Suy niệm Tin mừng lễ Chúa Hiển Linh
Thứ sáu - 31/12/2021 20:54
1107
(Mt 2, 1-12)
Đỉnh cao của Mùa Giáng Sinh là ngày lễ Chúa Hiển Linh. Theo truyền thống, tại nhiều nơi trên thế giới, lễ này được gọi là Lễ Giáng Sinh Nhỏ - tưởng niệm việc Chúa tỏ mình ra cho muôn dân. Theo một số truyền thống Phụng vụ, Lễ Chúa Hiển Linh là trọng tâm của Mùa Giáng Sinh. Thánh Lễ hôm nay không chỉ dừng lại ở việc chúng ta mừng kỷ niệm sinh nhật của Chúa Giêsu và cuộc viếng thăm của các nhà đạo sĩ mà còn được nối dài qua việc Người chịu phép rửa tại sông Giođan, và việc bày tỏ vinh quang của Người tại tiệc cưới Cana. Theo truyền thống Công giáo La Mã, trọng tâm của những lễ kỷ niệm này là cuộc viếng thăm của các nhà đạo sĩ và ý nghĩa của cuộc viếng thăm đó chính là việc Thiên Chúa bày tỏ vinh quang của Ngài cho tất cả các dân tộc trên thế giới. Các bài đọc trong Lễ trọng hôm nay nêu lên tầm quan trọng của sự bày tỏ vinh quang này. Ba chủ đề nổi bật đó là: Giêrusalem là nguồn ánh sáng cho muôn dân; Đức Kitô là mặc khải của Thiên Chúa cho mọi dân tộc; Tương quan mới được thiết lập giữa người Do Thái và dân ngoại trong Đức Kitô.
Giêrusalem là nguồn sáng cho muôn dân
Có một lời kêu gọi tuyệt vời, một lời kêu gọi cho tất cả các dân tộc để chứng kiến những công trình kỳ diệu của Thiên Chúa, những kỳ công đó như ánh sáng chiếu tỏa giữa đêm đen mịt mù. Ánh sáng này không phải là ánh sáng bình thường. Nó có cội nguồn từ Thành Thánh Giêrusalem của Thiên Chúa. Dân Israel được hưởng ánh hào quang chói lọi của Thiên Chúa và giờ đây được đặt làm đèn soi cho muôn nước. Tất cả mọi nơi trên trái đất đều có thể chứng kiến sự kỳ diệu của ánh hào quang này ở giữa nơi Thành Thánh, nơi dân tộc đó, giữa những người cai trị và qua chính lối sống của họ.
Ánh sáng của Thiên Chúa được nhận biết qua việc quan tâm, chăm sóc và nhìn nhận những người dễ bị tổn thương nhất nơi Thành Thánh. Chỉ trong hành động và sự công bình, Thành Thánh mới trở thành đuốc soi của Thiên Chúa, và ánh sáng này sẽ thu hút tất cả các dân tộc. Sức mạnh của ánh sáng này sẽ dẫn đường chúng ta vượt qua bóng tối, mang lại sự bình an và tốt lành cho thế giới.
Đức Kitô là ánh sáng muôn dân
Được ánh sao dẫn đường, các nhà đạo sĩ đi tìm vị vua mới sinh. Họ chú tâm vào những điều kỳ diệu nơi vũ trụ. Nhờ đó, họ đã đọc ra dấu chỉ từ trời cao. Họ đại diện cho tất cả những người đi tìm kiếm chân lý nơi những kỳ công của tạo thành, và nơi sự minh triết trong các nền văn hoá của riêng họ. Bởi vì họ tìm kiếm với con mắt đức tin nên họ có thể nhận ra ân huệ của Thiên Chúa khi họ tìm kiếm Người, dù rằng Người không giống như những gì họ đã nghĩ ban đầu về cách một người thừa kế ngai báu.
Họ đến từ phương Đông xa xôi. Họ là những người ngoại, những người đã dõi theo ánh sáng và đã tìm thấy vị vua mới. Sự thống trị của vị vua này sẽ mang lại công minh chính trực cho thế giới loài người. Họ đã trở về nhà và được soi sáng nhờ cuộc viếng thăm tới nơi mà Thiên Chúa đã mặc khải. Cuộc thăm viếng của họ cho thấy Đức Kitô, ánh sáng của Thiên Chúa, được trao ban cho mọi người thiện chí, cho những người Do Thái cũng như người ngoại.
Mối tương quan mới giữa dân Do Thái và dân ngoại
Việc Thiên Chúa tỏ mình giữa chúng ta đã thay đổi cách chúng ta nhận thức về nhau. Đức Kitô giáng trần đem ánh sáng giúp chúng ta nhìn thấy những sự liên hệ mới mẻ. Các nhà đạo sĩ, những người đến thờ lạy Hài Nhi với niềm tin tưởng là những người đại diện cho sự đa dạng văn hoá và sắc tộc, tại thành thị cũng như thôn quê và cho nhiều tôn giáo trên thế giới. Đối với chúng ta, chúng ta liên hệ với nhau không chỉ còn bởi máu huyết hay quốc tịch nhưng Đức Kitô ban Thánh Thần làm nền tảng cho các mối tương quan của chúng ta. Mối tương quan phổ quát mới mẻ này được thấy nơi cộng đoàn tín hữu; những người tin rằng không còn bóng tối, sự loại trừ hay tội lỗi nữa thay vào đó là một sự trao ban mới mẻ của ân sủng. Tất cả mọi người, không phân biệt sắc tộc có thể đồng thừa kế với Đức Kitô.
Tác giả: Nhóm dịch Ra Khơi, ĐCV. Bùi Chu chuyển ngữ
Nguồn tin: Dianne Bergant, Preaching the New Lectionary – Year C, The Epiphany of The Lord, The Liturgical Press.