Phải chăng Covid-19 là dịp để Kitô hữu nhìn lại?
Thứ năm - 02/04/2020 21:17
2379
Khi Covid-19 đang hoành hành dữ dội tại nhiều quốc gia trên thế giới cũng là lúc những tín hữu Công giáo, đang chuẩn bị bước vào những ngày cao điểm của Mùa Chay, và hơn hết là đại lễ Phục Sinh. Thật khó để có thể diễn tả khi phải nghĩ đến việc cử hành phụng vụ Tuần Thánh vắng bóng người. Thật khó để tưởng tượng khi nhiều nơi mọi người không thể cùng nhau ca vang bài ca phục sinh trong đại lễ Phục Sinh. Covid-19 thực sự đang làm đảo lộn tất cả mọi sự trong cuộc sống này và ắt hẳn chúng ta không hề muốn nó tiếp tục tồn tại thêm một giây phút nào. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh này, đôi khi đó lại là cơ hội để giúp chúng ta nhìn lại đời sống đức tin của mình. Thật vậy, có thể hơn một lần chúng ta tự hỏi: “Tại sao con người mạnh mẽ đến thế lại phải sợ hãi trước một con virus cực kỳ bé nhỏ như vậy? Tại sao con người “vĩ đại” đến vậy lại phải bất lực trước một con virus không đầu không đuôi, ít nhất là trong thời gian này?” Nhiều và rất nhiều câu hỏi khác nữa mà có thể chúng ta đã tự hỏi bản thân mình. Chính khi đưa ra những câu hỏi đó chúng ta mới thấy rằng con người dù “vĩ đại” thế nào đi chăng nữa thì cũng không phải là hoàn hảo. Và những điều được xem như không tưởng mà con người đạt được cũng chẳng phải là tất cả. Do đó, đây chính là lúc chúng ta cần nhìn lại bản thân để khiêm tốn thấy mình còn nhiều giới hạn, để thấy mình không phải là chúa và hơn hết để thấy rằng mình phải cần đến một Đấng Tuyệt Đối là chính Thiên Chúa. Người ta nói rằng sau khi con tàu khổng lồ Titanic được hoàn thành, vị thuyền trưởng Edward John Smith cho sơn thật lớn dòng chữ “No God, No Pope” (Không có Chúa, cũng chẳng có Giáo hoàng) bên hông mạn tàu. Với dòng chữ này, vị thuyền trưởng như muốn ngạo nghễ tuyên bố cho cả thế giới biết rằng ngay cả Thiên Chúa cũng không thể làm được gì con tàu vĩ đại này. Thế nhưng, chỉ sau 4 ngày trên biển, con tàu đã đâm phải tảng băng khổng lồ trôi giữa đại dương. Kết quả là sau hơn hai giờ bốn mươi phút, con tàu Titanic đã hoàn toàn chìm xuống đại dương cùng với những thứ trên đó. Với câu chuyện này, một lần nữa chúng ta thấy được rằng con người thật tầm thường, vì thế cần phải biết bám víu vào Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong cơn đại dịch này.
Hơn nữa, những ngày này khi chứng kiến đồng loại tử vong vì Covid-19 mỗi ngày một tăng, hẳn là nhiều người trong chúng ta sẽ thấy rằng thân phận con người, dù giàu hay nghèo, sang hay hèn cũng thật mỏng manh quá đỗi. Thân phận ấy chẳng khác gì như chiếc lá trên cành, chỉ một cơn gió thoảng đôi khi cũng đủ làm nó lìa khỏi cành. Và khi ý thức biến cố này đang xảy ra trong Mùa Chay, chúng ta lại càng thấy rõ hơn giá trị lời Chúa Giêsu dạy: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Như vậy, điều này như muốn thức tỉnh chúng ta cần phải chuẩn bị và sẵn sàng tâm hồn để trình diện trước Chúa ngay bất cứ khi nào chúng ta được lệnh ra khỏi thế gian này.
Bên cạnh đó, khi tình trạng Covid-19 có nguy cơ lây lan sang cho nhiều người cũng là lúc chúng ta thấy nhiều giáo phận tạm đình chỉ việc cử hành thánh lễ có giáo dân tham dự. Đây quả là một sự kiện buồn của Giáo hội, vì thánh lễ mãi là trung tâm điểm của đời sống Kitô giáo, là nơi ban phát của ăn thần thiêng nuôi dưỡng linh hồn người tín hữu. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh này đó lại là điều nên làm để bảo vệ sức khoẻ của mỗi người chúng ta. Mặt khác, khi nhìn lại đời sống đạo của người Kitô hữu trong thời đại này, nhất là vấn đề tham dự thánh lễ hàng ngày, hàng tuần thì việc tạm đình chỉ thánh lễ xét một cách nào đó lại là điều hữu ích. Bởi lẽ dường như chúng ta đang nhàm chán thánh lễ. Dường như chúng ta đang cảm thấy nặng nề, cảm thấy bị ép buộc khi phải tham dự thánh lễ. Và dường như chúng ta mang nặng tâm thức sợ hãi chứ không phải vì lòng mến khi đến với thánh lễ, như sợ mắc tội trọng, sợ sa hoả ngục, sợ người khác đánh giá nếu không tham dự thánh lễ. Hơn nữa, việc thánh lễ diễn ra thường xuyên vào mỗi ngày, mỗi tuần đôi khi lại làm cho chúng ta dễ có thái độ coi thường, không trân quý. Thế nên việc tạm ngưng thánh lễ có thể là cơ hội để giúp chúng nhận thấy giá trị cao quý của thánh lễ, và có thể là cơ hội để khơi dậy niềm khao khát, lòng yêu mến và sự quý trọng thánh lễ nơi chúng ta. Cuối cùng, khi xã hội được ban bố tình trạng “cách ly” theo nghĩa hạn chế ra ngoài vì Covid-19 thì cuộc sống của những người “buôn gánh bán bưng” lại càng trở nên bi đát hơn. Họ sẽ không bán được hàng hoá nên họ sẽ không có đủ lương thực để duy trì sự sống hàng ngày. Trước tình cảnh này của người đồng loại thử hỏi người Kitô hữu chúng ta phải làm gì? Hơn bao giờ hết, đây chính là lúc chúng ta cần “cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống” với tinh thần bác ái Kitô giáo, bởi chưng đó là điều mà Chúa Giêsu đã dạy. Và Chúa Giêsu cũng dạy rằng khi chúng ta làm điều đó cũng chính là chúng ta đang làm cho Ngài.
Đại dịch Covid-19 thực sự đã và đang làm thay đổi tất cả mọi thứ trong cuộc sống này. Nhưng liệu nó có thực sự là dịp để thay đổi và thức tỉnh chúng ta, những người Kitô hữu không?
Tác giả: Antôn Hoàng Văn Phúc, OP