Văn hóa Việt tác động làm cho Công giáo Việt Nam trở thành tôn giáo đậm đà bản sắc dân tộc

Thứ tư - 15/09/2021 19:17  1808

Công giáo là một tôn giáo quốc tế có tính toàn cầu. Hiện tôn giáo này có mặt ở khắp nơi trên thế giới. Nhưng dù ở châu lục nào thậm chí xuất hiện ở những nước Hồi giáo, Ấn giáo, Phật giáo hay Chính thống giáo, người ta cũng dễ nhận ra chúng giống nhau từ hệ thống tổ chức, nghi lễ thờ tự, kinh sách, kiến trúc nhà thờ, tranh tượng và cùng vâng phục Giáo hoàng Rôma. Công giáo ở Việt Nam dù vẫn có những điểm chung đó, song có những nét riêng không lẫn vào đâu được. Đó là bản sắc văn hóa Việt : lòng yêu nước, sự cởi mở, bao dung,  sự gắn kết cộng đồng in đậm trong tôn giáo này. Bản sắc đó do chính người Việt xây dựng nên. Bài viết phân tích những nét bản sắc, văn hóa Việt Nam thể hiện trong Công giáo ở Việt Nam.
  1. Bản sắc Việt trong Công giáo Việt Nam
Công giáo là tôn giáo ra đời ở Trung Đông nhưng phát triển mạnh ở châu Âu. Khi được truyền vào Việt Nam, nó cũng mang theo cả văn minh, văn hóa của phương Tây vào. Công giáo trở thành cầu nối giao lưu văn hóa Việt Nam và thế giới. Các giáo sĩ Công giáo đã có công La tinh hóa chữ Việt thành chữ quốc ngữ tiện lợi ngày nay. Cũng chính tôn giáo này đã cung cấp cho đất nước nhiều danh nhân văn hóa như Nguyễn Trường Tộ, Hàn Mặc Tử, Trương Vĩnh Ký… và cả những lối sống tốt lành như hôn nhân một vợ, một chồng, gia đình bền vững. Nhưng ngược lại, văn hóa Việt Nam cũng làm giàu tôn giáo này, cải biến Công giáo từ tôn giáo xa lạ thành tôn giáo gần gũi với người Việt.

Trước hết, ngôn ngữ dùng trong Phụng tự được Việt hóa. Khởi đầu, Phụng tự chỉ có một ngôn ngữ duy nhất, đó là tiếng Latinh. Vì vậy mới có câu: “Các thày đọc tiếng Latinh/ Các cô con gái thưa kinh dịu dàng”. Nhưng ngay từ rất sớm, người Việt đã Việt hóa các danh từ riêng từ phương Tây vào cho dễ đọc, dễ hiểu như gọi đạo Deus là đạo Đức Chúa Trời; Dominioco đọc là Đa Minh; Benedicto đọc là Biển Đức; Vincente đọc là Vinh Sơn…

 Cũng về vấn đề tên gọi, nhưng là tên người: Người Việt lúc đầu khi gia nhập Công giáo thường mang một tên thánh bên Tây như Maria, Anna, Anre, Dominico… đến nỗi một giáo dân ở Phú Yên bây giờ được phong Á thánh cũng không biết tên thật mà gọi là Chân phước Anrê Phú Yên, thì về sau, chính các thừa sai ngoại quốc phải đổi thành tên Việt như Alexandre de Rhodes gọi là Đắc Lộ, Giám mục Pigneau de Behain gọi là Bá Đa Lộc, Linh mục Leopold Cadiere gọi là Cố Cả… để dễ hoà nhập với người Việt.

Liên quan đến khía cạnh ngôn ngữ, về thành ngữ Công giáo, mỗi địa phương cũng có cả kho những câu khái quát chỉ đặc điểm của vùng miền. Ví dụ Bùi Chu có câu: “Cha Phú Nhai, khoai chợ Chùa”. Chợ Chùa (Nam Trực) trồng nhiều khoai lang rất ngon, còn làng Phú Nhai (Xuân Trường, Nam Định) là đất có nhiều linh mục. Nơi đây có hơn 100 linh mục và 4 Giám mục Công giáo. Hà Nội có câu: “Quan làng Vụ, cụ làng Báng”. Quan chức thời nào Vụ Bản cũng lắm người xuất thân từ đây, còn linh mục ở xứ Xuân Bảng cũng vậy. Phát Diệm lại truyền khẩu câu thành ngữ: “Kinh cụ Thể, lễ cụ Sâm, mâm cụ Sáu, cháu cụ Thịnh”. Đấy là tên một số linh mục ở đây. Linh mục Thể khảo kinh hôn phối rất ngặt nghèo, linh mục Sâm làm lễ rất lâu. Mâm đồng của cụ Sáu Trần Lục để đặt lễ thì to như cái nong và cháu chắt linh mục Thịnh thì rất đông đúc.

Một số người Việt buổi đầu đã soạn Kinh thánh ra văn vần để dễ truyền tải đạo Chúa. Alexandre de Rhodes đã ghi lại:

2Người nổi bật nhất  và cũng là người thứ nhất trong đám người chịu phép Rửa tội và nhận đức tin chính là chị của Chúa. Bà rất thông thạo chữ Hán và rất giỏi thơ, chúng tôi gọi bà là Catarina…Còn con gái bà, công nương Catarina, rất ham hiểu biết và suy ngẫm các màu nhiệm của đạo và vì công nương đó rất giỏi về thi ca bản xứ nên đã soạn bằng thơ rất hay tất cả lịch sử giáo lý từ tạo thiên lập địa cho đến Đức Kitô giáng thế, cuộc đời, sự thương khó, phục sinh và lên trời của Người” [1].
  
Tiếc rằng 3.000 câu thơ “bằng tiếng bản xứ với cung giọng du dương” này đã bị thất lạc hết. Chỉ còn những bản “Sấm truyền ca”, “Tao đoạn kinh”… với 8.000 câu văn vần của linh mục Lữ Y Đoan ( 1613-1678) người Quảng Ngãi là còn đến ngày nay. Thơ của ông viết bằng chữ Nôm nhưng chuyển thể khá nhuần nhuyễn theo văn hóa Việt về nhân sinh quan và thế giới quan:


         “Loài người từ thủa A- đam
         Đua nhau xây dựng, nảy ham làm trời
         Một pho Kinh thánh ra đời
         Thiên niên vạn đại những lời do Thiên…
         Cơ trời sinh hóa, hóa sinh
         Ngũ hành thiên địa, tiến trình ngàn năm” .

Từ nhu cầu truyền giáo sao cho thuận tiện, một số giáo sĩ nước ngoài đã cộng tác với một số người Việt Nam để latinh hóa tiếng Việt thành chữ quốc ngữ; và những nhân sĩ yêu nước như nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục đã nhận ra giá trị của chữ quốc ngữ là một trong những kế sách làm mở mang dân trí:

Gần đây, mục sư người Bồ Đào Nha chế ra chữ quốc ngữ, lấy 20 chữ cái châu Âu phối hợp với 6 âm, 11 vần đánh vần theo lối hòa thanh mà đặt ra tiếng ta rất là giản dị, nhanh chóng. Phàm người trong nước, đi học nên lấy chữ quốc ngữ để ghi việc đời xưa, chép việc đời nay và thư từ thì có thể chuốt lời và đạt ý. Đó thật là bước đầu việc mở mang trí khôn vậy” [12].

Các giáo sĩ ở Nhật Bản, Triều Tiên, Trung Quốc cũng có chủ trương latinh hóa chữ viết ghi tiếng bản xứ, nhưng không thành công như ở Việt Nam. Điều này một phần là vì, văn hóa Việt, vốn có tính bao dung lớn, đã tiếp nhận chữ latinh khi thấy được lợi ích của nó.

Bản sắc Việt trong Công giáo ở Việt Nam còn thể hiện trong phụng vụ, nghi lễ.  Phụng vụ là những hoạt động của Giáo hội bao gồm thánh lễ, cầu nguyện, ca hát, lễ xướng và các loại hình nghệ thuật Công giáo. Lĩnh vực đầu tiên được chú ý là sách đạo. Công giáo không chỉ sớm dịch Kinh thánh ra tiếng Việt mà còn ra nhiều thứ tiếng dân tộc khác như Banar, Xtiêng, H’Mông… Cho đến hôm nay, Công giáo vẫn tiếp tục duy trì dạy tiếng, chữ cho người dân tộc thiểu số. Biết đọc, viết tiếng dân tộc là yêu cầu bắt buộc của các nữ tu, linh mục phục vụ các vùng dân thiểu số.

Trang phục theo truyền thống dân tộc cũng được các giáo sĩ Công giáo kể cả ngoại quốc cũng chấp nhận ngay từ buổi đầu. Người ta đã quen với hình ảnh các linh mục mặc áo the, khăn xếp như các ông đồ Nho thủa trước. Linh mục Martini có ghi sự kiện một linh mục Bề trên đến dự lễ giỗ chúa Trịnh Tráng do chúa Trịnh Tạc tổ chức ngày 29-12-1650 như sau:

Cha Bề trên tôn trọng phong tục địa phương, giữ đúng nghi lễ Việt Nam, đi chân không, mặc áo thụng, đầu đội mũ lục lăng cũng màu đen như áo thụng, phục sát mặt đất theo kiểu Việt Nam, làm chúa Trịnh rất hài lòng, bèn truyền cho nhạc nổi lên như khi chúa Trịnh vừa bái lạy xong. Mọi người đều bỡ ngỡ cho rằng, cha vừa được ban một chức tước quan trọng” [13].

Để so sánh, ta thấy cuộc tranh cãi về nghi lễ phương Đông (nghi lễ Trung Hoa) trong Giáo hội Công giáo xảy ra trong một thời gian dài hơn một thế kỷ (XVII- XVIII) qua 10 đời Giáo hoàng gây tổn thất nặng nề cho Giáo hội vì là một lý do dẫn đến chính sách cấm tôn giáo này ở Nhật Bản, Triều Tiên, Trung Quốc và Việt Nam. Mãi đến Huấn dụ Plane compertum est ngày 8-12-1939, Tòa Thánh mới cho phép tín đồ phương Đông được thờ cúng tổ tiên. Nhưng ở Việt Nam, nhờ sự thông thoáng của các giáo sĩ dòng Tên cộng với sự cộng tác của người Việt, nên vấn đề thờ cúng tổ tiên được giải đáp từ rất sớm, trước công đồng Vaticanô (1962-1965) rất nhiều. A. Rhodes trong bài giáo lý đầu tiên đã xác định, bất cứ ai cũng có ba cha phải thờ kính là, cha mẹ sinh ra thân xác, vua chúa trị nước và cha ở trên trời. Thảo kính cha mẹ là điều phải đạo:

Vì chưng ta có cha mẹ thi mới được thân xác này sinh ra mà chớ… Ta chịu ơn cha mẹ vì có chịu thai mà ta ở trong lòng chín tháng mười ngày, chịu khốn khó mà đẻ ra ta đoạn, ba năm bú mớm. Có khi mẹ cất của miệng mình mà cho con ăn, cũng có khi mẹ ăn miếng đắng mà miếng ngon để dành cho con. Lại có khi mẹ nằm chỗ ướt mà chỗ ráo để cho con nằm. Cha đẻ con đoạn thì nuôi nấng. Vì vậy có khi thì cha thức sớm chẳng ngủ mà làm nghề nọ, nghề kia, chạy ngược, chạy xuôi kiếm của mà nuôi con. Thật con thảo kính cha mẹ thì thậm phải” [2].

Có thể kể đến cả việc Giám mục Bá Đa Lộc đến khi qua đời vẫn trối lại là ủng hộ người Việt thờ cúng tổ tiên dù Giáo hội cấm đoán. Phải mãi đến Thông cáo ngày 14-6-1965, giáo hội Công giáo ở Việt Nam (x. 8, tr.142-144) mới chấp nhận việc thờ cúng tổ tiên và làm thành một nét độc đáo của người Công giáo Việt Nam là có nghi thức dâng hương trước di ảnh người quá cố.

Công giáo làm cho văn hóa Việt Nam phong phú thêm về văn học, nghệ thuật. Đó là nền văn học nghệ thuật Công giáo nhưng mang bản sắc văn hóa Việt. Khi Công giáo vào Việt Nam, do điều kiện địa lý, nên ở Việt Nam không có những sản vật để dâng lễ như lá ôliu trong ngày lễ Lá, họ đã dùng lá dừa thay thế. Ngày Tết, khi dựng cây nêu, họ đã kết hình Thánh giá trên cây nêu. Khi rước thì tổ chức như lễ hội làng. Cũng hội trắc, hội trống, hội kèn nam. Các bà thì áo tứ thân, nón lá. Các ông diện khăn xếp, áo the. Còn kiệu thánh cũng sơn son thiếp vàng. Ngồi trong nhà thờ cũng phân ra “nam tả, nữ hữu” như quan niệm người phương Đông. Có khác là thêm đội kèn đồng và ca đoàn hát phối bè nhạc 5 dòng theo tân nhạc.

Vừa là về văn học dân gian, vừa là về ngôn ngữ, Công giáo đã có cả kho thành ngữ, ca dao ghi lại lịch thời tiết, lịch sản xuất cho đến lịch lễ hội quanh năm. Ví dụ:
  • Lễ Ba Vua (6-1), chết cua , chết cá.
  • Lễ Rosa (7- 10) thì tra hạt bí
Lễ Các Thánh (1-11) thì đánh bí ra.
  • Lễ Các Thánh (1-11) gánh mạ đi gieo
Lễ Sinh nhật (25-12) giật mạ đi cấy…
  • Tháng giêng ăn Tết ở nhà
Tháng hai ngắm đứng, tháng ba ra Mùa.
Tháng tư tập trống, rước hoa,
Kết đèn, làm Tạm,chầu giờ tháng năm.
Tháng sáu kiệu ảnh Lái Tim
Tháng bảy chung tiền đi lễ Phú Nhai
Tháng tám đọc ngắm Mân Côi,
Trở về tháng chín, xem nơi chồng mồ.
Tháng mười mua giấy sao tua,
Quay qua một,chạp sang mùa ăn Chay.

Về âm nhạc, buổi đầu, thánh nhạc phổ biến bằng tiếng Latinh. Đến những năm 20 của thế kỷ trước, linh mục Vượng ở Nam Định, linh mục Đoàn Quang Đạt (1877-1956) ở Huế  bắt dầu dịch sang tiếng Việt và đến tháng 8-1945, nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh ra đời với chủ trương: “Về nội dung, phụng sự Thiên Chúa và Tổ quốc, về nghệ thuật lấy dân ca ba miền làm cấu trúc âm thanh” (x. 8, tr.160). Trong thánh nhạc đã vang lên các làn điệu dân ca từ quan họ Bắc Ninh, hát chèo Bắc Bộ,  hát then của đồng bào Nùng đến các âm thanh sôi động ở Tây Nguyên. Nhiều bài hát tiếng Việt đã rất thành công như “Đêm đông” của Hải Linh, “Kinh Hòa bình” của Kim Long…

Về hội họa, lúc đầu Công giáo giới thiệu cho người Việt biết nhiều tác phẩm kinh điển của các danh hoạ thế giới như “Đức Mẹ đồng trinh” của Rafael, “Bữa tiệc ly” của L. da Vinci …Nhưng các họa sĩ Việt Nam trăn trở: vì sao người Việt Nam cũng mang hình ảnh của Chúa mà tranh đạo lại chỉ vẽ người phương Tây? Thế là những bức họa Công giáo mang hình ảnh con người, phong cảnh dân tộc đã ra đời. Có thể kể “Giáng sinh” của Nguyễn Gia Trí, “Madalena dưới chân Thập giá” của Lê Văn Đệ, “Đức Mẹ Việt Nam” của Nam Phong (ảnh trên), hay loạt ảnh về Đức Mẹ trên giấy lụa của họa sĩ Nguyễn Thị Tâm…Nhìn tranh “Đức Mẹ Việt Nam”, dù không có bản đồ nước Việt dưới chân Đức Mẹ, người ta vẫn nhận ra một bà hoàng hậu Việt với trang phục truyền thống và cách ru con ngủ thì không lẫn vào đâu được.

Về kiến trúc cũng vậy. Buổi đầu truyền giáo chỉ có những kiến trúc nhà thờ theo lối gotic với các tháp chuông nhọn cao vút hay tháp chuông vuông kiểu Roman thịnh hành ở phương Tây. Nhưng đến cuối thế kỷ XIX, ở Việt Nam đã xuất hiện những nhà thờ Nam theo kiến trúc phương Đông mà tiêu biểu là nhà thờ Phát Diệm không chỉ là vật liệu gỗ, đá quen thuộc mà thấp thoáng cả  mái đình chùa, tam quan cổng làng nơi đây và tháp chuông cũng treo chuông Nam đánh bằng vồ  (ảnh dưới). Gần đây thì nhiều nhà thờ theo phong cách dân tộc có ở nhiều nơi như nhà thờ Lạng Sơn như kiến trúc nhà dài tám mái của người Tày, Nùng. Nhà thờ Pleichuet (Gia Lai) mái cao 35m như thể nhà rông của Banar…Nhiều nơi nhà thờ được thiết kế theo triết lý đông phương “thiên địa nhân nhất thể”. Cũng núi nhân tạo, hồ ao và họa tiết trang trí cũng đủ cả đào, cúc, trúc, mai. Cũng câu đối, long cốt chữ Hán và số gian nhà thờ thường số lẻ 5, 7 hay 9. Còn trong các bản kinh hay đọc ở nhà thờ như Kinh cầu Đức Bà bằng chữ Hán, vãn dâng hoa, vãn Hang đá… ai cũng dễ nhận ra hồn cốt nước Việt ở đó. .

Một thái độ thân thiện với các tôn giáo khác của Công giáo ngày nay cũng là nhờ tinh thần khoan dung của người Việt. Lúc mới du nhập vào Việt Nam, tôn giáo này vì là tôn giáo độc thần nên cũng không chấp nhận bất cứ tôn giáo nào khác. Tất cả đều bị coi là “đạo rối”, “đạo lạc”. Nhưng người Việt vốn dung hòa “bên cha cũng kính, bên mẹ cũng vái”, “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” nên không có loại trừ cứng nhắc. Dù lúc đó, đạo cấm thờ cúng tổ tiên, một số tín đồ Công giáo vẫn giấu bàn thờ tiên tổ trong buồng kín. Họ vẫn lén lút lên chùa thắp hương ngày rằm, mùng một. Bà con dù lương hay giáo vẫn yêu thương đùm bọc lẫn nhau ngay cả những năm tháng giới chức trách (the authorities) hà khắc với tôn giáo này, tôn giáo khác.  Khái niệm làng “xôi đỗ” đã nói lên lối sống chan hòa dù tôn giáo khác nhau. Một số hương ước như hương ước làng La Tính (Hoài Đức, Hà Nội) viết năm 1896 có đoạn:

Vì bản xã hai bên lương giáo tục lệ có khác nhau một phần, phải hội họp để bàn công việc hợp lý, hợp tình, chia giáp chia phiên, lập khoán ước mới quy định tục lệ các khoản, chia ruộng đất thờ thần phật, mọi người phải tuân theo. Tất cả các loại sưu thuế, đê điều, phu dịch, lương lính, lương dân và giáo dân đều coi là việc chung phải chấp hành. Hai bên chỉ phân biệt lương giáo mà thôi, còn người cùng làng có thể cùng dòng họ phải sống với nhau có lý, có tình” [4].
 
Vì thế, người khác tôn giáo ở Việt Nam có thể kết hôn với nhau chứ không còn phải ao ước nữa. Vua Bảo Đại và cô gái người Công giáo Nguyễn Hữu Thị Lan đã thành hôn năm 1934, trước Công đồng Vaticanô 2 hơn ba chục năm, với cam kết được lưu truyền trong dân gian rất tuyệt vời: “Quý hồ chàng có lòng thương/ Amen mặc thiếp khói hương mặc chàng”. Sau công đồng Vaticanô 2, Công giáo đã coi các tôn giáo khác là bạn, thì bầu khí chan hòa đó càng thêm ấm cúng.


Một đặc điểm quan trọng của Công giáo Việt Nam là đồng hành cùng dân tộc. Đặc điểm này được xây dựng bằng công sức, trí tuệ và bằng cả xương máu hàng triệu người Việt Nam.

Công giáo được truyền vào Việt Nam trong quá trình xâm chiếm thuộc địa của thực dân phương Tây, nhưng nhiều người Công giáo đã hành động và chứng minh họ cũng là người yêu nước, bởi trước khi là người Công giáo, họ đã là người Việt Nam. Nguyễn Trường Tộ (1830-1871) là một người như thế. Ông kiên trì gửi cho triều đình nhà Nguyễn tới 58 bản điều trần hiến kế làm cho dân giàu, nước mạnh đủ sức đánh thắng Pháp, dám đặt quyền lợi dân tộc lên trên quyền lợi tôn giáo. Ông là người đầu tiên đưa ra khái niệm”đồng hành”:

Giáo dân cũng do tạo vật sinh dưỡng và đạo giáo cũng do tạo vật bảo dưỡng huống chi giáo dân cũng là một thành phần nhân dân trong nước. Trong số đó, nếu có kẻ bội nghịch chẳng qua là một phần nghìn, phần trăm mà thôi…Bất kỳ trong đạo giáo nào, hễ ai phản nghịch loạn thường là người đắc tội trong tôn giáo, cứ áp dụng hình phạt không tha để cho tôn giáo được trong sạch. Còn ai yên phận tuân theo pháp luật thì để cho họ tự nhiên, có hại gì đâu? Đồng hành mà không nghịch nhau là được”(4 ].

Một số người Công giáo đã trực tiếp đứng lên khởi nghĩa đánh Pháp như Đội Vũ ở Nam Định năm 1884, Lãnh Phiên ở Quảng Bình. Một số gia nhập các phong trào yêu nước của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh. Khâm sứ Trung Kỳ E. Groleau đã báo cáo lên Toàn quyền Đông Dương ngày 11-2-1911 như sau:  

Những kẻ cầm đầu phong trào đã lôi cuốn vào hàng ngũ của họ nhiều linh mục, thày giảng Công giáo vùng Nghệ Tĩnh… Như vậy, qua trung gian những người ấy, họ đã tạo được một ảnh hưởng chính trị rộng rãi trong quần chúng Công giáo tại vùng này. Qua các linh mục ấy, một chiến dịch tuyên truyền chống chúng ta đã được phổ biến khá hữu hiệu trong các giới Công giáo. Và họ đã góp những số tiền quyên giúp khá lớn vào việc gia tăng ngân sách cho phe Cường Để” [8].

Nhiều giáo dân, tu sĩ đã bị Pháp bắt giam. Có linh mục bị kết án đày đi Côn Đảo như Đậu Quang Lĩnh, Nguyễn Thần Đồng hoặc chết trong tù như linh mục Nguyễn Văn Tường thuộc giáo phận Tây Đàng Trong, tức giáo phận Vinh ngày nay.

Cách mạng tháng 8-1945 nổ ra, 200 chủng sinh Xuân Bích xuống đường tuần hành trong ngày 2-9. Họa sĩ người Công giáo Lê Văn Đệ thiết kế lễ đài để Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, và nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên chỉ huy đội nhạc kèn cử bài “Tiến quân ca”, cũng là người Công giáo. Khắp các xứ đạo hân hoan chào mừng Tổ quốc độc lập. Các Giám mục người Việt lúc đó đã gửi điện văn cho Tòa thánh, các nước Anh, Mỹ và giáo dân toàn cầu xin ủng hộ chính phủ Việt Minh và độc lập của Việt Nam. Trong “Tuần lễ vàng” quyên góp ủng hộ Chính phủ mới, Giám mục Hồ Ngọc Cẩn của Bùi Chu đã tháo cả dây chuyền Giám mục ủng hộ. Nam Phương Hoàng hậu cũng đem hết tư trang ra ủng hộ chính quyền cách mạng. Nhiều người Công giáo đã tham gia vào các cơ quan của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với các chức vụ quan trọng như Giám mục Lê Hữu Từ, Hồ Ngọc Cẩn là Cố vấn Chính phủ, linh mục Phạm Bá Trực là Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội khóa I, ông Ngô Tử Hạ là Bộ trưởng Cựu chiến binh, ông Nguyễn Mạnh Hà là Bộ trưởng Kinh tế, bác sĩ Vũ Đình Tụng là Bộ trưởng Y tế…

Sau ngày Việt Nam thống nhất, lòng tự hào dân tộc, một nét đẹp của văn hóa Việt, đã được thể hiện trong bản Thư chung năm 1980 của các Giám mục Việt Nam. Chưa bao giờ trong văn kiện của Giáo hội lại có những lời kêu gọi hào sảng như thế này:

Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào đối với người Công giáo không những là tình cảm tự nhiên phải có mà còn là một đòi hỏi của Phúc âm… Lòng yêu nước của chúng ta phải thiết thực, nghĩa là chúng ta phải ý thức những vấn đề hiện tại của quê hương, phải hiểu biết đường lối chính sách của Nhà nước và tích cực cùng đồng bào toàn quốc góp phần bảo vệ và xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, tự do và hạnh phúc” [7].

Theo tinh thần của Thư chung 1980, bước vào công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, 7 triệu người Công giáo tiếp tục chung sức cùng đồng bào cả nước xây dựng đất nước bằng mọi khả năng của mình. Họ dấn thân vào các phong trào thi đua yêu nước “tốt đạo, đẹp đời”, đặc biệt là các hoạt động từ thiện bác ái.  Xã hội đã ghi nhận những tấm gương quên mình của các nữ tu ở các trại phong cùi, trung tâm chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS hay các lớp học tình thương như nữ tu Mai Thị Mậu (Di Linh, Lâm Đồng) được tuyên dương là “anh hùng thời kỳ đổi mới” năm 2006. Hàng ngàn tỷ đồng đã được người Công giáo quyên góp xây dựng quỹ khuyến học, vì biển đảo, xây dựng nông thôn mới, quỹ phòng chống covid-19… Nhiều người Công giáo cũng được trao các học hàm, danh hiệu cao như GS.NGND Lương Tấn Thành, GS. NGND Vũ Văn Chuyên, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Lương Ngọc Trác, nhà văn Nguyên Hồng, Bàng Bá Lân, Hồ Dzếnh, Thế Lữ…

Khi Việt Nam hội nhập quốc tế, xây dựng kinh tế thị trường, kinh tế, xã hội phát triển, nhưng cũng kéo theo nhiều tệ nạn xã hội phát sinh, nhất là nạn ma túy làm tan nát nhiều gia đình cũng như tương lai của nhiều thanh niên. Đứng trước hiện tượng này, Hồng y Phạm Đình Tụng - Tổng Giám mục Hà Nội - đã ra Thư chung kêu gọi:

Tôi khẩn thiết kêu gọi mọi người hãy chung tay, góp sức chặn đứng và tẩy sạch tệ nạn này ra khỏi gia đình và làng xóm chúng ta. Tôi đề nghị các cha rao giảng về tai hại của tệ nạn này để mọi người hiểu rõ. Mỗi xứ, họ cần có kế hoạch điều tra và phát hiện kịp thời số người nghiện hút. Các bậc cha mẹ phải thường xuyên theo dõi con em, không để chúng đi lại những nơi có nguy cơ bị lôi cuốn hay giao tiếp với những con nghiện.

Đối với những người đã trót nghiện, chúng ta hãy lấy tinh thần bác ái khuyên bảo và làm mọi cách giúp đỡ họ cai nghiện càng sớm càng tốt, nếu không bệnh của họ sẽ lây sang người khác một cách nhanh chóng như vết dầu loang” [10].  

Nhờ vậy, trong cộng đồng người Công giáo rất ít người vướng vào tệ nạn ma túy. Ở họ giáo Phúc Tân (Hoàn Kiếm, Hà Nội), trước đây là tụ điểm ma túy của thành phố, đến năm 2010 chỉ còn 3 đối tượng sử dụng ma túy đã được cộng đồng giúp đỡ cai nghiện tại nơi cư trú.

Về khía cạnh kinh tế, một mặt, bản thân người Việt Nam xưa có tâm lý coi thường thương mại nên gọi nghề này là “con buôn” vì trong thang bậc xã hội theo kiểu Nho giáo thì thương mại là nghề thấp kém nhất: “sĩ, nông, công, thương”. Khi các giáo sĩ sang truyền giáo đã dạy cho dân biết làm kinh tế “rẻ mua, đắt bán” hoặc cho vay lấy lãi hợp lý:

Hãy lấy tiền đặt nợ mà tậu ruộng cũng nên. Mùa nào rẻ thóc, rẻ hàng hãy mua, mùa nào mắc sẽ bán cũng nên.

Hoặc chẳng hay buôn bán, thì hãy hợp cùng người buôn. Mình sẽ ra tiền mà nó cũng ra công. Hoặc được lãi thì chia cùng nhau, hoặc lỗ vốn thì mình sẽ chịu thiệt vốn mình, nó sẽ chịu thiệt công nó, cũng nên” [5]. Người Công giáo Việt Nam, với tư duy văn hóa tiếp nhận cái mới của mình, đã lắng nghe và đổi mới, làm theo.

Mặt khác, trước đây, có những người Công giáo thường hiểu máy móc câu Kinh Thánh: “Người giàu có vào nước Thiên đàng khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim” nên sợ làm giàu. Các Giám mục Việt Nam đã phê phán các quan niệm sai lạc “trời sinh con, trời sinh cỏ” để hướng dẫn người Công giáo sinh đẻ có trách nhiệm cũng như nghĩa vụ giáo dục con cái :
“ Ngày nay, loài người đã đầy mặt đất, cần phải tính đến việc nuôi sống và giáo dục những mầm non của loài người. Đàng khác, mệnh lệnh sinh sản cho đầy mặt đất gắn liền với mệnh lệnh làm chủ mặt đất.Muốn thế, đứa con sinh ra phải được nuôi nấng và giáo dục nên người. Điều này đưa chúng ta đến những vấn đề cấp bách và nghiêm trọng hiện nay là vấn đề sinh sản có trách nhiệm và vấn đề giáo dục con cái” [TC 1992, số 11].

Nhờ sự hướng dẫn đó, rất nhiều làng nghề ở vùng Công giáo tại Hà Nội đã được khôi phục như làng làm nón ở Vác (Ứng Hòa), làm gốm Bát Tràng (Gia Lâm), trồng hoa Tây Tựu (Bắc Từ Liêm), trồng cây cảnh ở Phú Thượng (Tây Hồ)…Nếu năm 2010, thu nhập cao nhất của gia đình Công giáo tại Hà Nội là 500 triệu đồng thì năm 2019 đã có nhiều hộ đạt 1-2 tỷ đồng. Có người được tặng Bằng khen làm kinh tế giỏi của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội.

Nhiều vùng Công giáo đã tận dụng thế mạnh quan hệ quốc tế để xây dựng quê hương. Xứ Thanh Dạ (Quỳnh Thanh, Quỳnh Lưu, Nghệ An) có hơn 11.330 nhân khẩu đều là người Công giáo. Từ năm 1995 đến nay, kinh phí xây dựng cơ bản trung bình mỗi năm khoảng 3 tỷ đồng thì 30% là do đân đóng góp, 31,6% là ngân sách của Nhà nước, 13,2% của địa phương còn 26,2% là phần đóng góp của những linh mục quê hương đang sống ở Thụy Sĩ. Năm 1995, xây trường trung học của xã hết 647 triệu, linh mục Trần Minh Công ở Thụy Sĩ góp 468 triệu.  Năm 2004, xã xây nhà máy nước sạch hết 5,4 tỷ dồng, các linh mục và giáo dân ủng hộ 1 tỷ dồng. Tại giáo xứ Thanh Đức (Đà Nẵng), kinh phí xây nhà thờ hết 2.612 triệu đồng, giáo xứ quyên góp được hơn 400 triệu, còn lại là bà con Việt kiều đóng góp vào.

Phát triển làng nghề, phát triển kinh tế, như trên, cũng là một cách đưa văn hóa truyền thống Việt vào Công giáo Việt Nam. Ngoài ra, cần kể đến những đóng góp vào phong cách, đạo đức sống. Trong xã hội hiện đại, có hiện tượng tỷ lệ ly hôn ngày càng cao. Theo số liệu của Tòa án nhân dân tối cao, từ 1977-1982, ở Việt Nam mỗi năm trung bình có 5.672 vụ ly hôn. Đến năm 1991 tăng lên 22.049 vụ. Năm 1994 lên 34.376 vụ và năm 1995 là 35.684 vụ. Trong khi đó, ở xã Hải Vân (Hải Hậu, Nam Định), nơi có 6.000 giáo dân sinh sống suốt 18 năm (1982-2000) chỉ có 2 cặp vợ chồng ly hôn. Xứ Hà Hồi (Thường Tín, Hà Nội) có 1.500 nhân khẩu, nhưng từ năm 1945 tới nay chỉ có 2 đôi ly thân (12). Rõ ràng, Công giáo đem lại lối sống lành mạnh gìn giữ bền vững các gia đình. Mà gia đình ổn định cũng làm cho xã hội trật tự, an toàn hơn. Bởi sẽ ít đi những đứa trẻ hư hỏng do bố mẹ ly tán.

Khi dịch cúm Covid-19 lan tràn trên thế giới trong đó có Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra chỉ thị 16/CT về việc giãn cách xã hội để ngăn chặn bệnh dịch lây lan. Tất cả các giáo phận đều ra Thư chung hướng dẫn tạm dừng các thánh lễ công cộng. Thay vào đó là các lễ online trực tuyến trên internet. Mặc dù đầu tháng 4-2020 là lịch Phụng vụ Tuần thánh và Phục sinh với rất nhiều nghi lễ tâp trung đông người, nhưng ở hầu hết mọi nơi đều chấp hành tốt. Thư của Tòa Giám mục Xuân Lộc viết:

Mỗi người hãy tập sống thinh lặng, đọc Thánh kinh nhiều hơn, trở về với cõi lòng mình và thành tâm nhìn nhận những sai sót, yếu đuối mà van nài lòng Thương xót của Chúa. Các bậc ông bà, cha mẹ nhắc nhở con cái, cháu chắt cùng nhau tham dự thánh lễ trực tuyến, gia tăng lần chuỗi Mân Côi. Dùng lòng thương xót mà đối xử với nhau, xin lỗi, cảm thông, tha thứ và quảng đại với nhau hơn.

Trong mọi hoàn cảnh, xin các gia đình cùng quan tâm đến những khó khăn tinh thần hoặc vật chất của các gia đình xung quanh kể cả lương dân và di dân, tế nhị chia sẻ nâng đỡ họ với lòng Thương xót của Chúa” [11].

Theo hướng dẫn của các vị chủ chăn, rất nhiều hoạt động bác ái ở cả nước được tổ chức. Caritas Sài Gòn hỗ trợ những người không có việc làm như bán vé số, ve chai… mỗi ngày 2 bữa cơm trị giá 100 ngàn đồng cho tới khi hết lệnh phong tỏa. Một doanh nhân Công giáo ở Phan Rang (Phan Thiết) đã mở quán bán cơm 2 ngàn đồng/ suất và 1 ngàn đồng/2 kg gạo để hỗ trợ người nghèo. Lý do chủ quán đưa ra là lấy một số tiền tượng trưng như vậy để người nghèo không tủi thân vì đây là mua chứ không phải đi xin. Nhiều giáo dân đã ủng hộ tiền, gạo cho công cuộc chống dịch. Ở xã Thạch Hạ (Hà Tĩnh) có hàng chục giáo dân ủng hộ từ 1 đến 1,5 tấn gạo và cả chục triệu đồng như các ông Nguyễn Trung Hậu, bà Nguyễn Thị Pháp, ông Nguyễn Hồng Phong…Giáo xứ Thái Hà (Hà Nội) cũng đã phát ba ngàn phần quà yêu thương, mỗi phần có 10kg gạo và 1 chiếc khẩu trang cho người nghèo. Hay như trường hợp ở xã Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) bị phong tỏa vì nơi đây là ổ dịch Covid-19. Trong số 10 ngàn dân có 1.300 người Công giáo. Để người giáo dân an tâm, Tòa Giám mục Bắc Ninh đã cử đến đây 1 linh mục trẻ có học y khoa để làm mục vụ cùng với nhiều thiết bị phòng chống lây nhiễm.   Theo lời kêu gọi của HĐGMVN, các giáo phận đã ủng hộ hàng chục tỷ đồng về thành phố Hồ Chí Minh. Hàng ngàn linh mục, tu sĩ Công giáo đã tình nguyện đến phục vụ tại các bệnh viện để hỗ trợ các bệnh nhân bị covid-19 (ảnh dưới).

Công giáo du nhập vào Việt Nam góp phần làm phong phú văn hóa Việt Nam. Nhưng mặt khác, với lòng yêu nước và tinh thần sáng tạo, người Công giáo Việt Nam, văn hóa Việt Nam cũng đã làm phong phú tôn giáo này và cải biến một tôn giáo tưởng như xa lạ thành một tôn giáo gần gũi với văn hóa dân tộc, mang đậm bản sắc văn hóa Việt.

Tài liệu tham khảo
*Phó Viện trưởng Viện Trí Việt, Giám đốc Trung tâm Tôn giáo học
  1. A. Rhodes (1994), Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài, Tủ sách Đại kết, tr.206.
  2. A. Rhodes (1998), Phép giảng tám ngày, Tủ sách Đại kết, tr.18.
  3. Trương Bá Cần (1988), Nguyễn Trường Tộ- con người và di thảo, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh, tr.118.
  4. Kỷ yếu Tọa đàm khoa học Một số vấn đề văn hóa Công giáo từ khởi thủy đến đầu thế kỷ XX, Huế, tháng 10-2004, Lưu hành nội bộ tr.109.
  5. Hồng Nhuệ- Nguyễn Khắc Xuyên (1994), Lịch sử địa phận Hà Nội, Paris, Lưu hành nội bộ, tr.151.
  6. Niên giám Công giáo Việt Nam, Nxb Tôn giáo 2004, tr.244.
  7. Niên giám Giáo hội Công giáo (2005), Thư chung năm 2001, Nxb Tôn giáo, tr.250-251.
  8. Phạm Huy Thông (2004), Ảnh hưởng qua lại giữa Công giáo và văn hóa Việt Nam, Nxb Tôn giáo, tr. 180.
  9. Phạm Huy Thông (2005), Nửa thế kỷ người Công giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, Nxb Tôn giáo, tr.285.
  10. Phạm Đình Tụng (2000), Những chặng đường mục vụ tại Tổng giáo phận Hà Nội (1994-1999), Lưu hành nội bộ, tr.85-86.
  11. Tâm thư của Giám mục Đinh Đức Đạo, Tòa Giám mục Xuân Lộc ngày10-4-2020.

Tác giả: TS Phạm Huy Thông*

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập316
  • Máy chủ tìm kiếm28
  • Khách viếng thăm288
  • Hôm nay73,711
  • Tháng hiện tại664,900
  • Tổng lượt truy cập70,692,657
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây