Tỉnh thức và cầu nguyện

Thứ tư - 25/03/2020 04:24  2655
download 71. CHIÊM NGẮM MẦU NHIỆM THỨ NHẤT SỰ THƯƠNG[1] ( Mt 26, 36-46)

Mầu nhiệm thứ nhất sự Thương nhắc nhớ biến cố Chúa Giê-su đối diện với các cơn cám dỗ trong vườn Gietsemani trước khi bước vào cuộc tử nạn, đây là cuộc đấu tranh thiêng liêng khốc liệt nhất của Chúa Giê-su, là cuộc giao tranh sống còn cho các linh hồn. Dựa vào Tin Mừng Nhất lãm[2] và thị kiến Chúa Giê-su trong vườn Gietsemani của chân phước Anna Catharina Emmerich, chúng ta chiêm ngắm tình yêu vô biên của Thiên Chúa được biểu lộ trong sự hy sinh cao cả của Con Thiên Chúa làm người và ý thức trước những cám dỗ trong cuộc sống hằng ngày của mình để không ngừng tỉnh thức và chạy đến với sức mạnh của Thiên Chúa bằng lời cầu nguyện, hầu giúp chúng ta can trường bước đi theo Chúa trên hành trình cứu độ đến cùng và thực thi thánh ý Người cách trọn vẹn.

Theo trình thuật của các sách Tin Mừng và đặc biệt của chân phước Catharina Emmerich, vào một đêm đông lạnh lẽo, sau khi rời bữa Tiệc Ly, Chúa Giê-su và mười một Tông Đồ tiến về phía núi Cây Dầu với tâm trạng đầy xao xuyến và lo lắng. Tới vườn Cây Dầu, Chúa để tám tông đồ ở lại bên ngoài, rồi dẫn ba môn đệ là Phêrô, Giacôbê và Gioan đi vào trong. Bấy giờ, Chúa cảm nhận có một sự cám dỗ và thống khổ đang đè rất nặng trong tâm trí Người nên đã thốt lên: "Linh hồn Thầy buồn sầu đến chết được. Các anh hãy ở lại đây và canh thức với Thầy, hãy cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ!" Người yêu cầu các ông ở lại một nơi, rồi đi vào một hang đá nhỏ gần đó. Nơi đây, những bóng ma bắt đầu hiện ra xiết chặt lấy Chúa khiến Người càng lo lắng và sợ hãi. Người quỳ xuống cầu nguyện, những bóng ma hiện hình trong khuôn mặt của những tội mà loài người gây ra từ lúc tổ tông sa ngã cho tới ngày tận thế cùng với các cảnh tượng về những hình phạt ghê rợn Người sắp phải chịu để đền bù các tội ấy. Khi chấp nhận dâng mình cho sự công lý của Thiên Chúa làm hiến lễ đền bù tội lỗi trần gian, Chúa Giêsu đã cất giấu thần tính của Người trong lòng Ba Ngôi Cực Thánh, để chỉ một trái tim tình yêu nhân tính của Người phải ghánh chịu hết mọi đau khổ và sợ hãi. Vì yêu thương nhân loại, muốn đền bù hết mọi tội lỗi của họ: từ những ham muốn xấu xa cho tới mọi tội ác mà những ham muốn này gây ra, Chúa Giêsu giờ đây phải hạ mình thực hiện mọi hành vi thống hối tận đáy lòng và lãnh nhận mọi thứ hình phạt để đền bù trọn vẹn và làm tái sinh nhân loại. Người muốn cuộc khổ nạn của Người vô tận để chuộc lại vô số lỗi lầm và khổ đau của nhân loại, sự đền bù này tan chảy vào tất cả các cơ năng của linh hồn và mọi chi thể của thân xác Người. Trong trạng thái kinh hoàng và trĩu nặng phiền sầu, mọi thứ tội của trần gian lần lượt hiện ra trước mắt Chúa và Người đón nhận tất cả vào thân thể, cố gắng hết sức mình để liên kết với Chúa Cha trong lời cầu nguyện, Người hiến mình cho công lý của Cha để đền bù hết mọi lỗi lầm của nhân loại mà Người đang xem thấy.

Satan gợi ra vô số những cám dỗ khác cho Chúa Giê-su như xưa nó đã từng cám dỗ Người trong hoang địa, đồng thời, nó còn đưa ra một loạt các lời tố cáo và châm biếm Chúa rằng: "Thế nào, ngươi muốn lãnh lấy tất cả những cái đó trên mình ngươi ư, trong khi chính ngươi không trong sạch?" Nó bày ra trước mắt Người một bản cáo trạng và đổ lỗi rằng: Người là nguyên nhân gây ra vụ thảm sát các hài nhi; tạo ra nỗi cơ cực và đau khổ cho cha mẹ Người ở Ai- cập; đã gây ra sự xáo trộn và vô trật tự khi hủy bỏ các tập tục truyền thống Do Thái; để các môn đệ Người còn nhiều thiếu sót và làm gương xấu; không cứu Gioan Tẩy Giả khỏi chết; không chữa lành mọi bệnh nhân; làm thiệt hại nhiều cho dân khi xô đẩy hàng hóa của những người buôn bán và để cho quỷ nhập vào cả bầy heo lao xuống biển vv... Để uống cạn tất cả chén đắng, Chúa đã để cho Satan bày vẽ trước mắt mình trách nhiệm về các hành động của Người và những món nợ Người mắc với ơn thánh Chúa mà chưa thanh toán. Người đã cho phép chúng cám dỗ nhân tính của Người, như nó có thể cám dỗ một ai đó muốn gán cho các hành động của mình một giá trị riêng nằm ngoài công nghiệp của Chúa. Satan đã cho Chúa thấy các công việc của Người chẳng có công trạng gì, và chúng chẳng cân xứng chút nào với ơn thánh mà Thiên Chúa đã ban cho Người. Nó trách Người: "Ngươi thấy rõ rằng ngươi vẫn còn mắc nợ với Thiên Chúa về tất cả những chuyện đó. Muốn xóa bỏ các tội của người khác, trong khi chính mình vẫn còn mắc nợ Thiên Chúa!” Chúa Giêsu rơi vào hoảng hốt trước cảnh tượng vô số tội ác của loài người và những vô ơn của họ đối với Thiên Chúa. Vì quá sợ hãi và đau đớn nên Chúa đã run lên bần bật, Người chắp tay lại và kêu xin: "Abba, lạy Cha, nếu có thể, xin cất chén này khỏi con." Khi ấy, mặt Người xanh mét, môi tím bầm, tóc dựng ngược lên, đầu gối run rẩy, bước chân lảo đảo và Người sụp ngã xuống đất. Nhưng ngay lập tức, Người bình tâm lại và thân thưa với Chúa Cha lời này: "Nhưng xin theo ý Cha, đừng theo ý Con."

 Khoảng 10h30, Chúa Giê-su trở lại với ba môn đệ, trong lúc đó, các hình thù ghê rợn ấy vẫn tiếp tục đeo bám Người. Nhìn thấy các ông đang say ngủ, Người buồn sầu nói: "Simon ơi, anh ngủ ư, các anh không thể thức được với Thầy một giờ sao?" Thấy mặt Chúa biến sắc, ướt đẫm mồ hôi, giọng nghẹn ngào, các ông gần như không còn nhận ra Người nữa nếu như không có vầng hào quang tỏa sáng trên đầu. Ông Gioan hỏi Chúa: “Thưa thầy sao vậy? Con có nên gọi các môn đệ kia và chúng ta có phải đi trốn không?" Chúa Giêsu trả lời: "Nếu Thầy có sống, có giảng dạy và chữa bệnh thêm 33 năm nữa, điều đó vẫn không đủ để làm những gì mà Thầy phải thực hiện từ lúc này cho đến ngày mai. Anh đừng gọi tám người kia làm gì. Thầy đã bỏ họ lại đó, vì họ sẽ không thể thấy Thầy trong cảnh khốn cùng này mà không bị vấp phạm: sa chước cám dỗ và hoài nghi cả Thầy nữa. Về phần các anh đã một lần thấy Con Người biến hình vinh hiển, thì các anh cũng có thể thấy Người trong sự tăm tối và cô đơn này, nhưng các anh hãy tỉnh thức và cầu nguyện, để khỏi sa chước cám dỗ, tinh thần thì mau lẹ nhưng xác thịt lại yếu đuối." Chúa khích lệ các ông hãy kiên tâm bền chí, cho các ông biết có cuộc giao tranh giữa bản tính nhân loại của Người với cái chết, và để các ông hay nguyên nhân làm cho Người suy nhược.

Rồi Chúa quay trở lại hang lần nữa. Người phủ phục, giang tay cầu nguyện cùng Chúa Cha. Cơn hấp hối thứ hai bắt đầu tới, kéo dài bốn mươi lăm phút. Lần này, các thiên thần đến cho Người thấy những đau khổ mà Người phải chịu để đền tội cho thế giới, đồng thời để cho Người thấy vẻ đẹp tuyệt hảo của con người, là hình ảnh của Thiên Chúa, trước khi sa ngã, cùng với sự biến dạng và hư nát sau khi sa ngã. Các ngài cho Người thấy mọi tội lỗi xuất phát từ tội đầu tiên như thế nào, vạch rõ bản chất và tầm quan trọng của tội tà dâm, những hậu quả kinh khủng của nó đối với linh hồn và thân xác con người, cho thấy bản chất và tầm quan trọng của những đau khổ Người chịu cho những hình phạt do thèm khát nhục dục của nhân loại; để Người thấy những đau khổ trong cả thể xác lẫn linh hồn đang chờ đợi Người đền bù trước công lý của Thiên Chúa thay cho nhân loại, và cũng cho Người biết chẳng ai khác ngoài Người có thể làm được việc này. Chúa hiểu hậu quả của mọi hình thức nhục dục và sự trừng phạt đặc biệt do chúng gây ra, ý nghĩa của các dụng cụ tra tấn có liên hệ với những tội ấy. Chỉ nguyên các dụng cụ tra tấn đã đủ khiến Người rùng mình, lại còn phải chứng kiến cả sự tàn bạo của những kẻ sáng chế ra chúng, sự độc ác và tức giận của những kẻ sử dụng chúng, và sự khó chịu của tất cả những ai bị chúng tra tấn nữa. Khi cảm biết tất cả những đòn tra tấn và đau đớn này, thần tính của Chúa Con rút vào lòng Đức Chúa Cha, Cha và Con làm một, để cho một mình nhân tính của Chúa Giê-su phải gánh chịu khiến Người sợ hãi đến nỗi mồ hồi máu bắt đầu rướm ra từ các lỗ chân lông. Lúc này, có chút giằng co giữa lòng thương xót và công lý của Thiên Chúa với tình yêu tự hiến làm của lễ hy sinh của Người giây lát. Trong tư cách là một con người thực sự, Người đã tự để cho mình chịu cám dỗ như một con người tự nhiên sợ hãi đau khổ và cái chết. Những hình ảnh ghê sợ do sự vô ơn và sai lầm của các thế hệ tương lai với những món nợ họ phải trả và hình phạt họ phải chịu, Người sắp ghánh vào mình và lãnh thay cho họ bao trùm toàn thể con người của Người mỗi lúc một gia tăng. Cuộc chiến chống lại phản ứng tự nhiên không muốn chịu đau khổ của nhân tính Người vẫn đeo bám khiến Người kêu lên: "Cha ơi, làm sao có thể chịu đựng nổi tất cả những điều này, nhưng nếu chén này không thể cất khỏi Con được, thì Con xin vâng theo thánh ý Cha!"

Satan dưới nhiều hình thức ghê tởm phô diễn mọi thứ tội khác nhau của nhân loại: khi là một con người đen thui, lúc là một con cọp, con chồn, con sói, con rồng. Trong hình dạng  con rắn, vương miện trên đầu nó càng lúc càng to, con rắn dẫn theo một đoàn người thuộc mọi chủng tộc giai cấp chuẩn bị tấn công Chúa Giêsu. Những người đi theo nó mang theo đủ loại vũ khí hủy diệt tối tân, họ chống nhau một lúc xong rồi lại quay sang tấn công Chúa cách tàn bạo khiến Người ngã giúi xuống và chịu nhiều thương tích. Những kẻ xâu xé Chúa ra từng mảnh tượng trưng cho những người xúc phạm đến Thiên Chúa dưới mọi hình thức tội lỗi, nhất là tội phạm thượng qua bí tích Thánh Thể và sự ơ hờ trễ nải trước tiếng gọi tình yêu của Thiên Chúa ở mọi nơi mọi thời, có cả những người què, mù, câm, điếc và trẻ em bị gương xấu và lời dạy sai lạc của người lớn kéo theo, mỗi người dùng một thứ vũ khí phù hợp với loại tội ác đã phạm để tấn công vào Chúa. Những mảnh thịt bị xé ra từ thân thể Chúa tượng trưng cho những người tin theo Chúa nhưng bị tách ra khỏi Giáo hội lao mình vào sự bất trung, lầm lạc của thế gian.

Trong lúc đau khổ quá sức, Chúa đã thốt lên: "Cha ơi, nếu đó là ý Cha, xin cất chén này khỏi Con! Tuy nhiên, không phải theo ý Con mà xin cho ý Cha được thể hiện!" Rồi một vực thẳm mở ra trước mặt Người, trên một con đường sáng, Người thấy một chuỗi bậc thang thật dài dẫn xuống lâm-bô. Ở đó Người thấy Adong Evà, các tổ phụ, các ngôn sứ và những người công chính đang nóng lòng chờ đợi Người đến giải thoát họ khiến Người thêm mạnh mẽ và can đảm. Các tông đồ, các môn đệ, các thánh đồng trinh và các thánh nam nữ, các vị tử đạo, các vị hiển tu và ẩn tu, các giáo hoàng và giám mục, vô số các tu sĩ nam nữ trong tương lai hợp thành một đạo binh không kể xiết diễu hành trước mặt Người. Những bông hoa trên vương miện của họ khác nhau về hình thức, màu sắc, hương thơm, chúng tùy thuộc vào các loại đau khổ,thử thách và chiến thắng mà họ đã dành được. Toàn thể cuộc đời và hoạt động của họ, giá trị và sức mạnh đặc biệt của cuộc chiến đấu và hy sinh của họ, mọi ánh sáng, màu sắc tượng trưng cho thắng lợi của họ, tất cả chỉ xuất phát nhờ sự kết hợp với công nghiệp của Người.

Cảnh tượng cảm động này đã đem lại cho linh hồn Chúa Giêsu một sức mạnh và an ủi trong giây lát rồi lại biến đi. Các thiên thần tiếp tục cho Người thấy tất cả các cảnh tượng của cuộc Khổ Nạn sắp đến: phản bội của Giuđa, chạy trốn của các môn đệ, những lời chế diễu và đau khổ ở dinh Anna và Caipha, chối bỏ của Phêrô, xét xử của Philatô, nhạo báng của Hêrôđê, đòn vọt và mạo gai, án tử hình, sự quỵ ngã của Người dưới sức nặngThập Giá, cuộc gặp gỡ của Người với Mẹ, những lời chế diễu Mẹ của bọn lý hình, khăn lau mặt của bà Vêrônica, cảnh đóng đinh man rợ vào Thập Giá, sỉ nhục của những người Pharisêu, nỗi phiền muộn của Mẹ, của Mađalêna, và của Gioan, lưỡi giáo đâm vào cạnh sườn. Mọi chi tiết của cuộc khổ nạn được diễn ra trước mắt Người cách rõ ràng, Người vui lòng phục tùng và đón nhận tất cả vì tình yêu nhân loại. Chúa Giêsu cũng thấy và cảm được nỗi buồn phiền đau khổ của Mẹ Người và việc Mẹ không ngừng kết hợp với Người để thông phần đau khổ cùng Người.

 Sau các thị kiến đó, Chúa lại ngã xấp mặt xuống đất, các Thiên Thần ra đi và mọi thị kiến biến mất, mồ hôi máu Người đổ ra nhiều hơn, ướt thấm áo và nhỏ xuống đất. Bỗng một Thiên Thần khác xuất hiện, cầm chén có một mẩu nhỏ bằng hạt đậu, hình bầu dục tỏa sáng màu đỏ, đến chỗ Chúa đang nằm và đưa tay ra trước mặt Người. Chúa Giêsu đứng dậy, thiên thần đặt mẩu sáng đó vào miệng Người và đưa chén cho Người uống, rồi Thiên Thần biến đi. Chúa Giê-su lúc này đã tự nguyện chấp nhận chén khổ nạn với tâm tình tạ ơn, mặc dù Người vẫn còn phải chịu đau khổ tinh thần nhưng không còn lo sợ nữa. Người lau mặt và vuốt lại mái tóc đẫm mồ hôi máu, mạnh mẽ cương quyết tiến về phía ba tông đồ thân tín.Thấy các ông vẫn đang ngủ, Người nói: "Bây giờ không phải lúc để ngủ. Các con phải thức dậy và cầu nguyện, vì kìa, giờ đã đến, và Con Người sẽ bị nộp trong tay kẻ tội lỗi. Hãy thức dậy, chúng ta đi! Kìa, kẻ phản bội đang đến! ôi, thà nó đừng sinh ra thì tốt hơn cho nó!" Các ông chỗi dậy trong sợ hãi, Phêrô đáp lời Chúa: "Thưa Thầy, con sẽ gọi những người khác đến bảo vệ Thầy.” Nhưng Chúa Giê-su nói: "Chúng ta hãy đi gặp họ, Thầy sẽ tự nộp mình trong tay kẻ thù mà không kháng cự." Sau đó vài phút, Giuda và quân lính đến bắt Chúa xuất hiện, Người mở lòng đón nhận cái hôn phũ phàng của người môn đệ phản bội và tự nguyện nộp mình cho họ.

Chiêm ngắm biến cố Chúa chịu đau khổ trong vườn Gietsemani cho chúng ta câu trả lời: tại sao Thiên Chúa phải phải cứu chuộc con người bằng việc nhập thể và chịu chết? Từ đó cũng cảm nhận sâu xa hơn tình yêu Thiên Chúa dành cho con người lớn lao như thế nào. Tuy nhiên, chúng ta cần ý thức rằng đau khổ và cái chết của Chúa cho dù đã đủ để chuộc lại ơn cứu độ cho nhân loại, nhưng không vì thế mà chúng ta không còn phải làm gì nữa. Trái lại, chúng ta cần phải tiếp tục đi theo con đường của Chúa, chấp nhận đau khổ và chết đi chính mình để dành lấy ơn cứu độ cho bản thân và cộng tác với Chúa trong việc cứu độ tha nhân. Bởi lẽ “Nước Trời phải đương đầu bằng sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được,”[3]con người vẫn còn mang trong mình một thân xác yếu đuối và Satan vẫn chưa thôi chấm dứt sự tấn công của nó, nên bao lâu còn trong thân phận con người ở trần gian này, chúng ta còn phải chiến đấu. Tuy nhiên, sức mạnh ấy không hẳn có được chỉ từ nỗ lực của con người mà còn đến từ ân sủng của Thiên Chúa. Chính vì thế mà Chúa dạy : “ Hãy tỉnh thức và cầu nguyện” không ngừng.

 2. TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN
Trong buổi gặp gỡ với Giáo Hội Ucraina, Ðức Thánh Cha Phanxico khuyến khích cả mục tử lẫn dân Chúa quan tâm trên hết đến đời sống thiêng liêng và sống đời cầu nguyện liên lỉ. Theo ngài, đây phải là bận tâm trước hết, không một hoạt động nào được phép vượt lên ưu tiên này. Trong đêm tối của thử thách, như Chúa Giêsu trong vườn Gietsemani đã nói với các môn đệ "hãy tỉnh thức và cầu nguyện" chứ không nói: phải phòng thủ hay tấn công.[4] Thánh Gioan Kim Khẩu giải thích việc chúng ta cần phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn là vì "trên đời này không ai là không bị cám dỗ." Ngay từ buổi đầu sáng tạo đã có cám dỗ. Tổ tiên loài người cũng đã nếm mùi cám dỗ. Sự gục ngã này đã kéo theo nhiều hệ lụy dẫn đến vô vàn cám dỗ làm cho đau khổ sự chết tràn vào thế gian.Trong hành trình về Đất Hứa, dân Israel cũng gặp nhiều cám dỗ: cám dỗ trở lại Ai cập để có bánh ăn; cám dỗ thờ tượng con bê vàng; cám dỗ thử thách Thiên Chúa. Vua Đavit sa ngã trước cám dỗ sắc dục dẫn đến giết anh để cướp vợ. Giuđa Iscariốt đã sa ngã trước cám dỗ của ma lực đồng tiền vv... Lịch sử con người là cả một chuỗi những cám dỗ và sa ngã.

Cám dỗ không phải là điều xấu, Thiên Chúa cho phép cám dỗ xảy ra để thanh luyện và làm cho chúng ta thông dự vào chương trình cứu độ của Người. Tuy nhiên, cám dỗ có thể đưa chúng ta tới nguy cơ phạm tội nếu sa ngã, nên Thiên Chúa đã trao cho chúng ta một bí quyết để chiến thắng đó là “tỉnh thức và cầu nguyện.” Đức Giê-su không chỉ dạy chúng ta phải cầu nguyện rằng “xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ,” mà còn nêu gương cho chúng ta về việc ý thức trước cám dỗ và sống đời cầu nguyện liên lỉ.

Thật vậy, trong suốt 33 năm tại thế, Chúa Giêsu là một chứng từ sống động về thân phận làm người phải đối diện với cám dỗ như thế nào, Người “cũng phải chịu trăm chiều thử thách y như ta,"[5] đã phải chiến đấu mạnh mẽ với nhiều mưu chước nhằm cản trở sứ mạng cứu độ của Thiên Chúa. Những cơn cám dỗ xảy ra cho Chúa đa dạng, đa hình thức. Chúng hiện thân nơi những kẻ chống đối và bách hại Người; nơi sức mạnh mưu mô, đàn áp, thống trị của sự dữ, và cám dỗ đã không ngừng theo Người cho đến giây phút cuối cùng trên thập giá. Nhưng Chúa đã chiến thắng tất cả vì mục tiêu duy nhất của Người là thánh ý Chúa Cha được thúc bách bởi tình yêu Cha và các linh hồn. Cho nên, Chúa Giê-su đã hơn một lần căn dặn các môn đệ của Người phải luôn “tỉnh thức và cầu nguyện”[6] để khỏi phải sa chước cám dỗ và để có thể an tâm đứng vững trong ngày Chúa đến.

Tỉnh thức và cầu nguyện là hai mặt của một thực tại trong đời sống đức tin, tỉnh thức là không ngủ mê trước những bản năng, tỉnh táo trước những dục vọng, cẩn trọng trước những cuốn hút thế tục và đề phòng trước những mưu mô của ma quỷ nhằm dẫn người ta tới nguy cơ xa Chúa, loại Người ra khỏi vị trí ưu tiên của cuộc sống và dẫn người ta đi trệch ra khỏi đường lối của Thiên Chúa. Người tỉnh thức và cầu nguyện thì nhạy bén trước những cám dỗ đang đến với mình, ý thức sự hiện diện của chúng, dùng ý chí và ơn Chúa để ngăn chặn sự tiến tới của chúng và điều hướng mình đi vào trong con đường của Thiên Chúa. Như vậy, tỉnh thức và cầu nguyện vừa đòi hỏi chúng ta ý thức trong tâm trí về những cám dỗ, hiểu biết những nẻo đường quen thuộc của cám dỗ và nhận ra dấu hiệu của sự cám dỗ, vừa phải hành động bằng cách nại đến sức mạnh của Thiên Chúa, thỉnh cầu Người ban ơn giúp sức để can đảm nhấc mình ra khỏi chước cám dỗ mà sống đúng với ý muốn của Chúa. Người sống trong tỉnh thức và cầu nguyện cần ý thức về ba thù của mình là: ma quỷ, xác thịt và thế gian. Những kẻ thù này không ngừng theo sát mọi người như hình với bóng cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời.

Ma quỷ là kẻ thù số một luôn tìm mọi cách để làm chúng ta mất linh hồn hoặc ít nhất cũng làm chúng ta giảm bớt lòng mến Chúa và thực thi ý Người cách kém hoàn hảo. Chiến lược đầu tiên của ma quỷ là làm cho người ta không tin chúng hiện hữu để làm cho họ mất cảnh giác và sa vào kế hoạch của chúng cách dễ dàng. Kế hoạch cám dỗ của chúng gồm ba giai đoạn: bắt đầu gợi lên một hình ảnh hợp nhu cầu, tiếp đến làm vui thích trước những hình ảnh ấy, cuối cùng quyết định chiều theo sự xúi giục. Theo Thánh Ignatio, ma quỷ thường tìm những điểm yếu của chúng ta để tấn công và tấn công lúc chúng ta không ngờ, bắt đầu nhẹ hoặc hướng mục đích tốt lành, rồi từ từ làm cho người ta mất kiểm soát và không còn đường chạy thoát: “khởi sự trong Thần Khí, kết thúc trong xác thịt.” Chúng chuẩn bị cơ hội, rình đợi những dịp thuận tiện, tạo ra những mối tương quan, kích thích những cảm tình thân ái, đội lốt Thiên Thần làm sự lành để đánh ngã các linh hồn. Vì vậy, đừng tự hào về nhân đức và sức mạnh hiện có, hãy cảnh giác và cậy dựa ơn Chúa để khỏi sa vào cạm bẫy của ma quỷ, nhớ lời của thánh Phaolo: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự.”[7]

Con người bao gồm thể xác và linh hồn, hai thực thể thường đối lập nhau: “tinh thần thì nhanh nhẹn, thể xác lại yếu đuối.” Thể xác chứa đựng những khuynh hướng bản năng chúng thích thoải mái, dễ chịu, nhưng những gì nó ưa thích lại ảnh hưởng không tốt đến linh hồn. Trong khi linh hồn thì mong muốn những sự lành, những điều này đòi hỏi thân xác phải chấp nhận vất vả, khó nhọc, hy sinh và từ bỏ nên tạo ra sự xung khắc giữa xác và hồn, chính thánh Phaolo đã có kinh nghiệm này: “ điều tôi thích thì tôi không làm được, điều tôi không thích thì tôi lại cứ làm.”[8] Vì thế, chúng ta cần phải không ngừng cảnh giác với chính mình, đừng để linh hồn bị xác thịt lôi kéo chiều theo những thỏa mãn thúc bách như: tìm kiếm vật chất danh vọng; vui thỏa nhục dục; buông lỏng kỷ luật; thoải mái trong việc ăn uống, ngủ nghỉ; mất kiểm soát trước những tư tưởng, lời nói, hành động của bản thân; ươn ái trong việc từ bỏ tính hư nết xấu và tập luyện nhân đức; ngại khó, ngại khổ, ngại cố gắng vượt lên chính mình, thỏa hiệp với những đòi hỏi của bản năng; buông theo quán tính; trễ nải trong cầu nguyện; bằng lòng với lối sống tầm thường thiếu định hướng và không mục đích vv... Đó cũng là những môi trường và cơ hội thuận tiện cho ma quỷ ẩn núp để tấn công, sinh ra lòng ích kỷ và quan niệm sống hẹp hòi, đối nghịch với những giá trị Tin Mừng và lối sống các lời khuyên Phúc âm của người tu sĩ. Kinh nghiệm sâu xa như vậy nên thánh Phaolo đưa cho chúng ta một loạt những lời khuyên quý giá: “Đừng để ma quỷ thừa cơ lợi dụng,”[9] khôn ngoan, cẩn trọng các giác quan và liên lỉ hãm mình, “phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say xưa, lo lắng sự đời,”[10] và “phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, phải để Thần Khí đổi mới tâm trí và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện."[11]

Đặc biệt trong thế giới hôm nay, con người đang bị bao trùm bởi một bầu khí quyển ngập tràn sự dữ dưới vỏ bọc “văn minh - hiện đại” được dẫn dắt bởi các học thuyết duy vật, chủ nghĩa hưởng thụ và đề cao tự do cá nhân nhờ khoa học kỹ thuật và các phương tiện truyền thông ủng hộ, có nguy cơ đẩy chúng ta rơi vào vực thẳm cám dỗ triền miên. Đây là một cám dỗ báo động nhất đối với tu sĩ, vì chúng ta phải sống giữa thế giới và dấn thân cho thế giới. Cuộc sống của thế giới hiện đại khéo tạo ra những cơn cám dỗ ngọt ngào và tinh vi đến độ mê say thế gian mà cứ tưởng mình đang dấn thân vì Nước Trời, tưởng phụng sự Chúa mà lại phục vụ chính mình, tưởng từ bỏ nhưng thực ra lại thu tích, thay vì mang Chúa vào đời lại mang đời vào Dòng. Một khi không cảnh tỉnh trước những cám dỗ tinh vi này, đời tu của chúng ta có thể bị tục hóa trước vỏ bọc văn minh tự do, thích ứng thời đại, lối sống tri thức của những tên cám dỗ tự do cá nhân, hưởng thụ, coi trọng vật chất. Khi đi tìm thích ứng với các phương tiện công nghệ thông tin để phục vụ hữu ích cho tha nhân, chúng ta lại phục vụ cho sự vị kỷ và cơn cám dỗ hiệu năng công việc. Tất cả những hoạt động có vẻ tốt lành này không cẩn trọng sẽ dẫn chúng ta đến chỗ đi trệch ra khỏi căn tính của đời tu. Cho nên, từ hơn 2000 năm trước thánh Phaolo đã cảnh tỉnh rằng: “Anh em đừng có rập theo thói đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm hồn, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa, cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Thiên Chúa, cái gì là hoàn hảo.”[12]

Cám dỗ là một tất yếu của cuộc sống, chiến đấu với những cám dỗ là một luật sống để tồn tại, nhưng chúng ta không sợ hãi hay nản lòng trước cám dỗ bởi chúng ta không chiến đấu một mình. Tỉnh thức thôi thì chưa đủ, tỉnh thức phải luôn đi đôi với cầu nguyện, nếu ý thức về những cám dỗ trong lý trí và dùng ý chí để chiến thắng cám dỗ thì chúng ta sẽ thất bại. Ma quỷ thuộc thế giới siêu phàm, tất cả những cám dỗ đều có mầm mống của sự dữ, là công việc của Satan, nên không dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, chúng ta sẽ quỵ ngã, “ không có Thầy, các con không thể làm gì được.” Do đó, trong mọi sự, ở mọi nơi, mọi lúc, chúng ta cần tạo cho mình một luật sống theo sát những đòi hỏi của Tin Mừng và của đời tu để có thể trung thành với ơn gọi thánh hiến trước những cám dỗ. Rèn luyện bản thân trong sự khiêm nhường và bỏ mình liên lỉ, năng học hỏi và suy gẫm Lời Chúa để làm nội tâm hóa các giá trị Tin Mừng, để có sự khôn ngoan, sáng suốt phân định điều gì đến từ Chúa và điều gì đến từ sự cám dỗ, để có sức mạnh can đảm chọn lựa đường lối của Thiên Chúa.

Cần thiết phải thường xuyên ý thức căn tính đời tu là bước theo Đức Ki-tô như là tiêu chuẩn tối hậu của đời thánh hiến, một Đức Ki-tô hôm qua hôm nay và muôn đời vẫn thế để dù ở trong bất cứ môi trường hay hoàn cảnh nào, chúng ta không để cho mình bị lung lạc hay làm méo mó tinh thần sống của Chúa Ki-tô trong Tin Mừng và sống đúng ơn gọi của đời thánh hiến với thái độ: “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến.” Trước những thử thách, chúng ta hãy nhìn ngắm cuộc chiến khốc liệt của Chúa Ki-tô trong vườn Cây Dầu và chạy đến với sức mạnh ân sủng của Thiên Chúa. Như Chúa Giêsu đã không cô đơn một mình khi bị thử thách, Ngài luôn "được Thánh Thần hướng dẫn."[13] Để có thể sống xứng đáng với ơn gọi, cần cả hai: ân sủng của Thiên Chúa và nỗ lực của bản thân dám chết vì Chúa và sống cho Chúa. Cám dỗ đến chẳng bao giờ hẹn trước, mọi nơi, mọi lúc, mọi tuổi tác và địa vị, cho nên lúc nào cũng phải sống trong tư thế của người tôi tớ đợi chủ về, nghĩa là sống trong sự hướng về Chúa và sẵn sàng đối diện với cơn cám dỗ sắp đến. Điều này đòi hỏi phải sống đời cầu nguyện liên lỉ chứ không chỉ dành ra những giờ nhất định cho việc cầu nguyện, cần có sự kết hợp với Chúa ở mọi nơi mọi lúc như lời nhắc nhớ của Giáo Hội: nhờ việc chiêm niệm và được nhận chìm trong tình yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, người thánh hiến có khả năng yêu mến triệt để và phổ quát, có sức mạnh để tự chủ và kỷ luật cần thiết để khỏi nô lệ giác quan và bản năng.[14] Những khi gặp thử thách mạnh mẽ, cần tìm đến những người có kinh nghiệm thiêng liêng để được giúp đỡ và gia tăng mối tương quan với Chúa.

Kinh nghiệm của các thánh đã cho thấy, chính nhờ việc tỉnh thức và cầu nguyện mà Satan vốn mạnh mẽ lại trở nên vô cùng yếu nhược và thất bại thảm hại trước con người mong manh và yếu đuối. Con người và cuộc đời của Đức Maria là một chứng từ sống động về điều này. Mẹ vốn gọi mình là “Nữ tỳ thấp hèn” vậy mà đã trở thành “ Người Nữ tiên phong đạp dập đầu Con Rắn” dưới gót chân mình. Thánh An-tôn nói với các thầy dòng: “Ma quỷ yếu đuối hơn chúng ta tưởng, nó sợ anh em thức khuya cầu nguyện, ăn chay, tự tình sống thanh bần, nhân từ, khiêm nhường, nhất là lòng yêu mến Chúa Giê-su tha thiết, mạnh mẽ, và chỉ một dấu thánh giá cũng đủ để vô ích hóa mọi cố gắng của ma quỷ, xua chúng tẩu thoát.”

Tỉnh thức và cầu nguyện là con đường và là thái độ sống căn bản của mọi Ki- tô hữu, cách riêng là những người sống đời thánh hiến, vì chúng ta là đối thủ số một của ma quỷ, xác thịt và thế gian, cho nên, Đức Giáo Hoàng Phanxico một lần nữa đã nhấn mạnh lời khuyên nhủ của Đức Bênêđictô XVI với các tu sĩ rằng: “Anh chị em hãy mặc lấy Đức Giêsu Kitô và khoác vào binh giáp của ánh sáng – như thánh Phaolô đã khuyên nhủ - trong thái độ tỉnh thức mong chờ.”[15] Với việc tỉnh thức và cầu nguyện mỗi một cám dỗ trở nên một cơ hội để chúng ta cảm nghiệm và xác tín hơn Lời Chúa khẳng định với thánh Phaolo rằng: “ơn Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được thể hiện trong sự yếu đuối.”[16]

3. ÁP DỤNG THỰC HÀNH
1. Chiêm ngắm mầu nhiệm thứ I sự Thương
2. Ý thức trước những cám dỗ đang đến và chiến đấu (xa lánh dịp tội)
3. Cầu nguyện liên lỉ. 

[1] Clement Brentano, Thị Kiến Cuộc Tử Nạn Chúa Giê-su theo lời kể của Chân Phước Catarina Emmerich,Tr. 15-49.
[2] Mt 26,36-46; Mc 14,32-42; Lc 22, 39-46.
[3] Mt 10, 22.
[5] Dt 4,15.
[6] x. Mt 26,41; Lc 21,36
[7] 1Pr 5, 8-9a.
[8] Rm 7, 15.
[9] Ep 4, 27.
[10] Lc 21, 34.
[11] Ep 4,22-24.
[12] Rm 12,2.
[13] Mt 4,1.
[14] Đức Gioan Phaolo II, Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến, s. 88.
[15] http: // w2.vatican.va/content/francesco/it/apost_letters/documents.
[16] 2Cr 12, 9. 

Tác giả: Mary-Stephen, fmsr

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập322
  • Máy chủ tìm kiếm37
  • Khách viếng thăm285
  • Hôm nay21,187
  • Tháng hiện tại998,574
  • Tổng lượt truy cập79,002,025
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây