Dì M.Phanxica Trần Thị Miến mà chị em và mọi người vẫn thường gọi là bà Phan- một nữ tu âm thầm. Bà là một trong những cây cổ thụ của nhà dòng với những hy sinh và công phúc tu luyện từ những ngày còn bom đạn khó khăn. Cũng như những chị em cùng thời, Bà bước vào đời tu với chỉ ước nguyện đơn sơ là được “ăn mày nhà Đức Chúa Trời”. Khi nói đến Bà là lập tức hiện lên trong đầu mọi người hình ảnh của một vóc dáng to khoẻ, nhanh nhẹn, đạo đức và thánh thiện, hiền lành và chịu khó, âm thầm và nhẫn nại, không kêu ca trách móc càm ràm nhất là trong những ngày dưỡng bệnh cuối đời.
Bà hăng say dâng hiến đời mình cho Chúa với công việc bổn phận được trao. Suốt chặng đường dâng hiến kể từ ngày bà tuyên khấn đã gắn liền với cộng đoàn Mân Côi Xuân Đài. Có những gia đình cả ba thế hệ đều được Bà dạy giáo lý hay giúp đỡ việc này việc kia. Bà đơn sơ thánh thiện lắm cơ! Không hiểu người ta khiếp mùi thuốc trừ sâu, sợ nhiễm thuốc trừ sâu cỡ nào chứ riêng Bà thì thuốc trừ sâu như một loài “thuốc xịn” chữa bệnh ngứa ngoài da cho Bà. Có rất nhiều câu chuyện hài hước về Bà được mọi người truyền kể cho nhau nghe để làm bài học và gương mẫu cho mọi chị em về sự vui vẻ, đơn sơ và hy sinh của Bà. Bà thích khám phá, tò mò và ngạc nhiên về sự hiện diện của mọi thứ xung quanh mình. Bất kể là thứ gì, Bà cũng dùng khứu giác và vị giác để kiểm định. Mà cũng nhờ “khả năng siêu tài” đó mà có lần Bà “phát hiện” ra phương cách mới của người chị em cũng đơn sơ không kém khi dùng mật ong để bôi trơn ổ khoá cửa. Có lần Bà nói với người chị em đó Bà bị đau đầu. Thế là với tinh thần sốt mến, chị chạy một lèo xuống dưới bếp, thấy miếng băng tay cá nhân giống như miếng cao dán. Chị vội vàng cắt cắt dán dán lên trán cho Bà. Ấy vậy mà khi mọi người vào thăm Bà, Bà phấn khởi khoe nhờ mấy miếng “cao dán lạ kì” đó mà Bà đỡ đau đầu hẳn đi, ai nấy đứng nghe Bà kể đều được trận cười vỡ bụng.
Cứ như vậy suốt ngần đó năm trời, Bà an nhiên với những công việc rất bình dị và âm thầm trong cộng đoàn. Cũng mang thân phận yếu đuối của phận người, khi thì hân hoan khi thì chùn bước, thế nhưng Bà vẫn vui vẻ cống hiến tất cả con người mình vì linh đạo của dòng và vì ước muốn nên thánh nhờ những việc tầm thường. Mới năm ngoái đây thôi, bằng đấy chị em cùng lớp mà chỉ có mình Bà còn khoẻ mạnh đội vòng hoa đỏ tiến lên cung thánh nhận mình là nữ tỳ bé nhỏ mà cất lời tạ ơn Chúa với hành trình 60 năm dâng hiến. Thế rồi sau nạn đại dịch Covid19, Bà cũng không tránh khỏi sự lây lan và nhiễm bệnh, kể từ đó sức khoẻ Bà suy yếu dần và được chuyển về nhà mẹ dưỡng bệnh. Những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, Bà vẫn âm thầm chịu đựng từng cơn đau của vết thương vùng lưng đang loét dần vì ảnh hưởng của bệnh tiểu đường. Mỗi ngày, vết thương thêm lớn hơn nhưng Bà vẫn không một lời kêu la, có đau quá thì bà chỉ hơi nhăn mặt chút thôi. Có lẽ Bà đã rất đẹp lòng Chúa nên Ngài muốn cho Bà được đi sâu hơn nữa trong cuộc thương khó với Ngài.
Buổi tối thứ năm ngày 06-10-2022, trước ngày đại lễ mừng bổn mạng đệ nhất của hội dòng, chị em Mân Côi khắp nơi về đông đủ để mừng lễ. Mọi người đến thăm Bà với lòng kính trọng và những giọt nước mắt nể phục cùng thì thầm xin Chúa rước Bà sớm về với Ngài để Bà bớt đi sự đau đớn. Có lẽ tất cả những công trạng của Bà và cả những ước mong giản dị của mọi người đã chạm thấu tới lòng thương xót Chúa. Sau khi hiệp thông giờ chầu Chúa cùng các chị em tại phòng bệnh riêng, đúng 23h15 Bà trút hơi thở cuối cùng trong nhẹ nhàng và thanh thản trước sự hiện diện của Dì tổng phụ trách và một số chị em.
Bà đã đi thật rồi! Con đường khổ giá của Bà đã dừng lại trên đồi Canve với Chúa. Vết thương thối rữa trên tấm lưng gầy không còn chảy máu chảy mủ, không còn làm Bà đau đớn nữa. Nằm bất động trên giường trong bộ áo dòng, gương mặt của Bà đẹp như thiên thần, rất an bình, rất thánh thiện.
Maria Phanxica- bông hoa hồng âm thầm, chúng con xin vĩnh biệt Bà. Chúng con thương nhớ những việc lành phúc đức của Bà đã vì yêu mến hội dòng và từng người chúng con mà hy sinh âm thầm. Chúng con nguyện chúc Bà sớm về tới nhà Cha trên trời và khi ấy xin nhớ đến từng chị từng em trong hội dòng của chúng ta, Bà nhé!
Tác giả: Trần Trần, FMSR.