Ánh mắt của lòng thương xót
Thứ tư - 26/10/2016 15:33
1831
Bóng hoàng hôn đang khuất dần, toàn thân tôi mệt mỏi rã rời sau một ngày làm việc. Kiếm được nhiều tiền nhưng tôi không thấy bình an, không thấy niềm vui ở công việc. Vì làm nhân viên thu thuế cho đế quốc Rôma nên bạn bè, hàng xóm, anh chị em rẻ rúng, coi tôi như một kẻ cắp. Nhiều khi tôi muốn vứt bỏ tất cả nhưng không được, vì đã đâm lao thì phải theo lao thôi. Thất vọng, chán chường, dường như lúc nào cũng có đám mây đen bao phủ quanh tôi. Rồi một ngày kia, có người nói với tôi: “Hãy theo Thầy”(Mt 9,9) câu nói ấy đã đưa cuộc đời tôi sang một trang sử mới.
Lời mời gọi ấy đã thức tỉnh con người và trái tim tôi. Như vừa tỉnh giấc sau cơn mê, tôi bàng hoàng, choàng tỉnh thức. Tôi không tin vào tai mình. Lúc đó toàn thân tôi bất động. Nhưng mắt tôi đã sáng lên khi chạm vào ánh mắt nhân từ, thương xót của Thầy. Từ trước tời giờ, tôi toàn chạm phải ánh mắt ghen tỵ, xét đoán, lên án, chỉ trích của đồng loại. Tôi muốn thoát và tránh những ánh mắt hình viên đạn ấy, nhưng không được. Thầy đã đi qua trạm thu thuế của tôi, ánh mắt nhân từ đã soi thấu tới thẳm sâu trái tim đang héo hắt, đau nhói của tôi. Ánh mắt ấy đã khiến cuộc đời tôi bừng sáng lên một niềm tin, hy vọng và niềm vui mới. Tôi xúc động, run run đi theo tiếng mời gọi ấy, không chút do dự, băn khoăn. Giờ đây tôi không còn mang tên Lêvi người thu thuế, trái lại được thầy đặt cho một tên mới Matthêu “nghĩa là hồng ân Thiên Chúa”.
Ánh mắt nhân từ và lòng thương xót của Chúa Giêsu đã làm thay đổi cuộc đời Matthêu. Ngài đồng cảm với số phận, với công việc thu thuế, nhất là thấu hiểu sâu xa nỗi đau nơi tâm hồn ông. Bản chất của Matthêu không phải là người xấu. Ông là con người tốt bụng, quan tâm đến người khác, nhưng nghề thu thuế mà ông đang làm đã khiến người khác nhìn ông bằng con mắt không mấy thiện cảm vì họ nghĩ: “ông là một kẻ ăn cắp”. Những quan niệm xấu về nghề nghiệp, cũng làm cho khoảng cách giữa ông với Thiên Chúa ngày càng xa. Ông không thể đến đền thờ một cách tự do, thoải mái như bao người. Nỗi đau đớn, dằn vặt tràn ngập trong tâm hồn ông.
Hành động đi ngang qua trạm thu thuế của Chúa Giêsu không chỉ đơn thuần hiểu theo nghĩa đen mà thôi. Nhưng ẩn sâu trong đó là hành trình đi ngang qua lòng người, trạm thu thuế vật chất kia vẫn còn đó, nhưng trạm thu thuế tâm hồn của ông giờ đã thay đổi. Không còn người thu thuế tên Lêvi, nhưng có một tông đồ Matthêu trong ánh mắt nhân từ của Thiên Chúa. Ánh mắt ấy đã xóa tan mọi vết thương lòng, còn rót đầy tâm hồn ông một tình yêu tha thứ, thương xót không bến bờ. Trái tim của Matthêu giờ đây đã được biến đổi và chung nhịp đập với trái tim từ bi, nhân ái của Thiên Chúa.
Bạn thân mến! Ngày nay bên cạnh chúng ta vẫn còn rất nhiều người mang trong mình tâm trạng, nỗi đau của Lêvi xưa. Họ mang trong mình nỗi đau của kỳ thị, nỗi đau của sự hắt hủi, nỗi đau của hiểu lầm... Những con người đau khổ ấy đang đói khát, đang cần nơi tôi và bạn một ánh mắt xót thương, đồng cảm, lời nói cảm thông. Ngày nay Chúa vẫn đang mời gọi chúng ta hãy mở rộng trái tim yêu thương, vòng tay nhân ái đối với tất cả những ai đang cần đến sự giúp đỡ.
Hình ảnh của những vụ bạo động, những cuộc chiến tranh vũ khí, chiến tranh lạnh, những cuộc chém giết lẫn nhau… cũng phần nào nói lên cơn khát tình yêu của thời đại ngày hôm nay. Đức Thánh Cha Phanxicô trong tông huấn về lòng thương xót số 12 viết: “Giáo Hội được ủy thác công bố lòng thương xót của Thiên Chúa, là trái tim đang đập của Tin Mừng […] chủ đề của lòng thương xót cần được tái đề xuất hết lần này đến lần khác với lòng nhiệt thành mới và các hoạt động mục vụ được canh tân […] Ngôn ngữ và những cử chỉ của Giáo Hội phải chuyển tải lòng thương xót, để chạm vào con tim của tất cả mọi người và truyền cảm hứng cho họ một lần nữa để tìm ra con đường dẫn đến Chúa Cha […] Do đó, bất cứ nơi nào Giáo Hội hiện diện, lòng thương xót của Chúa Cha phải là hiển nhiên. Trong các giáo xứ, các cộng đồng, các hiệp hội và các phong trào, nói tắt một lời, là bất cứ nơi nào có những Kitô hữu, tất cả mọi người phải tìm được một ốc đảo của lòng thương xót”.
Chính vì lẽ đó, mỗi người hãy làm một cử chỉ tốt đẹp cho người khác, để thông đạt lòng thương xót cho môi trường mình đang sống.
Maria Mai Khôi, dòng Đaminh