CHÚA NHẬT THỨ III PS B
Cv 3,13-15.17-19; 1 Ga 2,1-5; Lc 24,35-48
Phụng vụ lời Chúa hôm nay cho thấy quá trình tiến triển trong niềm tin chắc chắn của các tông đồ, các môn đệ Đức Giêsu: Từ nhát đảm, hoang mang, sợ hãi, lo âu, nghi ngờ đến vững vàng, can đảm, tin tưởng, nhiệt thành rao giảng và làm chứng cho Chúa phục sinh. Chúng ta đặt câu hỏi: Đâu là nguyên nhân giúp các tông đồ, các môn đệ có được niềm tin chắc chắn, lòng can đảm và nhiệt thành làm chứng nhân cho Chúa như vậy?
Đọc thoáng qua các trình thuật Tin mừng về việc Chúa phục sinh, chúng ta có thể nói chính việc Chúa phục sinh hiện ra làm nền tảng, căn nguyên cho đức tin và lòng nhiệt thành của các tông đồ, các môn đệ trong việc rao giảng Tin mừng Chúa phục sinh và làm chứng nhân cho Chúa. Điều đó không hoàn toàn sai, nhưng đúng ra phải nói rằng những lần Chúa phục sinh hiện ra là khởi điểm cho các tông đồ, các môn đệ dần dần khám phá ra Chúa phục sinh và đặt niềm tin vào Ngài.
Quả vậy, đọc lại các trình thuật Kinh thánh về việc Chúa phục sinh hiện ra, chúng ta đều thừa nhận rằng bằng con mắt thể lý, các tông đồ, các môn đệ không thể nhận ra Chúa phục sinh và cũng không thể tin tưởng. Bằng chứng là bà Maria Mácđala đã không nhận ra Chúa khi Chúa đứng ngay bên bà. Tưởng là người làm vườn, bà cất tiếng hỏi Chúa: ông có biết người ta đem xác thầy tôi đi đâu, xin chỉ cho tôi biết, để tôi đem xác thầy tôi về. Hai môn đệ trên đường về quê Emmaus không thể nhận ra Chúa dẫu cho Chúa đã đồng hành với mình trên một chặng đường dài, được nói chuyện với Chúa, được nghe Chúa giải thích Kinh thánh. Ngay Tin mừng hôm nay cũng ghi nhận Chúa hiện ra trao ban bình an: Bình an cho anh em, họ không nhận ra; Chúa trấn an, Chúa cho xem tay và cạnh sườn, Chúa ăn uống trước mặt các ông; vậy mà các ông vẫn không nhận ra và chưa dám tin tưởng...
Nếu những lần Chúa phục sinh hiện ra không đủ để các tông đồ, các môn đệ Chúa phục sinh, can đảm và nhiệt thành làm chứng nhân cho Chúa, thì đâu là lý do để các ông có thể tin và nhiệt thành rao giảng tin vui Chúa phục sinh cho mọi người? Đọc các đoạn Kinh thánh nói về những lần Chúa phục sinh hiện ra, chúng ta chỉ có thể nói rằng chính tương quan thân tình với Chúa mới là yếu tố nền tảng, quan trọng nhất để các môn đệ tin rằng Chúa đã phục sinh và nhiệt thành làm chứng nhân cho Chúa.
Quả vậy, bà Maria Mácđala đã nhận ngay ra Chúa khi Chúa cất tiếng gọi tên bà: “Maria! Maria!” Bà cất tiếng thân thưa với Chúa: “Lạy Thầy, Rabboni”, rồi bà ôm lấy chân Chúa. Hai môn đệ trên đường Emmaus chỉ nhận ra Chúa qua nghi thức bẻ bánh quen thuộc. Suốt cả một chặng đường dài được đi với Chúa, được Chúa dùng Kinh thánh để minh hoạ về Đấng Kitô, nhưng hai ông không thể nhận ra Chúa. Tâm hồn họ chỉ có nóng lên mà không biết tại sao và cũng không nhận ra điều lạ lùng nơi người bộ hành. Cho tới khi dùng bữa, trước cử chỉ bẻ bánh quen thuộc của Chúa, mắt hai ông mới sáng ra và nhận ra Người. Với việc nhận biết này, thái độ của họ đã hoàn toàn thay đổi: thay vì buồn rầu, chán nản, thất vọng, họ vui mừng và ngay lập tức trở về Giêrusalem kể lại cho các anh em khác những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.
Như thế, việc nhận ra và tin tưởng vào Chúa phục sinh phải đặt trên căn bản là mối tương giao thân tình với Chúa. Người ta chỉ có được mối tương giao thân tình ấy dựa trên việc thường xuyên ở lại với Chúa, lắng nghe tiếng Chúa dạy bảo, tập suy gẫm lời Chúa, và sống các giới răn Chúa như thánh Gioan đã nói trong thư thứ nhất: Căn cứ vào điều này, chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa; đó là chúng ta tuân giữ các giới răn của Người. Ai nói rằng minh biết Người mà không giữ giới răn của Người, đó là kẻ nói dối. Còn hễ ai giữ lời Người dạy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thật sự nên hoàn hảo. Nói cách vắn gọn, chính niềm tin vào Chúa phục sinh nhờ sống tương quan sâu sắc với Chúa, và tình yêu Chúa nên hoàn hảo nơi các tông đồ, các môn đệ mà các ông trở thành những người mạnh mẽ, can đảm nhiệt thành rao giảng, và làm chứng nhân cho Chúa.
Anh chị em thân mến,
Các tông đồ, các môn đệ năm xưa đã trải qua một hành trình dài của niềm tin, của lòng mến, của sự can đảm và nhiệt thành hết mình sống cho Chúa nhờ vào mối tương giao thân tình với Chúa, hay nhờ sống với Chúa, lắng nghe được tiếng Chúa, quen thuộc với cử chỉ thân thương của Chúa. Mỗi kitô hữu chúng ta cũng được mời gọi sống tương giao thân tình với Chúa qua việc lắng nghe, suy gẫm lời Chúa, chiêm ngắm những cử chỉ thân thương của Chúa trong phúc âm... để từ đó chúng ta trở thành những người nhiệt thành làm chứng nhân cho Chúa. Hỏi rằng tôi đã làm gì để niềm tin vào Chúa phục sinh tăng tiến và triển nở. Nguyện xin Chúa cho chúng ta biết noi gương các tông đồ mỗi ngày làm cho niềm tin thêm tiến triển để chúng ta có thể can đảm nhiệt thành làm chứng nhân cho Chúa. Amen!