Văn hoá loại trừ
Thứ ba - 18/01/2022 18:10
898
Tin mừng Thứ Tư tuần II thường niên hôm nay cho ta thấy một bầu khí căng thẳng giữa Chúa Giê-su và nhóm Pha-ri-sêu. Họ luôn rình và xem Đức Giê-su có chữa bệnh trong ngày sa-bát không để kết án Người. Tại sao họ luôn để ý nhất cử nhất động của Chúa Giê-su? Bởi vì họ muốn tố cáo, muốn kết tội và sâu xa nhất đó là loại trừ vĩnh viễn cái gai trong mắt họ. Để loại trừ Chúa một cách vĩnh viễn, họ cần phải tìm cách giết cho bằng được Đức Giê-su. Như thế đối với họ “loại trừ” có nghĩa là phải “giết chết”.
Xét về ngữ nghĩa, loại trừ có nghĩa là ngăn chặn điều gì đó xảy ra hoặc làm cho điều gì đó không thể xảy ra. Loại trừ cũng có nghĩa là từ chối ai đó đi vào một địa điểm, nhóm hoặc đặc quyền, hoặc từ chối hoặc để lại một cái gì đó. Như thế, tự thân ý nghĩa của từ này không hoàn toàn mang ý xấu. Nếu là loại trừ những điều xấu thì đương nhiên nghĩa của từ này lại là tốt, còn loại trừ những cái tốt để lợi cho mình và đúng như ý đồ của mình thì đó là xấu. Khi ta loại trừ những điều tốt, những con người làm điều tốt điều thiện để hành động xấu xa của ta không bị bại lộ, để không ai có thể cản trở những gian tham, tâm địa độc ác thì việc loại trừ lại trở nên cực kỳ xấu.
Thực ra, văn hóa loại trừ đã xuất hiện từ rất lâu rồi. Ngay thời các ngôn sứ, mặc dù các ngôn sứ làm biết bao nhiêu điều tốt lành cho dân, nhưng thế lực bị mất quyền lợi, hay đặc lợi thì không ngừng tìm cách loại trừ và giết chết các ngôn sứ. Họ bày mưu tính kế để loại trừ, thậm chí dựa vào chính điều tốt của các ngôn sứ đã làm để loại trừ các ngài cách hợp pháp và xem ra có lý, và mục đích loại trừ các ngôn sứ của họ không gì khác hơn là để họ được tự do sống theo lối sống của họ mà không bị ai lên án, hay nhắc nhở, cản ngăn.
Còn trong hành trình rao giảng, Đức Giê-su không ngừng bị loại trừ từ nhiều phía vì ngay từ thời đó những người Do Thái đã sống trong tình trạng giả dối, hình thức bên ngoài mà không có sự thật bên trong. Họ sống giả dối với Chúa, với nhau và che đậy sự dối trá đó bằng các hình thức tế tự, nghi thức bên ngoài. Lịch sử cho thấy, dân Do Thái đã càng ngày càng đi xa lề luật của Thiên Chúa. Các việc tế tự và giữ luật của họ chỉ còn là những hình thức giả dối bên ngoài. Sự gian dối giả tạo này không chỉ có nơi người dân, mà còn có nơi các thượng tế, luật sĩ. Cuộc sống của họ hoàn toàn trái ngược với những lời họ nói. Thiên Chúa đã sai nhiều ngôn sứ đến để cảnh tỉnh họ, nhưng họ đã không tin, không nghe và còn ra tay sát hại những ai dám vạch trần sự dối trá của họ. Sau cùng, Thiên Chúa đã sai chính Con của Ngài đến để nói lên sự thật, để chữa lành, mời gọi họ trở lại với sự thật; họ cũng không tin và không nghe lời Ngài. Họ đã dựa vào chính luật cha ông đặt ra để loại trừ Ngài bằng cách đóng đinh Ngài trên thập giá.
Trước nền văn hóa loại trừ như thế, một câu hỏi đặt ra: hình thức văn hóa loại trừ hiện thời của chúng ta có thể đang có là gì?
Hội đồng Tòa Thánh nhận xét rằng “Những hậu quả tiêu cực của sự toàn cầu hóa như sự lan tràn trào lưu duy vật và duy tiêu thụ làm cho dân chúng vị kỷ hơn, khao khát quyền lực và dửng dưng đối với các quyền, nhu cầu và đau khổ của người khác”. Nói theo lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đó là “hoàn cầu hóa sự dửng dưng” khiến chúng ta dần dần lãnh đạm đối với những đau khổ của người khác và khép kín vào mình (Sứ điệp Ngày Hòa bình thế giới 2014). Sự dửng dưng ấy tạo nên nền văn hóa loại trừ, trong đó người nghèo, những người bị gạt ra ngoài lề và dễ bị tổn thương, bị chối bỏ các quyền lợi cũng như cơ may và tài nguyên mà các thành phần khác trong xã hội được hưởng.”; và nhất là gạt Thiên Chúa ra khỏi đời mình là một lối loại trừ tệ hại và nguy hiểm nhất mà tất cả chúng ta ít nhiều có thể đang vướng phải cách này hay cách khác. Nếu xưa Chúa Giê-su đã bị đóng đinh và giết chết, thì thời nay chúng ta tiếp tục loại trừ, giết Người bằng cách coi như Người đã chết rồi như câu truyện sau:
Một hôm tướng quỷ Satan triệu tập tất cả các thuộc hạ của mình lại để sai đến trần gian với sứ mạng duy nhất này là giải thích cho con người biết Thiên Chúa đã chết rồi.
Các thuộc hạ ra đi. Nhưng không bao lâu sau tất cả đều trở về. Tướng quỷ Satan ngạc nhiên hỏi:
- Các ngươi thực hiện công tác nhanh thế sao? Hay có gì trục trặc?
- Thưa ngài, chúng tôi không còn việc gì để làm nữa. Bởi vì tất cả những nơi chúng tôi đi qua trên trần gian, nơi nào con người cũng sống như thể Thiên Chúa đã chết thật rồi. Họ hận thù, chém giết, gian tham, trộm cắp. Không có gì xấu mà con người không làm. Dù nhiều người vẫn còn xưng mình là kẻ tin Thiên Chúa, nhưng cách sống của họ không hể biểu lộ niềm tin này mà ngược lại như là loan báo Thiên Chúa đã chết rồi. Như vậy chúng ta đâu cần tốn công nữa.
Con người sống như Thiên Chúa đã chết rồi. Đó là một lời cảnh tỉnh nghiêm trọng đáng cho chúng ta suy nghĩ để kiểm điểm lại đời sống mình. Cuộc sống hôm nay bên cạnh những tấm lòng bác ái vẫn còn đó những ảnh hưởng tiêu cực của cái gọi là “văn hóa loại trừ”. Đôi khi chúng ta không thể thoát ra khỏi sự dửng dừng coi như không có Chúa, thậm chí coi như Chúa đã chết rồi; thêm vào đó những thành kiến cá nhân để nhìn nhận và đánh giá mọi sự trong tin yêu và bằng cái nhìn của Chúa thì không còn. Chúng ta vô tình đặt anh chị em mình vào cái khung định kiến và những tiêu chuẩn chủ quan. Đó là điều khiến chúng ta đi ngược lại với tinh thần của con cái Thiên Chúa.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhận ra quyền năng của Chúa được tỏ lộ qua mọi người và mọi sự, dù đó là những con người và những điều bé nhỏ tầm thường nhất trong đời sống. Như vậy, chúng con mới có thể tôn trọng, yêu thương và đối xử bác ái với anh chị em mình như tất cả những gì chúng con nhận được từ Chúa.
Tác giả: Nhóm suy niệm Lời Chúa