Thứ Ba tuần II Mùa Phục sinh B
Ga 3,7b-15
Một buổi sớm mai, khi tiếng gà lanh lảnh khắp thôn làng, ánh bình minh đã ló rạng nơi chân trời đông, bác nông dân xách đôi quang gánh ra, tiến lại phía góc gian nhà kho và xốc hai thúng thóc giống để vào quang gánh.
Bác ta làm gì thế nhỉ? – những hạt lúa xôn xao!
Có lẽ bác ấy sẽ đem chúng ta đi trưng bày ở quầy nông phẩm – một hạt thóc lên tiếng.
Chẳng phải chúng ta là những hạt thóc đẹp nhất đó sao, bộ áo của chúng ta vàng óng, thân hình chúng ta chắc mẩy thật là đẹp – hạt thóc khác tiếp lời.
Đúng vậy, qua một đợt lựa chọn, hong phơi, rê, sàng, sẩy khi lúa mới về, thì chỉ hôm qua thôi, chúng ta lại được sàng lọc một lần nữa, chúng ta quả là những hạt thóc đẹp nhất - hạt thứ ba góp lời.
Được mọi người ngắm nhìn, ca ngợi, chúng ta mới thật hạnh phúc làm sao! Hạt thứ tư thêm vào.
Thế là các hạt thóc râm ran trò chuyện bay bổng, không hề để ý đến bác nông đưa chúng qua một chặng đường dài và dừng lại trên một thửa ruộng đã được cày xới…
Ôi! Điều gì thế này? Các hạt thóc đồng loạt la lên trong khi chúng rơi xuống mặt đất sình lầy qua bàn tay của bác nông dân. Thật đau đớn, bộ áo vàng óng của chúng giờ đây nhuốm đầy sình đen. Hạt thóc nức nở khóc thương cho thân phận mình. Trong lòng đất, chúng thấy mình từ từ thối rữa. Ôi, thế là hết những mộng ước vàng son!...
Ít ngày sau, mọi người đi ngang qua thửa ruộng đều trầm trồ: Ồ lúa đã nhú mầm xanh, thật là đẹp! Rồi ngày tháng qua đi, với sự chăm bẵm của bác nông dân, những cây mạ non đã thành những cây lúa đương thì con gái xanh óng mượt. Không còn nằm ru rú trong một góc kho tối tăm, chúng uống no thỏa làn nước mát ngọt dưới chân, đùa giỡn rì rào cùng chị gió và ngắm nhìn bầu trời lồng lộng rộng lớn bên trên, tự do và tự tại lớn lên thật nhanh, hứa hẹn một ngày mùa sẽ bội thu. Bây giờ hạt thóc mới hiểu hết được ý nghĩa của sự tái sinh trong cuộc sống mới và nó thật hạnh phúc vì biết rằng mình sẽ mang hạnh phúc ấm no cho con người (Trích sưu tầm).
Trình thuật bài Tin mừng hôm nay tiếp nối trình thuật bài Tin mừng hôm qua, cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và ông Ni-cô-đi-mô về việc tái sinh hay sinh lại của con người để được hưởng ơn cứu độ.
Tái sinh hay sinh lại là một thuật ngữ được dùng phổ biến trong các tôn giáo, nhất là trong Kitô giáo, khi được đề cập đến sự cứu rỗi của con người. Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và ông Ni-cô-đi-mô cũng xoay quanh chủ đề về việc tái sinh hay sinh lại để được sự sống đời đời. Khi Chúa Giêsu nói các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên. Cuộc sinh lại lần này không phải là sinh lại theo nghĩa thể lý mà cuộc sinh lại trong Chúa Thánh Thần là nguồn sống của của mọi loài.
Trong Tân ước, có nhiều lần Chúa Giêsu nhắc nhở cho chúng ta cần phải được sinh lại để được sự sống đời đời (Ga 3,6-8; Ga 1,13), hay trong các thư ( Ep 2,5; 2Cr 5,17).
Tái sinh là ra khỏi chính mình một lần nữa, là cởi bỏ con người cũ và cởi mở để Chúa Thánh Thần tác động: “Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy”, để trở thành con người mới. Sự tái sinh có tác động làm thay đổi bản chất của mỗi người và của chính mình. Tái sinh không thể hiểu là trở lại lòng mẹ để sinh ra một lần nữa, như cách hiểu của Ni-cô-đi-mô bởi vì những gì thuộc về xác thịt là xác thịt, không thuộc về Thần Khí.
Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Galat cũng nói: “Những ai thuộc về Đức Kitô Giêsu thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê” (Gl 5,24).
Ông Ni-cô-đi-mô đã không hiểu được sự tái sinh trong Thần Khí, nên ông cho rằng con người có thể nên công chính nhờ việc tuân giữ các lề luật, nhưng ở đây Đức Giêsu mời gọi con người đặt niềm tin vào Người để được cứu độ, được sống muôn đời.
Vâng, để được tái sinh, con người cần tin vào Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chấp nhận hiến tế chính mình làm giá chuộc tội cho chúng ta. Mỗi người chúng ta phải từ bỏ chính mình, là chết đi cho tội lỗi, từ bỏ mọi tật xấu, như hạt giống gieo vào lòng đất, chấp nhận sự mục nát, thối rữa để phát sinh mầm sống mới, sống một cuộc đời mới, làm phát sinh hoa trái trong Thần Khí. Thật vậy, tái sinh là một thách thức lớn bởi nó đòi chúng ta phải từ bỏ chính mình, mà từ bỏ bao giờ cũng là một hy sinh. Để tái sinh được, chúng ta phải dựa vào Chúa, dựa vào chính ơn Chúa, nhất là sức mạnh của Chúa Thánh Linh. Sức mạnh của Chúa Thánh Linh sẽ âm thầm tác động và biến đổi tái tạo để mỗi người trở thành con người hoàn toàn mới.
Lạy Chúa Giêsu, Đấng Phục Sinh, xin ban Chúa Thánh Linh để Người biến đổi mỗi người chúng con thành một con người mới của Chúa. Để nhờ đó chúng con được hưởng ơn cứu độ mà Ngài đã ban cho chúng con.