Giờ của lòng thương xót

Thứ bảy - 10/04/2021 04:38  1432
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH
Cv 4,32-35; 1Ga 5,1-6; Ga 20,19-31

saintthomas 01 620x330Chúa Nhật thứ II phục sinh, còn được gọi là Chúa Nhật của lòng Chúa thương xót. Lễ này được đức thánh giáo hoàng Gioan Phao-lô II thiết lập vào ngày 30/04/2000. Sứ điệp về lòng Chúa thương xót, được Chúa Giêsu mặc khải cho nữ tu Dòng Đức mẹ nhân lành – Ba Lan, tên là Faustina (1905-1938). Sứ điệp được mặc khải từ những năm 1931 đến 1938.

Tin Mừng theo thánh Gioan từ chương 13 đến chương 20 (13,1 – 20,29), còn được gọi là “Sách về giờ của Chúa Giêsu”: “giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha”, giờ để “yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở trần gian và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1), giờ mà “một người trong anh em sẽ nộp Thầy” (Ga 13,21), giờ mà “Con Người được tôn vinh” (Ga 13,21); Và sau biến cố phục sinh thì đến giờ để ban “Bình an cho anh em” (Ga 20,19)… Đó là món quà mang giá trị quyết định mà Tin Mừng phục sinh đem lại cho những kẻ tin.

Tin Mừng hôm nay được trích trong phần “Sách về giờ của Chúa Giêsu”, nên chúng ta cũng có thể gọi là Tin Mừng về “giờ của lòng thương xót”.

Chúa Giêsu biết các môn đệ đang cần gì nhất sau cuộc thương khó của Ngài. Khi tận mắt nhìn Thầy tử nạn, bị đưa vào huyệt đá, các môn đệ sợ hãi. Sợ cũng vì người Do Thái (Ga 20,19); sợ vì chờ đợi một lời hứa “ngày thứ ba sẽ sống lại” trở thành hiện thực, mà không thấy; sợ đến nỗi “các cửa đều đóng kín”. Vì thế, Chúa Giêsu phục sinh biết rằng, điều cần nhất cho các môn đệ lúc này là sự bình an “Bình an cho anh em!”. Rõ ràng không gì có thể thay thế được thứ “bình an” mà các môn đệ đang cần, mà phải là bình an của Thầy. Do đó, bình an Chúa Giêsu đem đến cho các ông là bình an của lòng thương xót.

Chúa Giêsu biết đây là thời điểm thích hợp nhất để hiện đến với các môn đệ. Tin Mừng trình thuật rõ giờ hiện ra là vào buổi chiều “Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần”. Buổi chiều là hình ảnh ngày tàn, biểu chưng cho cuộc sống dần đi vào bóng tối, niềm hy vọng đang dần lịm tắt. Đấng phục sinh đã đến đánh tan bóng tối, khơi lên niềm hy vọng, làm cho ngày bừng sáng. Vì thế, giờ ấy cũng chính là giờ của lòng thương xót.

Chúa Giêsu biết “ngày thứ nhất trong tuần” là khởi đầu đẹp nhất. Ngày thứ nhất chính là khởi đầu của một chu kỳ thời gian, gợi cho chúng ta nhớ lại buổi bình minh của công trình tạo dựng vũ trụ vạn vật (St 1,1tt); và khởi đầu của hành trình rao giảng tìm lại sự sống cho con người (Mc 1,15). Chúa Giêsu hiện ra vào ngày thứ nhất đó là khởi đầu một kỷ nguyên mới với ơn tha thứ và cứu độ; là một sự đổi mới hoàn toàn, làm mới lại tất cả. Vì thế, ngày thứ nhất ấy chính là ngày của lòng thương xót.

Tô-ma là người môn đệ không có mặt trong biến cố Chúa Giêsu hiện ra, ông đi đâu làm gì, không ai biết. Sự kiện được đẩy cao khi ông không tin Chúa Giêsu sống lại. Ông cần một sự đụng chạm, cái đụng chạm bằng da thịt, bằng những cảm nhận thật của thân xác vật chất phải chết. Với nhóm môn đệ kia, Tin Mừng chỉ nói “Người cho các ông xem tay và cạnh sườn” (Ga 20,20), “xem” không có nghĩa là được đụng chạm. Riêng đối với Tô-ma, tám ngày sau, khi hiện ra cùng một thể thức ấy, Chúa Giêsu lại nói “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy” (Ga 20,27). Vì Chúa Giêsu biết đây là lúc cần một sự “đụng chạm”, vừa để chứng thực, vừa để khai mở ơn xót thương “từ cạnh sườn, máu cùng nước chảy ra” (Ga 19,34). Đây chính là cái “đụng chạm” của lòng thương xót, cái đụng chạm của ơn tha thứ và hòa giải.

Đức Giêsu Kitô chính là mặc khải trọn vẹn của Thiên Chúa. Đặc biệt, dung mạo của lòng Chúa thương xót thể hiện cách rõ ràng nơi cuộc đời Chúa Giêsu. Vì vậy, để kín múc được ơn thương xót và tha thứ, Chúa Giêsu mời gọi tất cả những kẻ tin hãy đến và trực tiếp đụng chạm đến lòng thương xót của Người. Thánh Tô-ma được đụng chạm bằng xúc giác, còn chúng ta được mời gọi đụng chạm bằng cảm thức, nghĩa là bằng cả con người với ý thức, đức tin và niềm khao khát. Thánh Tô-ma được tận tay chạm đến những vết thương; chúng ta có thể được Người đụng chạm trực tiếp đến những thương tích của chính ta. Kinh nghiệm đức tin đang cho chúng ta thấy rằng, dù ý thức hay không ý thức, dù biết hay không biết, thì  Chúa Giêsu, hiện thân lòng thương xót của Thiên Chúa Cha, vẫn đang không ngừng đụng chạm đến những thương tích của chúng ta. Bằng chứng là chúng ta đã không ngừng được chữa lành.  

Vì thế, lòng thương xót của Chúa Giêsu đến với con người phải là một cảm nghiệm chứ không phải một phong trào. Chúa Giêsu mời gọi Tô-ma “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đừng cứng lòng nữa nhưng hãy tin” (Ga 20,27). Lòng thương xót của Thiên Chúa chỉ đến khi bản thân chúng ta trải qua kinh nghiệm thực tế và trực tiếp. Mỗi người phải cảm nghiệm trong tư cách cá nhân chứ không phải chạy theo số đông bởi vì không khéo chúng ta sẽ chỉ thấy đơn thuần là một phong trào, chứ không đem lại hết được những giá trị thật sự.

Không thấy mà tin là mối phúc thật, mối phúc cuối cùng của Chúa Giêsu. Với giới hạn con người, chúng ta không thể trông thấy những thực tại cao cả nhất của Thiên Chúa. Chỉ có đức tin mới đưa chúng ta tới đó. Đó chính là hạnh phúc đích thực. Con đường của lòng tin chúng ta hôm nay là con đường của lòng mến. Càng yêu mến nhiều, càng tin vững chắc. Những người có lòng mến Chúa thường không cần phải tin, nhưng mà họ vẫn thấy.

Chúng ta là thế hệ không thấy Chúa bằng mắt phàm, nhưng thấy Chúa bằng đức tin qua Thánh Kinh, qua các Bí tích và qua Giáo Hội. Chúng ta có đức tin nhưng đức tin chúng ta vẫn còn yếu kém, xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng ta. Amen.

Tác giả: Lm. Giuse Đoàn Văn Tuân

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập445
  • Máy chủ tìm kiếm41
  • Khách viếng thăm404
  • Hôm nay49,215
  • Tháng hiện tại909,576
  • Tổng lượt truy cập78,913,027
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây