Định hướng và chương trình đào tạo

  
HỌC VIỆN THẦN HỌC TÊRÊSA AVILA BÙI CHU










ĐỊNH HƯỚNG
CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
Năm học 2020 - 2021






 
 





"Let nothing perturb you, nothing frighten you.
All things pass. God does not change.
Patience achieves everything."

-St. Theresa of Avila-

 
 
ĐỊNH HƯỚNG VÀ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
“Deus est Scientia”
“Thiên Chúa là Đấng Khôn Ngoan”. Ngài là Chúa, là Cha và là Thầy chỉ đạo. Ngài là nhà đào tạo vĩ đại và là người Thầy khôn ngoan sáng suốt. Bất cứ ai muốn thủ đắc sự khôn ngoan thì phải kính sợ Ngài. Vì Thánh Kinh đã dạy: “Lòng kính sợ Chúa là đầu mối sự khôn ngoan” (Tv 111, 10).
Việc đào tạo và tự đào tạo là công việc của mỗi Hội dòng, mỗi Tu hội và mỗi ơn gọi thánh hiến. Chương trình đào tạo không dừng lại ở những năm được học nơi các trường học, tại các học viện hay đại học mà chương trình đào tạo còn kéo dài mãi. Trong đó, mỗi ơn gọi thánh hiến, vì lòng yêu mến Chúa Kitô và sứ mạng tông đồ, luôn tự đào tạo mình theo gương vị Thầy Chí Thánh dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Mỗi Dòng tu hay Tu hội cần phải soạn thảo một chương trình đào tạo và cần phải để ý tới việc huấn luyện các huấn luyện viên như trong văn kiện của Bộ Tu Sĩ Potissimum Institutioni ban hành năm 1990 đã hướng dẫn.
Cũng theo văn kiện, việc đào tạo được hướng dẫn bởi hai tiêu chuẩn chính: trung thành với ơn gọi tận hiến, trung thành với đặc sủng của Dòng. Việc đào tạo nhắm tới những khía cạnh như: nhân bản, đạo đức, tri thức, chuyên nghiệp. Thánh Bộ Tu Sĩ khuyến khích các tu sĩ hãy chuyên cần học hành. Sự học hành không chỉ là việc trau dồi kiến thức mà còn là một phương thế để thực hành việc khổ chế .
Theo hướng dẫn của Thánh Bộ Tu Sĩ, Học Viện Thần Học Têrêsa Avila Bùi Chu nhắm tới việc đào tạo các tu sĩ theo những tiêu chí mà Thánh Bộ đưa ra, hầu mang lại những hoa trái tốt nhất cho đời sống của mỗi ơn gọi, cho công việc tông đồ và cho công cuộc truyền giáo.
Chương trình đào tạo tại Học Viện Thần Học Têrêsa Avila Bùi Chu kéo dài 3 năm. Trong 3 năm học này, ngoài việc giảng dạy các môn học thánh, Học Viện còn giảng dạy các môn học khác nữa, với mục đích chuẩn bị những hành trang tốt nhất cho đời sống, cho ơn gọi và cho sứ mạng của những người thánh hiến nói chung và cho những ai theo học tại đây nói riêng.

Bùi Chu, ngày 15 tháng 8 năm 2014

 
 
Định Hướng Năm Học 2020- 2021
Đào tạo các tu sĩ trưởng thành, hạnh phúc trong ơn gọi và nhiệt thành trong sứ vụ là một trong những nhu cầu tối quan trọng cho Giáo Hội, trong Giáo Hội và các dòng tu. Vì thế, chương trình đào tạo của Học Viện đề ra những mục tiêu cụ thể hình thành sự đào tạo về trí tuệ, đạo đức, tinh thần và mục vụ cho sinh viên theo từng năm học như sau:
Năm thứ nhất
Đến mà xem”(Ga 1,38-39). Mang trong mình thao thức, hồ hởi đi tìm nguồn mạch Chân – Thiện – Mỹ, các sinh viên của năm đầu được mời gọi “ Hãy đến”, hãy cùng nhau dùng con mắt đức tin và sự nhiệt huyết của tuổi trẻ để làm quen, khám phá môi trường tri thức của Học Viện,  thiết lập mối tương giao thâm tình với Thầy Giêsu, và  tìm gặp Chúa ngang qua việc tiệm tiến “ nhập môn” các môn học. Từ đây, có sự song hành của Thầy Giêsu, các sinh viên sẽ không ngại buông mình cho tác động thánh hóa của Thần Linh và để mình được biến đổi theo các nấc thang của môn học.
Năm thứ hai
Hãy ở lại trong Thầy”(Ga 15,4). Ở lại với Thầy Giêsu trong tự do chứ không phải “thế bó buộc”, các sinh viên tiến sâu hơn vào tiến trình khám phá sự thíchhợp với môi trường học tập và nghiên cứu tại Học Viện. Một sự thử thách mới mở ra nhưng bầu trời tri thức sẽ đáp lại dựa trên tầm nhìn về sứ mệnh của cá nhân sinh viên. Thêm vào đó, chương trình học liên tục và không bị gián đoạn tạo nên cơ hội chuyển mình trong nhận thức của sinh viên khi thực hiện các khả năng đào sâu nghiên cứu về Kinh Thánh, Thần học, đời sống tâm linh và các vấn đề đương đại. Vì vậy, đứng trước những đòi hỏi về nhận thức đúng, sinh viên sẽ có nhiều cơ hội được trải nghiệm để  phát triển tư duy độc lập, tiếp thêm cho mình nhiều sáng kiến sáng tạo phù hợp với truyền thống thần học chính thống và sống động của Giáo hội.
Năm thứ ba
Các con hãy đi”( Mc16,15). Các sinh viên tiếp tục nhìn lên phía trước, cùng với Thầy Giêsu bước đi, đặt lên mặt đất những bước chân chắc chắn trong việc tiếp tục đào sâu các môn học thánh, thảo luận các vấn đề một cách thông minh và nghiêm túc, tự tổng hợp logic các kiến thức đã học, hoàn thành quá trình chinh phục tri thức thánh thiện theo yêu cầu  để kết thúc năm học cuối trong tiến trình đào tạo. Kết quả đào tạo hứa hẹn một vụ mùa bội thu góp vào gia sản của Giáo Hội là nhân số các thợ gặt lành nghề, sẵn sàng để mình được sai đến với những người lân cận,  đến các vùng ngoại biên, những người đang sống bên lề xã hội để sống mục vụ truyền giáo.
 Trong năm cuối này, mỗi sinh viên sẽ tự chọn cho mình một đề tài tiểu luận thần học mà trong đó, cưu mang tâm tư và thao thức cho đời tông đồ. Bài tiểu luận sẽ như là một công trình nghiên cứu khoa học tuy nhỏ bé nhưng lại gồm tóm những khao khát muốn chia sẻ, muốn dấn thân trong đời sống thánh hiến và trong sứ mạng tông đồ của mỗi thành viên. Như thế, sẽ phù hợp với nhu cầu của thời đại hôm nay mang đến một nhà truyền giáo với một tâm linh toàn diện, tích hợp, sâu sắc, sẵn sàng thử thách bản thân, uyển chuyển trong thay đổi và linh hoạt trong các hoạt động.
Hãy để cho Thiên Chúa được tôn vinh trong môi trường đào tạo của Học Viện, hãy để Chúa Thánh Thần được tự do để lại những dấu ấn thánh thiêng khánh thành cuộc tạo dựng tri thức cho các thành viên trong Học Viện, nhờ lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria, Thánh Cả Giuse  và Thánh Nữ Têrêsa Avila bổn mạng của Học Viện.


THỜI LƯỢNG CÁC MÔN HỌC
  • Năm Thứ Nhất
STT MÔN HỌC SỐ TIẾT TÍN CHỈ
  •  
Nhập Môn Triết Học 30 2
  •  
Lịch Sử Triết Học Đông Phương 30 2
  •  
Lịch Sử Triết Học Tây Phương 45 3
  •  
Luận Lý Học 30 2
  •  
Tiếng Việt Thực Hành 30 2
  •  
Phương Pháp Luận 30 2
  •  
Môi Trường Kinh Thánh 30 2
  •  
Nhập Môn Thần Học 30 2
  •  
Giáo Sử 60 4
  •  
Lịch Sử Giáo Hội Việt Nam 30 2
  •  
Giáo Lý Công Giáo 60 4
  •  
Luân Lý Tổng Quát 45 3
  •  
Phụng Vụ Tổng Quát 30 2
  •  
Ngũ Thư 30 2
  •  
Giáo Hội Học 30 2
  •  
Sư Phạm Giáo Lý 30 2
  •  
Tâm Lý Nhân Cách 30 2
  •  
Phát Triển Cộng Đồng 30 2
  •  
Lịch Sử Cứu Độ 30 2
Tổng số 660 44
  • Năm Thứ Hai
STT MÔN HỌC SỐ TIẾT TÍN CHỈ
  •  
Triết Học Về Thượng Đế 45 3
  •  
Siêu Hình Học 45 3
  •  
Văn Chương Khôn Ngoan 30 2
  •  
Ngôn Sứ 30 2
  •  
Tin Mừng Nhất Lãm 30 2
  •  
Năm Phụng Vụ 30 2
  •  
Công Đồng 30 2
  •  
Luân Lý Chuyên Biệt 60 4
  •  
Thiên Chúa Duy Nhất 30 2
  •  
Thiên Chúa Ba Ngôi 30 2
  •  
Thiên Chúa Sáng Tạo 30 2
  •  
Kitô Học 60 4
  •  
Thánh Mẫu Học 30 2
  •  
Truyền Giáo Học 30 2
  •  
Học Thuyết Xã Hội Công Giáo 30 2
Tổng số 540 36
 
  • 3. Năm Thứ Ba
STT MÔN HỌC SỐ TIẾT TÍN CHỈ
  •  
Phụng Vụ - Thánh Lễ 30 2
  •  
Thần Học Bí Tích 60 4
  •  
Cánh Chung Học 30 2
  •  
Công Vụ Tông Đồ 30 2
  •  
Các Thư Phaolô và Thư Chung 30 2
  •  
Truyền Thống Gioan 30 2
  •  
Giáo Luật Đời Sống Thánh Hiến 60 4
  •  
Thần Học Đời Sống Thánh Hiến 30 2
  •  
Thánh Nhạc 30 2
  •  
Mục Vụ Hôn Nhân Gia Đình 30 2
  •  
Thánh Linh Học 30 2
  •  
Kitô Học 30 2
  •  
Luận Văn   14
Tổng số 420 42
 
NỘI DUNG CÁC MÔN HỌC
  • Chương Trình Triết Học
Cũng giống như chương trình đào tạo tại các Học viện hay trung tâm Công giáo khác, Học Viện Thần Học Têrêsa Avila Bùi Chu nhắm đến những mục tiêu sau:
Trước hết, các môn triết học giúp cho các sinh viên (tu sĩ hay giáo dân) khám phá và tìm hiểu sâu hơn những suy tư, triết lý của các bậc hiền triết, các nền triết học Đông Tây từ xưa tới nay. Các môn triết học giúp các sinh viên làm quen, suy nghĩ, trình bày những vấn đề về đạo đức, nhân sinh, siêu hình hay về ý nghĩa nội tại đích thực của những thực tại khách quan và chủ quan.
Tiếp đến, các môn triết học còn trình bày những nguyên tắc, những tiêu chuẩn để từ đó các sinh viên có những phán đoán và nhận định đâu là chân lý.
Sau cùng, từ nền tảng nhận thức về ý nghĩa“siêu hình” của thực tại cuộc sống, những môn học “dẫn vào cửa ngõ đức tin” (art. 51,1a) sẽ dẫn đưa các sinh viên vào việc tìm hiểu, sống và làm chứng cho Chân lý.
  • Triết Học Nhập Môn
Đây là môn học “cửa ngõ”. Học phần này giúp cho sinh viên nhận diện cái gì là triết học, mục đích của triết học, các phương pháp suy tư triết học và mối tương quan giữa triết học với thần học và các khoa học khác. Học phần cũng giới thiệu cácgiai đoạn lịch sử triết học, các nền triết học trong và ngoài Giáo Hội.
  • Triết Sử Đông Phương
Các sinh viên của Học viện được tìm hiểu và đào sâu luồng tư tưởng Đông phương, một nền tư tưởng rất gần với cách suy tư và đời sống của người Việt Nam. Học phần này trình bày đại cương về triết sử Ấn Độ và triết sử Trung Hoa. Trong đó, môn học ưu tiên trình bày tư tưởng của các tôn giáo lớn là Ấn giáo, Phật giáo bên Ấn Độ; Khổng giáo và Lão giáo bên Trung Hoa; song song với các tôn giáo này là các tư tưởng gia và các hệ tư tưởng nổi bật.
  • Triết Sử Tây Phương
Triết học Tây phương rất phong phú về hình thức và nội dung.
Lịch sử này đã giúp tiếp cận với những luồng tư tưởng lớn trong dòng lịch sử nhân loại từ Cổ đại đến Hiện đại. Với học phần này, các sinh viên được làm quen với các triết gia thời danh, với những người ít nhiều đã có những ảnh hưởng trên những suy tư và lối sống của một giai đoạn lịch sử hay nhiều hơn nữa.
Từ chỗ học rồi làm quen với những suy tư của các triết gia, các sinh viên sẽ nhận định các vấn đề, tìm những giải pháp hoặc hình thành những xác tín riêng của mình để có một cái nhìn thống nhất và khách quan về chính chủ thể suy tư hay khách thể được suy tư.
  • Luận Lý Học
Luận lý học hay còn được gọi là Logic học. Thuật ngữ này có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp là Logos (lời nói, tư tưởng, lý tính, quy luật), tiếng Anh là logic và tiếng Pháp là Logique. Luận lý học là một học phần quan trọng trong chương trình đào tạo của Học Viện. Học phần sẽ trình bày khái niệm cơ bản như: Logic học là gì, những loại hình thức logic khác nhau từ thời Socrates, Aristotle đến thời đại của những triết gia như Hegel, Kant, Heinrich Scholz, John Stuart Mill, Ludwig Wittgenstein, v.v, các hình thức suy luận và các quy luật cơ bản của tư duy để đạt được những suy tư đúng và chính xác.
  • Triết Học Về Thượng Đế
Triết học về Thượng Đế còn được gọi bằng nhiều cách khác nhau như: Thần Lý Học (rational theology), khám phá Thượng Đế, thần triết học (philosophical theology), v.v… Dù gọi bằng tên gọi nào đi chăng nữa thì tựu trung môn học này tìm hiều về Thượng Đế qua suy tư triết học. Nghĩa là những gì lý trí tự nhiên của con người có thể khám phá về Thượng Đế như sự hiện hữu, những thuộc tính hay các ưu phẩm của Thượng Đế trong thế giới.
  • Tâm Lý Học Nhân Cách
Giúp nghiên cứu những quy luật và động lực của sự phát triển tâm lý con người và xem xét quá trình con người trở thành nhân cách như thế nào. Từ chỗ biết được tâm lý con người, các sinh viên sẽ tự đào luyện mình để trở nên những hữu thể hữu ích cho tha nhân và dễ dàng thích ứng hơn trong công việc tông đồ.
  • Xã Hội Học
Tìm hiểu đời sống xã hội qua những định chế, cấu trúc, sự phân hóa và phân tầng xã hội, quyền lực xã hội, tiến trình tương tác giữa con người, và các phương pháp tìm hiểu xã hội học. Môn học cũng tìm hiểu bản chất và nhận định những hình thức xã hội hiện hữu qua dòng lịch sử, quyền bính chính trị trong xã hội; mục đích của nhà nước, nhân quyền và trách nhiệm, tương quan giữa nhà nước và đoàn thể tôn giáo.
  • Phương Pháp Luận
Khóa học sẽ giúp cho các sinh viên theo học tại đây một phương pháp học tập và nghiên cứu vừa mang tính khoa học lại vừa đạt hiệu quả tối ưu. Bên cạnh đó, phương pháp luận còn là một học phần cần thiết để qua khóa học, các sinh viên có một sự thống nhất trong việc tiến hành viết một luận văn tốt nghiệp mang tính khoa học cao.
  • Thánh Kinh và Lịch Sử
  • Môi Trường Thánh Kinh
Môi trường Thánh Kinh là học phần cần thiết để giúp cho các sinh viên, những người bắt đầu bước đi những bước đi đầu tiên trên con đường học hỏi và sống Lời Chúa. Học phần này cung cấp cho các sinh viên một cái nhìn tổng quan về môi trường mà trong đó, Thánh Kinh được lưu truyền và được viết ra dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần...
  • Lịch Sử Cứu Độ
Giới thiệu tổng quan về chương trình cứu độ của Thiên Chúa trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại. Qua những nhân vật tiêu biểu, môn học cho thấy tình yêu quan phòng của Thiên Chúa được thể hiện qua các giai đoạn của công trình cứu độ từ lúc sáng tạo, khi con người sa ngã phạm tội, tới Abraham, v.v. cho đến Chúa Giêsu và Hội Thánh của Người.
  • Ngũ Thư
Có sự khác nhau về tên gọi. Truyền thống Do Thái gọi năm cuốn sách đầu của Thánh Kinh là Tôrah (luật), còn Truyền thống Kitô giáo gọi là Ngũ Thư. Ngũ Thư là một trình thuật khai sinh lề luật như nền tảng của Giao Ước mà Thiên Chúa ưu ái ký kết với dân Người. Khoá học giúp cho những ai theo học có một cái nhìn tổng quát về bối cảnh lịch sử và tôn giáo của loài người nói chung và Do thái giáo nói riêng.
  • Các Sách Lịch Sử
Trình bày một chặng đường dài lịch sử của dân Do Thái. Qua đó, chúng ta biết được Thiên Chúa quyền năng. Quyền năng ấy được biểu lộ qua sự công bằng và tình yêu. Ngài công minh thượng trí nhưng cũng rất mực yêu thương: “Chính Người đánh phạt rồi lại xót thương” (Tb 13,2). Với học phần này, các sinh viên sẽ được trau dồi thêm kiến thức về Kinh Thánh và có những cảm nghiệm sâu hơn về Thiên Chúa và về thân phận con người qua: truyền thống Đệ Nhị Luật; truyền thống tư tế; các sách lịch sử thời kháng chiến và một số sách khác.
  • Các Sách Minh Triết và Thánh Vịnh
Có thể nói các sách Minh Triết là một bộ sách quý giá của người Do Thái. Bộ sách toát lên một niềm tin ngời sáng của Dân Chúa vào nơi Chúa. Khi tìm hiểu các sách này, các sinh viên sẽ hiểu được rằng sự khôn ngoan đến từ nơi Chúa và các sinh viên cũng tìm ra được câu trả lời cho vấn đề sự dữ, đau khổ và cái chết trong niềm tin vào Thiên Chúa quyền năng và tình yêu.
150 Thánh vịnh là những tâm tình chân thật, là những lời ca tụng, tạ ơn, xin ơn và thống hối của dân Do Thái. Các Thánh vịnh cũng biểu lộ một niềm tin và đời sống hằng ngày của người Do Thái. Còn đối với Kitô giáo, Thánh vịnh là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu và là lời cầu nguyện chính thức của cả cộng đoàn Hội Thánh. Học phần này sẽ giúp cho những ai theo học hiểu và thích ứng giữa lời cầu nguyện trong Thánh Vịnh với cuộc sống hàng ngày.
  • Các Sách Ngôn Sứ
Với các sách Ngôn sứ, chúng ta thấy Thiên Chúa luôn can thiệp vào lịch sử nhân loại qua các trung gian là các tiên tri. Các tiên tri là những người được Chúa chọn và ban ơn để nói thay lời Chúa. Các tiên tri đóng vai trò tích cực trong việc giáo dục đức tin và đời sống Dân Chúa: có lúc răn đe cảnh cáo nhưng cũng có khi an ủi và khích lệ.
  • Tin Mừng Nhất Lãm
Tin Mừng Nhất Lãm bao gồm các tác phẩm viết về cuộc đời Chúa Giêsu của Thánh Matthêu, Marcô và Luca. Các sách này có một điểm chung là phần lớn các đề tài đều được trình bày giống nhau. Chỉ cần viết các đề tài này theo ba cột song song với nhau chúng ta sẽ thấy được điều đó.Khi tìm hiểu Tin mừng Nhất Lãm, chúng ta sẽ có một cái nhìn tổng quát về cuộc đời và lời rao giảng của Chúa Giêsu trên trần thế.
