Như thường lệ, cứ đến đầu tháng 09, học sinh, sinh viên cả nước lại trở về với mái trường của mình để cùng nghe tiếng trống khai giảng báo hiệu một năm học mới. Có thể nói, tiếng trống khai trường đã đi sâu vào tiềm thức và tâm hồn của bất cứ ai đã từng cắp sách tới trường. Sáng ngày 05 tháng 09, Đại Chủng viện Đức Mẹ Vô Nhiễm Bùi Chu cũng tổ chức Lễ khai giảng năm học mới. Tuy thế, điều làm tôi thấy thiếu thiếu là không hề xuất hiện một tiếng trống nào để báo hiệu năm học mới như trong tâm thức của tôi về những ngày khai giảng. Nhưng có thật là tôi không hề nghe thấy “tiếng trống” nào không ? Hình như là có, mà không phải là một “tiếng trống” mà những ba “tiếng trống” thôi thúc, hun đúc và lên dây cót tinh thần cho các Chủng sinh trong ngày Lễ khai giảng.
Đầu tiên là “tiếng trống” của Cha Phó giám đốc Đại Chủng viện. Ngài đã gióng lên hồi trống khi định hướng cho năm học mới. Định hướng này xuất phát từ mối phúc “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó”. Cha đã vạch ra cho Chủng sinh ba điểm chung cùng rút ra từ mối phúc trên. Trước hết, Chủng sinh sẽ thực tập nếp sống thanh thoát và giản dị theo tinh thần Tin Mừng. Đứng trước bối cảnh xã hội bị tục hóa, lối sống hưởng thụ và nặng về vấn đề vật chất len lỏi cả vào trong môi trường Đại Chủng viện. Vì thế, mỗi Chủng sinh phải tập sống thanh thoát, giản dị, dấn thân để hầu có thể đương đầu được với thời đại ngày nay. Tiếp đến, các Linh mục tương lai phải trau dồi nếp sống chuyên cần làm việc và quảng đại hy sinh. Điều này cũng để đối chọi với chủ nghĩa khoái lạc, ngại khó, ngại khổ, ích kỷ, chỉ nghĩ đến lợi ích bản thân mình. Cuối cùng, mỗi Chủng sinh phải thao thức và lưu ý nhiều hơn đến việc truyền giáo. Ngài nói rằng việc truyền giáo là một mặt còn rất yếu kém đối với Giáo Hội Việt Nam nói chung và cách riêng là Giáo phận Bùi Chu. Vì thế, các ứng sinh Linh mục phải ý thức, hun đúc tinh thần truyền giáo và truyền giáo ngay chính môi trường xung quanh mình sống.
Thứ đến là “tiếng trống” của Cha Giám Linh Đại Chủng viện Bùi Chu. Ngài xuất phát điểm từ lời bài hát “Chúa là tất cả đời con” và do vậy con có mặt ở đây là để đáp lại tình yêu của Thiên Chúa. Bằng cách gợi ra hai kỉ niệm về ngày lễ khai giảng năm học của ngài, Cha Giám Linh đã có những “tiếng trống” vang vọng và đầy sâu sắc để “thúc giục” tinh thần của mỗi Chủng sinh. Kỉ niệm thứ nhất là kỉ niệm đến từ kí ức cách đây 24 năm, đó là lần đầu tiên ngài được tham dự một lễ khai giảng của Đại Chủng viện. Lúc đó, Cha cảm thấy thật ngỡ ngàng, rụt rè và không thiếu phần quê mùa. Nhưng đó vẫn là một trong những kỉ niệm đẹp vì đối với Cha nó có dấu ấn của tình yêu Thiên Chúa. Khi nói đến kỉ niệm này Cha Giám Linh muốn nhắc nhở các học trò của mình đừng lãng quên tình yêu thủa ban đầu vì đó là tình yêu mãnh liệt. Điều quan trọng hơn nữa là đừng cho mình bị nhấn chìm vào trong những toan tính vụ lợi, công danh, vật chất.
Kỉ niệm thứ hai được cha Tổng Linh hướng nhắc tới gợi hứng từ lời bài hát “Xin giữ con” của nhạc sĩ Mi Trầm “Nguyện xin Chúa giúp con bắt đầu và lại bắt đầu”. Và rằng tình yêu ban đầu của Thiên Chúa mãnh liệt khi được “nhập thể” vào con người xác phàm của tôi dù có yếu đuối, mỏng manh, chênh vênh, tội lỗi... nhưng tình yêu ban đầu của Thiên Chúa không hề “vơi cạn, đầu hàng” vì thế mới “xin (Chúa) giữ con”. Khi nói đến kỉ niệm này ngài muốn mời gọi các Chủng sinh nếm nghiệm tình yêu thủa ban đầu của Thiên Chúa, vì chính Ngài yêu chúng ta trước, và tín thác, phó dâng tất cả vào lòng nhân từ của Chúa.
Cuối cùng là “tiếng trống” tâm tình và đầy sâu lắng của Đức cha Tôma, Giám đốc Đại Chủng viện. “Tiếng trống” của ngài được vang lên trong Thánh Lễ tạ ơn và cầu bình an cho năm học mới. Ngài đã nhắn nhủ các con cái mình hãy có sự thinh lặng nội tâm noi gương Đức Maria. Và chính trong sự thinh lặng nội tâm đó, “con ngươi của Giám mục” cần phải nhạy cảm với lỗi lầm của mình để hầu có thể cải thiện bản thân nên người tốt hơn. Đức cha lưu ý các Chủng sinh hãy ý thức về hồng ân nhưng không của ơn gọi Linh mục để rồi cũng trao ban nhưng không cho tha nhân và thế giới. Không những thế, ngài còn căn dặn các ứng sinh Linh mục phải biết sống siêu thoát với công danh, vật chất và kiến tạo một sự tự do nội tâm đích thực.
Những “tiếng trống” tuy không tạo ra âm thanh mà thính giác có thể nghe được nhưng âm vang của nó lại làm cho tâm hồn mỗi Chủng sinh hiện diện thêm rộn ràng, nhiệt huyết và thúc giục, khuyến khích Chủng sinh sống hăng say, quảng đại, dấn thân, siêu thoát và có nếp sống giản dị hợp với tinh thần của Tin Mừng hơn nữa. Ước chi âm vang của những “hồi trống” hôm nay được gióng lên sẽ mãi vang vọng không chỉ trong cả năm học này mà nó còn được vang rền trong cả cuộc đời tu trì của mỗi Chủng sinh chúng con.