Các tín hữu bước vào mùa Chay thánh
Thứ hai - 24/02/2020 20:25
2419
Thứ Tư tuần này, ngày 26/02/2020, toàn thể Giáo hội bước vào mùa Chay thánh. Trong tâm tình chuẩn bị tinh thần và thái độ sống mùa Chay thánh cho xứng hợp, xin được gợi lại đôi nét về mùa Chay thánh mà Giáo hội chờ đợi con cái mình hiểu biết và thực hành.
Năm phụng vụ của Hội thánh Công giáo được chia làm 5 mùa: mùa Vọng, mùa Giáng sinh, mùa Chay, mùa Phục sinh và mùa Thường niên. Mùa Chay thánh được bắt đầu với thứ Tư lễ tro và kết thúc sau Tam nhật Vượt qua. Khi tham dự lễ Tro, các tín hữu được xức Tro trên đầu và được mời gọi ý thức thân phận con người là bụi tro rồi mai ngày sẽ trở về bụi tro. Qua năm Phụng vụ, Giáo hội muốn “trình bày toàn thể mầu nhiệm Chúa Kitô từ Nhập Thể, Giáng Sinh đến Thăng Thiên, Hiện Xuống, cũng như sự mong đợi niềm hy vọng hồng phúc và ngày Chúa quang lâm cho các tín hữu” (x. HCPV số 102).
Mùa Chay là mùa có ý nghĩa đặc biệt, là mùa Giáo hội mời gọi các tín hữu chuẩn bị tâm hồn tích cực và cụ thể hơn để thông phần vào mầu nhiệm Vượt Qua, tức là mầu nhiệm chết và sống lại của Chúa Kitô. Vì thế, mùa Chay là mùa “giúp các tín hữu dọn lòng cử hành mầu nhiệm Vượt qua bằng biệc lắng nghe tiếng Chúa và cầu nguyện chuyên chăm hơ, đặc biệt qua việc nhớ lại hoặc chuẩn bị tâm hồn lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy và qua hành vi thống hối” (x. HCPV số109).
Vì thế, Giáo hội “phải trình bày cách phong phú hơn những yếu tố liên quan đến bí tích Thánh tẩy dành riêng cho phụng vụ mùa Chay; phải giúp các tín hữu hiểu rõ không những hậu quả của tội lỗi gây ra cho cộng đoàn mà còn về chính bản chất của việc sám hối, đó là chê ghét tội lỗi vì tội xúc phạm đến Thiên Chúa; đồng thời không được quên vai trò của Giáo hội trong hành vi sám hối và phải phải nhấn mạnh đến việc cầu nguyện cho tội nhân” (x. HCPV số109).
“Việc thống hối không chỉ ở trong lòng và có tính cách cá nhân, nhưng phải tỏ lộ ra bên ngoài và mang tính cộng đoàn. Vì thế, hãy phát huy việc thực hành thống hối với những phương thức có thể thực hiện được trong thời đại hiện nay tại các miền khác nhau, đồng thời cũng phải phù hợp với hoàn cảnh của các tín hữu” (x. HCPV số 110). Đây là trách nhiệm của các Đấng Bản Quyền.
“Tuy nhiên, khắp nơi vẫn phải thực hành nghiêm nhặt việc giữ chay thánh dịp lễ Vượt qua, nghĩa là vào ngày thứ Sáu tưởng niệm Chúa cuộc Khổ nạn và việc Chúa chịu chết, nếu không trở ngại nên kéo dài qua thứ Bảy Tuần Thánh, để với tâm hồn nâng cao và rộng mở, người tín hữu sẽ hưởng trọn vẹn niềm vui phục sinh” (x. HCPV số 110). Tại Việt Nam, các tín hữu còn phải giữ chay ngày thứ Tư lễ Tro và còn được mời gọi ăn chay kiêng thịt vào các ngày thứ Sáu trong mùa Chay tuỳ lòng đạo đức cá nhân.
Vì thế, tại các nhà thờ, anh chị em tín hữu được mời gọi tham dự các buổi tĩnh tâm cầu nguyện, lãnh nhận bí tích Hoà giải, sửa đổi đời sống, tham dự các thánh lễ, ăn chay hãm mình, tiết kiệm chi tiêu để làm việc bác ái... Đặc biệt vào ngày thứ Sáu tuần Thánh, các tín hữu được mời gọi quyên góp tiền đã hy sinh và tiết kiệm được trong suốt mùa Chay để thực thi bác ái cho người nghèo. Làm bác ái cho người nghèo là làm cho chính Chúa như Chúa đã nói: “Mỗi lần các ngươi làm việc đó (cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, thăm kẻ ốm đau, đến với kẻ tù đày) cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta” (Mt 25,40).
Hy vọng các tín hữu sẽ bước vào mùa Chay thánh với tinh thần phấn khởi hân hoan, tích cực sống tinh thần sám hối, sửa đổi đời sống, và thực thi yêu thương, để mùa Chay thánh trở thành mùa hồng ân, mùa cứu rỗi cho mọi người, mùa đem lại hoa thơm trái tốt cho mình và cho tha nhân.
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh