THỨ SÁU TUẦN THÁNH
Ga 18,1-19,42
Trong trình thuật cuộc thương khó Đức Giêsu hôm nay, ta thấy một bầu khí u ám, căng thẳng, thê lương bao trùm lên các nhân vật như Philatô và Phêrô chẳng hạn. Mặc dầu các nhân vật đó có những thiện chí nhất định, nhưng cũng khó nếu không muốn nói là dường như không thể vượt qua nổi sự sợ hãi, u mê, mù tối dày đặc ấy. Tuy nhiên, đây lại là lí do giảm khinh trách nhiệm và nhất là cơ hội để thấy rõ hơn lòng nhân hậu của Chúa đối với sự yếu đuối của con người.
Thật vậy, Philatô lúc đầu không mấy quan tâm, không mấy mặn mà với vụ xử Đức Giêsu. Ông nói: “Các người cứ đem ông ta đi mà xét xử theo luật của các người” (Ga 18,31). Tuy nhiên về sau, khi biết chỉ vì ghen tị mà những người Do-thái muốn giết Đức Giêsu nên ông đã tìm cách để tha bổng cho Ngài. Ông nại vào tục lệ của người Do-thái và ngỏ ý tha cho Đức Giêsu. Ông nói: “Vào dịp lễ Vượt Qua, ta thường tha một người nào đó cho các người. Vậy các người có muốn ta tha vua dân Do-thái cho các người không?” (Ga 18,39). Rồi khi thấy dân quyết không tha cho Đức Giêsu, Philatô đã dùng tới sỉ nhục kế: “Bấy giờ ông Phi-la-tô truyền đem Đức Giê-su đi và đánh đòn Người” (Ga 19,1), lấy mão gai đội trên đầu người, cho Người mặc áo đỏ, những nghĩ rằng sau đó dân thấy thế mà thương: “Đây là người!” (Ga 19,5). Nhưng dân chúng bị các thượng tế, kỳ mục, Pharisêu xúi dục càng mạnh mẽ hơn nữa, đòi phải giết cho bằng được Đức Giêsu. Kết cục là cho dẫu Phi-la-tô biết rõ không có lí do gì để kết tội Đức Giêsu nhưng do áp lực, do sợ mất quyền: “Nếu ngài tha nó, ngài không phải là bạn của Xê-da. Ai xưng mình là vua, thì chống lại Xê-da” (Ga 19, 12) nhưng đã nhắm mắt làm ngơ. Hơn nữa, ông đã cho phép người Do-thái đóng đinh Đức Giêsu vào thập giá.
Phêrô cũng những tưởng rằng mình sẽ trung thành, sống chết với thầy Giêsu. Ông đã từng nói: Dù cho mọi người có bỏ thầy đi nữa, con quyết không bỏ thầy. Đầu trình thuật cuộc thương khó, lúc Giuđa dẫn quân lính đến bắt Đức Giêsu, Phêrô cũng rất hăng hái, mãnh mẽ. Ông đã dùng gươm chém đứt tai tên đầy tớ vị thượng tế (x. Ga 18,10). Nhưng có lẽ cũng chính hành động hăng hái ban đầu này lại khiến ông sau đó trở nên sợ hãi, nhát đảm và hèn nhát hơn. Thật vậy, lần đầu chối thầy Giêsu là khi người tớ gái giữ cổng nói với ông Phê-rô: “Cả bác nữa, bác không thuộc nhóm môn đệ của người ấy sao?” Ông liền đáp: “Đâu phải” (Ga 18,17). Lần thứ hai là khi ông đang đứng gần lò sưởi, người ta nói với ông: “Cả bác nữa, bác không thuộc nhóm môn đệ của ông ấy sao?” Ông liền chối: “Đâu phải.” ( Ga 18,25). Và lần thứ ba do một người đầy tớ của vị thượng tế, có họ với người bị ông Phê-rô chém đứt tai hỏi: “Tôi đã chẳng thấy bác ở trong vườn với ông ấy sao?” Một lần nữa ông Phê-rô lại chối, và ngay lúc ấy gà liền gáy” (Ga 18,26-27).
Hiểu thấu những căng thẳng, sợ hãi, những thách đố mà Philatô cũng như Phêrô trải qua, Đức Giêsu đã nói với Philatô về trách nhiệm của ông: “Kẻ nộp tôi cho ngài thì mắc tội nặng hơn” (Ga 19,11). Ngài quá thấu hiểu. Ngài quá cảm thông. Ngài quá quảng đại đối với Philatô. Còn đối với Phêrô, theo Tin mừng thánh Luca, Chúa Giêsu cũng đã tiên liệu việc Phêrô chối Chúa ba lần. Ngài không những cảm thông tha thứ cho sự bội phản của ông mà còn hứa cầu nguyện cho ông. Ngài nói: “Simôn, Simôn ơi, kìa Xa tan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin” (Lc 22,31). Hơn nữa, Ngài còn tin tưởng rằng: “Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh”(Lc 22,32). Suy niệm về trình thuật này, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã quảng diễn trong loạt bài giáo lí thứ Tư hàng tuần về tác vụ của thánh Phêrô như sau: “Với những lời này, Đức Giêsu đảm bảo cho Simon một lời nguyện đặc biệt để Ngài kiên vững trong đức tin, nhưng Người cũng tuyên bố sứ vụ được giao phó cho Simon là củng cố đức tin của anh em mình.”
Hơn ai hết, Chúa Giêsu đã trải qua đêm tối của những sợ hãi, ghen ghét, hiềm khích, hận thù, tham lam, ích kỷ,… Vì thế, Ngài cảm thông trước những yếu đuối của Philatô, của Phêrô, của tất cả chúng ta. Ngài cầu nguyện cho chúng ta như Ngài đã cầu nguyện cho Phêrô để sau kinh nghiệm về màn đêm căng thẳng, sợ hãi, chúng ta sẽ thêm khao khát ánh sáng; sau kinh nghiệm yếu đuối sẽ thêm khiêm tốn và tin tưởng vào Chúa. Trình thuật thương khó, do đó, không chỉ là một màn đêm bao phủ mà thật ra là một ban mai về lòng từ bi nhân hậu của Chúa Giêsu Kitô. Amen.