Hy vọng của người tín hữu trong cơn đại dịch
Chủ nhật - 29/08/2021 21:35
1219
Nhân loại đang sống trong những thời điểm hết sức khó khăn: dịch bệnh, lũ lụt, thiên tai, chiến tranh... Tất cả những thứ ấy đang cướp đi cuộc sống bình yên của nhân loại, làm cản trở sự thăng tiến mọi mặt của con người, và nhất là lấy đi mạng sống của nhiều người. Đứng trước những khó khăn, thử thách đó, nhiều người tín hữu không khỏi thắc mắc: Thiên Chúa ở đâu, có Thiên Chúa không, Thiên Chúa có thấy cảnh khổ đau của con người, cái chết do đại dịch gây ra có ý nghĩa gì chăng?
Đối với những người không có niềm tin vào Thiên Chúa, vào đời sau, những cái chết ấy thật vô nghĩa. Nó là cánh cửa khép lại cho một đời người, là ngõ cụt của nhân loại, là sự chấm dứt tất cả hy vọng vào một tương lai. Giữa những lúc khó khăn ấy, thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca đã có câu trả lời thật hay về cái chết và khơi lên cho các tín hữu niềm hy vọng lớn lao: “Thưa anh em, về những ai đã an giấc ngàn thu, chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng. Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng với Đức Giêsu” (1 Tx 4,13-14).
Như thế, với người tín hữu Chúa Giêsu, cái chết không phải là dấu chấm hết, một cánh cửa khép lại, nhưng là một cánh cửa mở ra cho sự sống mới, cho một cuộc hành trình về lại với cội nguồn, về lại với cùng đích của mình là chính Thiên Chúa. Thật ra, là người tín hữu Chúa Kitô, chẳng mấy ai lại không tin rằng Chúa Giêsu đã chết và sống lại. Các biến cố, các mầu nhiệm này được Giáo hội cử hành mỗi năm để các tín hữu thêm phần xác tin và hy vọng vào cuộc sống vĩnh cửu mai sau. Như thế, các tín hữu chẳng có gì phải thất vọng trước sự ra đi mãi mãi của anh chị em mình cho dầu người còn sống không tránh khỏi buồn đau, xót thương, và luyến tiếc. Chúa Giêsu đã chết và sống lại. Các tín hữu tin vào Chúa Giêsu cũng sẽ chết và được sống lại với Chúa Giêsu như vậy.
Điều còn lại đối với những người đang sống là sống sao cho có ý nghĩa, sống sao cho xứng với niềm tin đặt ở nơi Chúa Giêsu. Bài Tin mừng theo thánh Lc đã khẳng định với chúng ta rằng tất cả những gì được loan báo bởi ngôn sứ Isaia “Thần Khí Đức Chúa ngự trên tôi, và Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố năm hồng ân của Đức Chúa” (Lc 4,18-19) đã được ứng nghiệm. Nói cách rõ ràng Chúa Giêsu chính là niềm an ủi, niềm hy vọng của tất cả nhân loại. Ngài không chỉ giải phóng con người trong cuộc đời trần thế, mà còn giải phóng con người khỏi đau khổ bởi tội lỗi và sự chết; sứ mạng chính yếu của Chúa.
Do đó, các tín hữu Chúa Kitô không được thất vọng, chán nản, buông xuôi trước thử thách, nhất là trước đại dịch đang diễn ra quá phức tạp, quá phũ phàng, quá nguy hiểm... Hãy tin tưởng, hãy hy vọng, hãy cậy trông bởi Chúa Giêsu đã làm người nên Ngài hiểu và cảm thông được nỗi khổ đau và lắng lo của chúng ta; bởi Chúa Giêsu đã sống thân phận người, đã chữa lành, đã chịu chết, và sống lại vì chúng ta. Tin tưởng phó thác bản thân chúng ta, người thân yêu của chúng ta, những anh chị em đang phải đối diện với dịch bệnh, những anh chị em đã ra đi trong cơn đại dịch... cho lòng thương xót của Chúa. Chúa sẽ lo liệu và làm cho mọi sự, ngay cả những gì không tốt đẹp thành tốt đẹp và xem ra vô nghĩa thành ý nghĩa. Đại dịch thế nào rồi cũng qua đi và nhân loại lại tìm được an vui hạnh phúc bởi vì Thiên Chúa không dựng nên con người để họ chỉ chịu đau khổ, nhưng xuyên qua đau khổ và thử thách, Ngài muốn họ tìm ra ý nghĩa cho cuộc đời.
Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con, xin thương đến các anh chị em đang phải đối mặt với dịch bệnh và ban ơn chữa lành. Xin thương đến các linh hồn anh chị em chúng con đã ra đi trong cơn đại dịch, ra đi mà không một người thân bên cạnh cầu nguyện và đỡ nâng, ra đi mà không được cử hành thánh lễ an táng, ra đi tức tưởi làm cho người ta có cảm tưởng mất tất cả. Xin Chúa thương đón nhận anh chị em chúng con về hưởng niềm vui thiên quốc. Amen!
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh