Thứ Tư tuần Bát Nhật Giáng Sinh
Lễ các thánh Anh Hài
Mt 2,13-18
Sự sống là hồng ân vô giá Thiên Chúa ban tặng cho con người, “là báu vật mà thế giới không thể mua; cũng không thể bù lại khi đã bị sử dụng sai; càng không thể khôi phục, làm hoàn thiện và tô điểm một cuộc đời đã bị biến thành còi cọc, méo mó và xấu xí” (Jack London). Trong ngày lễ mừng các thánh Anh Hài, những trẻ thơ vô tội đã chết vì Chúa, Giáo hội mời gọi chúng ta biết trân trọng quà tặng sự sống mà Thiên Chúa ban cho con người.
Tin Mừng thuật lại cái chết đầy bi thương của các thánh anh Hài. Khi Vua Hêrôđê biết “mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa”, ông liền nổi giận. Cái nổi giận của một vị vua bạo tàn đang lo sợ tìm cách bảo vệ ngôi báu của mình. Vì không mưu hại được Hài Nhi Giêsu, Đấng Emmanuel, nên vị vua độc ác ấy đã đổ tất cả “tội lỗi” nên những Hài Nhi vô tội. Ông sai người đi giết tất cả con trẻ ở Bêlem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống tính từ ngày ông gặp các nhà chiêm tinh. Các trẻ thơ măng sữa này dù không biết Giêsu là ai, và cũng chưa thể tuyên xưng niềm tin của mình vào Giêsu, nhưng đã vì danh Giêsu mà chịu thiệt thân nên các em được Giáo Hội tuyên xưng như những anh hùng tử đạo.
Khi xưa Hêrôđê đã vì tính đa nghi và lòng ham hố quyền lực vô độ, đã nhanh tay tàn sát bao trẻ thơ vô tội. Ngày nay vì ích kỷ của cha mẹ mà một con số rất lớn các “anh hài” đã chết vì sự ích của con người nhất là của cha mẹ chúng. Theo báo cáo của Bộ Y tế, tại Việt Nam, mỗi năm cả nước có khoảng 250.000-300.000 ca phá thai được báo cáo chính thức. Trong đó, tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp Việt Nam vào danh sách một trong năm nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới và là nước có tỷ lệ phá thai cao nhất Châu Á (Báo Pháp luật ngày 29/6/2017). Đáng buồn hơn là con số những vụ phá tai vẫn không ngừng gia tăng và danh sách những quốc gia hợp thức hóa việc phá thai ngày càng được kéo dài. Cha mẹ được cổ võ và hỗ trợ tối đa để giết chết chính con của mình, với những lý do vô cùng ích kỷ và thiển cận ẩn nấp dưới những danh nghĩa tự do nhưng thực ra là phóng túng, buông thả; tiến bộ nhưng thực ra là hoang dã; và nhân văn nhưng thật ra là tàn ác, nhẫn tâm. Bên cạnh đó, nền văn minh sự chết này còn là môi trường thuận lợi cho những tội ác khác liên quan đến trẻ em như buôn người, lạm dụng tình dục, lạm dụng sức lao động và đủ loại hình thức tra tấn, bóc lột và bỏ rơi khác.
Như Mẹ Maria và thánh Giuse xưa, chúng ta được mời gọi bước đi trong ánh sáng của Lời Chúa, của tiếng lương tâm để nhận ra giá trị vĩnh cửu, thánh thiêng của sự sống hầu biết trân quí, bảo vệ sự sống Thiên Chúa ban dù gặp khó khăn thử thách. Chúng ta không chỉ bảo vệ sự sống bằng lời cầu nguyện và ước muốn suông nhưng bằng hành động cụ thể ngay trong gia đình, cộng đoàn, giáo xứ và Giáo hội của chúng ta. Chúng ta cần bảo vệ sự sống thể lý, tinh thần và tâm linh bằng gương sống lành mạnh, tích cực, bằng sự quan tâm, lắng nghe, yêu thương, chia sẻ, cảm thông, tha thứ, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất để con cái được tham dự thánh lễ và chuyên cần học hỏi giáo lý hầu đời sống đức tin của người trẻ mỗi ngày trưởng thành hơn.
Lạy Chúa Giêsu, vì lời chuyên cầu của các thánh Anh Hài, xin cho chúng con xác tín giáo huấn của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao lô II trong thông điệp Evanggelium vitae, số 61: “Sự sống của con người là thánh thiêng và bất khả xâm phạm trong tất cả các khoảnh khắc của sự hiện hữu của nó, cả trong khoảnh khắc khởi đầu có trước sự sinh ra. Từ trong dạ mẹ, con người thuộc về Thiên Chúa là Ðấng dò xét và thấu biết tất cả, là Ðấng hình thành và tác tạo nó từ tay Ngài, đã nhìn thấy nó khi nó còn là một phôi nhỏ không có hình dạng xác định và đoán thấy nơi nó con người trưởng thành nó sẽ trở nên ngày mai, mà ngày giờ đã được đếm và ơn gọi đã được ghi vào ‘Sách sự sống’ (Tv 139/138,1.13-16). Cũng nơi đó khi nó còn trong dạ mẹ - như nhiều văn bản Thánh Kinh chứng tỏ (60) - con người là đối tượng thiết thân nhất của sự quan phòng trong tình yêu thương và trong tình hiền phụ của Thiên Chúa”. Amen.