THỨ HAI TUẦN XXIII
Cl 1,24-2,3; Lc 6,6-11
Bệnh viện Trưng Vương thành phố Hồ Chí Minh đã được chuyển sang điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 từ tháng 06/2021. Tôi được một bác sĩ làm việc ở đây cho biết tình hình dịch bệnh thật kinh khủng, chưa bao giờ anh thấy các bác sĩ và nhân viên y tế mệt mỏi và hoang mang như thời điểm hiện tại. Không những mệt mỏi về thể xác, các bác sĩ và nhân viên ý tế mệt mỏi cả về tinh thần, hoang mang về các kế pháp ngăn chặn dịch bệnh. Sống trong tình trạng hiện tại có lẽ chẳng mấy ai không hoang mang, lo lắng, nhất là những người đang phải đối diện với đại dịch. Đứng trước hoàn cảnh đáng hoang mang lo sợ như vậy, chúng ta phải làm gì?
Lời Chúa hôm nay trong thư gửi tín hữu Côlôsê mời gọi chúng ta hy vọng, hy vọng Chúa sẽ thực hiện những điều tốt đẹp cho con người từ những gì chẳng mấy tốt đẹp, thậm chí là những điều hoàn toàn không tốt đẹp: đại dịch cướp đi sức khoẻ, sự sống, điều kiện tốt đẹp, của cải vật chất... “Tôi đã trở nên người phục vụ Hội Thánh, theo kế hoạch Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến anh em: đó là tôi phải rao giảng lời của Người cho trọn vẹn, rao giảng mầu nhiệm đã được giữ kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ, nhưng nay tỏ ra cho dân thánh của Thiên Chúa.” Mầu nhiệm mà thánh Phaolô muốn nói tới, buộc phải rao giảng cho muôn dân “đó là chính Đức Kitô đang ở giữa anh em, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang” (Cl 1,27).
Như thế, chỉ có Đức Kitô mới là niềm hy vọng đích thật của con người, của các tín hữu bởi vì chỉ nơi Ngài, các tín hữu mới được cứu độ, chỉ nơi Ngài các tín hữu mới có thể đạt tới vinh quang vĩnh cửu, thứ vinh quang không thuộc trần thế mà vinh quang nước trời. Thứ vinh quang ấy xuyên qua những vất vả, khổ đau, thậm chí cả cái chết thể lý, và viên mãn trong thế giới tương lai. Đối với những ai không có niềm tin vào sự sống lại, thì cái chết thể xác là dấu chấm hết cho tất cả, tật bệnh là nỗi đau là thất bại của con người. Đối với các tín hữu Chúa Kitô, đau khổ và sự chết không phải là cái gì đó vô nghĩa, nhưng là cơ hội để họ được thông phần trọn vẹn với Đức Kitô. Ngài đã chịu đau khổ để chia sẻ khổ đau với con người, đã chịu chết để đền thay tội lỗi cho nhân loại. Vì thế, chỉ ở nơi Ngài, chúng ta mới được hưởng niềm vui ơn cứu độ xuyên qua mọi thực tại trần thế như Tv đáp ca đã viết “Nhờ Thiên Chúa, tôi được cứu độ và vinh quang”, và cũng “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, này hồn tôi hãy nghỉ ngơi yên hàn. Vì hy vọng của tôi bởi Người mà đến, duy Người là núi đá, là ơn cứu độ của tôi, là thành luỹ chở che: tôi chẳng hề nao núng” (Tv 61,6-7).
Chính Tin mừng hôm nay cũng nói cho chúng ta điều đó. Một người bại liệt đến gặp Đức Giêsu trong ngày Sabbath. Các kinh sư và các biệt phái dò xét xem Đức Giêsu có chữa lành trong ngày Sabbath không. Tuy nhiên, Chúa biết rõ Chúa sẽ làm gì, và sứ mạng chính yếu của Chúa là gì, nên Chúa tiếp tục làm công việc của Chúa. Chúa bảo người bại liệt giơ tay ra và anh đã làm như vậy. Thế là anh đã được khỏi bệnh. Như thế, rõ ràng chỉ ở nơi Chúa chúng ta mới có được ơn cứu độ, chỉ nơi Chúa chúng ta mới có niềm hy vọng đạt tới vinh quang, chỉ ở nơi Chúa chúng ta mới được chữa lành, chỉ ở nơi Chúa chúng ta mới được giải thoát hoàn toàn khỏi mọi khổ đau của thân phận kiếp người.
Giữa thử thách của đại dịch, nhiều người mất niềm tin, niềm hy vọng bởi khả năng của con người luôn giới hạn. Dù toàn thể xã hội đã vào cuộc, mọi người đã cố gắng, nhưng dường như mọi thứ vẫn diễn ra quá phức tạp. Chúng ta có cảm tưởng con người bất lực hoặc nỗ lực rất nhiều mà chẳng đi đến đâu, thật khó kiểm soát dịch bệnh. Đại dịch vẫn đang hoành hành, vẫn đang cướp đi nhiều thứ từ tay con ngươi. Là kitô hữu, chúng ta hãy tin tưởng, hãy hy vọng, hãy phó thác mọi sự cho Chúa trong sự cố gắng của chúng ta. Xin Chúa ra tay cứu giúp và ban ơn chữa lành. Amen!