CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN NĂM C
Nkm 8,2-4a.5-6.8-10; 1Cr 12,12-30; Lc 1,1-4; 4,14-21
Các bài đọc thánh lễ hôm nay cho thấy rõ sứ vụ loan báo Tin mừng của Chúa Giêsu, của Hội Thánh và mỗi kitô hữu chúng ta. Đồng thời, cho chúng ta thấy sự tác động mạnh mẽ của Lời Chúa làm cho các tín hữu sống hiệp nhất và yêu thương nhau, và cùng nhau thi hành sứ mạng loan báo Tin mừng cứu độ.
Bài đọc 1 cho chúng ta thấy từ người đọc cho đến người nghe, tất cả đều say mê Lời Chúa: ông Ezra đọc sách Luật từ sáng sớm tới trưa, còn toàn dân chăm chú lắng nghe Lời Chúa. Quả là một hình ảnh cảm động khi dân Chúa tụ họp lại để nghe giải thích Luật Chúa. Hôm đó là ngày đáng vui mừng cho toàn dân, họ tổ chức tiệc mừng hoan hỉ; ai nấy học biết cách chia sẻ niềm vui cho những ai bất hạnh hơn mình; người có của ăn không quên những người thiếu thốn.
Bài Tin Mừng thánh Luca thuật lại việc Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ rao giảng với ba đặc điểm chính: được thi hành do quyền năng của Chúa Thánh Thần, danh tiếng Ngài được đồn rộng khắp xứ, cách giảng dạy có uy quyền giữa công chúng. Nơi đầu tiên Ngài thăm viếng và giảng bài đầu tiên là tại hội đường Nadarét, quê hương của Ngài. Nadarét là một thành có tầm cỡ lịch sử và có các trục lộ giao thông của thế giới chạy qua cả đường bộ lẫn đường biển. Chính nơi đây Chúa Giêsu đã giảng bài quan trọng chứa đựng cả chương trình sứ vụ của Ngài hay cũng có thể gọi được là bản tuyên ngôn về công trình cứu rỗi mà Ngài đến thực hiện.
Hôm ấy là ngày sabát, các bà con bạn hữu và những người đồng hương của Chúa Giêsu đều hội họp đông đảo tại nơi thờ phượng chung là hội đường. Tất cả đều nóng lòng muốn được nghe một người mà họ đã quen biết nhiều, một người mới thình lình nổi tiếng. Có thể là Ngài yêu cầu hoặc là người phụ trách hội đường đưa cho Ngài cuộn da ghi lời Kinh Thánh của tiên tri Isaia để hướng dẫn giờ đọc Lời Chúa. Ngài mở nhằm chỗ nói về niềm vui của năm hồng ân, tác giả mô tả sự vui mừng của những kẻ trở về sau cuộc lưu đày từ Babylon. Chúa Giêsu đọc xong thì ngồi xuống như cách các kinh sư thường làm. Tất cả đều chăm chú nhìn Ngài chờ đợi, Ngài công bố cho mọi người biết lời tiên tri này được ứng nghiệm nơi chính Ngài. Có nghĩa là Ngài xác nhận rằng Ngài chính là Đấng Mêsia (Cứu Thế) đã được tiên tri Isaia loan báo. Lời tiên tri bắt đầu với câu "Thánh Thần Chúa ngự trên tôi", đem áp dụng cho Ngài, có nghĩa là Ngài đã được xức dầu tấn phong bằng Thánh Thần để làm Đấng Được Xức Dầu hay Đấng Kitô của Thiên Chúa. Với tư cách ấy, Ngài sẽ giảng Tin Mừng cho người nghèo. Ngài sẽ công bố sự giải phóng cho những kẻ bị tù đày vì tội lỗi, và thiết lập những nguyên tắc rồi đây sẽ đem lại sự tự do cho nhân loại. Ngài sẽ giúp cho kẻ bị áp bức được tự do, nghĩa là cởi bỏ những hậu quả và sự độc ác của lòng ích kỷ và tội lỗi. Ngài sẽ công bố một thời đại hồng ân cho nhân loại.
Trong khi thi hành sứ vụ công khai của mình, Chúa Giêsu không chỉ đem lại ánh sáng cho một số người bị mù lòa; quan trọng hơn, Người còn “mở mắt” bao người đang ngồi trong bóng tối sự chết, để họ được thấy ánh sáng tình thương của Thiên Chúa. Người mở lòng mở trí cho những ai đang thao thức hiểu biết thánh ý Thiên Chúa trong cuộc đời mình, xóa đi bao bóng đen mê muội trong tâm hồn họ. Người loan báo một năm hồng ân của Thiên Chúa cho mọi người. Đó là một năm thánh đích thực, khi mọi tâm hồn được giải thoát khỏi ách thống trị của sự dữ, của tội, để được giao hòa cùng Thiên Chúa, khi họ biết mở lòng ra đón nhận Tin mừng cứu độ của Người.
Tất cả các Kitô hữu đã được chịu Phép Rửa trong cùng một Thần Khí, cùng được tham dự vào sứ vụ ngôn sứ, tư tế và vương đế của Chúa Kitô. Vì thế, trong bài đọc 2 thánh Phaolô dùng hình ảnh “thân thể” để nói về tình hiệp nhất của các Kitô hữu. Chúng ta, tuy khác nhau về nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, văn hóa và dân tộc tính, nhưng cùng tạo nên một Nhiệm Thể của Chúa Kitô là Hội Thánh. Trong Nhiệm Thể này, mỗi chi thể đóng các vai trò và chức năng cụ thể, như người thì làm tông đồ, kẻ khác làm ngôn sứ, thày dạy, người khác nữa lại được ơn làm phép lạ, được đặc sủng chữa bệnh, được ơn nói các thứ tiếng khác nhau, v.v.; những chức năng và vai trò này, tuy khác nhau, nhưng đều nhằm mục đích xây dựng một Nhiệm Thể duy nhất. Bởi thế, điều thánh Phaolô ao ước là các tín hữu hãy trân trọng và quý mến nhau, hãy nâng đỡ nhau, hãy làm cho nhau thêm phong phú, hãy biết cậy dựa vào nhau và phục vụ lẫn nhau, để Nhiệm Thể của Chúa Kitô là Giáo Hội ngày càng tiến triển, trở nên dấu chỉ yêu thương và hiệp nhất cho thế giới chúng ta đang sống.
Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, qua Ðức Giêsu Kitô, Chúa đã yêu thương giải thoát con người khỏi những khốn khổ xác hồn và khai mở mùa hồng ân cứu độ cho trần gian. Xin ban Thánh Thần giúp chúng con sống hiệp nhất yêu thương nhau, và cùng nhau nhiệt thành loan báo Tin mừng cứu độ của Chúa cho mọi người. Amen.