuộc đời để tin vào Chúa Giê-su phục sinh, thì con người sẽ được Thiên Chúa an bài, quan phòng và thưởng công. Hình ảnh những tấm khăn vải liệm được cuốn lại gọn gàng, chính là hình ảnh cuộc đời của những người tin. Thiên Chúa sẽ sẵn sàng dành riêng phần phúc, những phần phúc đã để riêng đó, đã cuốn lại gọn gàng sẵn đó và chờ đợi để được trao ban cho những kẻ tin. Nhận hay không nhận, hoàn toàn do con người quyết định.

Xin Chúa Giê-su phục sinh ban bình an và ở lại mãi trong tâm hồn chúng con. Amen. 

Tác giả: Lm. Giuse Đoàn Văn Tuân

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập108
  • Máy chủ tìm kiếm71
  • Khách viếng thăm37
  • Hôm nay35,936
  • Tháng hiện tại1,046,171
  • Tổng lượt truy cập79,049,622
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây