Chóp đỉnh của tạ ơn
Thứ tư - 10/11/2021 09:19
775
“Thấy mình được lành sạch, một người trong họ quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa”.
Trong một cuốn sách của mình, Elisabeth Elliot viết, “Hãy đặt trái tim bạn vào những gì được ban cho bạn tận hưởng, dẫu phù hợp hay không phù hợp hoàn toàn; những thứ ấy được coi như những thứ thuộc thời gian. Nhưng những lời ngợi khen, cảm tạ dâng lên Đấng Ban Ơn là những gì vượt thời gian; và nếu được tháp nhập với Đức Kitô, nó sẽ trở thành ‘chóp đỉnh của tạ ơn!’”.
“Nếu được tháp nhập với Đức Kitô, nó sẽ trở thành ‘chóp đỉnh của tạ ơn!”. Lời khuyên của Elisabeth Elliot phù hợp biết bao với câu chuyện Tin Mừng hôm nay. Và sẽ khá bất ngờ khi cho rằng, việc một người phong cùi được chữa lành, quay trở lại tôn vinh Thiên Chúa, đưa chúng ta về với Bí tích Thánh Thể, Bí tích Tạ Ơn! Thật thú vị, trong tiếng Hy Lạp, để biểu lộ lòng biết ơn, người ta nói “EuXaristia”, nghĩa là “Tạ Ơn”; “EuXaristia” còn có nghĩa là “Thánh Thể”. Như thế, cử hành Thánh Thể là hành vi tạ ơn đúng nghĩa nhất; Thánh Thể là ‘chóp đỉnh của tạ ơn’ vậy!
Luca nói đến những con người không còn gì để mất, những người phong cùi nghèo mà hy vọng duy nhất của họ chỉ còn nơi lòng thương xót của Chúa Giêsu. Họ không thể làm gì hơn ngoài việc van xin Ngài; và họ đã làm. Đứng cách xa Ngài, theo luật dạy, họ thừa nhận sự bất lực của mình, khẩn xin lòng thương xót, “Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi!”. Họ đã nhận được điều họ xin, Ngài đã chữa lành tất cả; và họ tiếp tục bước đi trên con đường của mình, lòng hỷ hoan với quà tặng vừa lãnh nhận. Tuy nhiên, một người trong họ quay trở lại để tạ ơn Thiên Chúa; và điều này khiến Chúa Giêsu vừa ngạc nhiên, vừa thất vọng, “Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu?”. Ngài lấy làm tiếc, không phải vì đã trót làm phúc cho chín người hững hờ; nhưng Ngài tiếc cho họ, vì họ không biết rằng, họ sẽ được nhận nhiều hơn!
Chỉ cần trở lại, sẽ được nhận nhiều hơn! Một chi tiết thú vị khác mà chúng ta cần lưu ý là, khi Chúa Giêsu chữa lành cho họ, Ngài chỉ nói, “Hãy đi trình diện với các tư tế!”; nói như thế, khác nào nói, ‘Hãy đi dâng lễ!’. Tuyệt vời thay, một người trong họ đã khôn ngoan quay lại với Ngài, Tư Tế thánh thiện nhất, xứng đáng nhất cho việc tế tự. Ngay lúc ấy, Ngài đặt anh lên một cấp độ cao hơn, một cấp độ có khả năng nhận được nhiều hơn từ Ngài. Bằng cách tạ ơn về những gì đã nhận được, anh có khả năng nhận được nhiều hơn: Anh được cứu! Được cứu bởi lòng thương xót của Chúa Giêsu, giờ đây, anh có khả năng lớn lên trong sự thân mật với Ngài! “Communion”, có nghĩa là “Hiệp Thông”; bên cạnh đó, còn có nghĩa là “Rước Lễ”; biết đâu, người ngoại giáo này sẽ là môn đệ của Ngài; “EuXaristia”, “Hiệp Thông với Thánh Thể” cũng là ‘chóp đỉnh của tạ ơn!’.
Như những người phong cùi, chúng ta có thể là những người đang lở loét thiêng liêng được Chúa Giêsu chữa lành; và nếu chấp nhận quà tặng của Ngài mà không biết cảm tạ, chúng ta chỉ là những người tiêu thụ ân sủng đơn thuần, không có khả năng ‘cho lại’ bất cứ thứ gì. Chúa Giêsu muốn cứu chúng ta khỏi tình trạng thiếu khôn ngoan này; vì thế, Ngài cần lời tạ ơn của chúng ta, “EuXaristia!”; nhờ đó, Ngài mới có thể nâng chúng ta lên một cấp độ thiết thân hơn. Hôm nay, Lời Chúa mời gọi chúng ta đào sâu mối quan hệ cá nhân với Chúa Giêsu, qua Thánh Thể, ‘chóp đỉnh của tạ ơn’; trong đó, chúng ta không còn là những người thụ động hưởng nhận ân sủng, nhưng đã trở nên những người cộng tác với sự cứu độ của Ngài. Khi sống trong một môi trường tạ ơn, sống một đời sống Thánh Thể, chúng ta thu hút được nhiều ơn lành cho linh hồn, cho gia đình, cho cộng đoàn mình và cho cả thế giới. Và đó là khôn ngoan, một sự khôn ngoan đối với “Đấng xét xử địa cầu” mà Thánh Vịnh đáp ca và bài đọc thứ nhất hôm nay nói đến, “Hãy lắng nghe và học biết sự khôn ngoan!”.
“Lạy Chúa Giêsu, xin gia tăng lòng biết ơn nơi con; nhờ đó, sự hiệp thông của con với Chúa được nâng lên ở một cấp độ sâu sắc hơn, xin dìm con sâu hơn trong Thánh Thể, để con có thể cùng Chúa lên tận ‘chóp đỉnh của tạ ơn’”, Amen.