Các con là hiện tại của Thiên Chúa

Chủ nhật - 02/08/2020 04:19  1306
file 20200512 175276 1xrp26bTuổi trẻ là hiện tại!

“Các con là hiện tại của Thiên Chúa, của Giáo hội”. Đây là lời khẳng định của Đức thánh cha Phanxico nói với các bạn trẻ trong thông điệp “Chúa Kitô đang sống”. Ngài đã không vô cớ khi đưa ra một xác quyết như thế vì trước khi khẳng định, Ngài đã truy về nguồn Thánh Kinh, chính LỜI của Thiên Chúa đã ngỏ và chỉ cho các bạn trẻ biết “mình chính là hiện tại của Thiên Chúa”[1]. Đúng thế, không phải ai khác mà chính là bạn. Vậy làm thế nào để những người trẻ phản ánh đúng “hiện tại của Thiên Chúa” giữa một thế giới dường như đang “đánh mất” niềm tin vào Thiên Chúa hay lãng quên sự hiện diện của Ngài?

Định nghĩa được coi là đầy đủ và vắn gọn nhất về Thiên Chúa vẫn là lời xác quyết của thánh tông đồ Gioan: “Thiên Chúa là tình yêu” (Ga 4,8). Chúng ta là thụ tạo được Thiên Chúa dựng nên “giống hình ảnh Người” (St 1,27). Chính vì thế, Tình yêu làm nên căn tính của chúng ta. Từ đó, để phản ánh “hiện tại của Thiên Chúa”, mỗi người trẻ cần phải biết: Xây đắp cuộc đời mình trong tình yêu với Thiên Chúa, với chính mình và với tha nhân.
 
* Tình yêu Thiên Chúa

Tình yêu đối với Thiên Chúa là chiều kích đầu tiên để xây đắp tình yêu. Tình yêu ấy bắt đầu bằng lời cầu nguyện. Cầu nguyện là sợi dây liên kết chúng ta với Thiên Chúa vì cầu nguyện chính là đối thoại giữa ta với Chúa, là tác động của tình yêu. Chính Ngôi Lời khi đến trần gian cũng luôn tìm cho mình những giây phút để cầu nguyện cùng Chúa Cha: trước khi chọn các môn đệ, khi thấy dân chúng đói khát, khi vui khi buồn, khi cô đơn, khi bị bỏ rơi, khi bị phản bội... Chính trong cầu nguyện mà mọi hành động của Ngài nơi trần thế đều là công trình chung của Ba Ngôi Thiên Chúa[2]. Hơn nữa, Ngài không những cầu nguyện mà còn dạy các môn đệ cầu nguyện[3]. Vì thế, để có thể lớn lên trong tình yêu với Chúa, các bạn trẻ cần cầu nguyện với một con tim chân thật, tức là mở lòng ra với Thiên Chúa và lắng nghe tiếng của Ngài. Không thể nghe được tiếng Chúa nếu tâm ta xao động, quá nhiều tạp chất. Thánh Augustinô cũng đã nghiệm ra điều này: “Một tâm hồn đầy rẫy những sự khác thì rỗng Chúa, còn tâm hồn rỗng những sự khác thì sẽ đầy Chúa”.

Tiếp đến, người trẻ còn phải để cho tình yêu Thiên Chúa thấm nhập con người mình. Tình yêu chúng ta dành cho Thiên Chúa không dừng lại ở cảm tính bên ngoài mà phải đi tới hành động: “Hỡi người con bé nhỏ chúng ta đừng yêu nhau bằng đầu môi chóp lưỡi mà phải yêu nhau trong việc làm và sự thật” (1 Ga 3,18). Để tình yêu Chúa thấm nhập vào tâm hồn, chúng ta cần thực thi giới răn Chúa: “Kẻ nào nhận lấy các giới răn của Ta và tuân giữ kẻ ấy thực sự yêu mến Ta” (Ga 14,21) như Ngôi Lời đã sống bằng lời của Chúa Cha “Lương thực của Thầy là làm theo ý Đấng đã sai Thầy” (Ga 4,34).

 Bên cạnh đó, yêu mến Thiên Chúa còn là tin nhận Đấng mà Ngài đã sai đến là Đức Giêsu Kitô - Ngôi Lời nhập thể[4]. Hiệp thông với Chúa “Không phải chỉ biết bằng việc hiểu mầu nhiệm Đức Kitô, nhưng còn sống đức tin vào cuộc sống với Ngài và phù hợp với điều mình hiểu biết”[5], chúng ta được mời gọi để sống điều đó. Một khi đã tin nhận Đức Kitô, chúng ta không chỉ hợp tác với Ngài làm việc, nhưng còn có nghĩa là trở nên một với Thiên Chúa “cùng làm một thân thể” (Ep 3,6), đặt mình hoàn toàn theo ý muốn của Chúa. Chọn đi theo Đức Kitô không phải là nhất thời nhưng là vĩnh viễn. Sự lựa chọn này không phải dừng lại ở một vài hành động mà là cả hướng đi và tất cả mọi quyết định của cuộc sống.

* Tình yêu chính mình

Yêu thương chính mình là điều cần thiết, là bổn phận hoàn thiện đời sống “Đức bác ái được qui hướng đúng đắn phải là bắc ái bắt đầu từ chính mình”[6]. Người ta không thể yêu thương người khác nếu không biết yêu mình vì người ta không thể cho cái mình không có. Yêu mình là chuẩn mực để yêu người khác “đã hà tiện với mình thì còn tốt với ai được”[7]. Chính Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta phải biết quí trọng bản thân mình, vì chúng ta là “đền thờ của Chúa Thánh Thần” (1 Cr 6,19).

Yêu thương bản thân trước hết là phải lo cho phần rỗi của mình. Luân lý Kitô giáo dạy rằng: “Phát triển và cứu độ chính mình là bổn phận của ta một cách trực tiếp hơn là phát triển và cứu độ người khác”[8]. Chính vì thế “ta không bao giờ được phép làm nguy hại nghiêm trọng tới phần rỗi của mình để cứu giúp một người ở bất cứ mức độ nào. Ta không bao giờ được xúc tiến ích lợi của người khác bằng cách gây nguy hại cho linh hồn mình”[9].

Yêu thương bản thân cũng còn có nghĩa là chấp nhận những hạn chế, những yếu đuối, những đam mê và ích kỉ. Gánh lấy cuộc đời mình trong trách nhiệm với tất cả những gì mình “là” và “có”. Phát triển những ơn ban của Chúa, nhìn nhận những khả năng, phát triển nó lên tốt hơn từng ngày. Yêu mình còn là tự tạo cho mình niềm vui, vun đắp những sở thích lành mạnh. Tạo cho mình những khoảng không gian riêng để phát triển đời sống nội tâm. Tập cho mình những suy nghĩ tích cực, loại bỏ những điều tiêu cực để tạo bình an cho tâm hồn[10].

* Yêu tha nhân

Yêu tha nhân không phải là một tình yêu trừu tượng nhưng là một tình yêu cụ thể được thể hiện qua việc làm[11]:

Yêu từng người một là cách Chúa Giêsu đã yêu thương. Người đến thế gian không phải chỉ để yêu thương người Do Thái hay người Rôma, nhưng yêu thương những kẻ Người gặp ở Nazaret, Galilêa, Samari, Giêrusalem và nhiều nơi khác. Người đã yêu, không phải yêu chung chung, nhưng yêu từng người cụ thể. Chúng ta không bao giờ biết yêu thương người khác, nếu chúng ta không tập yêu thương từng người một. Để giúp đỡ một người, chúng ta hãy quan sát thật kỹ, từng người một và nhìn họ như những cá vị đang bộc lộ chuyện đời của mình.

Chấp nhận tha nhân như họ là. Chúng ta tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ biến đổi họ đúng thời đúng buổi. Chấp nhận người khác không có nghĩa là bỏ qua hành vi hay niềm tin của họ mà chỉ muốn nói rằng bạn tôn trọng hành vi nhân loại của họ và để cho họ phải trải nghiệm bản tính nhân loại của họ. Người ta thường chia sẻ cuộc sống với những ai chấp nhận họ, cùng cá tính và tránh xa những kẻ luôn tìm cách thay đổi họ như mình nghĩ là đúng.

Hiện diện bên nhau cũng là điều cần thiết cho tình yêu. Biết bao lần chúng ta gặp một người lâm cảnh đau thương cùng cực và chúng ta không biết giúp đỡ họ thế nào. Chính sự hiện diện tạo nên sức mạnh vô biên giúp họ vượt qua đau khổ. Dù chúng ta không nói, nhưng bất cứ điều gì được trao ban với động cơ tốt, chắc chắn anh chị em sẽ cảm nhận được sức mạnh của con tim.

 Ước mong một góc suy nghĩ trên sẽ góp vào hành trang lên đường của các bạn trẻ. Xin cho các bạn nhận ra mình chính là hiện tại của Thiên Chúa để thấy đây là một vinh dự mà Thiên Chúa dành riêng cho các bạn. Người đang đặt hy vọng nơi từng người trẻ các bạn. Hãy cố gắng làm cho những người xung quanh nhận ra “hiện tại của Thiên Chúa” nơi các bạn. Dù hiện tại của các bạn có thể phủ mờ đi quá khứ hay thay đổi tương lai... Dù hiện tại các bạn không có một gia đình giàu có, địa vị, nhưng các bạn có cha mẹ ở bên. Dù hiện tại gia đình các bạn chưa thuận hòa, không đầm ấm, nhưng các bạn vẫn có thể làm chủ cuộc đời, bằng những lựa chọn của chính mình. Dù hiện tại các bạn có một tình yêu dang dở, bị tổn thương, nhưng các bạn vẫn có thể tìm kiếm một tình yêu khác và làm lại từ đầu. Dù hiện tại các bạn không có cơ hội học hành, nhưng các bạn vẫn còn tương lai đang chờ đợi. Dù hiện tại các bạn bị tổn thương, mất mát, nhưng các bạn chưa mất tất cả!... Vì các bạn có Chúa, có niềm tin, có bè bạn,… có thật nhiều những người trẻ đang có chung mối bận tâm như các bạn…

Các bạn hãy sống hết mình với tuổi trẻ trong đức tin và lòng yêu mến. Xin Chúa cho các bạn trở nên một người con ngoan trong gia đình, giáo xứ, nên một người bạn chân thành, một người yêu thật lòng, đủ tin cậy cho người mình yêu thương. Xin Chúa ở bên các bạn mỗi khi sai lầm, giúp các bạn nhận ra mình và thôi thúc để các bạn hăng say làm lại cuộc đời…

[1] Phanxicô, Tông huấn hậu thượng hội đồng “Chúa Kitô đang sống”, NXB. Tôn Giáo, tr. 7-15.
[2] X. Fernando Ocáriz - Lucas F. Mateo – José Antonio Riestra, Mầu nhiệm Đức Kitô, Người dịch: Lâm văn Sỹ, O.P,TTHVĐM, 2000, tr. 122.
[3] X. Mt 5, 1-12.
[4] X. Ga 5,37-38.
[5] Fernando Ocáriz, sđd.., tr. 148.
[6] Thần học Luân Lý chuyên biệt, Tập II, Tủ sách chuyên đề , tr. 147.
[7] Ibid, tr.33.
[8]Thần học Luân Lý chuyên biệt, Tập II, Tủ sách chuyên đề, tr. 34.
[9] Ibid, tr. 37.
[10]X. Trần Thị Giồng, CND, Dám chấp nhận mình, Hạnh phúc trong tầm tay, NXB Phương Đông.
[11] X. Wayne Jacobsen & Clay Jacobsen, Tương giao đích thực, Nguyên tác: Authentic Relationship: Discover the lost art of “one anothering”, Chuyển ngữ: Nguyễn Ngọc Kính, OFM, NXB Tôn Giáo, tr. 28-38.

Tác giả: M. Lasan Nguyễn Hà

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập429
  • Máy chủ tìm kiếm35
  • Khách viếng thăm394
  • Hôm nay41,510
  • Tháng hiện tại901,871
  • Tổng lượt truy cập78,905,322
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây