Nhật ký chuyến đi: Tiếng vọng vùng Tây Bắc

Thứ hai - 12/09/2016 15:03  2407
Mỗi người trong chúng ta, không nhiều thì ít cũng đã trải qua những chuyến đi với mục đích và nhu cầu khác nhau. Tôi đã có một chuyến đi ý nghĩa, để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm trí. Với trải nghiệm sống và hiểu biết còn nghèo nàn, cũng xin kể lại chút ấn tượng của chuyến đi có hai mục đích: du lịch và làm từ thiện trên vùng đất Sapa.
 
Với mục đích thứ nhất, tôi thả mình vào phong cảnh thiên nhiên qua cánh cửa xe bus. Đoạn đường trên sườn núi quanh co, khúc khuỷu đầy nguy hiểm cũng không ngăn được sự thích thú chiêm ngắm cảnh đẹp đang bày ra trước mặt. Núi non trùng điệp và những đám mây vô tư bao quanh sườn núi, huyền ảo như mơ như thật, ngoài sức tưởng tượng của tôi. Ấn tượng nhất là sườn núi có những ruộng bậc thang, để người dân trồng lúa, trồng ngô, thấp thoáng có xen lẫn những ngôi nhà nhỏ.

 
 
Những ruộng bậc thang tô đẹp thêm cho dãy núi rất nhiều, ai đã tạo ra những thuở ruộng bậc thang ấy? Và còn những căn nhà nhỏ mong manh kia, làm sao để tồn tại được qua những khắc nghiệt của thời tiết?... Dường như tôi đã chuyển từ ngắm cảnh sang suy tư về những khó khăn của cuộc sống con người nơi đây. Trước hết về địa thế họ đang sống, việc đi lại, làm việc... Đang chìm trong những suy tưởng, bỗng có tiếng nói: “xin mời quý khách xuống xe, đây là chạm cuối cùng của xe bus, chúc quý khách cuối tuần vui vẻ”. Chúng tôi cũng lục tục sách hành lý xuống xe.
 
Điểm dừng chân đầu tiên là giáo xứ Sapa, chúng tôi ăn tối và nghỉ đêm. Ở đây ngoài Cha Xứ, còn có hai Cha Phó, thầy xứ và hai Sơ dòng Phao Lô tiếp đón đoàn rất nồng nhiệt, cởi mở như huynh đệ. Những giờ phút ngồi bên nhau, được quý cha và quý sơ chia sẻ những công tác Mục vụ nơi miền sơn cước, chúng tôi cũng hiểu được phần nào những khó khăn họ đang phải đối diện.
 
Sáng hôm sau khởi hành, chúng tôi đến Hầu Thào, cách Sapa khoảng 10km. Đoạn đường men theo sườn núi, nếu đi xe đạp thì khó lòng đi được, còn xe hon đa thì cũng rất nguy hiểm. Đây quả là thách đố lớn cho tất cả những ai đến truyền giáo, đặc biệt việc đi lại của các sơ gặp rất nhiều khó khăn. Đến tới giáo họ, chúng tôi được tham dự thánh lễ bằng tiếng Mông. Lần đầu tiên tham dự thánh lễ như vậy, tôi đã cố gắng để hòa mình vào lời kinh, câu hát tiếng Mông, dù không hiểu một chữ cắn đôi.
 
Các em thiếu nhi tham dự thánh lễ nghiêm trang, chăm chú nghe và trả lời câu hỏi Cha đưa ra khá chính xác và lễ phép. Sau thánh lễ chúng tôi có giờ sinh hoạt với các em, sự nhanh nhẹn và nhiệt tình tham gia trò chơi thật ngoài sự tưởng tượng. Trong khi vui chơi tôi đọc được nơi các em một sự khao khát rất lớn. Các em ăn mặc rách rưới, đầu tóc cũng không gọn gàng, mặt mũi lấm lem, hình dáng ấy nói lên vẻ nghèo nàn, bươn chải, vất vả. Kết thúc giờ sinh hoạt chúng tôi phát kẹo bánh cho các em. Khi trò chuyện thân mật với các em học sinh cấp hai, được biết hầu hết các em chỉ được theo học đến lớp 5 hoặc 9, vì nghèo, vì cái chữ ở xa, đường đất đi lại thì khó khăn. Còn ở nhà giúp bố mẹ làm nương rẫy. Tuổi như của các em lẽ ra phải được học và chơi, nhưng lại sớm phải gắn chặt với cái nương cái rẫy.
 
Ở đây chính chúng tôi nhận được từ các em, những ánh mắt rạng rỡ, niềm vui và lòng biết ơn thể hiện qua cử chỉ, ánh mắt và cả tâm hồn. Không những vì món quà nhỏ đã nhận được, mà còn do sự hiện diện của chúng tôi nữa. Chính các em đã dạy cho tôi bài học của lòng biết ơn chân thật là thế nào.  Nó rất đơn giản như món quà của sự hiện diện, quà của sự an ủi, chia sẻ, cảm thông.

 
 
Quả vậy, chính lúc cho đi lại là khi được đón nhận, Tôi đã thấy nơi người bản địa,  họ thật chân chất, bình dị, không một chút gian dối, ngoài sự chân thành cởi mở, chịu thương, chịu khó, bám núi rừng để sống. Họ có một tinh thần lạc quan phi thường. Những cụ già trong làng, da mặt sạm nắng, miệng móm mém, cộng thêm những nếp nhăn xếp tầng. Nhưng thường trực trên khuôn mặt là niềm vui thực sự, với họ sự nghèo nàn, lạc hậu không có nghĩa gì. Còn các em bé thật hồn nhiên, vô tư trong sáng. Niềm vui nơi họ đã truyền lan sang tôi. Tôi hy vọng tất cả thiếu nhi dân tộc Mông nói chung, thiếu nhi ở Hầu Thào, Tả Van nói riêng đủ sức mạnh để vượt qua nghịch cảnh, được hưởng những điều kiện tốt đẹp như bao trẻ em khác trên thế giới.

Sau chuyến đi, thứ tôi nhận được là giá trị đích thực của niềm vui trao đi và cả nhận lại. Đặc biệt khi quỳ trước Chúa Giêsu Thánh Thể trong thinh lặng có sự thay đổi lớn trong tôi. Trước kia tôi làm việc một cách bình thường, có khi còn than thân trách phận, thì nay đã hiểu mình được may mắn hơn biết bao người. Trước kia luôn nghĩ mình nghèo khổ, bất hạnh thì nay lại thấy mình giầu có. Chuyến đi đã dạy cho tôi biết phải Tạ ơn Chúa, vì tất cả những gì đang có, đặc biệt hãy sống bằng lòng yêu mến chân thành. Vì thế, tôi cần lập trình một cuộc sống có ý nghĩa và suy nghĩ tích cực hơn. Cám ơn những người đã gặp trong chuyến đi, họ giúp nhận ra cái tôi nghèo nàn và việc tôi cần phải làm là đổi mới, làm giầu những giá trị nội tại con người mình ngay từ bây giờ.
 
Anna Trần Thị Thúy,
Lớp Học viện dòng nữ Đaminh
***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập383
  • Máy chủ tìm kiếm24
  • Khách viếng thăm359
  • Hôm nay40,209
  • Tháng hiện tại900,570
  • Tổng lượt truy cập78,904,021
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây