Bài giảng lễ tạ ơn Cha mới Phaolô Phạm Thế Đoàn tại đền thánh Thánh Gia Kiên Lao
Gr 1,4-9; 2 Cr 5,14; Ga 15,9-17
Trọng kính quý cha, quý thầy, quý dì; kính thưa quý ông bà cố, quý ông bà và anh chị em,
Quý ông bà anh chị em thử nghĩ xem: Ngoài những nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống như: cơm ăn, áo mặc, khí thở, nước uống,... điều gì quan trọng nhất cho cuộc đời? Tôi nghĩ: Tình yêu là thứ quan trọng nhất vì nhờ có tình yêu mà hai người nam nữ nên vợ nên chồng, nhờ tình yêu mà cha mẹ hết lòng lo cho con cái, nhờ tình yêu mà con cái thảo hiếu với bố mẹ, nhờ tình yêu mà giáo xứ phát triển vững bền và cũng chính nhờ tình yêu mà chúng ta có thể người can đảm đáp lại tiếng Chúa gọi. Chúng ta có thể thấy điều này qua phụng vụ lời Chúa hôm nay cũng như qua chính kinh nghiệm của cha mới Phaolô.
Quả vậy, bài đọc thứ nhất nói với chúng ta rằng ơn gọi của Giêrêmia phát xuất từ tình thương vô biên của Thiên Chúa. Vì thương nên Thiên Chúa đã biết Giêrêmia trước khi ông thành hình trong dạ mẹ; vì thương nên Thiên Chúa đã thánh hoá Giêrêmia trước khi ông lọt lòng mẹ, và đặt Giêrêmia làm ngôn sứ cho dân. Vì thương nên cho dù Giêrêmia còn quá trẻ và không biết ăn nói, Thiên Chúa vẫn sai ông đi nói lời của Ngài cho dân. Vì thương nên bất chấp Giêrêmia thế nào, Thiên Chúa vẫn ở với ông không phải để dò xét, để bắt lỗi, để đánh phạt, nhưng để giải thoát ông khỏi tay kẻ thù “vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi”.
Về phía mình, Giêrêmia chẳng có cách nào khác và cũng không thể làm gì hơn ngoài việc buông mình cho Thiên Chúa, can đảm bước theo đường lối của Ngài, làm hết những gì có thể để kế hoạch của Ngài được thực hiện. Giêrêmia đã chu toàn sứ mạng Chúa trao phó “đứng đầu các dân các nước, để nhổ, để lật, để phá, để xây, để trồng.” Câu hỏi đặt ra là tại sao Giêrêmia lại có thể chu toàn được sứ mạng quá lớn lao và đầy khó khăn như vậy, sứ mạng “nhổ, lật, phá, xây, trồng,...”? Thưa, Giêrêmia đã hoàn thành tốt sứ mạng bởi vì ông đã cảm nếm sâu xa tình thương của Thiên Chúa hay nói cách khác, chính tình yêu Thiên Chúa đã thôi thúc ông.
Kinh nghiệm được tình yêu Chúa thôi thúc của Giêrêmia cũng là kinh nghiệm của thánh Phaolô. Thật vậy, thánh Phaolô đã ý thức rất rõ rằng ngài được tuyển chọn và sai đi không do khả năng của ngài, nhưng hoàn toàn do tình thương của Chúa Kitô vì trước khi được tuyển chọn, thánh hiến và sai đi, thánh nhân là người chống đối, bắt bớ, bách hại các kitô hữu, mà chống đối, bắt bớ, bách hại các kitô hữu là chống đối, bắt bớ, và bách hại chính Chúa Kitô như Ngài đã khẳng định “Ta là Giêsu ngươi đang tìm bắt. Giơ chân đạp mũi nhọn thì khốn cho ngươi”.
Vì cảm nghiệm được tình yêu của Chúa Kitô nên thánh nhân đã nỗ lực hết mình sống cho Chúa “Tôi sống nhưng không phải là tôi mà là Chúa Kitô sống trong tôi... và khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng”. Nói như bài đọc hai thì mọi việc thánh nhân làm đều do tình yêu Chúa Kitô thôi thúc: “Thật vậy, chúng tôi có điên thì cũng là vì Thiên Chúa; chúng tôi có khôn, cũng là vì anh em. Tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi;... Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình”. Đức Kitô đã chết và sống lại vì mọi người và vì thánh nhân, nên thánh nhân đã chỉ còn “sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình”, tức là sống chết cho Chúa Kitô.
Thật ra, trước khi thánh Phaolô sống kinh nghiệm được tình yêu Đức Kitô thôi thúc, thì chính Chúa Giêsu đã sống và đã truyền đạt trải nghiệm được Thiên Chúa yêu thương cho các môn đệ. Ngài đã cảm nếm tuyệt vời tình yêu của Chúa Cha và những đòi hỏi của tình yêu ấy nên Ngài đã sống với các môn đệ bằng tình yêu của Chúa Cha “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy”. Tình yêu của Chúa Cha dành cho Chúa Giêsu là tình yêu hướng tha, tình yêu trao ban, tình yêu cho đi và cho đi đến cùng, để rồi tất cả của Cha đều là của Con. Đến lượt mình, Chúa Giêsu cũng sống với các môn đệ bằng tình yêu ấy. Ngài yêu các môn đệ đến cùng, yêu đến hy sinh mạng sống trên thập giá “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”. Các môn đệ là bạn hữu của Chúa và Chúa đã hy sinh mạng sống cho các ông.
Chính vì thương các môn đệ đến cùng, nên Chúa Giêsu mong mỏi họ ở lại trong tình yêu của Ngài “Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”. Điều kiện duy nhất để ở lại trong tình yêu của Chúa là giữ giới răn yêu thương: “Anh em hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương anh em”. Như thế, hoá ra làm môn đệ thân tín của Chúa Giêsu thật đơn giản, chỉ cần yêu thương anh em như Chúa yêu. Nói là đơn giản chứ thật ra không dễ dàng vì có ai lại không nghĩ đến mình, không chăm lo cho hạnh phúc của mình? Hỏi rằng mấy ai dám hy sinh bản thân cho người khác, mấy ai dám chết cho bạn hữu, và càng chẳng thấy ai chết cho kẻ thù. Dường như chỉ có Chúa Giêsu mới dám hy sinh mạng sống cho tội nhân.
Người môn đệ của Chúa Giêsu được hứa ban phần thưởng vô cùng lớn lao, không phải là vật chất, hư danh, những thứ có thể cân đong đo đếm và mối mọt, nhưng là niềm vui của chính Chúa, niềm vui viên mãn, vĩnh cửu không gì có thể đánh đổi, cướp mất. Nói cách dễ hiểu, đó là niềm vui bền vững, là hạnh phúc Nước Trời, là điều ai cũng mơ ước: “Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn”.
Kinh nghiệm được tình yêu Chúa Kitô thôi thúc cũng là một phần kinh nghiệm của cha mới Phaolô. Tại sao tôi có thể nói như vậy? Thưa, chính cha mới đã bật mí cho chúng ta châm ngôn sống của cha được in trên thiệp mời “Tình yêu Đức Kitô thôi thúc tôi” (2 Cr 5,14). À! Vậy ra chính tình yêu Đức Kitô đã thôi thúc cha mới đáp trả tiếng Chúa gọi, chính tình yêu Đức Kitô lôi cuốn cha tới bàn thánh, chính tình yêu Đức Kitô hun đúc cha sống ơn gọi, và chính tình yêu Đức Kitô hối thúc cha can đảm dấn thân vào sứ mạng. Tình yêu của Chúa quá lớn, quá mạnh thôi thúc cha nên cha không thể cưỡng lại; rồi tình yêu của cha dành cho Chúa cũng đủ mặn mà nên cha đã can đảm đáp trả tiếng gọi yêu thương của Chúa. Nói tóm lại, chính tình yêu Đức Kitô thúc cha để mỗi ngày cha lớn lên trong tình yêu Chúa và tha nhân.
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Giêrêmia được gọi, được chọn, được thánh hiến và sai đi vì tình thương nhưng không của Thiên Chúa. Chính Đức Giêsu cũng như thánh Phaolô đã có kinh nghiệm ấy để rồi sống hết mình cho sứ mạng được trao phó. Cha mới Giuse của chúng ta ít nhiều cũng đã trải nghiệm như vậy. Chính vì cảm nếm được vị ngọt ngào của tình yêu Chúa và bị tình yêu Chúa Kitô thôi thúc mà cha đã đáp trả tiếng Chúa trong ơn gọi linh mục. Tuy nhiên, chúng ta biết hành trình cuộc đời linh mục còn rất nhiều chông gai ở phía trước vì có ai theo Chúa lại không phải vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Nguyện xin tình yêu của Chúa Kitô tiếp tục thôi thúc cha mới để cha luôn cảm nghiệm được niềm vui và hạnh phúc trong việc chu toàn sứ mạng cho dẫu cuộc đời linh mục không tránh khỏi thập giá khổ đau. Amen!