  • Sách Công vụ Tông đồ
Sách Công Vụ Tông Đồ là tác phẩm của thánh Luca. Sách thuật lại các hoạt động của các Tông Đồ thời Hội Thánh mới được khai sinh. Lời rao giảng đầu tiên tập trung vào Đức Giêsu Kitô, Đấng đã bị đóng đinh nhưng ngày thứ ba đã sống lại đúng như đã được loan báo từ trước. Không chỉ có thế, sách còn thuật lại sứ mạng “đi ra” của Hội Thánh. “Hội Thánh bắt đầu từ Giêrusalem đến tận cùng cõi đất”.
  • Các Tác Phẩm Của Thánh Gioan
Các tác phẩm của thánh Gioan bao gồm: Sách Tin Mừng thứ tư, ba lá thư và sách Khải Huyền. Trong mỗi tác phẩm của mình, dường như thánh Gioan muốn nhấn mạnh đến sự tiền hữu của Ngôi Lời, vai trò trung gian tuyệt đối của Ngôi Lời trong công trình sáng tạo và cứu chuộc (The Prologue to the Gospel of st. John), vai trò của Chúa Thánh Thần, sự hiệp thông trong Hội Thánh, lề luật căn bản của đời sống kitô hữu (các thư của thánh Gioan), Chúa Kitô là trung tâm của lịch sử, là Anpha và Omega (sách Khải Huyền), v.v.
  • Thư Hipri & Các Thư Chung
Thư Hipri có một dáng nét “khá riêng” so với các sách khác. Lá thư này trình bày Đức Giêsu linh mục. Ngài là Thượng tế của Giao ước mới thay thế cách vĩnh viễn cho chức thượng tế của Giao ước cũ.
Các thư chung có mục đích khuyên răn và chỉ dạy các kitô hữu sống theo ánh sáng của Chúa Kitô dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, để từ đó các kitô hữu chẳng những sống đức tin, đức cậy, đức ái mà còn làm chứng cho thế giới về một Đức Giêsu, Đấng mà mọi người trông đợi.
  • Các Thư Của Thánh Phaolô
Các thư của Thánh Phaolô chứa đựng nội dung mạc khải và thần học rất phong phú. Các thư này có một giá trị thực sự cho các kitô hữu muốn tìm hiểu, đào sâu và sống đời sống mới theo Đức Kitô.
  • Giáo Sử
Hiểu và đào sâu lịch sử của Giáo Hội là một việc làm rất quan trọng để hiểu biết, cảm thông và yêu mến Giáo Hội (Sentire cum Ecclesia). Vì vậy, những ai theo học tại Học Viện này sẽ có cơ hội như được “sống cùng dòng chảy” của Giáo Hội qua những biến cố vào từng thời kỳ quan trọng.
  • Lịch Sử Giáo Hội
Môn học trình bày lịch sử Giáo Hội qua từng thời kỳ: bắt đầu từ ngày lễ Ngũ Tuần, thời Giáo Hội Tây phương bị bách hại, Kitô giáo được tự do và phát triển dưới thời hoàng đế La mã Costantino, dọc theo lịch sử đến Thời Trung Cổ, Giáo Hội Chúa Kitô bị phân tách năm 1054, thời Tin Lành cải cách (Thệ phản-Protestant), Anh giáo và các giáo phái khác, đến thời hiện đại. Lịch sử Giáo Hội không tách khỏi lịch sử con người, vì vậy, lịch sử này có những lúc thăng lúc trầm nhưng trên hết Giáo Hội của Chúa Kitô luôn đứng vững dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
  • Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam
Môn học sẽ cho ta thấy rằng so với lịch sử của Giáo Hội hoàn vũ, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam còn rất non trẻ. Một Giáo Hội tuy nhỏ bé nhưng rất kiên vững trong đức tin khi gặp thử thách. Cơn bách hại càng dữ dội thì lòng tin của người tín hữu càng kiên vững và phát triển đúng như lời Tertuliano nói: “Máu các thánh tử đạo là hạt giống trổ sinh những kitô hữu”. Môn học cũng giúp cho các sinh viên hiểu được từng bước phát triển của Giáo Hội: từ lúc đón nhận Tin mừng (1533) đến những giai đoạn hình thành, trưởng thành và phát triển đến hôm nay.
  • Công Đồng Vaticano II
Học phần này giúp các học viên hiểu tinh thần của Công Đồng là: Ecclesia Christi, Lumen Gentium. Đây là Công đồng được coi là lớn nhất trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo với 16 Văn kiện, 4 Hiến chế, 9 Sắc lệnh và 3 Tuyên ngôn. Học phần không có ý tìm hiểu hết các Văn kiện, Hiến chế, Sắc lệnh hay Tuyên ngôn mà chỉ tìm hiểu một cách khái quát. Đặc biêt, học phần sẽ đào sâu Sắc lệnh về việc Canh tân đời sống Dòng Tu (Perfectae Caritatis) nhằm giúp cho đời sống thánh hiến thích nghi với thế giới đương đại.
  •  Chương Trình Thần Học
Chương trình Thần học của Học Viện Thần Học Têrêsa Avila Bùi Chu trải dài 3 năm. Trong 3 năm học này, Học Viện giúp cho những ai theo học tại đây có khá năng thủ đắc một nhận thức cơ bản về những chân lý mà Thiên Chúa đã mạc khải nơi Đức Giêsu Kitô và về kinh nghiệm đức tin của Giáo Hội từ mấy ngàn năm nay.
Ở năm học đầu tiên của Học Viện, các sinh viên sẽ được học những học phần “nhập môn”. Đây là những học phần nền tảng, là cửa ngõ dẫn vào thần học và đức tin. Vì thế, Học viện luôn coi trọng các học phần này. Sau khi đã có những khái niệm nhập môn, các sinh viên của nhà trường sẽ được đào sâu nghiên cứu vào chính các lãnh vực này ở những năm học tiếp theo.
  • Dẫn Vào Thần Học
Dẫn vào thần học là cửa ngõ đi vào thần học. Đây là học phần rất quan trọng nên không thể thiếu trong chương trình đào tạo. Học phần đưa ra một cái nhìn tổng quan về bộ môn Thần học: các phương pháp, đối tượng, mối tương quan giữa thần học với các môn học khác.
  • Thiên Chúa Duy Nhất và Ba Ngôi
Chúng ta biết rằng Thiên Chúa là Đấng Duy Nhất nhưng lại có Ba Ngôi. Dựa vào mạc khải, truyền thống các giáo phụ, suy tư của các thánh tiến sĩ, các văn sĩ Kitô giáo, các nhà thần học, vv, các sinh viên theo học tại Học viện sẽ được thụ huấn môn học nền tảng này một cách cơ bản và chắc chắn.
  • Kitô Học
Kitô học vẫn được xem là môn trọng tâm của thần học. Môn học đề cập đến ý nghĩa và tầm vóc của việc tuyên xưng đức tin Kitô giáo: Đức Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng cứu độ duy nhất. Môn học này sẽ trình bày “thân thế và sự nghiệp” của Chúa Giêsu. Tiếp đến, môn học sẽ đề cập đến niềm tin của các tín hữu thời Hội Thánh khai sinh và những suy tư, kinh nghiệm sống đức tin theo dòng chảy của thời gian.
  • Thánh Linh Học
Môn học này không đứng độc lập với những môn thần học khác nhưng nó được kết nối với một tổng thể hài hòa. Môn học giúp cho các sinh viên hiểu căn tính, vai trò và sứ mạng của Chúa Thánh Thần trong công trình sáng tạo, cứu độ, hướng dẫn và hoàn tất lịch sử.
  • Giáo Hội Học
Thiên Chúa có ý định thiết lập Giáo Hội từ muôn thuở. Giáo Hội được chuẩn bị từ thời Cựu Ước và được Chúa Giêsu thiết lập vào thời Tân Ước. Ngày khai sinh của Giáo Hội là ngày lễ Ngũ Tuần. Đức Giêsu chỉ thiết lập một Giáo Hội. Chỉ những ai ở trong Giáo Hội mới được cứu độ. Giáo Hội là một thực tại mầu nhiệm vừa hữu hình vừa linh thánh. Giáo Hội được sánh ví như là Dân Chúa, là đàn chiên, vv. Giáo Hội có 4 đặc tính: duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Giáo Hội có các Bí tích như là những phương thế tuyệt hảo đem lại ơn cứu độ. Sứ mạng của Giáo Hội là ad gentes. Giáo Hội được lãnh đạo bởi Đức Kitô và Ngài đã trao sứ mạng ấy cho Phêrô và những vị kế nhiệm Phêrô. Giáo Hội của Đức Kitô có nhiều thành phần và được nối kết với nhau xung quanh Đức Kitô là Đầu. Chúa Thánh Thần là nguyên lý của sự hiệp nhất. Sau cùng, từ thực tế lịch sử, Giáo Hội không ngừng canh tân, cổ võ sự hiệp nhất giữa các Giáo hội Kitô, đối thoại liên tôn và cổ võ xây dựng một xã hội trần thế theo ánh sáng của Tin mừng.
  • Thánh Mẫu Học
“Đức Trinh Nữ Maria là thành phần trổi vượt của Hội Thánh”. Thánh Mẫu học suy tư và trình bày Đức Maria trong tương quan với Chúa Kitô, với Giáo Hội và toàn thể nhân loại dựa trên nền tảng Thánh kinh và truyền thống của Giáo hội. Thánh Mẫu học cũng đào sâu và trình bày các đặc ân, vị trí và vai trò của Đức Maria trong công trình cứu độ. Không chỉ có thế, Đức Maria còn là mẫu gương tuyệt hảo trên con đường nhân đức và là một người Mẹ thiêng liêng của mỗi chúng ta.
  • Bí Tích Học
Môn học trình bày Đức Kitô là tác giả các Bí tích. Giáo Hội sống và cử hành các Bí tích trong cuộc sống hàng ngày. Môn học cũng trình bày cách tổng quát về các Bí tích và sau đó sẽ triển khai cách sâu sắc từng Bí tích: nền tảng, ý nghĩa, nội dung và hiệu quả của mỗi Bí tích cùng với những điều kiện để cử hành và lãnh nhận.
  • Cánh Chung Học
Khi thời gian của lịch sử vũ trụ khép lại theo ý định của Chúa, Đức Kitô sẽ xuất hiện trong vai trò là một thẩm phán. Ngài sẽ tách biệt người lành và kẻ dữ như người ta tách biệt chiên với dê. “Thế giới cũ sẽ qua đi và biển cũng không còn nữa” (Kh 21,1). Một Trời Mới Đất Mới sẽ xuất hiện. Cánh chung học sẽ bàn về“những sự sau cùng” của con người và của thế giới trong niềm hy vọng vào Đức Kitô phục sinh.
  • Thần Học Luân Lý Tổng Quát
Thần học luân lý tổng quát đề cập đến những khía cạnh chung nhất của luân lý Kitô giáo dựa trên nền tảng Thánh Kinh và truyền thống của Giáo Hội. Vì vậy, môn học giúp cho các sinh viên hiểu biết các hành vi nhân linh, tự do, trách nhiệm của lương tâm, các chuẩn mực luân lý, tội lỗi, các giới răn, luật tự nhiên, vv.
  • Thần Học Luân Lý Chuyên Biệt
Thần học luân lý chuyên biệt chính là sự đào sâu những khía cạnh đã đề cập đến trong phần luân lý tổng quát. Các lãnh vực được đào sâu bao gồm: luân lý xã hội, luân lý tính dục, luân lý sự sống, luân lý về các nhân đức, giáo huấn xã hội của Giáo Hội dưới ánh sáng Công Đồng Vatican II...
  • Giáo Luật Đời Sống Thánh Hiến
Học phần trình bày những khái niệm cơ bản và những hình thức khác nhau của đời sống thánh hiến trong Giáo Hội. Các khía cạnh quan trọng khác cũng được tìm hiều và đào sâu như: việc thiết lập, sáp nhập, liên hiệp và liên kết, giải thể một dòng tu hay tu hội thánh hiến; quyền tự trị, luật chung và luật riêng, tương quan giữa các dòng tu, tu hội với các phẩm trật trong Giáo Hội; quyền lợi và nghĩa vụ của dòng tu, tu hội với các thành viên; việc thâu nhận ứng sinh và đào tạo tu sĩ; giáo luật về việc các thành viên rời bỏ dòng tu hay tu hội.
  • Thần Học Đời Sống Thánh Hiến
Đời sống thánh hiến đã có một chiều dài lịch sử hình thành và phát triển. Đời sống thánh hiến luôn là dấu chỉ của thời cánh chung và là gương mẫu tốt lành trong Giáo Hội. Đây là môn học quan trọng trong chương trình đào tạo của Học viện. Dưới ánh sáng của Lời Chúa và được định hướng bởi Công Đồng Vatican II, môn học sẽ triển khai các khía cạnh như: những khái niệm căn bản về đời sống thánh hiến, các lời khuyên Tin mừng, các hình thức đời sống thánh hiến trong Giáo Hội, tương quan giữa đời sống thánh hiến với Giáo Hội và xã hội, v.v.
  • Truyền Giáo Học
Truyền giáo học trình bày “căn tính”, sứ vụ (missio), tính khẩn thiết của việc truyền giáo, tức là: Phúc Âm với các nền văn hóa. Truyền giáo học cũng cố gắng đào sâu Sắc lệnh về Hoạt động Truyền Giáo của Giáo Hội (Ad Gentes), Tuyên ngôn về những liên lạc của Giáo Hội với các tôn giáo Ngoài Kitô-giáo (Nostra Aetate), để các học viên thấu đạt tinh thần của Giáo Hội dưới ánh sáng Công Đồng Vaticano II.
  • Phụng Vụ
  • 1. Phụng Vụ Tổng Quát
Việc giảng dạy Phụng vụ giúp cho các nữ tu hay những học viên theo học tại Học viện hiểu và sống các mầu nhiệm cử hành cách hài hòa và sống động. Môn học sẽ triển khai: khái niệm, đối tượng, nội dung, tác giả, thừa tác viên của phụng vụ thánh và những khía cạnh khác của phụng vụ Kitô giáo.
  • Năm Phụng Vụ
Học phần này sẽ triển khai các khía cạnh của ơn cứu độ được thực hiện nhờ Đức Giêsu Kitô. Mầu nhiệm cứu độ ấy được diễn tả trong phụng vụ. Năm phụng vụ bao gồm các mùa: mùa Vọng, mùa Giáng sinh, mùa Chay, mùa Phục sinh và mùa Thường niên. Qua việc tìm hiểu này, các học viên sẽ hiểu và tham gia cách tích cực và sống động mỗi khi tham dự hay cử hành phụng vụ.
  • Thánh Nhạc
Thánh nhạc là loại âm nhạc dùng trong Thánh lễ, trong các nghi lễ cũng như trong các sinh hoạt đạo đức của các tín hữu Công giáo. Học phần thánh nhạc triển khai những hướng dẫn, quy định của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích và của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, nhờ đó,các học viên có một kiến thức cơ bản để chọn bài hát và nhạc cụ sao cho phù hợp với tinh thần phụng vụ, để giúp cho cộng đoàn tham dự tích cực và dễ nâng tâm hồn lên tới Chúa. Bên cạnh đó, học phần cũng giới thiệu cho các học viên những kỹ năng căn bản về xướng âm và cách điều khiển ca đoàn.
  • Mục Vụ
Mục vụ là một trong những chiều kích trong chương trình đào tạo tại Học viện. Thành công hay thất bại trong công tác mục vụ phần lớn hệ tại lòng nhiệt thành, tình yêu đối với Giáo Hội, niềm vui trong sứ vụ và mối tương quan đối với mọi thành phần trong Hội Thánh.
  • Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo
Trình bày những điểm căn bản của Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, nhằm giúp những ai theo học tại đây có một nền tảng giáo lý vững chắc trước khi bước vào các môn triết học và thần học ở Học viện. Không chỉ có thế, Học viện cũng rất chú trọng đến môn học này, vì qua việc dạy và học, các sinh viên sẽ thủ đắc được những kiến thức giáo lý để từ đó áp dụng vào đời sống mục vụ và tông đồ của mỗi người.
  • Phát Triển Cộng Đồng Dưới Ánh Sáng “Deus Caritas Est”
Phát triển cộng đồng là môn học mà ở đó, chúng ta hướng tới những con người cụ thể với những vấn đề của riêng họ, của môi trường xã hội mà họ đang sống. Khóa học này sẽ giúp cho các sinh viên một cái nhìn tổng quát về “một cộng đồng”, những vấn đề của cộng đồng và hướng giải quyết tốt nhất dưới ánh sáng của “Deus Caritas Est”.
  • Khóa Dẫn Chương Trình
Học viện cũng sẽ tổ chức khóa MC. Tham gia khóa học này, các học viên sẽ được trang bị những kỹ năng cơ bản để trở thành một MC, một người dàn dựng chương trình, một người có khả năng diễn thuyết trước công chúng, v.v.
  • Khóa Học Nâng Cao Về Linh Hoạt Viên, Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể
Để việc giảng dạy giáo lý và làm mục vụ tại các giáo xứ của các học viên đạt được nhiều thành quả hơn, Học Viện mở khóa học Linh Hoạt Viên, tập huấn phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể. Với các khóa học này, các học viên sẽ được học và thực hành các lãnh vực liên quan trực tiếp đến phong trào thiếu nhi như: Kỹ năng làm MC, tổ chức các chương trình và sự kiện lớn nhỏ, phương pháp hàng đội, cách tổ chức họp nhóm, kỹ năng sinh hoạt, v.v.
  • Ngôn Ngữ
  • 1.  Việt Văn
Môn học này giúp cho các sinh viên rèn luyện 2 kỹ năng đọc và viết. Chẳng những đọc và viết đúng Tiếng Việt, các sinh viên khi tham gia khóa học còn có khả năng đọc truyền cảm và viết văn hay. Bên cạnh đó, môn học cũng sẽ giúp cho các sinh viên phong phú hóa Tiếng Việt trong cuộc sống cũng như trong học tập và nghiên cứu.
  • Tiếng Anh , Tiếng Pháp, Tiếng Ý
Học phần này nhằm cung cấp và bổ sung kiến thức ngữ pháp và từ vựng, giúp cho các sinh viên có được một nền tảng cơ bản về Anh ngữ với các khả năng nghe, nói và đọc viết. Từ những kiến thức cơ bản được học, các sinh viên sẽ có những cơ hội tốt hơn trong tương lai để nghiên cứu chuyên sâu và học tập hầu đạt được một trình Anh ngữ lưu loát và tự tin khi giao tiếp với người ngoại quốc.
  • Luận Văn Ra Trường
  • Các Bài Luận Văn
Luận văn tốt nghiệp được áp dụng cho các sinh viên năm cuối của chương trình học. Đây là cơ hội giúp sinh viên đúc kết và đào sâu những kiến thức mà mình đã thu lượm được qua mỗi giai đoạn học tập. Ban Đào Tạo cũng có thể nhờ đó mà đánh giá công tác giảng dạy của mình và biết được năng lực của mỗi sinh viên. Từ đầu chu kỳ học, sinh viên có thể đăng ký đề tài do chính mình lựa chọn hay do sự gợi ý của các giáo sư. Ban Đào Tạo có trách nhiệm xem xét phê chuẩn đề tài và phân công các giáo sư hướng dẫn. Mỗi tiểu luận có độ dài khoảng 20 trang A4, Margins: 3, Font: Times New Roman, size 12, line spacing 1,5.
  • Cách Tính Điểm Luận Văn
Luận văn ra trường của các sinh viên Học Viện Thần Học Têrêsa Avila Bùi Chu được tính tương đương với 14 credits. Điểm của luận văn ra trường sẽ được cộng với tổng số điểm của các môn học rồi chia trung bình.
  • Thang Điểm
Thang điểm của Học Viện được quy định như sau:
Hệ điểm
10/10
Xếp loại
5.0-6.4 Probatus D
(Pass)
Trung bình
6.5-7.9 Bene probatus C
(Good)
Khá
8.0-8.4 Cum laude
8.5-9.4 Magna cum laude B
(Very good)
Giỏi
9.5-10 Summa cum laude A
(Excellent)
Xuất sắc



 
***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập136
  • Máy chủ tìm kiếm49
  • Khách viếng thăm87
  • Hôm nay12,536
  • Tháng hiện tại531,039
  • Tổng lượt truy cập69,590,913
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây