THỨ SÁU TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN
Lc 5,33-39
“Sẽ có ngày Chàng Rể bị đem đi; ngày đó khách dự tiệc sẽ ăn chay” (Lc 5,35).
Bài Tin mừng thuật lại cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu với các người Pharisêu và các kinh sư về việc ăn chay. Cuộc đối thoại khởi đầu với thắc mắc của hai giới vừa nêu: “Môn đệ ông Gioan năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người Pharisêu cũng thế, còn môn đệ ông thì ăn với uống!” (Lc 5,33). Đức Giêsu trả lời: “Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi Chàng Rể còn ở với họ? Sẽ có ngày Chàng Rể bị đem đi; ngày đó, họ mới ăn chay.” Ngài còn kể thêm hai dụ ngôn nhỏ về áo mới (c. 36), rượu mới (c. 37-38) như để bảo vệ cho hành động chưa ăn chay của các môn đệ mình. Việc ăn chay sẽ có nhưng chưa phải lúc. Việc ăn chay sẽ có khi có lí do chính đáng.
Ăn chay có nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, ý nghĩa của việc ăn chay sẽ khác nhau tuỳ theo quan điểm của người thực hành việc ăn chay. Người béo phì ăn chay để cho dáng vóc đẹp mắt, đỡ bệnh tật. Người Phật giáo ăn chay để tránh sát sinh, giảm bớt dục vọng, giảm bớt bệnh tật, bảo vệ môi sinh. Người Pharisêu ăn chay vì luật dạy, ăn chay để chứng tỏ mình đạo đức, hơn người…. Còn chúng ta, những Kitô hữu, chúng ta ăn chay vì lí do gì? Vì mục đích gì?
Hẳn là chúng ta cũng có thể chia sẻ lí do ăn chay vì sức khoẻ hay vì niềm tin như người Phật giáo vừa nêu trên. Tuy nhiên, lí do chính yếu nhất của chúng ta, những Kitô hữu là chính câu trả lời của Đức Giêsu về câu hỏi có tính chê trách của các người Pharisêu và các kinh sư nhằm vào các môn đệ Ngài. Lí do chính và đích thực của việc ăn chay hay không ăn chay là vì Chàng Rể. Khi chàng Rể còn ở với họ, họ không ăn chay. Nhưng khi “Chàng rể bị đem đi”, họ sẽ ăn chay. (c.35). Chàng Rể đây chính là Đức Giêsu. Còn khách dự tiệc cưới là các môn đệ của Ngài.
Thật vậy, Ngài chính là Chàng Rể đến khai mạc thời cánh chung. Khi Đức Giêsu đang còn hiện diện với các môn đệ, được coi là thời kỳ tiệc cưới, các môn đệ không ăn chay. Thái độ và hành động thích hợp của các môn đệ khi tham dự tiệc cưới là phải chiếu toả ra niềm vui, niềm vui ơn cứu độ. Hai dụ ngôn nhỏ được Đức Giêsu ghép vào cho thấy: thời tiệc cưới đó, thời cánh chung, có những định luật mới. Đức Giêsu đem vào thế gian này một cái gì hoàn toàn mới, không thể đi đôi với trật tự cũ. “Áo mới,” “rượu mới” ám chỉ Tin mừng. Tin mừng không thể đi đôi với những gì thuộc quá khứ. Có lẽ “vải cũ,” “bầu rượu cũ” ám chỉ những thực hành cũ kỹ của đạo Dothái. Như thế, chắc chắn phải hiểu thông điệp của Đức Giêsu, Tin mừng Ngài rao giảng, không phải là một cuộc tiến hoá hay một sự khai triển của đạo Dothái, nhưng là một khởi điểm mới. Thời kỳ tiệc cưới này, các môn đệ không thể ăn chay. Tuy nhiên, sẽ đến thời kỳ ăn chay khi Chàng Rể bị đem đi. Đó là thời kỳ nằm giữa cái chết (bị đem đi) của Đức Giêsu và ngày tận thế. Thời kỳ này được coi như một thời tang chế, thời kỳ chờ đợi. Đó là thời kỳ để ăn chay.
Như vậy, các môn đệ Đức Giêsu hay người Kitô hữu hôm nay ăn chay, đặc biệt vào Mùa Chay, cách riêng vào Thứ Tư lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh hay mỗi ngày Thứ Sáu hàng tuần là vì Chàng Rể Giêsu. Họ ăn chay để tưởng nhớ đến thời kỳ Ngài bị đem đi khỏi họ. Họ ăn chay để tâm hồn được thanh thoát hầu cảm nhận rõ hơn sự yếu đuối, nhỏ bé và nhu cầu cần được Ngài an ủi, lấp đầy. Họ ăn chay để mong được sớm hợp đoàn cùng Ngài trong ngày vui đoàn tụ vào thời cánh chung. Amen.