Thứ Tư sau CN II Phục sinh
Ga 3, 16-21
Khi suy niệm bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta lại phải đối diện với một trong số những điểm nghịch lý trong Phúc Âm của thánh sử Gioan: Nghịch lý giữa yêu thương và xét xử bởi vì mở đầu bài Tin Mừng, thánh sử cho chúng ta biết: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Tuy nhiên, ngay sau đó lại là vấn đề xét xử: “Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa” (Ga 3, 18). Vậy phải làm sao để cả hai điều trên đây đều đúng được?
Trước tiên, chúng ta cùng tìm hiểu khía cạnh yêu Thương nơi Thiên Chúa.
Là Ki-tô hữu, chúng ta luôn khẳng định Thiên Chúa là Tình Yêu bởi vì nguồn gốc và khởi đầu của công trình cứu chuộc là từ Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đã sai Con Ngài đến thế gian vì Ngài yêu thương nhân loại. Lời khẳng định này trái ngược với một số người vẽ ra một bức tranh Thiên Chúa nghiêm khắc, giận giữ, không dung thứ và khư khư nắm chặt lề luật. Còn Chúa Giê-su thì nhu mì, yêu thương và sẵn sàng tha thứ. Tuy nhiên, khi nhìn vào hành động yêu thương của Thiên Chúa: Sai con một đến với nhân loại và cứu vớt nhân loại; ta thấy đằng sau mọi sự đó là Tình yêu của Thiên Chúa.
Nhất là Bản chất của Thiên Chúa là tình yêu. Tuy nhiên, chúng ta rất dễ nghĩ về Thiên Chúa như thể Ngài đang nhìn vào nhân loại vô tâm, không vâng lời, phản loạn, và phán rằng: Ta sẽ đánh gục chúng, kỷ luật chúng, trừng trị, xử phạt và giáng tai họa cho đến chừng nào chúng chịu hồi tâm. Cũng có khi chúng ta rất dễ nghĩ về Thiên Chúa như thể Ngài đang tìm cách đàn áp loài người để thỏa mãn quyền hành của Ngài, để hoàn toàn quy phục vũ trụ. Trái ngược với những suy nghĩ của ta, bài Tin Mừng cho chúng ta thấy Thiên Chúa đang hành động, không phải vì chính Ngài, mà vì chúng ta. Ngài không hành động để thỏa mãn ước muốn cầm quyền của Ngài, nhưng là nhằm thỏa mãn tình yêu của Ngài. Ngài không phải là vị bạo chúa độc tài, đối xử với mọi người như thần dân, bắt phải tuân phục vô điều kiện, mà Ngài là người Cha không thể vui, vì những đứa con hoang đàng của mình chưa trở về. Ngài không đàn áp loài người, nhưng Ngài trông mong và dịu dàng kêu gọi họ trở lại với tình thương của Ngài.
Đặc biệt, chiều rộng của tình yêu Thiên Chúa không phải chỉ là một quốc gia, không phải chỉ là những người tốt lành, thánh thiện, không phải chỉ những người biết yêu mến Ngài, nhưng là toàn thể nhân loại như thánh Augustinô đã nói: Thiên Chúa yêu mỗi người chúng ta dường như chỉ có một mình ta để Ngài yêu mà thôi.
Tiếp đến, ta phải hiểu thế nào trước vấn đề xét xử của Thiên Chúa?
Một câu chuyện kể rằng: Có một du khách được đi xem triển lãm nghệ thuật. Trong phòng triển lãm có những tác phẩm vô giá, những kiệt tác vượt thời gian và không gian của những bậc thiên tài thực sự. Sau khi đi hết một vòng, du khách nói: Tôi không thấy mấy bức tranh cũ này của ông có giá trị gì cả. Người hướng dẫn phòng triển lãm nói: Thưa ông, tôi xin nhắc để ông nhớ các họa phẩm này không còn bị đem ra xét xử, nhưng chính chúng xử những người đến xem chúng. Như vậy, phản ứng của du khách cho thấy ông ta là kẻ đui mù về nghệ thuật cách đáng thương hại.
Với Chúa Giê-su cũng vậy, khi một người gặp Chúa với tâm hồn rung động trước sự kỳ diệu và vẻ đẹp của Ngài, thì người ấy đang ở trên con đường cứu rỗi. Nhưng nếu đã gặp Chúa mà vẫn không thấy Ngài có gì đáng yêu thì người ấy đã bị phán xét bởi vì chính phản ứng của ta kết án ta. Thiên Chúa đã sai Chúa Giê-su đến trong tình yêu để cứu rỗi ta, nhưng Chúa Giê-su đã trở thành một lời buộc tội ta. Chúa không buộc tội người Ngài yêu thương, nhưng chính người ấy đã tự kết án mình.
Người thù nghịch Chúa Giê-su là người đã yêu mến sự tối tăm hơn sự sáng. Điều khủng khiếp nhất đối với một người thật sự tốt lành thánh thiện là luôn luôn có một yếu tố vô thức nào đó trong lòng vẫn lên án mình. Chính lúc so mình với Chúa, chúng ta mới thấy mình thế nào. Cũng giống như trường hợp của Alcibiades, một thanh niên tài ba nhưng hư hỏng của thành phố Athène, bạn của Socrates, thỉnh thoảng thét lên: Socrates ơi! Tôi oán ghét anh, vì mỗi lần gặp anh thì anh cho tôi thấy tôi là gì. Như vậy, một người hay làm điều ác chẳng bao giờ muốn sự sáng soi rọi điều ác của mình, nhưng một người làm những điều tốt lành họ sẽ chẳng bao giờ sợ ánh sáng. Qua đó ta thấy, chỉ những kẻ làm điều ác mới không muốn nhìn thấy chính mình, cũng như không muốn người khác nhìn thấy mình; và những người như thế chắc chắn sẽ thù ghét Chúa Giê-su, vì Ngài sẽ chỉ cho người ấy thấy rõ chính mình, điều mà họ không muốn thấy vì họ yêu thích bóng tối che giấu và không muốn ánh sáng soi tỏ.
Như vậy, vấn đề Tình Yêu và Xét Xử mà chúng ta cùng tìm hiểu giúp ta nhận ra rằng: phản ứng của một người đối với Chúa Giê-su bày tỏ con người thật của người ấy. Khi phản ứng đối với Chúa Cứu Thế, tâm hồn con người được phơi bày trần trụi. Nếu người ấy nhìn Chúa Cứu Thế với tình yêu, dù chỉ là mơ ước thì người ấy vẫn còn hy vọng, nhưng nếu người ấy chẳng nhìn thấy có gì đáng yêu trong Chúa Cứu Thế, thì người ấy đã tự kết án mình. Đấng đã được sai đến trong tình yêu đã trở thành sự phán xét buộc tội người ấy.
Lạy Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh, xin soi lòng, mở trí cho chúng con, để chúng con nhận ra tình yêu bao la của Chúa đối với cuộc đời mỗi người chúng con. Xin Chúa giúp sức cho mỗi người chúng con, để chúng con biết đi trong ánh sáng của Chúa vì chỉ khi nào chúng con đi trong ánh sáng của Đấng Phục Sinh và thực hiện các việc trong Thiên Chúa, thì chúng con mới không bị kết án. Amen.