Ở nhà làm gì trong những ngày này?

Thứ sáu - 27/03/2020 09:57  1781
download 1 7Thế giới đang trao đảo bởi đại dịch Covid-19. Những sinh hoạt thường ngày của con người bị giới hạn lại. Người ta sẽ ít đi làm, ít đi ra ngoài gặp gỡ giao lưu với người khác. Chỉ những ai có nhu cầu bắt buộc mới có thể ra ngoài. Đó không còn phải là tuỳ thích nữa mà là quy định của chính phủ các nước. Cả những nhu cầu tôn giáo, tâm linh cũng bị giới hạn. Các nhà thờ Công giáo sẽ không còn tổ chức các thánh lễ hay cầu nguyện chung cho cộng đoàn nữa. Nếu nhà thờ mở cửa thì cũng là để các tín hữu có thể âm thầm đến cầu xin Chúa xót thương nhân loại đẩy lui dịch bệnh để nhân loại lại được sống trong an bình thịnh vượng. Trong hoàn cảnh này, các tín hữu nên làm gì?

Trước hết, nếu anh chị em tín hữu nào thật sự khao khát thánh lễ và muốn kết hợp thâm sâu với Chúa, với hy tế thập giá của Chúa Giêsu qua thánh lễ, họ vẫn có thể tham dự thánh lễ qua màn hình. Thật thế, chúng ta đang sống trong thời đại của công nghệ thông tin và truyền thông. Vì thế, Giáo hội cũng rất khôn ngoan tận dụng công nghệ và truyền thông để thi hành sứ mạng của mình. Rất nhiều giáo phận truyền hình trực tiếp các thánh lễ vào các khung giờ khác nhau sao cho phù hợp với hoàn cảnh của các tín hữu. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh gắn thẻ 3G, 4G hay một chiếc tivi thông minh, máy tính có Internet, anh chị em tín hữu có thể sốt sắng tham dự thánh lễ. Tại Vatican, các buổi yết kiến, nguyện truyền tin, thánh lễ Đức Thánh Cha dâng trong thời điểm này đều được phát online. Đặc biệt tối nay thứ Sáu ngày 27/03 vào lúc 18h Roma và 24h Việt Nam, Đức Thánh Cha sẽ có buổi đọc Lời Chúa, chầu Thánh Thể, và ban phép lành Urbi et Orbi. Buổi cử hành này sẽ được phát online trên chính trang web của Vatican.

Thứ đến, Thiên Chúa ở khắp mọi nơi. Ngài thấy và thấu hiểu mọi nỗi khổ đau của thân phận kiếp người. Các tín hữu có thể đến nhà thờ để cầu nguyện, để gặp gỡ Chúa và gặp gỡ nhau; nhưng họ cũng có thể cầu nguyện với Chúa ở mọi nơi mọi lúc. Điều quan trọng nhất là tấm lòng yêu mến chân thành và nồng thắm dành cho Chúa. Vì thế, trong hoàn cảnh đại dịch lan tràn khắp nơi này, các tín hữu cần dành nhiều thời gian hơn nữa để cầu nguyện, để phó thác thế giới cho lòng từ bi thương xót của Chúa, xin Ngài lấy quyền năng vô biên của Ngài mà giải thoát nhân loại khỏi sợ hãi, khổ đau, hoang mang và thất vọng. Lời kinh nguyện chân thành được dâng lên ở đâu và thời điểm nào cũng đẹp, nhưng có lẽ sẽ thấm thía và thống thiết hơn khi lời kinh ấy được dâng lên Thiên Chúa trong những hoàn cảnh bi thương nhất.

Sau nữa, không đi ra ngoài hay không đến nhà thờ để tham dự thánh lễ hay các giờ cầu nguyện được, các tín hữu hẳn sẽ có nhiều thời gian hơn. Đây là cơ hội để họ có thể sống thinh lặng, suy nghĩ về cuộc đời, về thân phận con người, về mục đích tối hậu của kiếp nhân sinh, về các giá trị đích thực của cuộc sống, về cội nguồn, về đích đến... Thật ra, khi cuộc sống dễ dãi, nhiều âm thanh ồn ào, nhiều lôi cuốn trần thế, con người không còn đủ thời gian để tĩnh lặng. Một khoảng lặng dài là điều cần thiết để mỗi người có thể lớn lên về tinh thần, thiêng liêng, và ân thánh. Thiên Chúa vẫn nói với con người, nhưng không nói trong ồn ào xao động, nhưng nói trong tĩnh lặng sâu thẳm nội tâm. Thiên Chúa vẫn hiện diện, nhưng không hiện diện trong khói bốc lửa thiêu, như trong chiều tà hiu hiu gió nhẹ. Vì thế, chỉ khi nào tĩnh lặng, các tín hữu mới có thể nghe được tiếng ân cần chu đáo của Thiên Chúa và cũng chỉ trong nhẹ nhàng, các tín hữu mới có thể nhận ra sự hiện diện đầy yêu thương và uy nghi của Ngài. Chính Chúa Giêsu đã phải thường xuyên trở về với cô tịch để gặp gỡ và chuyện vãn với Chúa Cha: 40 đêm ngày ăn chay cầu nguyện trong hoang địa, lên núi và cầu nguyện suốt đêm, vào vườn Cây Dầu cầu nguyện trước khi đi chịu chết...

Cuộc đời thật phong phú và biết bao nhiêu điều có thể học hỏi. Thời gian không đến nhà thờ là cơ hội để tìm kiếm. Các tín hữu có thể tìm kiếm kiến thức phổ thông, các kĩ năng sống, kiến thức thánh khoa qua Internet hay qua sách vở. Những kiến thức đó bổ ích biết bao cho cuộc sống hằng ngày, nó làm nền tảng để cuộc sống được xây dựng một cách kiên cố và vững chắc hơn trước giông ba bão tố. Đặc biệt đối với các tín hữu, giáo lý, thần học, thánh kinh, phụng vụ, cầu nguyện... đều được coi như nền đá để đức tin được xây dựng và kiện toàn hầu mưa sa bão tố có ập đến, ngôi nhà đức tin vẫn kiên vững, không bao giờ bị sụp đổ tan tành.

Đại dịch Covid-19 đang hoành hành, gây bao đau khổ, thiệt hại cho con người, song nó cũng là cơ hội cho những ai biết rút ra những bài học hay từ những dấu chỉ. Đối với các tín hữu Chúa Kitô, họ vẫn có thể tham dự thánh lễ ở nhà qua màn hình, tăng thêm đời sống cầu nguyện, tập sống thinh lặng để gặp gỡ và lắng nghe tiếng Chúa, trau dồi những kiến thức cơ bản cho cuộc sống, nhất là kiến thức đức tin. Hy vọng mọi tín hữu đều có thể tận dụng tốt cơ hội này để cuộc sống đức tin đơm bông kết trái, để sau đại dịch, ai nấy lại thêm trưởng thành về đức tin và gặt hái nhiều hoa trái hơn nữa trong hành động.    

Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập135
  • Máy chủ tìm kiếm54
  • Khách viếng thăm81
  • Hôm nay20,921
  • Tháng hiện tại998,308
  • Tổng lượt truy cập79,001,759
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây