Thánh lễ Tiệc Ly, Bữa Tiệc có một không hai
Thứ năm - 01/04/2021 04:30
2509
Mỗi Thánh Lễ là một Bữa Tiệc, mỗi Bữa Tiệc nhắc nhớ về Cuộc Vượt Qua: từ Cuộc Vượt Qua của dân Do thái năm xưa đến cuộc Vượt Qua của Chúa Giê-su; thì Thánh lễ hôm nay lại trở nên đặc biệt và ý nghĩa: Lễ Tiệc Ly, Lễ Rửa Chân, diễn ra thật tươm tất, ngoạn mục và ấn tượng:
Đặc biệt vì Giờ Bắt Đầu của Bữa Tiệc như thánh sử Gioan tường thuật: “Trước lễ Vượt qua, Chúa Giêsu đã biết rằng giờ của Người đã tới, để Ngài rời bỏ thế gian này mà về cùng Cha, Người đã yêu thương những người thuộc về mình còn ở trong thế gian, thì Người đã yêu thương họ đến cùng.”
Đặc biệt vì ‘giờ’ được nói ở đây không phải là giờ của sự chết như cách nghĩ bình dân, nhưng là: ‘giờ Người rời bỏ thế gian này mà về cùng Chúa Cha’. Giờ mà Chúa Giêsu sắp thực hiện một cuộc vượt qua, vượt qua thế gian này để về với Chúa Cha. Đặc biệt vì sự chuẩn bị và triệu tập hết sức tươm tất, ngoạn mục và ấn tượng của ông chủ tầm cỡ mang tên Giê-su.
Tươm tất đến độ: Ngài đã liên hệ phòng ăn, đã tìm mối lừa ngựa, và dặn các ông khi đến lấy chỉ cần bảo: Chúa có việc cần dùng, thế là xong. Tươm tất vì Ngài đã đặt Phòng Tiệc, Đồ Ăn Thức Uống. Khi thầy trò lên đường và đi tới thì mọi sự đã sẵn như Lời Người tiên báo. Quả như đã ứng nghiệm chính lời giáo huấn của mình, nay Ngài vẫn đang thực hiện: Muốn làm lớn phải trở nên người phục vụ, muốn làm đầu phải hầu thiên hạ.
Hơn nữa, Bữa Tiệc mà Chúa Giê-su chuẩn bị có sự khác biệt vô cùng quan trọng, đó chính là một sự thay ngôi đổi chủ: tớ vinh dự lên ngồi vào vị trí của chủ, đang khi ông chủ lại khiêm tốn xuống đứng vào chỗ của tớ. Một bữa tiệc mà người đầy tớ lên ngồi chễm trệ trên bàn danh dự, còn ông chủ nhà lại lăng xăng đầu tắt mặt tối, đầu này xó nọ, với mục đích làm sao cho bữa tiệc tươm tất nhất và trang trọng nhất để phục vụ cho người đầy tớ của mình vừa được lên ngồi vào chỗ của ông chủ. Đây chính là hình ảnh một người mẹ đầu tắt mặt tối mỗi khi Nhà Có Khách…
Ngoạn mục vì Bữa Tiệc Chia Ly mà người Môn đệ Chúa yêu mô tả không hề có bóng dáng của lo lắng sợ hãi theo kiểu: Mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất’ (Lc 22,44), nhưng là một tâm tình rất khác: Người đã yêu thương những người thuộc về mình còn ở trong thế gian, thì Người đã yêu thương họ đến cùng.’ Như thế, với Chúa Giêsu, giờ của cuộc vượt qua lại chính là giờ của yêu thương, yêu thương đến cùng. Trong giờ đó, cái chết không chỉ là phương tiện giúp Chúa Giêsu thực hiện cuộc vượt qua, mà cái chết còn là cơ hội giúp Người diễn tả cách rõ nét nhất tình yêu của mình dành cho các môn đệ.
Ấn tượng vì đến nay có lẽ chúng ta vẫn ngỡ ngàng, bởi chẳng ai dám nghĩ rằng: người Thầy - một vị Thiên Chúa làm người trọn vẹn đã cúi xuống rửa chân cho con người, để nêu gương và mời gọi: Vậy anh em cũng hãy RỬA CHÂN CHO NHAU, để được chung phần với Thầy. Hay nói cách khác: Rửa Chân Cho Nhau chính là cách tham dự vào Cuộc Vượt Qua, là điều kiện để được Chung Phần với Thầy, để được trao tặng tước hiệu hay tất cả quyền lợi “Thiên Chúa” cho con người: “một Thiên Chúa đã trở thành người phàm để người phàm trở thành Thiên Chúa”(I-rê-nê), một Thiên Chúa rửa chân cho con người sẽ luôn là điều khó hiểu, là khuôn mẫu không hề tát cạn.
Khi miên man từ Bữa Tiệc rất con người đến Bữa Tiệc mà Chúa Giêsu đã chuẩn bị như chúng ta đã và đang phân tích, mỗi chúng ta hãy nghĩ xem, đã bao lần vợ chồng đã không chịu Rửa Chân cho nhau, con cái đã không Rửa Chân cho Cha Mẹ, hay vợ chồng đã không thực sự Rửa Chân (giáo dục) giáo dục con cái như lòng Chúa ước mong.
Mặc trong tâm tình như thế, khi nhìn ngắm Chúa Giêsu Quỳ gối rửa chân cho các môn đệ để diễn tả tình yêu đến cùng trong bầu khí thánh lễ đặc biệt chiều nay, với tư cách là cha mẹ, là vợ chồng, là con cái, chúng ta cũng được mời gọi hãy: yêu thương nhiều hơn, yêu thương nhiều nữa, phục vụ nhiều hơn, phục vụ nhiều hơn nữa, tha thứ nhiều hơn, tha thứ nhiều hơn nữa, ấy là chúng ta cũng đang chuẩn bị tươm tất và chu đáo cho Bữa Tiệc Vượt Qua, tiến về sự sống Vĩnh Cửu trong hân hoan và trần trề hy vọng. Amen!
Tác giả: Lm. Giuse Phạm Văn Quang