Có chàng trai viết lên "cây Thập tự"

Thứ tư - 23/04/2025 04:55  90
unnamed 2“Có chàng trai viết lên cây, lời yêu thương cô gái ấy, mối tình như gió như mây, nhiều năm trôi qua vẫn thấy…”[1] là những lời ca thật nhẹ nhàng nhưng đậm chất trữ tình về tình yêu đôi lứa, đẹp nhưng không thành mà nhạc sĩ tài hoa Phan Mạnh Quỳnh muốn dùng để diễn tả mối tình đẹp của một cặp đôi yêu nhau, nhưng không thành. “Chàng trai viết lên cây” để diễn tả khối lòng của kẻ yêu. Trong bài hát, nhạc sĩ đã dùng những cụm từ rất thấm thía và đầy tính nhân văn để diễn tả một mối tình đẹp nhưng dang dở. Bài hát đã từng làm xao động nhiều tâm hồn, trong đó có nhiều người đã yêu, đang yêu và có thể sẽ yêu...

Ngày nay, trong một xã hội mà mạng xã hội phát triển, thậm chí nhiều bạn trẻ chạy theo lối sống phóng túng, yêu cuồng sống vội, coi tình yêu chỉ như những cuộc thử nghiệm hay trắc nghiệm rẻ tiền hoặc một trò chơi tình ái mau đến vội đi, thì hình ảnh có chàng trai viết lên cây có lẽ là một cái gì đó thật xa lạ, trẻ con cổ hủ và lỗi thời. Tuy nhiên, như một chân lý, trong bất cứ thời nào, tình yêu vẫn hiện hữu và làm nên cái chất của con người, cũng như làm cho sự hiện hữu của con người có ý nghĩ và mục đích. Có thể nói “tôi yêu, tôi hiện hữu và ngược lại tôi hiện hữu, tôi yêu”. Vì thế, dù vòng xoáy của xã hội và lòng người có làm vấy bẩn tình yêu, thì tình yêu vẫn sống, vẫn vươn lên, vẫn mãnh liệt và vẫn còn đó những tình yêu đích thực. Dẫu vậy, bên cạnh những cuộc tình viên mãn, thì cũng không thiếu những cuộc tình đẹp nhưng rồi vì một yếu tố nào đó vẫn dang dở và đổ vỡ. Nhưng chỉ có điều khác, trong thời đại công nghệ, thay vì viết lên cây như thời “ông bà anh”[2] thì người trẻ bây giờ có thể trải lòng khi “viết lên Face, lên mạng xã hội” lời yêu thương, những tâm sự của mình...

Trong cái nhìn đó, Thiên Chúa cũng là chàng trai đã, đang và mãi viết lên cây, Ngài yêu con người và vẫn viết lời yêu thương ấy không chỉ lên cây, cũng không chỉ lên Face… nhưng viết trong trái tim, lên tâm hồn, nơi sâu thẳm nhất của con người. Và tình yêu cho đi đến tận cùng ấy được diễn tả trọn vẹn khi Ngài viết lời yêu con người lên cây trường sinh mới là Thập Giá. Nơi “Cây Tình Yêu” huyền nhiệm này, Con Một Yêu Dấu của Thiên Chúa, một chàng trai si tình đã viết lên bằng chính máu của Ngài, để tái lập vĩnh viễn “mối tình” đã bị đứt gay do tội lỗi. Để rồi, cũng như những ai nhìn lên con rắn đồng trong sa mạc được sống (Ds 21,19), thì những ai với ý chí tự do, “nhìn lên” cây Thập Tự - Cây Trường Sinh, đón nhận Tình yêu cứu độ nơi Đức Ki-tô (Rm 10, 9), sẽ được cứu độ và sống mãi tình yêu trọn vẹn với Thiên Chúa…

1Quả vậy, Kinh Thánh là một bản tình ca với nhiều cung bậc cảm xúc, một lá thư tình giàu màu sắc, đầy nét tươi đẹp, nhưng cũng đẫm nước mắt, mà Thiên Chúa dùng để viết lên tình yêu với thụ tạo mà Ngài đã “trót yêu và mãi yêu” dù bao lần con người bội phản, bỏ đi hoang. Thiên Chúa là một “chàng trai si tình” và Ngài tuyệt đối trung thành với giao ước, với tình yêu thuở ban đầu mà Ngài đã kết ước với con người. Ngài đã viết lên “cây lịch sử cứu độ” những lời yêu thương tuyệt hảo với con người, những lời yêu không bao giờ đổi thay, dù đối tượng mà Ngài yêu là con người hết lần này tới lần khác bất trung. Những trang đầu Kinh Thánh vẽ lên “bức tranh tình” tuyệt đẹp giữa Thiên Chúa và con người: “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật. Rồi Đức Chúa là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Ê-đen, về phía đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra. Đức Chúa là Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác (St 2, 7-9). Tình yêu Thiên Chúa dành cho con người trong trình thuật sáng tạo được thể hiện qua sự chu đáo tuyệt vời. Trong trình thuật thứ hai về sáng tạo (x. St 2, 4b- 25)[3], ngay sau khi dựng nên con người, Ngài đã chuẩn bị những điều kiện lý tưởng nhất để con người được hiện hữu trong hạnh phúc và để yêu với một “loan phòng đầu tiên” thật lung linh huyền diệu, đầy đủ tiện nghi. Hẳn nhiên, chúng ta biết rằng vì yêu, yêu say đắm và muốn thông tỏ tình yêu mà Thiên Chúa đã dựng nên vũ trụ vạn vật, để như một lời yêu thương, món quà mừng cho sự hiện hữu của một thụ tạo mang tên “con người”.

1Thật lạ, Đấng là Tình Yêu, Đấng tuyệt đối, toàn năng, Đấng làm chủ muôn loài, Đấng mà không gì có thể thêm vào sự hoàn hảo của Ngài, lại yêu say đắm một thụ tạo yếu đuối bất toàn là con người. Ngài muốn “kết ước với con người bằng một giao ước vĩnh cửu” (St 9,16; 17,7; …). Cũng như Tình yêu nơi Ba Ngôi, Thiên Chúa muốn sẻ chia và cho con người được thông dự vào tình yêu của chính Ba Ngôi. Chính vì thế mà vẫn “có chàng trai viết lên cây và đang viết lên cây lời yêu thương con người ấy”. Chàng trai ấy là Thiên Chúa vì Ngài chính là Tình Yêu (1Ga 4, 8.16). Để thể hiện tình yêu “điên dại của Ngài”, Thiên Chúa đã dựng nên con theo hình ảnh chính Ngài (St 1, 26-27), nghĩa là có lý trí, ý chí tự do và linh hồn thiêng liêng, để con người được thông hiệp trọn vẹn tình yêu và sự sống thần linh của Ngài. Không những thế, Ngài đáp ứng mọi nhu cầu của con người khi ban tặng vườn địa đàng, cũng như hằng ngày đi dạo hàn huyên với con người. Đặc biệt, Ngài đã chọn cho con người một “trợ tá tương xứng” để họ thông hiệp và sẻ chia trọn vẹn nhất Tình Yêu mà Thiên Chúa muốn thông truyền (St 2,20).

Như thế, có thể nói, tình yêu mà Thiên Chúa muốn thông hiệp cách trọn vẹn nơi hai con người đầu tiên cũng chính là tình yêu tuyệt diệu mà Thiên Chúa dành toàn thể nhân loại. Thiên Chúa muốn con người, trong tương quan với Thiên Chúa, với đồng loại, với vũ trụ, với chính mình và nhất là qua tình yêu đôi lứa -“trợ tá tương xứng của mình”, họa lại cách hoàn hảo nhất tình yêu ấy khi nên “một xương một thịt”(St 2,24). Tuy nhiên, tình yêu Thiên Chúa dành cho con người không bao giờ là ép buộc, thiếu tự do. Trái lại, tình yêu ấy luôn có chỗ dành cho ý chí tự do, món quà cao quý mà Ngài liều lĩnh ban cho con người. Ngài chấp nhận rủi ro khi ban tự do cho con người, để “tình yêu thuở ban đầu” được triển nở và nên trọn vẹn khi con người biết dùng tự do để nhận ra tình yêu Thiên Chúa và thông dự vào tình yêu ấy. Tự do, khả năng chọn lựa mà Thiên Chúa tặng ban được diễn tả thật sống động trong Sáng Thế Kí: “Đức Chúa là Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác. Đức Chúa là Thiên Chúa truyền lệnh cho con người rằng: ‘Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn; nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết’” (St 2,9-10.16-17).

Và rồi điều mà Thiên Chúa chẳng muốn đã xảy ra. Trong khi một bên, Thiên Chúa trung thành tuyệt đối, thì bên kia, con người lại bội phản, phá hủy hôn ước ấy. Kinh Thánh mạc khải cho chúng ta thấy con người nhanh chóng lãng quên mối tình thuở ban đầu (St 3,6). Thay vì sử dụng tự do để thông hiệp trọn vẹn tình yêu với Thiên Chúa và với nhau, con người đã lạm dụng tự do, nghe theo tiếng gọi ngọt ngào của ma quỷ, bất tuân và sa ngã, phạm tội. Để rồi, hậu quả là vì tội mà con người bị đuổi khỏi vườn địa đàng, phải đau khổ và phải chết (St 3,20). Như thế, mối tình thuở ban đầu đẹp nhưng con người, vì sự trắc nết, sự yếu đuối, tự do sinh lòng kiêu ngạo đã phá vỡ giao ước tình yêu mà Thiên Chúa tặng ban thuở ban đầu ấy. Vì tự do, con người đã lựa chọn cái ác và tội lỗi, bỏ đi theo tiếng gọi của một ai khác khiến “chàng trai bơ vơ nhận ra như mất đi một bóng hình”[4]. Cũng như cô gái trong bài hát, con người đã không chung thủy sống trọn giao ước đầu tiên. Con người đã bỏ Thiên Chúa, đi hoang, nơi những chốn phồn hoa[5], sống theo những dục vọng và chạy theo những ngẫu tượng của mình. Để dù bao lần, trong dòng chảy lịch sử, những yêu thương mà Thiên Chúa khắc ghi tận tâm khảm con người lên tiếng, mời gọi họ trở về, thì cũng bấy nhiêu lần con người đã lãng quên và bỏ ngoài tai…

Tuy nhiên, Thiên Chúa không giống như chàng trai trong bài hát trên, bất lực tuyệt vọng chấp nhận“hai thân phận khác, dẫu tên người vẫn vậy”[6]. Trái lại, Thiên Chúa vì đã yêu con người bằng mối tình muôn thuở, nên Ngài vẫn dành cho con người lòng xót thương và không để con người phải hư mất (Gr 31,3). Khởi đi từ lời hứa cứu độ (St 3,15), Thiên Chúa dấn bước lên đường “tìm cho kỳ được” người yêu (x. Lc 15, 4.8) bằng cách dấn mình trọn vẹn vào trong dòng chảy lịch sử nhân loại. Ngài từng bước thực hiện dự án tình yêu cứu độ một cách tiệm tiến, kiên nhẫn và trọn vẹn. Kinh Thánh diễn tả tuyệt đẹp hình ảnh một Thiên Chúa vì yêu luôn miệt mài thực hiện công trình cứu chuộc con người để đưa họ trở về sống tình yêu thuở ban đầu, bất chấp sự cứng đầu cúng cố của con người. Cách cụ thể, chương trình cứu chuộc từng bước được thực hiện qua các tổ phụ, các ngôn sứ… nơi lịch sử Dân Thánh. Mặc cho bao lần con người vẫn ngoảnh mặt chạy trốn, chối từ và chống lại Ngài, thậm chí tìm cách giết Ngài, mà sự thực thì họ đã giết Ngài, Thiên Chúa vẫn không bao giờ bỏ cuộc. Trái lại, vẫn với một sự tự do lạ lùng, một tình yêu đến tận cùng. Điều này trước hết được thể hiện trong Cựu Ước, hình ảnh một Thiên Chúa như người chồng lên đường đi tìm, và chuộc con người như chuộc một cô gái điếm (Hs 1,2), một kẻ thật khó chấp nhận và tha thứ, vậy mà Ngài không những chuộc về mà lại còn yêu như “lúc mới yêu”, “đưa vào trong sa mạc để thổ lộ tâm tình” (Hs 2,16)... Tiếp đến, Tân Ước cũng cho chúng ta những hình ảnh một Thiên Chúa kiên nhẫn với con người qua các dụ ngôn như một mục tử tìm chiên lạc (Lc 15,4-6), hay như người cha nhân hậu chờ con về (Lc 15,11-32)… Và cuối cùng, tình yêu ấy đạt tới đỉnh cao và trọn vẹn nơi Con Một Yêu Dấu của Thiên Chúa là Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời Nhập Thể, Thiên Chúa thật và người thật.

Thật vậy, Kinh Thánh mạc khải cho chúng ta thấy dù sau bao lần tìm về, con người vẫn bỏ đi theo tiếng gọi của dục vọng và lối sống tội lỗi, nhưng Thiên Chúa vẫn không nản lòng. Trái lại, khi thời gian đến thời viên mãn, Thiên Chúa quyết định viết lời yêu thương trọn vẹn, khi sai chính Con Một Của Ngài là Đức Giê-su Ki-tô đến, nhập thể làm người, sống như con người và với con người, để thổ lộ tình yêu và để cứu độ con người. Chàng trai Giê-su đã dong duổi hoàn tất bản tình ca mà Thiên Chúa muốn tấu lên cho con người, qua lời giảng dạy, các phép lạ, cả cuộc đời… và cuối cùng, bản tình ca nhiệm lạ ấy, lời yêu thương huyền nhiệm ấy được viết một cách dứt khoát lên cây Thập giá, qua cái chết và sự phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô. Nơi Con Một yêu dấu, Thiên Chúa đã kí kết một giao ước vĩnh cửu không phải bằng chất liệu thông thường, nhưng bằng máu của chính Con của Ngài là Đức Giê-su Ki-tô. Để rồi, chính nơi cây Thập giá, Thiên Chúa kí kết với nhân loại một hôn ước tình yêu vĩnh cửu và không thể phá hủy. Nhờ giao ước vĩnh cửu ấy, tình yêu của Thiên Chúa được thông ban mãnh liệt, trọn vẹn và một lần cho tất cả, mang lại cho con người ơn cứu độ và sự sống muôn đời. Chính Chúa Giê-su đã khẳng định: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.” (Lc 19,10). Ngài đến, tìm và cứu nhưng gì đã hư mất bằng chính cái chết trên Thập giá và sự Phục sinh của Ngài.  Dẫu vậy, Thiên Chúa luôn tôn trọng tuyệt đối tự do của con người, để rồi dù qua lời yêu thương trọn vẹn mà Ngài viết trên Cây Thập giá bằng máu của chính Con Ngài, giá máu có sức mạnh cứu chuộc trọn vẹn và tất cả mọi người, một lần là đủ (x. Rm 6, 10), thì nơi đó vẫn còn chỗ cho tự do. Theo đó, chỉ những ai chấp nhận hồi tâm, trở về và tin vào Đức Ki-tô, Đấng đã chết và phục sinh, thì tình yêu của Thiên Chúa sẵn sàng ôm lấy, tha thứ và làm cho những người tin trở nên con cái trong nhà, trở thành hiền thê mới, mà nơi đó, con người mãi mãi được sống mối tình thuở ban đầu mà không một thế lực nào có thể phá hủy: “Ai tin vào người Con thì được sự sống đời đời ; còn kẻ nào không chịu tin vào người Con thì không được sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ ấy” (x. Ga 3,36).

Tắt một lời, Thiên Chúa, chàng trai si tình đã viết lên cây lời yêu thương đối với con người. Ngài vẫn đang và mãi viết lên cây những lời yêu thương ấy. Và trên hết, nơi Con Một là Đức Giê-su Ki-tô, Thiên Chúa đã viết viết lên cây Thập Giá lời yêu thương trọn vẹn với con người. Từ đó, Thiên Chúa không ép buộc nhưng khát mong toàn thể nhân loại trong tự do, nhận ra, đón nhận lời yêu thương bỏng cháy ấy, mà trở về với Ngài để được cứu độ và sống hạnh phúc muôn đời. Tóm lại, bản tình ca mà Thiên Chúa đã dệt cho và với con người vẫn tiếp tục với ”lời yêu thương cô gái ấy” lên cây Thập Giá, để rồi ước mong và khát vọng một ngày không xa, người yêu của Ngài là con người, nghĩa là toàn thể nhân loại, trong đó có mỗi người chúng ta, trở về và sống mãi mối tình thuở ban đầu, nơi đó không còn chia ly như mối tình trong bài hát hay trong cuộc sống hữu hạn và bất toàn của kiếp nhân sinh...

 

[3] Sáng Thế Kí trình bày hai trình thuật sáng tạo ở chương 1 và chương 2. Trong đó, trình thuật sáng tạo thứ nhất (St 1,1- 2,4a), Thiên Chúa đã sáng tạo trời đất, muôn loài trước khi dựng nên con người và đặt con người làm quản lý muôn loài.
[5] Ibid.
[6] Ibid.

Tác giả: Thất Nguyễn

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập559
  • Máy chủ tìm kiếm199
  • Khách viếng thăm360
  • Hôm nay35,684
  • Tháng hiện tại1,383,495
  • Tổng lượt truy cập86,635,224
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây