Suy Niệm Chúa Nhật III Thường Niên Năm C
Thứ sáu - 21/01/2022 09:44
688
Lc 1, 1-4; 4, 14-21
Chủ đề chính xuyên suốt các bài đọc trong Chúa Nhật tuần này đó là Lời của Thiên Chúa. Cũng như mùa Giáng sinh là thời gian để mừng biến cố Nhập Thể - Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người, thì hôm nay chúng ta cũng suy niệm về việc loan báo Lời Chúa, Lời đã được ban tặng, là nền tảng trong các truyền thống tôn giáo.
Lời được loan báo
Trong cả hai bài đọc, bài trích sách ngôn sứ Nơkhemia và bài Tin Mừng theo thánh Luca, chúng ta thấy sức mạnh năng động của Lời Chúa khi Lời ấy được loan báo. Lời huấn dụ của Phaolô có nguồn gốc là sự truyền khẩu, và giống như những bản văn do kinh sư Ezra đọc và bản văn do chính Chúa Giêsu cắt nghĩa, bài giảng này lần đầu tiên được công bố cách long trọng. Về sau, mỗi lời công bố được coi là Lời được viết ra bởi Thiên Chúa, và được lưu truyền từ cộng đoàn này sang cộng đoàn khác, từ thế hệ này sang thế hệ kia. Lời này nhắc nhở mọi người về căn tính Dân Thiên Chúa của họ; đặt họ trong dòng chảy truyền thống lâu dài và vinh quang của dân Giao ước. Lời đó kêu gọi họ tới một đời sống trung thành với căn tính của mình.
Điều độc đáo khi nghe Lời Chúa là chúng ta nhận ra rằng Lời ấy được ứng nghiệm. Một phần của điều này chắc chắn bắt nguồn từ chính sự truyền khẩu của tiền nhân. Tuy nhiên, còn hơn thế nữa, theo một nghĩa rất thực tế, tai là ngưỡng cửa mà qua đó Lời Chúa được khắc sâu vào trong tâm khảm của con người. Vì vậy, lời hiệu triệu nền tảng của dân Israen là: Nghe đây, hỡi Israen! “Nghe” có nghĩa là “đón nhận cho bản thân”, cho phép lời được thấm nhập vào trong con người bạn. Hãy nghe Lời Thiên Chúa phán và để cho Lời đó được bén rễ trong lòng bạn, như hạt giống được gieo vào lòng đất.
Lời Chúa được ứng nghiệm
Lời Chúa gợi ra nhiều sự đáp trả khác nhau từ những người lắng nghe. Bài đọc đầu tiên hôm nay nêu ra cho chúng ta mẫu gương về sự mở lòng ra với Lời Chúa. Những người lắng nghe Lời của kinh sư Étra đã lớn tiếng đáp lại: Amen, amen! Ước gì được như vậy! Chúng tôi nghe và chúng tôi sẽ làm như vậy! Còn đối với những Lời trong Tin Mừng hôm nay thì lại khác, chúng ta không biết những người đã nghe lời giải thích của Chúa Giêsu phản ứng như thế nào. Chúng ta chỉ biết rằng cả hai cử toạ trên đều trực tiếp chăm chú lắng nghe những Lời thánh thiêng từ trong Kinh Thánh. Chúng ta có thể làm được như thế không? Những người thời ông Étra đang ở trong một bước ngoặt của lịch sử và họ nhận ra được điều đó. Những người trong Hội đường Nazareth cũng đang đứng trước một bước ngoặt, nhưng có lẽ họ không ý thức được tầm quan trọng của thời điểm mà họ đang sống. Chúng ta cũng đang đứng trước một bước ngoặt, một giai đoạn mới của năm Phụng vụ. Sự sôi động và vui mừng của mùa Giáng Sinh đã qua đi; chúng ta lại tiếp tục trở về với nhịp sống thường nhật. Tuy nhiên, Lời Chúa như đã được loan báo luôn tồn tại và chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa của thời đại mới. Chúng ta sẽ đáp trả như thế nào?
Chúng ta có sẵn lòng vâng phục không? Chúng ta có xem Lề luật như là kho báu, như là món quà được tặng ban trong cuộc sống? Chúng ta đã học cách sống với người khác như là những chi thể của cùng một thân thể, trở thành một phần quan trọng để đóng góp cho sức sống của toàn bộ chi thể chưa? Chúng ta có hăm hở tiến vào một thời kỳ viên mãn mới để được biến đổi? Đời sống của chúng ta trong gia đình có được biến đổi: chúng ta có đối xử kiên nhẫn với nhau hay hiểu nhau hơn không? Chúng ta có sống quảng đại hơn trong những cộng đoàn địa phương, trong giáo xứ của mình, cũng như thế giới quanh ta? Thế giới quanh ta có chính trực hơn, bớt đi sự tàn nhẫn, bớt đi nỗi tuyệt vọng? Chúng ta có bước vào một thời đại mới với một sự dấn thân mới? Chúng ta có lắng nghe Lời Chúa được loan báo theo những cách thức khác nhau trong cuộc sống, hay chúng ta khép kín đôi tai trước Lời quyền năng của Người?
Cộng đoàn phụng vụ
Cả kinh sư Étra và Chúa Giêsu đều loan báo Lời Chúa trong khung cảnh của một buổi cử hành phụng vụ. Cách thức cử hành cũng tương tự như trong những buổi cử hành phụng vụ ngày nay khi cộng đoàn lắng nghe công bố Lời Chúa. Theo giáo huấn của Công đồng Vaticanô II, phụng vụ được mô tả như là nguồn mạch và chóp đỉnh trong đời sống chúng ta, và phụng vụ Lời Chúa là một phần quan trọng trong việc cử hành đó. Cùng với dân Chúa đang ở với ông Étra, chúng ta được mời gọi cùng thưa lên: Amen, Amen! Tạ ơn Chúa!
Lời Chúa cũng được loan báo trong những khung cảnh khác nhau của cộng đoàn phụng vụ. Chúng ta nhận ra rằng, mặc dù chỉ có một thân thể trong Chúa Kitô, nhưng chúng ta đáp lại Lời Chúa như những chi thể khác nhau của cùng một thân thể. Một vài người là tay, những người khác là chân. Một vài người lắng nghe Lời được loan báo trong những hoàn cảnh của sự đói nghèo, những người khác được nghe Lời khi họ đang nắm giữ quyền lực trong tay. Cả những người nam và người nữ đều được lắng nghe Lời. Họ có thể là những người Châu Á, những dân tộc nói tiếng Tây Ban Nha, hay những dân tộc bản địa. Bên cạnh đó, những Kitô hữu thuộc những giáo phái khác nhau lắng nghe cùng một Lời nhưng đáp lại theo những cách thức khác nhau cho phù hợp với truyền thống tôn giáo của họ. Tất cả đều mở ra đối với Lời, và Lời cắm rễ trong họ như hạt giống được gieo vãi. Lời vui hưởng trong những thửa ruộng khác nhau vì Lời bén rễ trong những mảnh đất khác nhau. Sự đa dạng này không chia cắt chúng ta nhưng thực chất làm phong phú chúng ta.
Tác giả: Nhóm dịch Ra Khơi, ĐCV. Bùi Chu chuyển ngữ
Nguồn tin: Dianne Bergant, Preaching the New Lectionary – Year C, Third Sunday in Ordinary Time, The Liturgical Press