ĐCV Bùi Chu: Trao tác vụ Đọc sách và Giúp lễ
Thứ bảy - 21/04/2018 02:22
7641
Thầy chức mấy rồi?
Đây là câu hỏi quen thuộc nhiều người hay hỏi khi gặp các thầy. Nhân dịp Đức Cha Giáo phận trao tác vụ Giúp lễ và Đọc sách cho các thầy khóa đầu tiên (2010-2018) và khóa II (2011-2019), xin chia sẻ về các chức. Trước hết chúng ta cần phân biệt các chủng sinh, là các thầy học trong Đại chủng viện khác với các thầy Dòng, hay còn gọi các tu sỹ. Các tu sỹ gồm nam-nữ, thuộc một Dòng tu, Đan tu, hay Tu đoàn tông đồ, là những người sống theo một linh đạo chuyên biệt và giữ ba lời khuyên Phúc Âm (ba lời khấn): Khó nghèo - Khiết tịnh - Vâng phục. Các Chủng sinh (Thầy giúp xứ) được đào tạo trong Đại chủng viện (1 năm tu đức, 2 năm triết học, 1 năm thử, 4 năm thần học và năm mục vụ) học xong chương trình chủng viện, sau này Đức Giám Mục giáo phận tuyển chọn phong chức Linh mục, gọi là Linh mục triều, phục vụ trong Giáo phận. Trước công đồng Vaticanô II, theo tiến trình đào tạo, các thầy chịu các chức nhỏ rồi tới chức Linh mục. Cha giáo Giuse Phạm Văn Chỉnh, người cuối cùng chịu đầy đủ các chức nhỏ tại Đại chủng viện Cần thơ cho biết thứ tự các chức.
Chức Cắt tóc: Là chức đầu tiên, cũng là chức gia nhập hàng giáo sỹ.
Chức 1: chức Mở cửa nhà thờ
Chức 2: chức Đọc sách
Chức 3: chức Trừ quỷ
Chức 4: chức Giúp lễ
Chức 5: chức Phụ phó tế
Chức 6: chức Phó tế
Chức 7: chức Linh mục
Sau công đồng Vaticanô II (1965), các chức nhỏ không còn nữa. Trước khi chịu chức Phó tế, Đức Giám mục giáo phận tuyển chọn trao các tác vụ Đọc sách và Giúp lễ. Sáng hôm nay, thứ Bảy ngày 21.04.2018, lúc 5h20 tại nhà nguyện Thánh Giuse, ĐCV. Bùi Chu, Đức Cha Tôma, Giám mục Giáo phận, Giám đốc Đại chủng viện đã chủ tế thánh lễ và nghi thức trao tác tụ Giúp lễ cho 25 thầy khóa I, chuẩn bị tốt nghiệp chương trình đào tạo tại đại chủng viện và 20 thầy khóa II. Trước khi trao các tác vụ, Đức cha giải thích về ân huệ được Chúa chúc phúc qua các dấu chỉ, ghi mốc từng bước tiến tới chức thánh. Trao thừa tác vụ Đọc sách để chủng sinh thi hành chức vụ ngôn sứ, thừa tác vụ Giúp lễ dẫn đưa chủng sinh gần bàn thờ, gần bí tích Thánh Thể. Khi trao thừa tác vụ cho thầy Đọc sách, Đức giám mục nói: "Con hãy lãnh nhận Sách Thánh và trung thành truyền lại lời Chúa cho người khác, để lời Chúa được thêm vững mạnh trong lòng mọi người". Khi trao thừa tác vụ cho thầy Giúp lễ, Đức giám mục nói: "Con hãy lãnh nhận bình đựng bánh (hoặc bình rượu) dùng vào việc cử hành Bí tích Thánh Thể và con hãy trở nên xứng đáng phục vụ bàn thánh Chúa và Hội Thánh". Nhiệm vụ của các thầy Đọc sách và Giúp lễ, Qui chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma đã quy định:
Nhiệm vụ của thầy giúp lễ
Các phần việc mà thầy giúp lễ có thể làm thuộc nhiều loại khác nhau; lại có nhiều phần việc phải làm cùng một lúc. Vậy nên phân phối các phần việc đó cho nhiều người. Nhưng nếu chỉ có một thầy giúp lễ có mặt, thầy sẽ thi hành những gì quan trọng hơn; còn các việc khác, thì trao cho những người giúp lễ khác (số187).
Nghi thức đầu lễ
Khi tiến ra bàn thờ, thầy giúp lễ có thể mang Thánh giá đi giữa hai người giúp cầm nến cháy. Khi tới bàn thờ, thầy đặt Thánh giá gần bàn thờ. Nếu không thì đem cất vào nơi xứng đáng. Rồi thầy về chỗ của mình trong cung thánh (số 188).
Trong suốt buổi cử hành, nhiệm vụ của thầy giúp lễ là đến gần vị tư tế, hoặc phó tế, mỗi khi cần, để đưa sách và giúp các ngài trong những gì cần thiết. Do đó, nên hết sức dành cho thầy một chỗ thuận tiện, để thầy dễ dàng lo phần việc của mình nơi ghế ngồi hay tại bàn thờ (số189).
Phụng vụ Thánh Thể
Nếu không có thầy phó tế, thì sau lời nguyện cho mọi người, và khi vị tư tế còn ở tại ghế, thầy giúp lễ đặt khăn thánh, khăn lau chén, chén thánh và Sách Lễ lên bàn thờ. Rồi, nếu cần, thầy giúp vị tư tế tiếp nhận lễ phẩm do giáo dân dâng tiến, và nếu tiện, đưa bánh rượu tới bàn thờ và trao cho vị tư tế. Nếu có xông hương, chính thầy đưa bình hương cho vị tư tế và giúp ngài xông hương lễ phẩm, thánh giá và bàn thờ. Rồi thầy xông hương vị tư tế và giáo dân (số 190).
Thầy có thừa tác vụ giúp lễ có thể giúp vị tư tế cho giáo dân rước lễ, nếu cần, với tư cách một thừa tác viên ngoại lệ. Nếu cho rước lễ dưới hai hình, mà không có thầy phó tế, thầy cho họ rước Máu Thánh; nếu giáo dân rước lễ theo cách chấm, thì thầy cầm chén thánh (số 191).
Cho rước lễ xong, thầy có thừa tác vụ giúp lễ giúp vị tư tế hoặc phó tế lau và sắp xếp các bình thánh. Khi không có thầy Phó tế, thầy giúp lễ mang các bình thánh tới bàn phụ, tráng lau và sắp xếp các bình thánh tại đó (số 192).
Lễ xong, thầy giúp lễ cùng với các thừa tác viên khác, làm một với phó tế và vị tư tế, trở về phòng thánh theo kiểu đoàn rước cùng một cách và thứ tự như khi đi ra (số 193).
Nhiệm vụ của thầy Đọc sách
Nghi thức đầu lễ
Khi tiến ra bàn thờ, nếu không có thầy Phó tế, thầy đọc sách, mặc áo được chấp thuận, có thể mang sách Tin Mừng, nâng cao lên một chút; trong trường hợp này, thầy đi trước vị tư tế; còn nếu không, thầy đi với các người giúp khác (số 194).
Khi tới bàn thờ, cùng với những người khác, thầy kính cẩn bái chào bàn thờ. Nếu có mang sách Tin Mừng, thầy bước tới bàn thờ, đặt sách Tin Mừng trên bàn thờ. Sau đó, thầy cùng với các người giúp khác về chỗ của mình trong cung thánh (số 195).
Phụng vụ Lời Chúa
Thầy đọc các bài đọc trước bài Tin Mừng trên giảng đài. Khi không có ca viên, thầy cũng có thể đọc Thánh vịnh và đáp ca sau bài đọc thứ nhất (số 196).
Khi không có thầy phó tế, thì sau lời dẫn nhập của vị tư tế, thầy đọc sách có thể xướng các ý nguyện của lời nguyện cho mọi người (số 197).
Nếu không hát ca nhập lễ hoặc ca hiệp lễ, và giáo dân không đọc các ca nhập lễ hoặc ca hiệp lễ ghi trong Sách Lễ, thì thầy đọc sách đọc các ca nhập lễ hoặc ca hiệp lễ vào lúc thích hợp (số 198) (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang). BVH. ĐCV. Bùi Chu