Sao con người lại muốn loại trừ Thiên Chúa?
Thứ sáu - 28/10/2016 15:17
2686
Nhìn vào toàn cảnh xã hội hiện nay, có thể thấy sự mâu thuẫn, bất đồng trên nhiều phương diện chính trị, kinh tế, khoa học, y học, môi trường, dân số... khiến những ai khao khát được thấy công bình bác ái hiện diện trên trái đất không khỏi hoang mang lo ngại. Khi chứng kiến thảm kịch nảy sinh do những mâu thuẫn, nhiều người chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm vì “thế thái nhân tình” đảo điên đang bày ra trước mắt? Những lúc ấy câu hỏi đặt ra là: Thiên Chúa đang ở đâu? Ngài thực đã bị con người loại trừ ra khỏi cuộc sống rồi sao? Vì sao người ta muốn loại trừ Ngài?
Câu trả lời đó chính là để được tự do làm điều ác một cách mạnh mẽ không chùn tay bằng mọi thủ mà không bị tiếng nói lương tâm quấy rầy. Vì nếu tin có Thiên Chúa đồng nghĩa với việc phải chấp nhận có hậu quả cũng như trách nhiệm về luân lý cho hành động và lối sống của mình, phải thực thi giới răn mến Chúa yêu người kèm theo một loạt những đòi hỏi như: phải yêu chuộng công bình bác ái; phải làm tôi tớ phục vụ; không được ăn trên ngồi trốc; phải chia sẻ những thứ mình có cho người khác; phải sống khiêm tốn; phải nhường nhịn tha thứ; phải yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ghét mình; phải tránh mua gian bán lận; không được ăn gian nói dối; phải chịu chống đối hay bị bắt bớ thậm chí có khi phải mất mạng vì lẽ công chính… Lẽ đương nhiên, tất cả những điều này lại đối nghịch với những tham vọng của con người.
Nơi đâu vắng bóng Thiên Chúa nơi đó sự dữ và chết chóc sẽ lên ngôi đồng thời sẽ bùng phát và lan rộng. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy những tội ác có tính toàn cầu phi đạo đức hiện nay là: phá thai, giết người, gây chiến tranh, gieo hiềm thù, chia rẽ và vô số những hành động xâm hại đến sinh mạng cũng như môi trường sống. Những hành động ấy nhằm thỏa mãn tham vọng quyền lực, địa vị xã hội, túi tiền, dục vọng cá nhân. Tôi dám tuyên chiến vì tôi mạnh hơn, để phô trương thanh thế, thể hiện quyền uy trước kẻ yếu và cả vì lợi ích kinh tế. Chiến tranh đem lại siêu lợi nhuận cho những kẻ ‘Đục nước béo cò’, mở ra cơ hội làm ăn béo bở cho quốc gia, doanh nghiệp hoặc tư nhân buôn bán vũ khí, quân nhu, dược phẩm...
Tại Việt Nam nói riêng xem ra cũng không mấy sáng sủa: “Bà Tô Thị Kim Hoa, Phó Giám đốc sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: hiện nay, tỉ lệ nạo phá thai ở Việt Nam là khoảng 300.000 ca mỗi năm. Trong đó có khoảng 20% ở độ tuổi vị thành niên. Con số lạnh lùng này cho thấy chúng ta đang là nước đứng thứ 5 trên thế giới và đứng đầu khu vực Đông Nam Á về tình trạng nạo phá thai”(Vietnamnet, Sự thật khủng khiếp về nạo phá thai ở VN); các mối quan hệ giữa người với người cũng nhuốm bạo lực và bạc bẽo; trò coi thầy nhẹ như cái phong bì; người có quyền và có tiền làm được tất cả có khi đổi trắng thành...
Điều đáng nguy hiểm hơn nơi những nhà chức trách nắm giữ quyền lực muốn loại trừ Thiên Chúa. Xét cho cùng mọi thứ quyền lực đến từ Thiên Chúa để mưu cầu thiện ích chung cho dân chúng. Vắng bóng Ngài, những nhà lập pháp và hành pháp dễ ngả theo tính thực dụng có lợi sao cho những thứ đó trở thành công cụ duy trì quyền lực cho cá nhân hay cho đảng phái của mình, đồng thời sẵn sàng làm ngơ trước bất công hay dung túng bạo lực để bảo vệ lợi lộc của mình và của phe cánh mà không đếm xỉa đến những tha hóa về thuần phong mỹ tục hay sự xuống cấp về tình đồng loại vốn tỉ lệ nghịch với bàng quan, dửng dưng và lạnh lùng. Thiên Chúa không có lỗi khi sự dữ đang hoành hành lan tràn. Nhưng là chính con người sẽ phải chịu trách nhiệm và lấy gánh hậu quả của những tội ác đó, khi cố tình muốn loại trừ Ngài ra khỏi cuộc sống hay quy cho Ngài im lặng trước sự dữ. Về điều này thiết tưởng nên nhắc lại câu nói của thánh Tôma Aquinô: “Thiên Chúa không làm ra sự dữ xét như hữu thể. Nhưng khi sự dữ xảy ra, thì Thiên Chúa có thể làm điều tốt lành phát xuất từ sự dữ ấy. Đó chính là sự tốt lành của Thiên Chúa”.
Nt. Scholastica, Đaminh Bùi Chu