Hướng đông là hướng mang tính biểu tượng, và nhiều Giáo phụ đã mời gọi các tín hữu định hướng trước khi cầu nguyện.
Trong những thế kỷ đầu của Kitô giáo, một thói quen đã hình thành từ các Kitô hữu trong khi cầu nguyện là luôn hướng về phía đông. Điều này đã được tìm thấy trong các tác phẩm thời Giáo hội Sơ khai, như tác phẩm Didascalia Apostolorum, được sáng tác vào khoảng năm 200 đến năm 250. “Anh em hãy cầu nguyện quay về phía đông, như đã được viết: Hãy dâng vinh quang lên Chúa, Đấng ngự trên các tầng trời phía đông”.
Thánh Basiliô Cả, trong bức thư De Spiritu Sancto, đã viết vào thế kỷ thứ IV, trách người ta đã quên mất lý do tại sao phải cầu nguyện hướng về phía đông.
Điều gì đã dạy chúng ta hướng về phía đông khi cầu nguyện?... Vì vậy, tất cả chúng ta đã nhìn về phía đông khi cầu nguyện, nhưng số ít trong chúng ta biết rằng chúng ta đang tìm kiếm quê hương xưa kia của mình, Địa Đàng, nơi mà Thiên Chúa đã trồng một vườn cây ở Eđen về phía Đông.
Ý nghĩa biểu tượng của phía Đông
Phía đông là phía của mặt trời mọc và vốn đã liên hệ đến nhiều hình ảnh khác nhau trong Kitô giáo. Ví dụ, phía đông báo trước hình ảnh Chúa Kitô, là “ánh sáng của thế gian”, và hướng tới sự xuất hiện lần thứ hai của Người. Mặt trời mọc cũng liên hệ tới sự Phục Sinh, như đã được viết trong Tin Mừng, Đức Kitô đã chỗi dậy từ cõi chết lúc rạng đông.
Hơn nữa, phía đông cũng nối kết Địa Đàng và Thiên Đàng. Như thánh Basiliô Cả đã nói ở trên, Thiên Chúa “trồng một vườn cây ở Eđen, về phía đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra” (St 2,8).
Ngay cả những sách khác của Cựu Ước nói tới việc hướng về phía đông để gặp gỡ Chúa. “Hãy hướng về phía đông, Giêrusalem hỡi, và nhận ra niềm vui đang đến, niềm vui Thiên Chúa gửi cho ngươi” (Br 4,36).
Cầu nguyện hướng về phía đông đã là một thực hành phổ biến trong Giáo Hội sơ khai và đã được duy trì trong cả Giáo hội Công Giáo Rôma và Giáo hội Chính Thống trong nhiều thế kỷ. Hoàng Phú chuyển ngữ, theo aleteia.org