Thứ 5 Thánh: Thánh Thể, tặng phẩm Thần Linh

Thứ tư - 17/04/2019 18:53  2863

Cách đây hơn hai ngàn năm, Đức Giêsu Kitô đã xuống trần gian, sống kiếp con người. Ngài đã dạy chúng ta biết bao điều. Ngài đã chấp nhận mọi đau khổ để rồi cuối cùng chết nhục nhã trên thập giá. Tại sao Đức Giêsu Kitô lại phải chấp nhận điều đó? Câu trả lời nằm trong hai chữ “Tình yêu”. Đúng vậy, Ngài yêu con người. Ngài không muốn con người phải hư mất vì tội lỗi. Và cũng vì yêu nên Ngài không nỡ rời xa con người để về Trời. Thế nên, Ngài đã lập ra bí tích Thánh Thể hầu ở lại, nuôi dưỡng và ban phát mọi ơn lành cho con người. Thánh Thể chính là một tặng phẩm thần linh cao quý nhất mà con người có được. Và qua tặng phẩm này, con người đón nhận được chính Đức Giêsu Kitô, đón nhận được tự do và đón nhận được sự hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau.

00 00 eucharistie

  1. Đón nhận chính Đức Giêsu Kitô

Thánh Gioan viết trong Tin Mừng như sau: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Với lời khẳng định đó, thánh Gioan như muốn tuyên tín rằng Đức Giêsu Kitô chính là “tặng phẩm” mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại. Và “Tặng Phẩm” đó không chỉ sống với nhân loại trong một thời gian cụ thể với một không gian nhất định, nhưng hơn hết “Tặng Phẩm” đó được ban cho nhân loại vượt không gian và thời gian ngang qua Bí tích Thánh Thể. Nói cách khác, khi chúng ta lãnh nhận Thánh Thể, chúng ta lãnh nhận thực sự cả thiên tính và nhân tính của Đức Giêsu Kitô, như Công đồng Trentô (1545-1563) khẳng định “Sau khi truyền phép bánh và rượu, Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Thiên Chúa thật và người thật hiện diện thật sự, đích thực và cách bản thể dưới vẻ bên ngoài của những vật có thể sờ được”[1]. Như vậy khi lãnh nhận Thánh Thể, chúng ta kết hiệp mật thiết với Đức Giêsu Kitô, như lời Ngài nói: “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,56). Tuy nhiên, cũng cần phải hiểu rằng việc lãnh nhận Thánh Thể không bao giờ là mối kết hiệp riêng tư giữa người lãnh nhận với Đức Kitô, nhưng sự kết hiệp đó được mở rộng tới phạm vi Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần[2]. Đó quả là một ân huệ vô cùng lớn lao mà Thiên Chúa ban tặng cho con người. Thử hỏi có ân huệ nào sánh bằng với ân huệ được chính Thiên Chúa, Đấng Toàn Năng tạo dựng nên cả đất trời ngự vào trong tâm hồn của một thụ tạo yếu hèn hay không? Không dừng lại ở đó, khi lãnh nhận Thánh Thể, chúng ta cũng lãnh nhận sự sống của Đức Giêsu Kitô. Và sự sống này không chỉ là sự sống thể lý mà chúng ta hằng nuôi dưỡng bằng lương thực, cũng không chỉ là sự sống tự nhiên mà Thiên Chúa ban cho chúng ta khi dựng nên chúng ta, nhưng đó còn là sự sống vĩnh cửu, sự sống đích thực[3] “Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống đời đời và sự sống ấy ở trong Con của Người. Ai có Chúa Con thì có sự sống, ai không có Con Thiên Chúa thì không có sự sống” (1Ga 5,11-12). Nói tóm lại, với Bí tích Thánh Thể, chúng ta được đón nhận sự sống, được hưởng mọi nguồn ân sủng từ Thiên Chúa. Chúng ta không chỉ đón nhận Đức Giêsu Kitô mà chúng ta còn đón nhận chính cả Ba Ngôi Thiên Chúa.

  1. Đón nhận sự tự do

Bí tích Thánh Thể thể hiện việc Đức Kitô tự do trao hiến chính mình, một sự trao hiến mặc khải ra ý nghĩa đích thực của một tình yêu được tự do ban tặng: “Vì đã yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở trong thế gian, Người đã yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1)[4]. Như vậy, nếu khi lãnh nhận Thánh Thể, chúng ta lãnh nhận chính con người Đức Giêsu Kitô với trọn vẹn thiên tính và nhân tính của Ngài thì điều đó cũng có nghĩa là chúng ta đang mở lòng trí ra để đón nhận sự tự do từ chính Đức Giêsu Kitô, một tự do vốn có mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại trước khi nguyên tổ loài người phạm tội để rồi trở nên nô lệ cho tội lỗi. Do đó, Thánh Thể mang lại cho chúng ta sự tự do đích thực mà nguyên tổ loài người đã đánh mất. Tự do này được chính Đức Giêsu Kitô dùng chính mạng sống của mình để chuộc lấy. Như thế chúng ta cũng có thể nói được rằng đón nhận Thánh Thể chính là đón nhận một cuộc cử hành lễ Vượt Qua mới từ bóng tối đến ánh sáng, từ tội lỗi đến tự do[5]. Tuy nhiên, cũng cần khẳng định rằng việc được đón nhận sự tự do ngang qua Thánh Thể không phải do công trạng của con người nhưng đó là ơn ban nhưng không mà Thiên Chúa dành cho con người chúng ta.

Và nếu như Thánh Thể làm cho con người được tự do, không còn nô lệ cho tội lỗi nữa thì sự tự do này thúc đẩy con người tiến bước trong lịch sử và làm nảy sinh hạt giống của niềm hy vọng sống động trong những dấn thân hằng ngày để chu toàn nhiệm vụ đó[6]. Như vậy, khi lãnh nhận Thánh Thể, con người được lớn lên và trưởng thành hơn trong đời sống mới của tự do mà Đức Giêsu Kitô ban tặng. Và chính vì con người được lớn lên và trưởng thành nhờ Thánh Thể nên họ cũng được tự do dâng hiến trong các mối tương quan vô điều kiện với Thiên Chúa và tha nhân. Nói cách khác, ân sủng Thánh Thể đã giúp con người lấy lại được tự do mà nguyên tổ loài người đã đánh mất để sống mối tương quan thân tình với Thiên Chúa và tha nhân.

Không những thế, quà tặng tự do mà Thánh Thể mang lại còn giúp nối kết với những quà tặng tự do khác trong mầu nhiệm Đức Kitô. Những quà tặng này có thể được diễn tả như tự do khỏi cô đơn và cô lập để có được các mối tương quan và hiệp thông, tự do khỏi đói khát để tham dự vào bữa ăn của Vương Quốc, tự do khỏi tội lỗi để được cứu độ và hoà giải, và tự do để hy vọng vào sự viên mãn của vinh quang tương lai.[7]

  1. Đón nhận sự hiệp thông

Như trên đã nói việc đón nhận Thánh Thể không có nghĩa là chúng ta chỉ đón nhận Đức Giêsu Kitô, nhưng chúng ta đón nhận cả Ba Ngôi Chí Thánh. Nghĩa là nhờ cử hành tiệc Thánh thể, các Kitô hữu được đến gần Chúa Cha qua Chúa Con. Họ hiệp thông với Ba Ngôi Chí Thánh[8]. Như vậy, khi đón nhận Thánh Thể chúng ta được sống trong tương quan hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa, như Đức Giêsu đã nói “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,56), mà “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30). Một cách sinh động hơn, thánh Syrilô thành Giêrusalem nói về sự hiệp thông như sau: “Hoà quyện hai thỏi sáp đang nóng chảy với nhau, phần này sẽ thâm nhập phần kia một cách hoàn hảo. Cũng vậy, khi ta được đón rước Mình và Máu Chúa Kitô, chúng ta được hiệp nhất đến nỗi Chúa Kitô ở trong ta và ta ở trong Chúa Kitô”[9]. Và hơn hết, sự hiệp thông này đem lại cho người tín hữu ân sủng là sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa vì họ được thông phần vào cuộc hy sinh của Đức Kitô[10].

Ngoài sự hiệp thông với Thiên Chúa, Thánh Thể còn giúp mỗi người Kitô hữu chúng ta hiệp thông với nhau. Sự hiệp thông này được thánh Phaolô nói rõ trong thư thứ nhất Côrintô: “Bánh chúng ta bẻ ra không phải là sự thông phần vào Thân Mình Chúa Kitô hay sao? Vì chỉ có một Tấm Bánh, chúng ta tuy nhiều nhưng cũng chỉ là một thân thể, vì hết thảy chúng ta đều cùng thông hiệp một Bánh” (1Cr 10,16-17). Như vậy, nơi Thánh Thể, chúng ta cùng đón nhận một Đức Kitô, nghĩa là cùng chia sẻ một Tấm Bánh. Và sự đón nhận này làm chúng ta được hiệp thông với nhau, như hiến chế Lumen Gentium của Công đồng Vatican II khẳng định: “Trong thân thể Chúa Kitô, sự sống Chúa Kitô tràn lan trên các tín hữu. Nhờ các bí tích, các tín hữu được kết hợp thật sự và cách mầu nhiệm với Chúa Ki-tô đau khổ và hiển vinh”[11] và “Trong hành vi hiệp lễ, sự hiệp nhất của dân Chúa được biểu hiện một cách phù hợp và được thực hiện một cách kỳ diệu”[12]. Và khi đó, sự hiệp nhất làm phát sinh và thúc đẩy lòng bác ái giữa các tín hữu với nhau: “Nếu một chi thể nào đau đớn, thì tất cả các chi thể khác đều bị đau đớn, và nếu một chi thể nào được vinh dự, thì tất cả các chi thể khác cùng chung vui”[13]. Sự hiệp nhất này còn được Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo miêu tả như sau: “Những người đã được bí tích Thánh Tẩy nâng lên tham dự hàng tư tế vương giả và nhờ bí tích Thêm Sức trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô cách sâu xa hơn, nay nhờ bí tích Thánh Thể được cùng với toàn thể cộng đoàn tham dự vào hy lễ của Chúa Giêsu.”[14] Tuy nhưng, không phải đương nhiên mà bí tích Thánh Thể đạt được sự hợp nhất ấy. Sự hợp nhất ấy chỉ đạt được cùng với sự quyết tâm của mỗi chúng ta. Khi hiệp lễ, chúng ta không thể cứ mặc kệ anh chị em chúng ta được nữa. Chúng ta khước từ họ là khước từ Đức Kitô và tự tách mình ra khỏi sự hợp nhất.[15]

  1. Kết luận

Thánh Thể là một bí tích cực thánh. Nơi đó, người tín hữu được hưởng múc mọi nguồn ân sủng, được đón nhận những tặng phẩm cao quý. Và những tặng phẩm đó làm cho người tín hữu được hưởng nếm sự sống vĩnh cửu, được trở nên tự do và được hiệp thông với Ba Ngôi Chí Thánh cũng như được hiệp thông với nhau.

 

Antôn Hoàng Văn Phúc, OP

 

 

[1] Uỷ ban Thần học Lịch sử chuẩn bị năm thánh 2000, Thánh Thể trao ban sự sống Thiên Chúa (không rõ nơi xb, nhà xb: 1999), tr. 115.

[2] Phaolô Vũ Chí Hỷ SSS, Đaminh Nguyễn Đức Thông CSsR chuyển ngữ, Thánh Thể-Bí tích của niềm hy vọng cánh chung trong tư duy hiện đại (Tp HCM, Phương Đông: 2014), tr. 183.

[3] Bùi Văn Đọc, Tặng phẩm thần linh (không rõ nơi xb, nhà xb, năm xb), tr. 7.

[4] Phaolô Vũ Chí Hỷ SSS, Đaminh Nguyễn Đức Thông CSsR chuyển ngữ, Thánh Thể-Bí tích của niềm hy vọng cánh chung trong tư duy hiện đại (Tp HCM, Phương Đông: 2014), tr. 268.

[5] Sđd, tr. 268.

[6] Phaolô Vũ Chí Hỷ SSS, Giáo trình thần học Thánh Thể & Tài liệu đọc thêm, tr. 302.

[7] Phaolô Vũ Chí Hỷ SSS, Đaminh Nguyễn Đức Thông CSsR chuyển ngữ, Thánh Thể-Bí tích của niềm hy vọng cánh chung trong tư duy hiện đại (Tp HCM, Phương Đông: 2014), tr. 269-270.

[8] Sắc lệnh về Đại kết, số 15.

[9] M.V. Bernadot, OP, The Eucharist and the Trinity (không rõ nơi xb, nhà xuất bản, năm xb), tr. 17.

[10] Bearbeitet von Gunter Koch, Bí tích học qua các tác giả (không rõ nơi xb, nxb, 1991), số 358.

[11] Lumen Gentium, số 7.

[12] Sđd, số 11.

[13] Sđd, số 7.

[14] Sách GLHTCG, số 1322.

[15] Ranlero Cantalamessa, OFM Cap., Tam Anh, CMC. chuyển ngữ, Thánh Thể - nguồn ơn thánh hoá (không rõ nơi xb, nxb: 2000), tr. 59

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập191
  • Máy chủ tìm kiếm28
  • Khách viếng thăm163
  • Hôm nay52,261
  • Tháng hiện tại56,910
  • Tổng lượt truy cập78,060,361
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây