Ánh mắt thương xót dành cho Phêrô trong TM Luca

Thứ tư - 09/11/2016 03:43  3309
Ánh mắt thương xót của Chúa Giêsu dành cho Simon Phêrô trong Tin mừng Luca[1] 


Tập san “Ra khơi” số 15 ra mắt vào lúc cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót đang dần khép lại. Mặc dù Năm thánh sắp kết thúc, nhưng người viết luôn hiểu rằng suy niệm và học hỏi về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa vẫn luôn tiếp tục, bởi vì “Thương xót là phẩm tính đầu tiên và là tên của Thiên Chúa”[2]. Vì lẽ đó, người viết xin gửi đến độc giả một suy niệm về ánh mắt thương xót của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Luca như là một âm hưởng vẫn còn ngân vang của Năm Thánh Lòng Thương Xót.
 
Trong ngũ quan của con người gồm thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác (nhìn, nghe, nếm, ngửi và chạm), có lẽ thị giác là giác quan quan trọng nhất bởi lẽ theo nhận định một số nhà chuyên môn, để tiếp nhận và xử lý các thông tin hình ảnh, trí não con người cần đến một số lượng các neuron thần kinh não bộ lớn hơn  rất nhiều so với số lượng neuron thần kinh mà các giác quan khác sử dụng.
 
Con mắt không chỉ là bộ phận quan trọng của thị giác, nhưng còn là nơi diễn cảm trung thực nhất của tâm hồn và của suy nghĩ đến mức mà con người không thể giấu gì qua đôi mắt. Mọi cảm xúc vui buồn hỉ nộ ái ố dục đều có thể diễn tả trên đôi mắt của mình. Trong 7 hình thức nghệ thuật văn học, hội họa, điêu khắc, âm nhạc, vũ kịch (khiêu vũ và sân khấu), kiến trúc và điện ảnh, thì hết 5 nghệ thuật liên quan đến cái nhìn rồi.
 
Không lạ gì mà việc chữa lành bệnh tật được Chúa Giêsu thực hiện nhiều  nhất, do các Tin Mừng kể lại, đó là làm cho người mù được sáng mắt. Chính vì tầm quan trọng của đôi mắt, nên trong sứ vụ công khai, Chúa Giêsu không chỉ chữa lành con mắt người khác, mà Ngài còn bày tỏ ánh mắt tốt lành của Ngài đến những người Ngài gặp gỡ.

Theo Tin Mừng Luca, trong sứ vụ công khai, cái nhìn đầu tiên của Chúa Giêsu hướng ra bên ngoài, đó là Ngài nhìn hai chiếc thuyền của các môn đệ tương lai. Tin Mừng Luca kể rằng, “Chúa Giêsu đang đứng ở bờ hồ trong khi đó dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa. Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. ” (Lc 5,1- 2; x. 5,1- 11). Lúc này, Chúa Giêsu không đưa mắt trực tiếp nhìn đến đám đông dân chúng, mà ánh mắt của Ngài chuyển hướng và có chọn lựa: không nhìn tới đám đông chung chung mơ hồ hỗn độn, Ngài nhìn một cách cụ thể rõ ràng, Ngài nhìn hai thôi, hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ. Hai chiếc thuyền đó là hai chiếc thuyền trống bởi vì tất cả những người đánh cá đã ra khỏi thuyền.
 
Sau khi đưa ánh mắt nhìn, Chúa Giêsu xuống chiếc thuyền của Simon. Như  vậy, từ cái nhìn, Chúa Giêsu đi  đến sự chọn lựa: chọn lựa đi vào trong chiếc thuyền trống của Simon. Mượn chiếc thuyền của Simon, chiếc thuyền của sự thất bại. Chiếc thuyền của Simon là chiếc thuyền trống và chiếc thuyền của sự thất bại bởi vì với chiếc thuyền đó Simon đánh cá suốt đêm mà không được gì cả. Nay ông đem lưới đi giặt. Chúa Giêsu dùng chiếc thuyền của Simon mà rao giảng đám đông dân chúng. Và cũng từ chiếc thuyền đó, Chúa Giêsu bảo Simon lại thả lưới. Và Simon đã thả lưới, lần này không phải theo ý của Simon, nhưng theo ý của Chúa Giêsu. Kết quả là một mẻ đông đúc cá ùa vào lưới và vào chiếc thuyền của Simon như đám đông dân chúng tuôn đến với Chúa Giêsu.
 
Ánh mắt của Chúa Giêsu hướng đến chiếc thuyền của ông Simon, và Ngài đã chọn chiếc thuyền đó. Nhận ra mình không xứng đáng được Chúa Giêsu đưa mắt chấm lấy đến ông, Simon phủ phục thốt lên: “Lạy Chúa xin tránh xa con vì con là người tội lỗi” (Lc 5,8). Sau đó được Chúa khuyên nhủ, Simon và các bạn bỏ mọi sự mà theo Chúa Giêsu (x. Lc 5,10-11).
 
Ánh mắt của Chúa Giêsu lần đầu tiên không phải đến đám đông chung chung mơ hồ, mà hướng đến những gì cụ thể, con người cụ thể. Ngài nhìn đến hai chiếc thuyền và bước vào trong đó. Từ đó Simon cùng với các bạn chài lưới bỏ mọi sự theo Chúa Giêsu. Như vậy ánh mắt của Chúa Giêsu là ánh mắt tuyển chọn, tuyển chọn từ sự thất bại con người, chứ không từ sự thành công. Vì thương yêu, Chúa Giêsu đã chọn gọi Simon và các bạn. Simon hiểu được điều đó nên đã phủ phục cúi mình thưa: “Lạy Chúa xin tránh xa con vì con là người tội lỗi” (Lc 5,8).
 
Cũng trong Tin Mừng Luca, nếu ánh mắt đầu tiên của Chúa Giêsu hướng về hai chiếc  thuyền và chọn gọi Simon Phêrô, thì ánh mắt cuối cùng của Ngài được đề cập trong Tin Mừng này là ánh mắt hướng về Phêrô: (x. Lc 22,54-62).
 
Khi Chúa Giêsu bị bắt và bị điệu đến nhà vị thượng tế, Phêrô theo Ngài xa xa không dám vào bên trong mà chỉ đứng ở ngoài sân. Người đầy tớ gái nhìn ông chòng chọc và xác định Phêrô là người thuộc phe của Chúa Giêsu. Thế nhưng Phêrô đã chối phắt, có lẽ ông ta không dám nhận lấy cái nhìn chòng chọc của người đầy tớ gái. Chừng một giờ sau, Phêrô chối thêm lần nữa. Có lẽ vì Phêrô không thức với Chúa trong vườn cây Dầu, nên trên sân vị thượng tế, Phêrô đã không tỉnh táo nhận ra sự yếu nhược của mình để chối Chúa thêm một lần thứ ba: “Này anh, tôi không biết anh nói gì!” (Lc 22,60). Ngay lúc ông còn đang nói, thì gà gáy. Và Chúa Giêsu quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Người đã bảo, rồi ra ngoài, khóc  lóc thảm  thiết (Lc 22,60-62).
 
Ngày 22/5/2015 tại nguyện đường thánh Matta, Đức Giáo Hoàng Phanxicô diễn giải cho chúng ta về ánh mắt của Chúa Giêsu như sau: “Nếu ánh mắt đầu tiên của Chúa Giêsu là ánh mắt làm thay đổi tên gọi từ Simon đến Phêrô, thì ánh mắt cuối cùng của Chúa Giêsu là ánh mắt làm thay đổi con tim. Ánh mắt đầu tiên là ánh mắt kêu gọi lên bước theo, còn ánh mắt cuối cùng là ánh mắt tha thứ ánh mắt hoán cải cho tình yêu”.
 
Ánh mắt của Chúa Giêsu luôn là ánh mắt của lòng thương xót: Ngài thương nhìn đến Simon Phêrô để chọn gọi ông; Ngài chọn từ sự thất bại của ông, chọn ông từ tờ mờ sáng bên bờ biển hồ của sự ác. Không bao giờ Chúa Giêsu có cái nhìn lên án và xét đoán, nhưng là cái nhìn tha thứ yêu thương. Chính nhờ ánh mắt đầy yêu thương tha thứ của Chúa Giêsu mà Phêrô đã ăn năn hoán cải.
 
Đối với mỗi ngƣời chúng ta, ánh mắt yêu thương của Chúa Giêsu đã chọn  gọi chúng ta từ chốn tội lỗi, đã chấp nhận con người tội lỗi của chúng ta như Ngài chấp nhận Phêrô. Vậy, chúng ta có biết Chúa gọi chúng ta vì thương chúng ta không? Chúng ta có để cho Chúa nhìn chúng ta như Chúa đã nhìn Phêrô? Chúa Giêsu đã nhìn tha thứ tội lỗi chúng ta dù chúng ta vấp phạm không biết bao nhiêu lần.
 
Kinh Năm Thánh Lòng Thương Xót của Đức Thánh Cha lặp đi lặp lại đề tài ánh mắt của Chúa Giêsu:
 
“Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa dạy chúng con phải có lòng thương xót như Cha trên Trời, và ai thấy Chúa là thấy Chúa Cha. Xin tỏ cho chúng con thấy dung nhan của Chúa và chúng con sẽ được cứu độ. Ánh mắt đầy yêu thương của Chúa đã giải thoát ông Zakêu và thánh Matthêu khỏi ách nô lệ bạc tiền; làm cho người đàn bà ngoại tình và thánh  Mađalêna không còn  tìm hạnh phúc nơi loài thụ tạo; cho thánh Phêrô khóc lóc ăn năn sau khi chối Chúa, và hứa ban thiên đàng cho kẻ trộm có lòng hối cải”.
 
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết để ánh mắt của Chúa chạm vào chúng con, như đã chạm đến Phêrô, nhờ đó chúng con có thể bỏ những tham vọng ước muốn thế gian mà bước theo Chúa đầy ánh sáng trong  suốt cuộc đời của chúng con. Amen.


Lm. Gc. Nguyễn Xuân Lành
 
 



[1] Ra Khơi số 15, tháng 11/2016, tr. 31-35.
 
[2] ĐGH. PHANXICÔ, Tên Thiên Chúa là Thương Xót (Đối Thoại với Andrea Tornielli),  Hà  Nội,  Nxb  Tôn  Giáo,
2016.

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập239
  • Máy chủ tìm kiếm26
  • Khách viếng thăm213
  • Hôm nay52,983
  • Tháng hiện tại916,545
  • Tổng lượt truy cập78,919,996
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây