Khiêm tốn, nền tảng cho đời sống trọn lành

Thứ sáu - 07/01/2022 20:28  849

LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA - NĂM C

Lc.3,15-16.21-22

e399530a93df5e9800c504584f0f28a2Trong xã hội ngày nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, con người dường như quên dần đi những nền tảng nhân bản, cách riêng là nền tảng nhân bản Kitô giáo. Nơi cuộc sống thường ngày, những giá trị nhân bản giúp cho con người ngày một trưởng thành hơn. Đối với Kitô giáo, những giá trị nhân bản đó còn đưa mỗi con người đến gần với sự trọn lành và trở nên mỗi ngày giống Chúa Kitô hơn. Khiêm tốn chính là một trong những giá trị nhân bản đó. Thánh Gioan Tẩy Giả trong bài Tin mừng hôm nay đã để lại cho chúng ta một bài học tuyệt vời về sự khiêm tốn qua gương sáng của ngài.

Quả thực, Gioan đã xóa mình đi để toàn tâm toàn ý loan báo về Đấng Mêsia. Nhằm đánh tan mối nghi ngờ của nhiều người cho rằng ông chính là Mêsia, Gioan đã khẳng định ông không phải là Đấng Thiên Sai. Sự khiêm tốn chính là trung thực, tôn trọng sự thật về mình. Khi phủ nhận hiểu lầm cách công khai minh bạch, ông thể hiện sự trung thực của mình. Ông đã sống đúng với vai trò của mình, khiêm nhường chu toàn sứ mạng và nhìn nhận đúng phẩm giá của mình. Ông đã diễn tròn vai của mình như một người MC giới thiệu về Đấng Mêsia. Sự khiêm tốn của ông được thể hiện cách quyết liệt hơn nữa khi ông so sánh mình với Đấng Mêsia: Tôi không đáng cởi quai dép cho Đấng mạnh thế hơn đang đến sau tôi. Ông cũng nhìn nhận: Phép rửa ông bằng nước, chỉ có hiệu lực chuẩn bị người ta đón nhận ơn cứu độ; phép rửa của Đấng đến sau ông bằng Thánh Thần và lửa, có hiệu lực ban ơn cứu độ. Như thế, sự xuất hiện của Gioan thật đúng lúc, và thật tuyệt vời khi sự rút lui vào bóng tối của ông cũng rất đúng thời, sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ giới thiệu về Đấng Mêsia: Người phải lớn lên, còn tôi phải bé đi.

Trong cuộc sống, sự khiêm tốn rất cần thiết, vì khiêm tốn “cải tội” kiêu căng. Kiêu căng lại chính là mối tội thứ nhất trong bảy mối tội đầu. Gọi là mối tội đầu vì kiêu căng cao ngạo chính là căn nguyên đưa tới nhiều thứ tội lỗi khác.

Thật vậy, sự kiêu căng chính là đầu mối đầu dẫn tới rất nhiều điều tệ hại trong cuộc sống của con người. Chiến tranh bởi đâu nếu không phải bởi nước này muốn thống trị nước kia? Ghen tương bởi đâu nếu không phải bởi người này muốn trổi vượt hơn người khác? Hận thù bởi đâu nếu không phải bởi người ta muốn đạp người khác xuống để chiếm lấy vị trí của họ? Nói hành, nói xấu, vu khống, dèm pha bởi đâu nếu không phải bởi người ta muốn tự quảng cáo mình tốt hơn, giỏi hơn người khác?... Sự kiêu căng không đem lại điều gì tốt đẹp cho người kiêu căng cả. Luxiphe vì kiêu căng không muốn phục tùng Thiên Chúa nên đã tự loại mình ra khỏi hàng ngũ các Thiên Thần. Ông bà nguyên tổ loài người vì kiêu căng muốn bằng Thiên Chúa nên đã bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, và cửa trời đóng lại. Sự kiêu căng đã tạo nên hố ngăn cách giữa con người với Thiên Chúa. Sự kiêu căng đã dựng nên một hàng rào không cho con người đến với nhau.

Chúng ta đang sống trong niềm vui của những ngày kỷ niệm biến cố Chúa Giáng sinh. Chiêm ngắm Chúa Giêsu trong máng cỏ đơn sơ, nghèo nàn, và chiêm ngắm Người trong biến cố Người chịu phép rửa, chúng ta sẽ thấy mình lố bịch hợm hĩnh biết bao khi để cho tính kiêu căng thống trị và hướng dẫn đời sống mình. Thật vậy, Chúa Giêsu là Thiên Chúa cao cả vô cùng, nhưng đã mặc lấy những tâm tình và cung cách sống khiêm tốn thẳm sâu. Là Thiên Chúa cao cả vô cùng, nhưng Người đã không đòi phải sinh ra trong một đất nước văn minh, trong một thành phố hoa lệ và trong cung ngọc điện ngà. Trái lại, Người đã chấp nhận sinh ra trong một hoàn cảnh bi đát nhất của thân phận làm người. Là Thiên Chúa cao cả vô cùng, nhưng Người đã không chọn cho mình một người cha, một người mẹ danh giá và giàu sang. Trái lại, Người đã chấp nhận làm con của một bác thợ mộc lam lũ và một cô thiếu nữ khó nghèo. Là Thiên Chúa thánh thiện tuyệt đối, nhưng Người lại hạ mình đến xin ông Gioan làm phép rửa cho mình như một người dân tầm thường và tội lỗi. Người là Thiên Chúa của muôn loài, nhưng lại hoà mình với đám đông không tên tuổi để trở thành một người vô danh như họ.

Biết nói gì về Người bây giờ, nếu không phải là cúi đầu cảm phục và tôn thờ sự khiêm tốn thẳm sâu của Con Thiên Chúa làm người? Ngày xưa, do sự kêu căng của nguyên tổ, cửa trời đóng lại. Ngày nay, do sự khiêm hạ của Con Thiên Chúa mà cửa trời lại được mở ra. Trời mở ra nghĩa là mọi ngăn cách giữa Thiên Chúa và con người bị xoá bỏ. Con người phản bội nay đã được tha thứ, được phục hồi tước vị làm con Thiên Chúa và được đồng thừa tự gia tài Nước Trời cùng với Chúa Giêsu. Trời được mở ra cho hết mọi người có thể đi vào. Nhưng nếu có ai tiếp tục bước vào vết chân kiêu căng của ông bà nguyên tổ, thì cánh Cửa Trời ấy sẽ mãi mãi đóng lại trước mắt người ấy.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết sống khiêm tốn, mở lòng mình đón Chúa, mở lòng đón anh chị em, đặc biệt những con người thấp cổ bé miệng, những người ở “vùng ngoại biên”, thì chắc chắn Chúa sẽ rộng mở Cửa Trời để đón chúng ta.

Khiêm tốn chính là yếu tố nền tảng cho đời sống trọn lành của mỗi người chúng ta. 

Tác giả: Đaminh Nguyễn Văn Ân

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập188
  • Máy chủ tìm kiếm33
  • Khách viếng thăm155
  • Hôm nay53,753
  • Tháng hiện tại944,813
  • Tổng lượt truy cập70,972,570
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây