Con người, hạt bụi được Chúa yêu thương [1]

Thứ sáu - 28/02/2020 20:47  3000
Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico,
thứ Tư Lễ Tro, 26 tháng 2 năm 2020
tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Sabina

 
Chúng ta bắt đầu mùa Chay bằng việc xức tro: “Con hãy nhớ mình từ bụi đất và sẽ trở về với đất bụi” (St 3,19).  Tro xức trên đầu đưa ta về với đất, nhắc ta nhớ mình đến từ đất và sẽ trở về với đất. Điều ấy có nghĩa là chúng ta yếu đuối, mỏng giòn, phải chết. Trong dòng chảy của bao thế kỷ và thiên niên kỷ, chúng ta đến rồi đi; trước cái mênh mông là các thiên hà và không trung, chúng ta thật bé nhỏ. Chúng ta là những hạt bụi trong vũ trụ, nhưng chúng ta là hạt bụi được Thiên Chúa thương yêu. Thiên Chúa đã thương yêu đón lấy hạt bụi là chính chúng ta trong bàn tay và phả vào đó hơi thở sự sống (St 2,7). Nhờ vậy, chúng ta là hạt bụi quý giá, được dựng nên để sống luôn mãi. Chúng ta là thứ đất mà trên đó Thiên Chúa đã tuôn đổ nước trời, là hạt bụi mang nơi mình giấc mơ của Thiên Chúa. Chúng ta là hy vọng, là kho tàng, là vinh quang của Thiên Chúa.

Như vậy, xức tro nhắc nhớ chúng ta chặng (thứ nhất) của cuộc sống: Từ hạt bụi đến sự sống.  Chúng ta là hạt bụi, là đất, là đất sét, nhưng nếu để cho bàn tay Thiên Chúa nhào nặn, chúng ta sẽ trở nên diệu kỳ. Nhưng thông thường, nhất là trong những lúc khó khăn và đơn côi, chúng ta chỉ thấy mình là hạt bụi! Còn Thiên Chúa, Ngài luôn khích lệ chúng ta: bất luận chúng ta nhỏ bé ra sao, trước mắt Thiên Chúa, chúng ta luôn có giá trị vô cùng. Hãy can đảm lên, vì chúng ta được sinh ra để được yêu thương, chúng ta được sinh ra để được là con Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến, khởi đầu mùa chay, chúng ta hãy ghi nhớ điều đó bởi vì mùa Chay không phải là thời gian để trút lên đầu người ta những thuyết duy luân lý vô bổ (inutili moralismi), nhưng để nhận ra rằng thân phận tro bụi khốn khổ là chính chúng ta đã được Thiên Chúa thương yêu. Cho nên, mùa Chay là thời gian của ân sủng, thời gian để đón nhận ánh nhìn yêu thương của Thiên Chúa trên chúng ta và biến đổi đời sống nhờ cái nhìn yêu thương này. Được đặt vào trong thế giới, chúng ta bước đi từ hạt bụi đến sự sống. Do vậy, chúng ta đừng nghiền nát niềm hy vọng, đừng thiêu rụi giấc mơ của Thiên Chúa về chúng ta. Chúng ta không được tháo lui. Và bạn nói: “Làm sao tôi có thể tin được? Thế giới trở nên tồi tệ, nỗi sợ hãi lan tràn, có vô số điều xấu xa xảy ra và kitô giáo ngày càng bị xã hội khai trừ...”. Vậy hoá ra, bạn không tin rằng Thiên Chúa có thể biến đổi hạt bụi là chính chúng ta nên rạng ngời sao?

Tro mà chúng ta nhận trên đầu khuấy động những những tư tưởng ở trong tâm trí chúng ta. Nó nhắc chúng ta nhở rằng chúng ta, những người con Thiên Chúa, không thể sống để chạy theo hạt bụi là thứ sẽ tiêu tan. Một câu hỏi có thể di chuyển từ cái đầu xuống trái tim chúng ta: “tôi sống vì điều gì?”. Nếu tôi sống vì những thứ thuộc về thế gian này, những thứ sẽ qua đi, thì tôi đang trở về với cát bụi, phủ nhận điều Thiên Chúa đã làm trong tôi. Nếu tôi sống chỉ để mang về nhà một ít tiền và tìm thú vui, chỉ để kiếm một chút thanh thế và tạo dựng một chút cơ nghiệp, thì tôi đang sống bởi cát bụi. Nếu tôi cho rằng cuộc sống tồi tệ chỉ vì tôi không được tôn trọng đủ hay không nhận được từ người khác thứ mà tôi cho là đáng giá, thì tôi vẫn đang hướng về bụi đất.

Chúng ta sống ở đời không phải vì điều này. Chúng ta có giá trị cao hơn rất nhiều và  chúng ta sống cho điều quý hơn gấp bội: sống là để thực thi giấc mơ của Thiên Chúa, là để yêu thương. Xức tro trên đầu chúng ta là để thắp lên trong tim chúng ta ngọn lửa tình yêu. Vì chúng ta là công dân nước trời và vì tình yêu dành cho Thiên Chúa và tha nhân là hộ chiếu để vào nước trời, nên đó cũng chính là hộ chiếu của chúng ta. Của cải trần gian mà chúng ta sở hữu không giúp ích gì cho chúng ta. Chúng là những hạt bụi sẽ tan biến, nhưng tình yêu mà chúng ta dâng hiến – trong gia đình, cho công việc, trong Giáo hội, nơi thế giới – sẽ cứu vớt chúng ta và sẽ tồn tại mãi.

Tro mà chúng ta đón nhận nhắc chúng ta nhớ tới bước thứ hai của cuộc sống, trái với bước thứ nhất, đó là từ sự sống về cát bụi. Nhìn xung quanh, chúng ta sẽ thấy những hạt bụi chết chóc. Sự sống hoá thành tro bụi. Sự suy đồi, tàn phá, chiến tranh. Sự sống của những trẻ em vô tội không được đón nhận. Sự sống của những người nghèo bị chối từ. Sự sống của người già bị loại trừ. Chúng ta tiếp tục tàn phá chính mình, đưa mình trở về cát bụi. Và có biết bao bụi bặm trong những mối liên hệ của chúng ta! Chúng ta hãy nhìn vào nhà mình, gia đình mình: có bao cuộc cãi vã, bao cuộc xung đột vô phương tháo gỡ; việc xin lỗi, tha thứ và khởi đầu lại là những việc gặp muôn vàn khó khăn nhọc nhằn; còn việc đòi hỏi không gian và quyền lợi cho mình thì sao mà dễ dàng đến thế! Có nhiều bụi bặm làm hoen ố tình yêu và bôi nhọ cuộc sống. Ngay trong Giáo hội, ngôi nhà của Chúa, chúng ta cũng đã chất vào đó vô số bụi bặm, bụi của thế tục.

Và chúng ta hãy nhìn vào phía bên trong, nơi trái tim mình: bao lần chúng ta làm cho ngọn lửa (tình yêu) của Thiên Chúa trở nên leo lét bởi tro tàn kiêu ngạo! Kiêu ngạo chính là thứ dơ bẩn mà trong bài Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu kêu gọi phải khai trừ. Thật vậy, Đức Giêsu không chỉ kêu gọi thực thi bác ái, cầu nguyện và ăn chay, nhưng Ngài kêu gọi làm tất cả những việc này mà không giả dối, tráo trở, kiêu căng (X. Mt 6,2.5.16). Sự thật thì biết bao lần chúng ta làm điều gì đó cốt chỉ để được thừa nhận, khoe mẽ hình ảnh và thoả mãn cái tôi! Biết bao lần chúng ta nhận là kitô hữu, nhưng trong lòng thì không chút áy náy khi nhường bước cho những đam mê, những thứ biến chúng ta thành nô lệ! Biết bao lần chúng ta nói một đàng làm một nẻo! Biết bao lần bề ngoài thì chúng ta tỏ ra tốt lành, nhưng bên trong đang nuôi thù báo oán! Chúng ta cất giữ trong tim bao sự giả trá... Đó chính là thứ bụi bặm làm dơ bẩn, là thứ tro tàn gây ngột ngạt cho ngọn lửa thương yêu.

Chúng ta cần phải tẩy sạch khỏi bụi bặm chất chứa trong tim, nhưng bằng cách nào đây? Lời kêu gọi tha thiết của thánh Phaolo trong bài đọc hai hôm nay sẽ trợ giúp chúng ta: “Anh em hãy để cho mình được làm hoà với Thiên Chúa!” Thánh Phaolo không yêu cầu, nhưng Ngài nài xin: “Nhân danh Đức Giêsu, chúng tôi nài xin anh em: anh em hãy để cho mình được làm hoà với Thiên Chúa!” (2Cr 5,20). (Nếu là chúng ta), có lẽ chúng ta đã nói: “anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa”. Còn thánh nhân thì không, Ngài đã sử dụng hình thức thụ động: Anh em hãy để cho mình được làm hoà. Bởi vì sự thánh thiện không phải là công việc của chúng ta, nhưng là ân sủng của Chúa. Bởi vì chúng ta không thể tự mình loại bỏ bụi bặm làm bẩn trái tim mình. Bởi vì chỉ Đức Giêsu, Đấng biết và yêu thương cõi lòng chúng ta, mới có thể chữa lành nó. Mùa Chay là thời gian chữa lành.

Vậy chúng ta phải làm gì? Trên con đường tiến đến Phục sinh, chúng ta có thể thực hiện hai bước: bước thứ nhât, từ hạt bụi đến sự sống, tức từ nhân tính mỏng giòn của chúng ta đến nhân tính của Đức Giêsu, Đấng chữa lành chúng ta. Chúng ta có thể đặt mình trước Thập Giá, lưu lại đó, chiêm ngắm và lặp đi lặp lại: lạy Chúa Giêsu, Ngài yêu thương con, xin hãy biến đổi con... Lạy Chúa Giêsu, Ngài yêu thương con, xin biến đổi con...”.

Sau khi đã đón nhận tình yêu của Chúa, sau khi đã khóc trước tình yêu này, chúng ta hãy thực hiện bước thứ hai, để khỏi ngã lại từ sự sống đến sự chết, đó là chúng ta đến với bí tích Hoà giải để nhận được ơn Chúa thứ tha. Bởi vì ở đó, ngọn lửa tình yêu của Chúa sẽ thiêu huỷ bụi bặm là tội lỗi của chúng ta. Vòng tay ôm ấp của Chúa Cha trong bí tích Hoà giải sẽ đổi mới chúng ta từ bên trong, tẩy sạch tâm hồn chúng ta. Hãy để cho mình được làm hoà (với Thiên Chúa), để chúng ta có thể sống như những người con được yêu thương, những tội nhân được tha thứ, những bệnh nhân được chữa lành, những lữ khách có bạn đồng hành. Hãy để cho mình được thương yêu để chúng ta có thể yêu thương. Hãy để  cho mình được nâng lên để chúng ta có thể tiến lên đỉnh điểm là cuộc Vượt Qua. Chúng ta sẽ vui mừng vì khám phá ra rằng Thiên Chúa phục sinh chúng ta từ thân phận tro bụi của chúng ta.

 
Lm. Giuse Nguyễn Văn Quang chuyển ngữ từ bản tiếng Ý

[1] Tiêu đề bài giảng do người dịch đặt.
***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập445
  • Máy chủ tìm kiếm29
  • Khách viếng thăm416
  • Hôm nay48,807
  • Tháng hiện tại909,168
  • Tổng lượt truy cập78,912,619
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây