Thủy Nhai mở Năm Thánh dịp nhà thờ 100 năm

Thứ sáu - 19/05/2017 11:04  5874
1. Nguồn gốc làng Thủy Nhai
 
1Theo truyền ngôn, vào khoảng thế kỷ thứ XIII có một số người từ Miền Tam Đảo - Vĩnh Phúc di cư về khu vực này khai khẩn. Bấy giờ Thủy Nhai chỉ là một vùng nước, có những gò đất nổi ven sông. Những người về khai khẩn vùng đất này không rõ dòng họ nào mà chỉ nghe các cụ kể lại là mấy ông đó có tên là: Ông Tổng, Ông Huyện, Ông Điện, Ông Bành…  Đầu tiên, họ chỉ sống bằng nghề đánh cá rồi dần dần nghề trồng lúa nước, khai hoang, làm thủy lợi.

Thời gian trôi qua, số dân phát triển đông đúc, tổ tiên mới đặt tên làng là Thủy Nhai – 水涯 -  nghĩa là Bến Nước, Bờ Nước; dần dần các sinh hoạt văn hóa được thâu nhập. Theo gia phả Phú Nhai của linh mục Đinh Xuân Bách, số 86-87, đến khoảng thế kỷ thứ XV, Thủy Nhai có Thủy Nhai Thượng thôn (xứ Thủy Nhai ngày nay), Thủy Nhai Trung thôn (giáo họ Thủy Nhai Trung ngày nay) và nguyên dòng họ Đinh từ Thủy Nhai di chuyển xuống phía nam sinh sống, đặt tên là Thủy Nhai Hạ thôn (xứ Phú Nhai ngày nay).

Theo Đại Việt Sử Ký, làng Thủy Nhai được đặt làm trung tâm hành chánh dân sự của khu vực tả ngạn sông Ninh Cơ và hữu ngạn sông Hồng; bao gồm miền đất từ Vạn Lộc đến Lục Thủy và Hành Thiện, được gọi là tổng Thủy Nhai, thuộc phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định.

Từ năm 1645, người Thủy Nhai đã đón nhận Tin Mừng từ các cha dòng Tên. Năm 1650, thành lập giáo họ Thủy Nhai và đã xây nhà thờ nhỏ. Năm 1812, sáp nhập thành họ lẻ của giáo xứ Lục Thủy, với số dân đông thứ hai trong 13 giáo họ. Năm 1913, giáo họ Thủy Nhai đã dựng được ngôi nhà thờ gỗ: dài 35 m, rộng 12 m, cao 9 m theo kiến trúc Á Đông, tòa Thánh Gia Thất sơn son thiếp vàng. Năm 1916, cha Đa Minh Nguyễn Xuân Nghi là cha phó của Lục Thủy, được cha xứ cử sang cư trú và coi sóc Thủy Nhai. Ngài đã làm đơn xin Đức cha Munagorry Trung (1900-1936) được xây nhà thờ đá và xin lên xứ. Được Đức cha cho phép, năm 1917 khởi công, được lên xứ và nhận quan thầy là Thánh Gia Thất. Cha Nghi đã cho bán ngôi nhà thờ gỗ cũ cho họ Đất Vượt để lấy kinh phí xây nhà thờ đá. Hiện nay vẫn còn lưu tại họ Đất Vượt xứ Quần Phương.

 
2. Nhà thờ đá
 
a. Xây dựng
  • Về vị trí: Xây ngay trung tâm của làng, sát phía nam ngôi nhà thờ cũ.
  • Về kiến trúc: theo kiểu Gothic, theo bản thiết kế của kiến trúc sư người Bungary. Với chiều dài 54m gồm 9 gian, rộng 20m, cao 17m; nền cao 2m, tháp chuông cao 37m. Tường dày 50 cm, 12 cột đá, tròn có múi, đường kính mỗi cột là 1,2 m. Vật liệu chủ yếu là đá xanh, mua từ Thanh Hóa.
  • Về kinh phí: Bán ngôi nhà thờ cũ cho giáo họ Đất Vượt, dự kiến ban đầu là 6 vạn quan tiền nhưng sau đó thương thuyết, vừa bán vừa ủng hộ (vì giáo họ ấy cũng còn khó khăn) nên sau chỉ còn giá ba nghìn bạc. Kinh phí ấy là rất ít so với nhu cầu cho ngôi nhà mới. Cha Nghi đã vận động nội lực trong giáo họ như ăn chay, tiết kiệm, công đức… tất cả cho Nhà Chúa.
  • Về nhân lực: Chủ yếu do nguồn nhân lực trong giáo xứ, từ trẻ già đến các viên chức, tùy hoàn cảnh và công việc phù hợp, tất cả đều phải có quyền lợi và nghĩa vụ đóng góp cho việc xây dựng Nhà Chúa.
  • Về kế hoạch: Cha Nghi cho đào sông vòng xung quanh nhà thờ, xây lò đốt gạch, lung vôi, đắp đường, bắc cầu để gánh đất đổ nền, có lối đi lối về… Ngài là linh mục văn võ song toàn, được vua ban tước hiệu: “Tiền giảng đạo, hậu thanh tra”. Nên việc đào sông vòng quanh làng để dùng thuyền vận chuyển đá từ Thanh Hóa về rất thuận tiện với cả việc mua vật liệu xây dựng.
  • Về vật liệu: Mọi người đều đóng góp tất cả những gì mình có, từ tre tươi đến quang gánh, thúng mủng, xẻng quốc, có người hiến đất vườn để đổ nền Nhà Thờ. Vì Nhà Thờ xây trên nền ruộng nên gia cố móng rất khó. Cha huy động đi lượm, mua hay xin mảnh sành vỡ ở các nơi đem về đổ xuống móng, mỗi nhân khẩu ít nhất 100 kg, nhưng có người đã gom được đến 200 kg. Mua gỗ lim về nguyên cây thả mảng làm móng Nhà Thờ.
Ngày khởi công, đã được Đức cha Munagorri Trung (1900-1936) - giáo mục Giáo phận - về đặt viên đá đầu tiên cho ngôi Thánh đường đá duy nhất của giáo phận Bùi Chu.

Được mọi người đồng lòng nhất trí, công việc tiến triển tốt đẹp. Công việc tuy vất vả nhưng nhờ lời động viện của Cha Nghi, tiếng mõ thúc giục, tiếng hò reo ca hát, ai ai cũng vui tươi như ngày hội. Tất cả cho nhà Chúa và vì tương lai cho con cháu. Ngài nói: Mến Chúa thì phải hết lòng, Góp công góp của cùng chung sức người. Dân chúng chủ yếu làm nghề đậu phụ, gánh đi bán khắp giáo phận nhà, nhiều người sang cả Thái Bình, khi đi thì gánh đậu phụ đi bán, lúc về lại gánh mành sành vỡ mang về đổ móng Nhà Thờ. Công việc thật nhịp nhàng và thuận tiện.

Toàn thể diện tích nhà hơn 1000m2, chân tường dày 1m, chân móng tường phải rộng 2m, cộng với hai hàng cột ở trong, nền nhà cao 2m nên lượng gỗ, mảnh sành, đá… phải tốn phí rất nhiều. Đá xanh mua từ Thanh Hóa về, phải chở bằng thuyền qua sông vòng quanh Nhà Thờ, bốc xếp hoàn toàn bằng tay. Các thợ đá phải lựa từng viên cho phù hợp: viên vuông xây tường, viên tròn xây cột, đục và đẽo hoàn toàn thủ công. Mỗi ngày một công thợ thường chỉ được 3 viên mà thôi. Hàng năm lại gặp nhiều tháng mưa dầm bão gió thất thường, nên mỗi năm tường chỉ xây cao được chừng hơn 1m.

10 năm sau, với tất cả nỗ lực, tháng 5 năm 1927 (năm Đinh Mão) nóc nhà thờ mới được cất lên, đánh dấu công lao khó nhọc của mọi người. Giờ đó, mọi thứ đã gần hoàn chỉnh, đến thời điểm cần cất nhà. Cha kêu gọi tất cả mọi người cần có mặt trong ngày đó để kéo mái lên. Tất cả mọi người từ viên chức đến dân chiên, sắp xếp hàng đầy đủ bắt tay vào công việc. Tiếng trống, tiềng kèn, mõ, vỗ tay khi long cốt nhà được kéo lên. Ngôi nhà thờ đá đã được hình thành. Ơn Chúa quan phòng, không có bất kì một tai nạn nào xảy ra trong quá trình xây dựng. Nhờ ơn Chúa được bằng an mọi bề. Không thể không nhắc tới công lao to lớn của vị chủ chăn là cha Dom. Nguyễn Xuân Nghi, người đã lãnh đạo chỉ huy công trình xây dựng, vất vả ngược xuôi bao năm trời hướng dẫn xây cống đào hào, khai thông lo tất cả công việc ngoài trong, mới có được một ngôi thánh đường. Gương cha như đuốc sáng ngời để mọi người noi theo.

Cuối năm đó (1927), cha Dom. Nguyễn Xuân Nghi được thuyên chuyển đi phục vụ giáo xứ khác, cha Dom. Trần Y Đốc về thay. Ngài muốn tiếp bước cha xứ tiền nhiệm, hoàn thành tiếp những công việc chưa làm xong để cho ngôi thánh đường được hoàn thiện. Tất cả mọi con chiên đều tán thưởng đồng ý. Cha muốn xây thêm Tháp chuông, phần này nguồn kinh phí đã cạn kiệt, nên chỉ xây bằng gạch, xây cuốn chớp gắn liền. Tháp phải cao 36m trở lên từ mặt đất mới phù hợp với tường nhà. Vật liệu có sẵn đầy đủ, vôi gạch, tre gỗ, lò gạch, lò vôi vẫn còn đó, đắp nung thêm gạch là được luôn. Lần này làm cả tháp, cả trần nhà, công việc khá nhiều, cần triển khai làm song song cả hai để làm sao phải xong đúng dịp lễ quan thầy. Cha muốn làm ngay, đầu năm sau (1928), thứ Hai sau Tuần Thánh công việc được bắt đầu, tất cả mọi người đã được báo tin đều đến nhà thờ. Người thì nháo đất đốt gạch, người thì nung vôi. Thợ mộc, thợ xây bắt tay công việc luôn. Công việc cứ tiếp diễn mất đến 8 tháng mới xây xong tháp phần thô vào đúng ngày lễ Quan thầy Thánh gia. Phần tô áo để sau hoàn thiện dần. Nhân ngày lễ Quan thầy Cha dâng thánh lễ trọng thể tạ ơn Chúa quan phòng đã ban phúc binh an cho cả công trình. Đến năm 1940, tiền nhân đã hoàn thành kì công xây dựng ngôi Thánh Đường đã duy nhất của giáo phận: nhà vòm vành cuốn với những đường nét họa tiết rất tinh xảo, công phu. Những vách đá cao tới gần 20m, độc đáo khiến nhà thờ đá Thủy Nhai xứng với tầm cỡ “ Di tích lịch sử”.

 
b. Nội thất và hoa văn Nhà Thờ đá

Ngay trên cửa chính trước Tháp chuông, bức tượng Chúa Kitô Vua, được đặt thời cha xứ Vinh sơn Nguyễn Tốt Nghiệp (1995-2001), đã đặt lên ý nghĩa muốn truyền tải Chúa là chủ tể vạn vật. Dưới đó, tiền nhân đã ghi 3 chữ Hán là: Quang Tam Giả光三者, nghĩa là: “Hào quang Ba Đấng” biểu thị Ba Đấng: Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse là ba luồng sáng vinh quang chiếu soi cho mọi người và mọi người hằng noi gương Thánh Gia đi trong ánh sáng. Phía dưới là bức tranh kính màu hình Thánh Gia Thất bổn mạng Giáo xứ.

Nhìn vào trong nhà thờ qua 12 cột đá vững chắc biểu tượng của 12 thánh Tông đồ, hướng thẳng lên tòa chính có bộ tượng Thánh Gia Thất, bổn mạng giáo xứ, được đặt trong bộ tòa cổ sơn son thiếp vàng thật. Bộ tượng này cao 2m, có tuổi thọ hơn 100 năm do một nhà điêu khắc gia nổi tiếng, quen gọi là Phó Gia. Bên cạnh tòa Thánh Gia là tòa Thánh Phêrô và Phaolô cột trụ của Hội Thánh. Tòa cạnh phía Bắc là tòa Đức Mẹ Rosa. Tòa cạnh phía Nam là tòa Thánh Giuse. Xung quanh tường nhà thờ là Đàng Thánh Giá, cũng là bộ tượng của nhà điêu khắc Phó Gia, được trạm bằng gỗ và giấy vải phết sơn rất kì công, sắc nét, có tuổi thọ hơn 80 năm, với nhiều nhân vật, hiếm có trong các nhà thờ của giáo phận. Hầu hết các tượng trong Nhà Thờ được mạ riềm bằng vàng thật, nhiều tượng cổ có mặt và tay được làm bằng ngà voi. Giữa Cung Thánh là Bàn Thờ trạm bằng đá, thiếp vàng thật. Bên trái là Giếng Rửa tội cũng được trạm bằng đá. Phía bên phải là Tòa Giải tội cổ kính. Phía trên cửa sổ và cửa ra vào là những bức tranh kính màu nghệ thuật. Gian Cung Thánh là 4 Thánh sử, các gian phía dưới diễn tả lịch sử cứu độ. Nhìn tổng thể nhà thờ chúng ta được thiết kế hài hòa từ nhà vòm, vành cuốn, cột đá đến tòa vàng và các họa tiết, ánh sáng rất phù hợp thu hút người đến cầu nguyện và tham quan.

Hiện nay nhà thờ Thủy Nhai có bộ chuông Fa La Do, quả nặng nhất 1300 kg, quả thứ 2 nặng 600kg; quả thứ 3 năng 400 kg.

Ngày 29/12/2002, lễ kính Thánh Gia Thất, Đức Cha Jos. Hoàng Văn Tiệm, Giám mục Giáo phận đã làm phép cung hiến nhà thờ và bàn thờ đá. Toàn thể cộng đoàn vui mừng tạ ơn Chúa vì sự kiện trọng đại này. Từ khi được Thánh hiến, theo quy định của phụng vụ, vào các dịp lễ trọng, nến sáng luôn được thắp tại các nơi đã được xức dầu.

 
3. Năm Thánh
 
Từ năm 2015, khi về tiếp quản giáo xứ, cha Vinc. Nguyễn Bản Mạnh đã họp với Hội đồng Mục vụ Giáo xứ đệ đơn xin Đức Cha giáo phận xin Tòa Thánh cho mở Năm Thánh mừng 100 năm xây dựng Nhà Thờ đá Thủy Nhai. Ngày 15 tháng 7 năm 2016, Tòa Ân Giải Tối Cao đã đồng ý cho giáo xứ Thủy Nhai mở Năm Thánh từ ngày 01 tháng 11 năm 2017 tới ngày 11 tháng 3 năm 2018 để đánh dấu sự trưởng thành của giáo xứ cũng như công đức của tổ tiên. Sự kiện này chắc chắn sẽ đem lại những ơn ích thiêng liêng cho các tín hữu. Đó cũng là dịp giúp đức tin của các tín hữu nơi đây được củng cố và ngày càng thêm sâu sắc, khích lệ lòng mến Chúa yêu người, giúp mọi người làm chứng cho Chúa trong sự hiệp nhất với giáo hội Công giáo toàn cầu, với tất cả sự tin tưởng để đón nhận ơn Toàn xá của Thiên Chúa.

Truyền thông giáo xứ Thủy Nhai
Website: www.giaoxuthuynhai.org
Facebook: Nhà Thờ đá Thủy Nhai
***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập163
  • Máy chủ tìm kiếm66
  • Khách viếng thăm97
  • Hôm nay18,938
  • Tháng hiện tại537,441
  • Tổng lượt truy cập69,597,315
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây