Vài kỷ niệm về Đức Hồng y thứ 5 người Việt Nam

Thứ năm - 16/09/2021 22:56  1351
untitled3Thế mà thấm thoắt đã hơn 20 năm, kể từ ngày tôi lần đầu tiên được diện kiến với Đức TGM Nguyễn Văn Thuận. Tôi nhớ hồi giữa năm 1990, khi biết tin Mẹ Teresa Calcutta sắp sang thăm Việt Nam, tôi rất muốn viết một bài báo về Mẹ mà không kiếm đâu được tư liệu. Lúc đó internet chưa có, sách báo nước ngoài rất hiếm, chỉ có thể biết tin tức Công giáo bập bõm qua đài Veritas hoặc Vatican. Tôi đánh liều vào Toà Giám mục Hà Nội để mong gặp Ngài vì Ngài vừa mới được trả tự do về đây nhưng chưa được đi đâu vì không có giấy chứng minh thư. Gặp mấy cha quen biết để đề xuất, ai cũng lắc đầu cho rằng, chắc Ngài chẳng tiếp vì lúc đó tôi đang cộng tác với báo Người Công giáo Việt Nam. Tôi chạy tìm cha Toma Aquino Nguyễn Xuân Thuỷ đề nghị và hồi hộp chờ đợi. Mấy phút sau, Ngài xuống. Tôi đã xem ảnh Ngài nhiều lần nhưng vẫn ngạc nhiên khi gặp Ngài. Phải nói là Ngài có vóc dáng rất đẹp và phúc hậu. Ngài hỏi thăm về công việc, gia đình của tôi rất ân cần. Tôi băn khoăn về việc đang cộng tác với tờ báo Người Công giáo Việt Nam vì hiện ở Việt Nam không có tờ nào chính thức nào của giáo hội cả. Ngài bảo: không có gì Chúa dựng tạo là xấu cả. Chỉ có điều mình chưa làm cho nó trở nên tốt đẹp mà thôi. Anh xem, cây gỗ đóng đinh Chúa vốn là công cụ giết người mà Chúa đã làm cho nó nên vật thánh thiêng, là biểu tượng của đạo Công giáo đấy”. Tôi rất thích suy tư này và về sau có nói lại với Đức cha GB. Bùi Tuần. Đức cha Bùi Tuần rất tâm đắc và vẫn thường xuyên động viên tôi coi việc viết báo và nghiên cứu khoa học nghiêm túc cũng là một công việc truyền giáo.

Sáng hôm sau, Ngài cho người đưa cho tôi tờ giấy ghi khá kỹ về tiểu sử của Mẹ Teresa Calcutta kèm cả bức ảnh Mẹ nhận giải Nobel ở Oslo (Nauy) năm 1978 nữa. Bởi vậy, khi Mẹ đến Toà Tổng giám mục Hà Nội năm 1991, tôi vào biếu Mẹ tờ báo có bài “Thiên thần Calcutta đến Việt Nam” có cả ảnh, Mẹ cầm tờ báo thích lắm bảo: Làm sao vừa đến Hà Nội đã có báo đăng?”. Rồi Mẹ hỏi tôi: Báo này là báo gì? Tôi đáp: Báo Người Công giáo Việt Nam. Mẹ hỏi tiếp: Báo Người Công giáo Việt Nam của ai? Lúc đó vốn tiếng Anh của tôi  “terrible” (tồi tệ) lắm nên quay sang nhờ cô thông dịch viên của Bộ Ngoại giao. Cô giãy nảy lên: Cháu chịu không sao dịch được. Lập tức Đức TGM Nguyễn Văn Thuận quay lại nói: Báo Người Công giáo Việt Nam là của người Công giáo Việt Nam. Tôi cảm ơn Ngài về sự giúp đỡ này. Mẹ Teresa bảo tôi: Lần sau nếu có bài nào viết về Mẹ thì gửi cho Mẹ qua ông Đại sứ Ân Độ tại Hà Nội. Tôi có viết mấy bài nữa và gửi như lời Mẹ dặn. Không biết Mẹ có nhận được không?

untitled4Cũng vì mấy bức ảnh Ngài gửi tôi có chú thích trên báo rằng: Ảnh do Đức cha FX. Nguyễn Văn Thuận cung cấp mà tôi bị ông Phó Trưởng Ban Dân vận phê bình nặng lời (khi đó Báo trực thuộc Ban dân vận Trung ương, mặc dù tôi đã khéo léo không đề chức vụ TGM), vì cho rằng, tôi kém nhạy bén chính trị dám đưa tên một người mà xã hội đang muốn quên đi lên mặt báo. Ông dứt khoát chỉ đạo Ban tổ chức không nhận tôi về làm việc ở báo Người Công giáo Việt Nam nữa.

Rồi đoàn của Đức Hồng y Bernard Law của giáo phận Boston Hoa Kỳ sang thăm Việt Nam, tôi lại chạy vào xin Ngài tư liệu. Ngài cũng mau mắn giúp đỡ. Chữ của Ngài rất đẹp, chữ cao, thanh thoát và rất rõ ràng. Tôi vẫn còn giữ những bì thư đó như kỷ vật của Ngài.

Tôi nghe đồn rằng, lúc đó Việt Nam đang bị Hoa Kỳ cấm vận ngặt nghèo và Nhà nước muốn Ngài tác động với Tổng thống Carter và Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo 2 để Hoa Kỳ nới lỏng lệnh cấm vận vì nghe nói Ngài rất thân thiết với các vĩ nhân này. Ngài đã nhận lời. Không biết kết quả cụ thể thế nào nhưng năm 1991, khi Đức Cha Phạm Đình Tụng lúc đó đang là Giám quản Hà Nội có văn thư đề nghị Ngài làm TGM Hà Nội thì Nhà nước lo lắng thật sự vì trước đây Ngài được bổ nhiệm là TGM Phó tổng giáo phận Sài Gòn đã được coi như là “âm mưu hậu chiến của Vatican” nay lại về TGM Thủ đô thì làm sao chấp nhận được. Bởi vậy, bằng mọi cách người ta khuyên Ngài đi thăm bà cố ở Austrailia. Tôi nhớ hôm đó là ngày 21-9-1991, mặc dù mới chớm đông nhưng Hà Nội trời rất lạnh, tôi bám theo xe của Đức cha FX. Nguyễn Văn Sang ra sân bay Nội Bài để tiễn Ngài. Tôi có nghe nói loáng thoáng rằng, Ngài sẽ bị cấm quay về Việt Nam. Có lẽ Ngài cũng linh cảm thấy điều này. Ngài chụp ảnh kỷ niệm với mọi người và bắt tay từng người đưa tiễn. Ngài đứng giữa, gọi tôi đứng bên cạnh cùng Đức cha Sang. ( ảnh bên, rất đẹp do cha FX. Nguyễn Thế Khải- một linh mục được Ngài truyền chức bí mật chụp và tôi vẫn giữ đến hôm nay).  Khi bắt tay tôi, Ngài hỏi:

- Nhà báo dự đoán xem bao giờ tôi trở về Hà Nội?

Tôi đáp theo lối ngoại giao rằng:

- Đức Cha sẽ trở về Việt Nam với cương vị khác và màu phẩm phục khác.

Không ngờ đấy là lần cuối cùng tôi được gặp Ngài và cũng là lần cuối cùng Ngài được đứng trên mảnh đất quê hương.

Năm 2000, Uỷ ban giáo dân của HĐGMVN tổ chức hội thảo về Văn hoá Công giáo Việt Nam đầu tiên ở Huế quy tụ cả ngàn người tham dự có tiếng vang lắm nhưng cũng rất tốn kém. Khi đó tôi đang làm Thư ký cho Uỷ ban giáo dân liền trao đổi với Đức cha Chủ tịch FX. Nguyễn Văn Sang khi qua Roma nên nhờ Đức TGM Nguyễn Văn Thuận giúp đỡ và Đức cha Sang về cho biết. Ngài rất cổ vũ cho những hoạt động như thế và sẵn sàng vận động nguồn tài trợ giúp những cuộc hội thảo lần sau. Tiếc rằng sau đó, Ngài bị ốm phải nhập viện và qua đời nên không thực hiện được.

Khi Ngài được tấn phong Hồng y tháng 2-2001, tôi có viết bài: “Vài nét về vị Hồng y thứ năm người Việt Nam” ( cũng không dám viết tên). Một sĩ quan công an tên là M.V- cháu ruột của một ông tướng công an có tiếng gọi điện bảo tôi rằng, ông ta từng coi trại giam trong đó có tù nhân Nguyễn Văn Thuận. Khi tôi gặp ông, ông nói: “Tôi coi nhiều tù Công giáo nhưng có hai người tôi thán phục là ông Nguyễn Văn Vinh ( cha chính Vinh) và ông Nguyễn Văn Thuận. Họ thông minh, trí tuệ nhưng đặc biệt là nhẫn nhục và vị tha. Viên sĩ quan công an kể rằng, mới vào trại được mươi ngày, ông Thuận xin cán bộ trại giam mua hoặc mượn cho sách học tiếng Nga. Rồi mượn bộ Lênin toàn tập bằng tiếng Nga. Khoảng vài tháng, ông Thuận bảo:

- Các cán bộ có ai biết tiếng Nga không?

Vị công an hỏi lại: Ông cần làm gì?

Ông Thuận nói: Để cán bộ nghe tôi nói tiếng Nga thế nào?

Ông công an đáp: Kỷ luật trại không cho phép nói chuyện với phạm nhân bằng tiếng nước ngoài.

Thật ra, chúng tôi ai ở trong trường dù phổ thông hay đại học tại Việt Nam lúc đó chẳng học tiếng Nga nhưng học xong chữ thày trả thày cả, làm gì mà nói được tiếng Nga nữa nên nói tránh đi thế”.

untitled5Khi Ngài qua đời ngày 17-9-2002, tôi lại viết bài: “Tiễn người lên đường Hy vọng”. Mặc dù bài báo bị Ban biên tập cắt mất quá nửa nhưng cũng gây được cảm tình của bạn đọc. Lại một ông công an nhắn tôi gặp để kể cho nghe nhiều chuyện về người tù Nguyễn Văn Thuận. Ông bảo: tôi thật may mắn và hạnh phúc khi được coi tù nhân Nguyễn Văn Thuận. Chính vị tù nhân này đã giải phóng cho tôi khỏi ngục tù tội lỗi và tối tăm để quay về làm con Chúa”. Ông đã bỏ ngành công an và gia nhập đạo Công giáo để mang tên thánh Phaolô. Ông là nhà văn và là triết gia Nguyễn Hoàng Đức, bây giờ cũng sinh hoạt cùng nhóm Doanh Trí Công giáo với chúng tôi. Chắc chắn ông sẽ là một chứng nhân với phái đoàn điều tra của Toà thánh sắp tới khi sang Việt Nam để thẩm định về việc phong thánh của Ngài với bài: “Con đường đức tin vào Nước Chúa qua cây cầu Hồng y FX. Nguyễn Văn Thuận” nên tôi không muốn nói nhiều ở đây nữa.

Cho đến giờ, tôi vẫn không hiểu vì sao Nhà nước Việt Nam lại lo ngại về một con người hiền lành như vậy. Thậm chí cả đến những ai liên quan cũng bị nghi ngờ luôn. Trường hợp Đức cha Nguyễn Văn Hoà được đề cử về Hà Nội là một ví dụ đến nỗi Thủ tướng Phan Văn Khải trả lời các giám mục Việt Nam năm 2002 rằng: “việc giám mục Nguyễn Văn Hoà xin về Hà Nội xin từ nay không đề cập đến nữa”. Vì nghe đâu Đức cha Phao lô Hoà là do Đức cha Thuận tấn phong nên chắc có “liên hệ gì đó”. Tôi có lần nói chuyện với Đức cha Hoà về chuyện này. Đức cha cũng ngạc nhiên và chịu không thể  tìm ra lý do.

Ngài đã ở trại giam tới 13 năm trong đó có 9 năm biệt giam nhưng chưa hề nghe Ngài nói hay viết những lời ca thán, căm ghét chế độ hay thù hận những người đã bắt bớ, giam cầm Ngài. Mặc dù, hoàn cảnh ở trại giam rất tồi tệ. Ngài viết trong Chứng nhân và Hy vọng: “Ở trại Phú Khánh, tôi bị giam trong phòng không có cửa sổ, phải đi qua 3 lớp cửa trong một hành lang mới đến chỗ tôi. Vào đó nóng nực vô cùng, tôi ngột ngạt và cảm thấy trí óc mất sáng suốt dần dần, cuối cùng là mê man. Có lúc người ta để đèn sáng như ban ngày, lúc khác lại nằm trong bóng tối. Buồng vừa nóng vừa ẩm, đến nỗi khi tôi nằm dưới nền, nấm mốc mọc lên trắng cả chiếc chiếu của tôi. Lúc nằm trong tối tăm, tôi thấy có một lỗ dưới vách, ánh sáng dọi vào, tôi lao đến, kê mũi để thở. Lúc nào trời mưa, nước ở ngoài ngập, những con trùng ở ngoài bò vào, có cả giun và những con rết dài. Dù thấy vậy, nhưng tôi yếu mệt quá không làm gì được, tôi cứ dể chúng bò quanh, ngày nào nước xuống thì chúng lại bò ra”...

Thật ra, cũng có những mưu toan chính trị muốn lợi dụng Ngài. Năm 1973, khi thấy tình thế lâm nguy, đúng là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu có nhờ anh trai mình là Nguyễn Văn Hiếu lúc đó đang là đại sứ Việt Nam cộng hoà tại Italia xin Toà thánh bổ nhiệm Đức cha Nguyễn Văn Thuận làm TGM Sài Gòn nhưng Toà thánh không chấp nhận vì cho đấy là sự can thiệp của phần đời. Tài liệu số NT1/4-Lm 10/12 ở Bộ Tư lệnh cảnh sát quốc gia Sài Gòn còn ghi lại chuyện này. Còn việc chọn Ngài sau đó nhất là việc bổ nhiệm sát ngày Sài Gòn thất thủ (25-4-1975) rất dễ gây hiểu lầm nhưng trong bối cảnh bất khả kháng. Trong thư của ông Trương Tấn Sang- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân T.p HCM gửi cho Đức TGM Nguyễn Văn Bình ngày 22-9-1993 có viết: “Như Cụ đã biết, năm 1975, chính phủ ta đã không chấp nhận ông Nguyễn Văn Thuận về giáo phận thành phố và dứt khoát không bao giờ chấp nhận vì ông Nguyễn Văn Thuận từng gắn bó với một gia đình có nhiều nợ máu với nhân dân và bản thân ông Nguyễn Văn Thuận cũng có một quá trình lâu dài và tinh vi chống phá sự nghiệp giành độc lập và bảo vệ độc lập dân tộc”.

Về gia đình cựu Tổng thống Ngô Đình Diệm tốt xấu thế nào đã có nhiều bài viết, thiết nghĩ không cần nói thêm, chỉ biết rằng, chính Hồ Chí Minh cũng nhận định” Ngô Đình Diệm là người yêu nước theo cách của ông ấy”. Song dù gia đình thế nào, cũng chỉ ảnh hưởng chứ không thể quyết định đến việc xem xét một con người cụ thể. Còn về Đức cha Nguyễn Văn Thuận, chúng tôi cũng cố gắng tìm các tài liệu nhưng chưa thấy tài liệu nào trưng ra bằng chứng “chống phá tinh vi” như những lời cáo buộc. Chỉ tìm thấy một lời sám hối của linh mục Thanh Lãng - một trong những người đã ký tên đòi Đức cha Thuận phải rời Sài Gòn về Nha Trang được viết ngày 28-11-1988 như sau:

“Tôi xin công khai sám hối với Chúa và Hội thánh toàn cầu và Việt Nam. Lạy Chúa xin tha thứ cho con mọi lỗi lầm và ban cho con lòng tin, lòng trông cậy và ơn tha thứ.
Tôi xin công khai sám hối xin Đức cha Nguyễn Văn Thuận, xin Chúa giữ gìn  và trả công cho Đức cha.
Tôi xin công khai sám hối và xin lỗi tất cả vì tình anh em linh mục mà tôi vô tình hay cố ý làm mất lòng.
Tôi xin công khai và xin lỗi toàn thể dân Chúa mà tôi hối tiếc là chưa được phục vụ trong mục vụ.
Tôi xin mọi người tha tội cho tôi để Hội thánh và Chúa tha tội cho tôi.”

Nghe nói linh mục Thanh Lãng đã gửi một bản sám hối này cho Ngài trước khi đương sự qua đời song không thấy Ngài phản hồi. Có lẽ Ngài đã quên chuyện ấy từ lâu rồi. Vì Ngài đã phó thác tất cả cuộc đời Ngài cho Chúa. Ngài chỉ có nhiệm vụ sống từng giây, từng phú cho tốt, cho nên thánh mà thôi:  “Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh. Đường hy vọng do mỗi chấm hy vọng. Đời hy vọng do mỗi phút hy vọng” (ĐHV 978).

Tôi bỗng nhớ trong một lần đến xin tài liệu của Ngài, tôi hỏi: Làm sao để vào được Nước Trời?

Ngài trả lời bằng câu chuyện vui hóm hỉnh: Có một linh mục đạo đức lắm khi qua đời, gặp thánh Phêrô, thánh nhân hỏi: Trên trần cha làm được những công trạng gì? Vị linh mục đáp: Con chu toàn mục vụ, khuyên bảo kẻ tội lỗi, gíup đỡ người khó khăn, an ủi kẻ bệnh tật… Thánh Phêrô bảo: Cha được 1 điểm, còn gì nữa không? Vị linh mục hỏi lại: Vậy bao nhiêu điểm mới được lên Thiên đàng? Thánh nhân đáp: 1000 điểm. Vị linh mục kêu lên: Lạy Chúa xin Chúa thương thế nào chứ con lấy đâu ra 1000 điểm? Thánh nhân nói to: 1000 điểm nữa. Vậy là cha thừa điểm lên Thiên đàng rồi”.

Cho nên, dù mai đây kết quả cuộc điều tra phong thánh của Ngài thế nào thì tôi vẫn tin Ngài đã được hưởng vinh quang nơi Chúa vì Ngài luôn tin tưởng, phó thác vào tình yêu của Chúa.
  
                                                                                                        (Viết nhân lễ giỗ lần thứ 10 của Đức Hồng y F.X)                                                                                             
Chú thích ảnh trên: Đức Hồng y FX Nguyễn Văn Thuận dâng lễ trong nhà tù. Tranh sơn dầu của hoạ sĩ Paul Newton (Austrailia).

Ảnh dưới cùng: Nhà xứ Giáng Xá (Hoài Đức, Hà Nội), nơi từng giam giữ dài ngày Đức TGM F.X Nguyễn Văn Thuận. Cha xứ Giang Xá giới thiệu với đoàn thăm quan.

Tác giả: TS. Phạm Huy Thông

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập102
  • Máy chủ tìm kiếm55
  • Khách viếng thăm47
  • Hôm nay26,568
  • Tháng hiện tại486,066
  • Tổng lượt truy cập76,194,332
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây