Chuyến đi thực tế tại hai ngôi chùa Phật giáo Cổ lễ và Đệ tứ
Hôm qua, 04/6/2016, 7h00-17h30, ĐCV Đức Mẹ Vô Nhiễm Bùi Chu - khoa triết học tổ chức chuyến đi thực tế tại hai ngôi chùa: chùa Cổ lễ và chùa Đệ tứ. Xác định phương châm: “Học đi đôi với hành” là một trong những phương châm đào tạo của nhiều cơ sở đào tạo các cấp, đặc biệt với các chủng sinh đang theo học tại Đại chủng viện.
Đúng 8h00, đoàn chúng tôi đặt chân tới ngôi chùa Cổ lễ và được thượng toạ Thích Tâm Vượng - trụ trì Tổ đình chùa Cổ lễ, thị trấn Cổ lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định đón tiếp.
Sau khi chào đón đoàn và được giới thiệu sơ qua về ngôi chùa, chúng tôi được hướng dẫn viên dẫn đi thăm quan toàn cảnh của kiến trúc ngôi chùa.
Có thể nói, Chùa Cổ lễ là một quần thể kiến trúc đạo Phật và tín ngưỡng Việt Nam.
Trước chùa là ngôi tháp Cửu Phẩm Liên Hoa cao 32m, có 8 mặt, dựng năm 1927. Đế tháp được đặt trên lưng một con rùa lớn, đầu quay vào phía chùa. Con rùa được nằm giữa một hồ nước hình vuông, bốn góc là bốn hòn núi giả khá lớn, có đắp bốn con voi to bằng voi thật. Trong lòng tháp có cầu thang gồm 98 bậc xoắn ốc đến đỉnh. Tương truyền rằng tín đồ phật tử, khách hành hương lên đến bậc thứ 98 này, sờ tay vào bức tượng trên đỉnh tháp thì cuộc sống sẽ luôn gặp may mắn.
Qua một cây cầu cong là tới khu "Phật giáo hội quán" xây dựng năm 1936. Từ khu này qua hai cầu giữa núi là tới chùa chính. Giữa sân chùa có chuông lớn nặng 9 tấn, cao 3,2m được đúc vào năm 1936. Trên thượng điện có tượng Phật Thích Ca cao 4m, rộng 3,5m, bằng gỗ sơn son thiếp vàng. Nhà Tổ có pho tượng Phạm Quang Tuyên.
Chùa Cổ lễ ngoài thờ Phật, còn thờ thần sư Nguyễn Minh Không. Chùa Cổ lễ còn nhiều di vật văn hoá quí hiếm như đại hồng chung, một trống đồng thời Lý và một túi đựng đồng. Chùa Cổ lễ đã được nhà nước công nhận là di tích kiến trúc văn hoá.
Kế đến, 10h00 các chủng sinh hỏi đáp các câu hỏi liên quan tới kiến trúc và nét văn hoá đạo phật. Và được giải đáp bởi thầy Thích Tâm Hùng - Hội trưởng hội Phật giáo Trực Ninh.
10h30 kết thúc buổi chia sẻ, sau đó đoàn chúng tối di chuyển tới địa điểm thứ hai: chùa Đệ Tứ.
Đúng 14h00, chào đón đoàn chúng tôi là Đại đức Thích Thanh Đường- Trụ trì chùa Đệ tứ, phường Lộc Hạ, thành phố Nam Định. Đại đức Thích Thanh Đường chính là Giảng sư bộ môn Kinh Lăng Nghiêm của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà nội.
Từ 14h30-16h30, các chủng sinh tại Đại chủng viện Bùi Chu hỏi đáp trực tiếp triết học Phật giáo với Đại đức Thích Thanh Đường.
Sau cùng, đoàn chúng tối chụp ảnh và chia tay Đại đức, rồi di chuyển về Đại chủng viện lúc 17h30. Chuyến đi đúng là cơ hội tốt, để thông qua sự khảo sát và nghiên cứu, chúng tôi có được sự bổ trợ về kiến thức và một cách nhìn về phật giáo.
Quai Dép