Thứ Sáu, Ngày VII Tuần Bát nhật Giáng Sinh (31.12.2021)
Ga 1,1-18
Những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa (Ga1,13).
Bài Tin mừng hôm nay là Lời Tựa hay phần mở đầu Tin mừng theo thánh Gioan (Ga 1,1-18). Đây cũng chính là đoạn Tin mừng được đọc vào Thánh lễ Ban Ngày chính ngày lễ Chúa Giáng sinh. Bài Tin mừng này rất cô đọng, súc tích, sâu sắc, giàu ý nghĩa nhưng cũng khá khó hiểu. Do đó, bài Tin mừng này được sắp xếp đọc trong thánh lễ Ban Ngày thay vì lễ Đêm hay lễ Rạng Đông. Sở dĩ thế là vì Giáo hội muốn cho chúng ta có thêm thời gian để khi chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu và gẫm suy cách sâu sắc, thấu đáo Lời Tựa Tin mừng này, chúng ta thấy được Hài Nhi Giêsu chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa.
Thật vậy, chỉ khi thật sự chiêm ngắm, gẫm suy lâu giờ với lòng khiêm tốn, cởi mở và đơn sơ trước hang đá, máng cỏ Bêlem, chúng ta mới có thể nhận ra được Hài Nhi bé nhỏ, nghèo hèn, bọc tã kia là chính Ngôi Lời quyền năng của Thiên Chúa. Trong Lời Tựa này, thánh Gioan đã đi từ Đức Giêsu lịch sử và cuộc sống của Ngài trên trần gian để đi tới Ngôi Lời ở trong Thiên Chúa (1,1).
Cựu ước cho chúng ta biết rằng: Lời của Thiên Chúa phát xuất từ Thiên Chúa. Người dùng Lời đó để tạo dựng vũ trụ (x.St 1,1-27). Rồi vào thời cuối cùng, Lời Đức Chúa phán truyền từ Giêrusalem để dạy cho muôn dân biết đường lối của Người (x. Is 2,3). Theo Thánh vịnh 119,105, Lời Chúa cũng được coi như ngọn đèn, như ánh sáng chỉ đường chỉ lối cho chúng ta đi. Đặc biệt trong Is 55,10-11, Lời của Đức Chúa được coi như một bản vị: Lời đó phát xuất từ Thiên Chúa giống như một sứ giả chỉ trở về với Thiên Chúa khi hoàn thành sứ mạng trong thế giới loài người. Theo Ga 1,1-18, Ngôi Lời cũng đi lại con đường ấy: từ Chúa Cha xuống trần, rồi trở về với Cha. Như vậy, Lời ở trong Thiên Chúa đã can thiệp vào vũ trụ (Ngôi Lời trong công cuộc tạo thành) và đã đi vào lịch sử nhân loại (Ngôi Lời trong công trình cứu chuộc).
Chúng ta cũng thấy nơi Lời Tựa này một thứ parabol: Ngôi Lời phát xuất từ Thiên Chúa, rồi sau khi xuống thế nhờ màu nhiệm Nhập thể, Ngôi Lời trở về với Thiên Chúa. Thật vậy, Lời Tựa như được chia làm hai phần đối xứng nhau. Phần một từ đầu đến câu 11; phần hai từ câu 12 đến câu 18; phần thứ hai này lấy lại những ý tưởng tương tự của phần thứ nhất theo thứ tự đảo ngược; các câu 1-2 (Ngôi Lời hiện diện với Thiên Chúa) đối chiếu với câu 18 (Con Một trong cung lòng Chúa Cha); câu 3 (Vai trò của Ngôi Lời trong công cuộc tạo thành) đối chiếu với câu 17 (Vai trò của Ngôi Lời trong công cuộc cứu chuộc hay tái tạo); câu 4-5 (Ân huệ ban cho nhân loại: sự sống và ánh sáng) đối chiếu với câu 16 (Ân huệ ban cho nhân loại xuất phát từ nguồn sung mãn của Ngôi Lời làm người; các câu 6-8 (Lời chứng của ông Gioan Tẩy giả về Đức Kitô) đối chiếu với câu 15 (Lời chứng của ông Gioan Tẩy giả về Đức Kitô); câu 9-11 (Những lần Ngôi Lời đến trong thế gian) đối chiếu với câu 14 (Biến cố Nhập thể: Ngôi Lời đến thế gian). Còn các câu 12-13 thì ở giữa hai phần: nằm ở cuối cảnh đi xuống, ở đáy parabol, hai câu này là khởi điểm cho cách đi lên, là bản lề ở giữa hai phần đối chiếu, là trung tâm của Lời Tựa. Theo hai câu 12 và 13, chúng ta có thể thấy: nhờ Ngôi Lời nhập thể, chúng ta được trở nên con Thiên Chúa.
Như vậy, tâm điểm lời Chúa hôm nay là lời mời gọi đến chiêm ngắm và đón nhận Hài Nhi Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể. Tin và đón nhận Người, chúng ta sẽ được Người cho quyền trở nên con Thiên Chúa. Trở nên con Thiên Chúa, không do ý riêng ra, cũng chẳng do cha mẹ ta nhưng hoàn toàn do ý định nhân lành của Thiên Chúa mà thôi. Hãy cảm tạ Chúa vì ân huệ cao cả này. Amen.