Can dự của Mẹ Maria trong cuộc đời tôi
Chủ nhật - 09/10/2016 15:13
2045
Trong một tòa án dân sự, thẩm phán là người có quyền phán quyết tội nhân. Nhưng cũng phải thừa Luật sư là người có vai trò rất quan trọng trước khi quan tòa định án. Ngày chung thẩm của cuộc đời ta cũng có thể sánh ví với một phiên tòa trần gian. Giờ phút đó mọi công tội của ta được bày ra trước triều thần Thiên quốc. Là tội nhân, chúng ta cần một Luật sư có thế giá để bào chữa, cứu gỡ mới qua khỏi kiếp nạn. Bạn sẽ chọn ai làm luật sư cho mình vào thời khắc quyết định ấy?
Sẽ có rất nhiều sự chọn lựa, nhưng cùng là Kitô hữu thì tôi chắc chắn, phần lớn sẽ chọn Mẹ Maria làm trạng sư cho mình. Cần phải chúc mừng những ai có sự chọn lựa khôn ngoan như thế. Và chúng ta sẽ không phải thất vọng vì vai trò trạng sư cũng là một ân điển Thiên Chúa dành cho Mẹ mà kinh Salve Regina đã nhắc tới: “Bà là Đấng trạng sư…”. Thánh Catharina trong cuốn Đối thoại nhắc lại lời Chúa Cha nói cho thánh nữ biết. “Con đường dẫn lên trời đã bị cắt đứt vì tội bất tuân phục của Ađam, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Con Ngài trở thành cây cầu, để người ta có thể qua đó mà lên Trời” (Đối thoại 21). Nhưng chắc rằng hành trình để tìm đến được với cây cầu không đơn giản và người có thể dẫn tôi tới được chân cầu, dắt ta bước đi an toàn trên cây cầu thiêng liêng ấy không ai đáng tin cậy hơn Mẹ Maria.
Trong tay Mẹ chúng ta sẽ an tâm bước đi, điều này là có cơ sở. Thứ nhất xét về phương diện tình cảm thuần túy con người. Người gắn bó với đứa trẻ nhất trong gia đình không ai khác hơn là mẹ. Lúc ốm đau cũng chính mẹ sẽ chăm sóc, lo lắng cho ta chu đáo nhất. Khi đứa trẻ phạm lỗi hay vấp ngã cũng là mẹ sẽ ở bên nâng đỡ, vỗ về kịp lúc. Trên bình diện siêu nhiên, hơn ai hết Đức Maria đã trải qua những đêm đen của đức tin khi tại thế nên Mẹ hiểu sự đau đớn, khó khăn khi phải đối diện với những thử thách đó ra sao? Chính nhờ đã sống, trải nghiệm thực tế và vượt qua một cách kiên cường, Mẹ trở thực sự có vị thế trước mặt Thiên Chúa. Biết bao tội nhân đã ăn năn, sám hối trở về nẻo chính nhờ lời cầu bầu của Mẹ.
Như thế, ngoài Đức Giêsu là “Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và nhân loại" (1Tm 2,5). Chúng ta còn có Mẹ Maria là ‘Trạng sư trên Thiên Quốc’ luôn kêu cầu bảo vệ giúp cho. Vị trí này khi ở trần thế, Môsê đã từng đảm nhận khi Ông đại diện dân dâng lên Thiên Chúa mọi lời khẩn cầu. Ngược lại những gì Thiên Chúa muốn dân phải giữ để tỏ lòng trung thành cũng qua ông mà được tỏ bày. Sang thời Tân ước Mẹ Maria là người xứng đáng là máng thông ơn Chúa cho nhân loại: “Trong thần học Công giáo cho rằng kể từ khi hạ sinh Đức Giêsu (Đấng Cứu chuộc, nguồn mạch của mọi ân sủng) thì Đức Maria đã trở thành kênh dẫn đưa mọi ân sủng đến cho nhân loại. Ý kiến thứ hai cho là: Khi Đức Maria lên trời thì mọi ân sủng mà nhân loại nhận được đều có sự cộng tác và chuyển cầu của Mẹ Maria.” (Nguồn Wikipedia).
Đó là những lời giải thích đầy đủ và ý nghĩa nhất về vị thế độc tôn của Mẹ giúp chúng ta hiểu đúng mà không mâu thuẫn với những lời Kinh Thánh đã nói về vị trí trung gian của Đức Giêsu: “Thật vậy chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng Trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người là Đức Kitô Giêsu” (1Tm 2,5). Vai trò không thể thiếu của Mẹ đối với nhân loại nhờ kết hợp với nhiệm thể Đức Giêsu. Không chỉ có Mẹ, mà chính mỗi chúng ta cũng được Thiên Chúa mời gọi để chia sẻ vai trò này khi chúng ta biết làm ích cho nhau nhờ những ưu thế và đặc sủng Ngài ân ban cho mỗi cá nhân hay tập thể. Vì như thánh Phaolô có nói trong thư (Rm 12, 4-8). Qua đó ta được biết thêm, Thiên Chúa ban cho mỗi người những đặc sủng khác nhau không chỉ vì lợi ích cá nhân, nhưng là mưu ích cho mọi người. Do lợi ích đó mà ta thấy các đặc sủng không mâu thuẫn, tách rời nhưng được triển nở và thăng hoa khi biết liên kết và hiệp thông để cùng xây dựng thân thể duy nhất của Đức Kitô.
Những gì đã viết trên đây không nhằm mục đích ca tụng Mẹ, vì với khả năng hữu hạn về ngôn ngữ con người, có viết hoặc ca tụng thêm gì cũng chẳng thấm vào đâu so với vinh quang mà Thiên Chúa đã ban cho Mẹ. Lúc này con chỉ nói theo tình cảm tự nhiên với ý thức bẩm sinh của đứa trẻ khi đứng trước Mẹ của mình cách hồn nhiên, đơn sơ rằng: “Con yêu Mẹ!”. Đơn giản thế thôi, nhưng con tin, Mẹ sẽ mỉm cười và âu yếm ôm con vào lòng.
Nt. Scholastica, Đaminh Bùi Chu